Gặp thầy lang giữ bí mật 7 đời về chữa vô sinh
Ông giữ trong tay ba loại thuốc chữa bệnh dạ dày, thấp khớp và vô sinh được dòng họ lưu truyền suốt 7 đời. Tất cả những loại thuốc này đều được ông giữ bí mật.
Gánh nghiệp 7 đời
Ngót nửa đời người, ông cặm cụi cần mẫn như cánh ong rừng lang thang khắp đầu sông, ngọn suối lục tìm cây thuốc chữa bệnh cho dân nghèo. Khi tuổi xế chiều, đôi chân mềm yếu như chú ngựa già, ông lại ôm cả kho sách y học để nghiên cứu và tự tay bốc thuốc chữa bệnh dạ dày, vô sinh, thấp khớp cho gần 10.000 người/năm. Ông là Lương y Phạm Trọng Hùng, ở số 0063 đường Cốc Lếu, TP Lào Cai.
Lương y Phạm Trọng Hùng dẫn tôi đến ngôi nhà nhỏ nằm bên đường Cốc Lếu. Đó là nơi mà ông cùng vợ, con chung sống, đồng thời cũng là kho thuốc, nơi người dân tứ xứ tìm đến than thở bệnh tình và xin thuốc chữa bệnh.
Dù nhà chật chội, nhưng ông vẫn dành không gian rộng nhất chiếm hơn nửa ngôi nhà để kê bàn thuốc, sách vở và kho thuốc. Phía ngoài chỉ đủ chỗ kê một bộ bàn ghế đã cũ để người dân đến xin thuốc có chỗ ngồi, uống nước.
Dù đã ngoài 50 tuổi, sức khoẻ không còn tốt như trước đây, nhưng ban đêm ông vẫn thức đến tận khuya để nghiên cứu sách y học, rồi sáng sớm tinh mơ hàng xóm, láng giềng đã thấy ông lóc cóc chạy bộ ven đường Cốc Lếu để rèn luyện sức khoẻ... Cuộc sống của người làm thuốc chỉ giản đơn, mộc mạc có nhường vậy nhưng lại được nhiều người quí trọng, càng tiếp xúc với ông càng thấy gã gần gũi, thân thiết như cây lim, cây nghiến giữa rừng.
Ồng phân trần: "Chẳng biết từ bao giờ, cái nghiệp thuốc từ 6 đời nay của dòng họ lại ám vào tớ như duyên, như nợ. Hồi mới lên 12 hay 13 tuổi gì đó tớ đã lọc tọc đạp xe đến các bìa rừng quanh đại ngàn Hoàng Liên Sơn để hái thuốc bán cho Hội Đông y Lào Cai. Thấy tớ thích nghề thầy lang, mỗi khi đi chữa bệnh cho người dân trong làng, ngoài xóm ông nội liền dắt tớ theo. Có lẽ cuộc đời tớ chìm vào cái nghề nghèo khó nhưng được nhiều người tôn kính từ đó.
Đến năm khoảng 27 - 28 tuổi, tớ một mình khoác ba lô lang thang đến những khu rừng ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đi tìm dược liệu quý. Thời gian đó giúp ích cho tớ rất nhiều, vì có nhiều loại thảo dược chỉ mọc ở vùng có khí hậu ấm như miền Trung, Tây Nguyên. Lúc ấy, tớ đã khoanh vùng được những cây thuốc quý ghi trong y thư, sau này khi có điều kiện tớ chỉ cần đến đó tìm là thấy".
Trong lúc ông đang chìm đắm cùng với những câu chuyện của một thời xa lắc xa lơ thì vài người bệnh kéo tới. Trong số đó có người mặc bộ trang phục cũ nát, ánh mắt thâm quầng vì lo lắng bệnh tật. Ông nhìn tất cả bệnh nhân một lượt rồi ân cần bắt mạch, kê đơn và cẩn thận nhặt từng sợi thuốc đưa cho người bệnh.
Ông kể: "Hoàn cảnh mấy người kia cũng giống gia đình tớ trước đây thôi. Năm 1962 cũng vì đói khát vì bom đạn chiến tranh và kiệt cùng nghèo khó mà ông nội đã rời quê hương Nam Định lên Lào Cai dựng nghiệp. Lúc đó tài sản duy nhất mà ông nội đem theo là kinh nghiệm của mấy đời bốc thuốc. Vì Lào Cai là một trong những vựa thuốc lớn ở phía Bắc, nên tiện cho việc thu hái cây thuốc chữa bệnh. Chỉ bằng những loại cỏ cây, hoa, lá ven rừng mà ông nội tớ đã chữa bệnh được cho rất nhiều người. Trong thời gian ngắn, tiếng tăm ông nội lan rất nhanh, chỉ cần đến Lào Cai hỏi thăm ông lang Đĩnh, tức ông nội tớ là nhiều người có thể chỉ dẫn đến tận nhà".
Theo Lương y Hùng thì, ngày mới thành lập Hội Đông y Lào Cai có trên 10 người, trong đó có ông nội ông. Nhưng hiện trong số trên 10 người đó chỉ một người có truyền nhân đó chính là ông nội ông. Điều này khiến ông tự hào, nhưng đó cũng là gánh nặng.
