GĐ Sở Y tế TP.HCM: "Thẩm mỹ chui" có xu hướng chuyển vào khách sạn, nhà trọ

Hoàng Thọ/VTC News,
Chia sẻ

Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, điều đáng lo ngại thẩm mỹ chui đang có xu hướng chuyển vào các cơ sở có thể né tránh cơ quan quản lý nhà nước như khách sạn, nhà trọ…

Thông tin tại kỳ họp thứ 10, HĐND TP.HCM Khoá X, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho hay, trên địa bàn TP có 7.087 cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ.

Tuy nhiên chỉ có 598 cơ sở là do Bộ Y tế và Sở Y tế cấp phép hoạt động (chiếm chưa đến 15% trong tổng số cơ sở), còn lại hơn 85% cơ sở là do UBND quận, huyện và TP Thủ Đức cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Theo luật định, các cơ sở này hành nghề mà không cần cơ quan chuyên môn của Sở Y tế thẩm định và cấp phép. Do đó, ngành y tế thành phố nhận định hoạt động thẩm mỹ trên địa bàn thành phố có nhiều thách thức.

GĐ Sở Y tế TP.HCM: "Thẩm mỹ chui" có xu hướng chuyển vào khách sạn, nhà trọ - Ảnh 1.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM. (Ảnh: Thành Nhân)

Nói về vụ nữ nạn nhân tử vong do sử dụng dịch vụ thẩm mỹ chui tại khách sạn vừa qua, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định hoạt động thẩm mỹ chui không mới nhưng luôn là thách thức lớn đối với ngành y tế thành phố.

"Thẩm mỹ chui trên địa bàn TP không phải là vấn đề mới nhưng đã trở thành một hiện tượng thách thức với các cơ quan quản lý Nhà nước. Điều đáng lo ngại khi hoạt động thẩm mỹ chui đang có xu hướng chuyển vào các cơ sở có thể né tránh cơ quan quản lý nhà nước như khách sạn, nhà trọ...", ông Tăng Chí Thượng nhận định.

Giám đốc Sở Y tế cho rằng, tất cả đại biểu HĐND TP và cả xã hội đều lên án, phẫn nộ với các hành vi trái pháp luật khi đã có những người không có chứng chỉ hành nghề lén lút thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở không phải y tế, thậm chí trong khách sạn, nhà trọ... gây ra những tai biến, thậm chí gây tử vong cho người có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ.

Quảng cáo không đúng phạm vi hoạt động dễ gây cho người dân hiểu nhầm và sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ chưa được thẩm định đủ điều kiện về đảm bảo an toàn trong y khoa và hoạt động hậu kiểm các cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ chưa được quan tâm và chú trọng đúng mức cũng được ông Thượng đưa vào thách thức chính đối với công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thẩm mỹ.

Về giải pháp tăng cường kiểm soát sự tuân thủ pháp luật của các cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn, ông Thượng đề xuất các cơ sở thẩm mỹ do Sở Y tế cấp phép, ngoài việc tăng cường công tác hậu kiểm các cơ sở đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật, Sở chủ động xây dựng Bộ Tiêu chí chất lượng và an toàn người bệnh đối với loại hình dịch vụ thẩm mỹ.

Sau đó tiến hành đánh giá chất lượng tất cả các cơ sở thẩm mỹ do Sở Y tế cấp phép và công bố rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế và được nhiều báo, đài đăng tải để người dân biết và chọn lựa khi có nhu cầu chăm sóc sắc đẹp.

"Bộ tiêu chí chất lượng và an toàn người bệnh của Bộ Y tế chỉ áp dụng cho loại hình bệnh viện, còn loại hình phòng khám thì không có, Sở đã kiến nghị chờ Bộ Y tế, Sở tạm thời tự xây dựng căn cứ và những quy định pháp luật hiện hành và thực tiễn của thẩm mỹ", ông Thượng thông tin.

Đối với các cơ sở do UBND quận, huyện và TP Thủ Đức cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, ông Thượng đề nghị cần phải tăng cường hơn nữa công tác hậu kiểm các cơ sở chăm sóc sắc đẹp do chính địa phương cấp phép, kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện cơ sở hành nghề ngoài phạm vi cho phép.

Theo ông Thượng, 6 tháng đầu năm 2023, Sở Y tế đã phát hiện 19 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ do UBND quận, huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Spa, chăm sóc da, thẩm mỹ viện, cắt tóc, gội đầu, phun xăm….), các cơ sở này cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

"Đã đến lúc cần phải có thêm những giải pháp quyết liệt hơn với sự phối hợp chặc chẽ hơn và đồng bộ hơn giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động thẩm mỹ chui”, ông Thượng khẳng định.

Chia sẻ