Ông kể: "Sinh thời, ông nội và cha tớ luôn dặn dò con cháu là không được bỏ rơi nghề thuốc, cái nghề bần hàn nhưng cao quý, không được thấy người nghèo mà chê, thấy người giàu mà làm nhiệt tình... Làm nghề phải đặt chữ đức lên trên. Lời dạy này tớ luôn ghi tạc trong lòng và không bao giờ quên. Đó cũng là gánh nặng khiến tớ phải cố gắng cứu chữa cho càng nhiều người càng tốt".
Chuyên trị 3 loại bệnh
Chị Nguyễn Thị Nguyệt Anh, một bệnh nhân của Lương y Hùng ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cho biết: "Gia đình tôi có 3 người bị bệnh dạ dày với thâm niên hơn 10 năm. Mỗi khi no, đói... đều bị đau. Đặc biệt, mẹ chồng tôi thường đau dữ dội ở vùng ức, bụng trái. Trước đây bà nặng 60kg khi bị dạ dày bà giảm cân còn 35kg. Trước tết âm lịch 2013, có người hàng xóm mách tôi đến nhà chú Hùng để lấy thuốc, sau khi dùng thuốc hơn một tháng vợ chồng tôi đã khỏi bệnh dạ dày. Riêng trường hợp của mẹ chồng tôi thì vẫn còn đau nhẹ thế nên lần này tôi đi lấy thêm thuốc uống để mẹ chồng đoạn tuyệt với bệnh dạ dày".
Không chỉ chị Ánh mà rất nhiều người đã được Lương y Hùng chữa khỏi bệnh. Chúng tôi gặp chị Dương Thị Thắm ở Y Tí, huyện Bát Xát, Lào Cai khi chị đến nhà Lương y Hùng để cảm ơn vì chữa khỏi bệnh vô sinh. Chị khoe: "Trước em bị hiếm muộn, lấy chồng 7 năm trời mà không có con, vợ chồng em và gia đình lo lắng lắm, em đi mấy bệnh viện chữa mà không khỏi. Lúc đến nhà chú Hùng lấy thuốc em cũng cứ nghĩ là còn nước còn tát vậy thôi chứ chắc gì đã khỏi. Thế mà sau khi uống thuốc được hơn nửa tháng em bắt đầu có em bé, giờ thì em bé đã được hai tháng rưỡi rồi, em đến để cảm ơn chú Hùng".
Lương y Hùng lục giở những loại thảo dược quý trong tủ thuốc ra cho chúng tôi xem, ông khoe: "Đó là ba loại thuốc chữa bệnh dạ dày, thấp khớp và vô sinh được dòng họ tớ lưu truyền suốt 7 đời nay". Tất cả những loại thuốc này đều được ông giữ bí mật. Nếu để lộ những vị thuốc này ra ngoài thì người dân sẽ dùng bừa bãi, khi đó thuốc sẽ phản tác dụng, bệnh sẽ không khỏi mà thậm chí còn nặng thêm.
Lương y Hùng cho rằng, mỗi người, mỗi dòng họ đều có bài thuốc và phương pháp chữa bệnh khác nhau, nhưng cái đích cuối cùng là phải chữa khỏi bệnh. Để làm được việc này, Lương y Hùng khuyên bệnh nhân nên đến bệnh viện khám và xét nghiệm để tìm ra nguyên nhan gây bệnh, biết được nguyên nhân rồi thì việc chữa bệnh sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Ví dụ như chữa bệnh vô sinh thì phải biết được vô sinh do tinh trùng yếu, do co thắt buồng trứng hay nguyên nhân khác. Ứng với mỗi nguyên nhân là một bài thuốc đặc trị. Giả dụ như vô sinh nữ do co thắt buồng trứng thì có thể uống các loại thảo dược làm lỏng các cơ buồng trứng, tăng tiết dịch nhờn làm cho trứng di chuyển được dễ dàng...
Lương y Hùng không khẳng định là chữa khỏi cho 100% các bệnh nhân, nhưng danh sách bệnh nhân tìm về kèm với những lời cảm ơn cứ ngày một dài thêm. Theo thống kê của Lương y Hùng thì mỗi năm có 7.000 - 10.000 người đến xin thuốc chữa bệnh, hầu hết trong số họ đều có phản hồi về thời gian điều trị và tác dụng của thuốc. Hằng năm, Lương y Hùng đều lập danh sách theo dõi các bệnh nhân đến khám chữa bệnh, người khỏi hoặc đỡ, hoặc không khỏi bệnh đều được đánh dấu vào danh sách. Đối với những người điều trị lần đầu mà chưa khỏi Lương y Hùng sẽ tiếp tục theo dõi và tìm ra nguyên nhân của bệnh để có cách điều trị tốt hơn.
"Anh Phạm Trọng Hùng có tham gia các chương trình từ thiện, kết hợp với bệnh viện tuyến cơ sở để khám chữa bệnh cho người dân và các đối tượng chính sách. Lương y Hùng cũng có đóng góp rất lớn trong việc xây dựng mạng lưới y học cổ truyền từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn Lào Cai". Ông Phạm Bá Tuyên (Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Lào Cai) |