Gặp tai nạn ở tuổi 23, nhưng cách cô gái này "đối diện" với "định mệnh" sẽ làm bạn thấy mến thương, cảm phục
Tại nạn đột ngột khiến Diệu Linh từ một cô gái tuổi 23 tràn đầy ước mơ bỗng trở thành người khuyết tật, quay về tuổi thôi nôi để tập tành bước đi. Thế nhưng, cô gái ấy vẫn tiếp tục hành trình thực hiện những ước mơ dang dở, với nụ cười không bao giờ tắt trên môi...
Chiều thu định mệnh
Tôi quen Linh khi cô còn là sinh viên năm 2. Khi đó, chúng tôi cùng làm việc với nhau trong đội Tình Nguyện Viên cho một chương trình Học kỳ quân đội. Ấn tượng của tôi lúc đó với Linh là một cô bé cực kỳ dễ thương. Cô có khuôn mặt bầu bĩnh và nụ cười rạng ngời. Tuy dáng người nhỏ nhắn, nhưng ở cô luôn toát lên một điều gì đó khiến người đối diện cảm thấy vui vẻ.
Diệu Linh khi chưa bị tai nạn.
Sau khi chương trình kết thúc, chúng tôi ai nấy bận rộn với cuộc sống của mình. Bẵng đi một thời gian, tôi tình cờ thấy hình ảnh của Linh bị tai nạn. Rồi những lời chia sẻ của Linh về cuộc sống sau những gì trải qua, tôi thực sự cảm phục cô gái nhỏ bé ấy.
Đó là một chiều thu tháng 8 định mệnh năm 2015. Sau khi tan dạy, Linh chạy xe về nhà. Khi đi qua khu vực đang thi công cầu vượt Xuân Thủy, Hà Nội, Linh bị cánh cửa của một ô tô mất tự chủ đập vào bất ngờ. Cả cửa xe ô tô và chiếc xe máy đè lên người, Linh nằm bất động. Sau khi được người đi đường đưa vào vỉa hè, Linh kịp gọi điện cho bố mẹ trước khi bất tỉnh.
Điều ấn tượng ở cô nàng này là nụ cười luôn hé nở trên môi.
Vào viện, bác sĩ chẩn đoán Linh bị vỡ xương mâm chầy và đứt đa dây chằng chân trái. Lúc đó, dù đau tê dại nhưng Linh vẫn có hi vọng vì chấn thương không vào dây thần kinh, cô sẽ không bị bại liệt. Thế nên, sau lần mổ thứ nhất để ghép đinh, dù là mong manh nhưng Linh vẫn nuôi dưỡng hi vọng, sẽ sớm đi lại bình thường. Nhưng rồi, vì thiếu sót của bác sĩ, đã không gắp hết xương trong ổ khớp, nên sau 5 ngày, Linh lại phải mổ phanh vết thương đã lành thêm lần nữa.
Đã thế, khi khám để mô, Linh nghe các bác sĩ nói chuyện với nhau: "Hôm qua tôi mổ 7 ca mà mới chết có 1 thôi", Linh càng lo sợ và tuyệt vọng. Lúc đó, cô phó mặc cho bác sĩ thích làm gì thì làm. Có lúc cô chỉ mong chết thật nhanh để đỡ đau, đỡ khổ.
Nhưng rồi, nửa đêm mở mắt, thấy bố mẹ nằm dưới sàn đất lạnh để thay nhau chăm sóc mình. Nhận được những lời động viên từ người yêu, từ học trò cũ, của thầy cô giáo... đã phần nào giúp Linh có thêm nghị lực.
Nhưng số phận dường như đùa giỡn với cô gái bé nhỏ ấy. Sau lần mổ thứ 2, vì xương của người khác chưa thích ứng với cơ thể Linh, vì dịch trong ở khớp vẫn còn nên vết thương của cô bị nhiễm trùng và chưa thể khép lại.
Do viện quá tải, sau 5 ngày mổ lần 2 đó, Linh phải về nhà tự chăm sóc vết thương. Mỗi lần tự mình kì cọ cho sạch vết thương hở ấy, là một lần Linh cắn răng nuốt nước mắt vào trong và chỉ có một khát khao nhỏ xíu sao cho vết thương mau lành. Rồi thỉnh thoảng cô còn xoa nhẹ vào vết thương chỗ xương ghép để thủ thỉ: "Mày hãy yêu xương của tao với nhé".
Những ngày rong ruổi trên khắp các nẻo đường của cô gái trẻ.
Hiện trong chân Linh đang có 7 cái đinh, một cái nẹp. Chân cô chưa thể co duỗi bình thường. Theo phác đồ điều trị, cô phải trải qua 3 lần phẩu thuật. Lần 1 ghép đinh, lần 2 tháo đinh và lần 3 nối giây chằng. Bình thường nếu đứt 1 giây có thể lấy giây chằng từ chân còn lại nối vào nhưng vì đứt đa giây nên cô phải mua giây chằng của người khác. Lúc đó cô mới ra trường, nên tất cả chi phí phẫu thuật phải phụ thuộc vào bố mẹ. Vì vậy, cũng có lúc cô thấy mình thật vô dụng, 23 tuổi rồi, chưa làm gì được cho bố mẹ giờ lại trở thành gánh nặng.
Bước chân khập khiễng nhưng giấc mơ không thể đứt đoạn
Chuyến xe bus tuyến 20 - 32 gần đây khá quen thuộc với hình ảnh một cô gái chân bước tập tễnh, đi từ huyện Đan Phượng tới Viện Goethe, Hà Nội để học và dạy học.
Ước mơ được trở thành cô giáo theo Linh từ bé. Thế nên, sau gần 1 năm nổ lực phục hồi chức năng, dù trong thời gian dưỡng bệnh chờ ca mổ tiếp theo, Linh đã nói dối bố mẹ để được đi dạy. Để tới Viện Goethe, Linh phải ngồi xe bus hơn 2 tiếng đồng hồ, đi quãng đường gần 20 km. Cũng mệt, cũng lo lắng cho sự thành bại của ca mổ cuối cùng nhưng Linh bảo: "Có đi làm như thế mình mới thấy cuộc sống có ý nghĩa, có thêm thu nhập giúp bố mẹ, có động lực để tiếp tục đứng lên và bước đi".
Dù cuộc sống khó khăn nhưng Linh luôn hướng về phía trước.
Cô gái tin tưởng vào cuộc đời, như hoa hướng dương rạng rỡ dưới mặt trời...
Chính sự nỗ lực vươn lên, không gục ngã trước số phận mà Linh đã chiến thắng, thực hiện được ước mơ của mình.
Trước đó, trong thời gian tập luyện ở nhà, hàng ngày Linh vẫn đều đặn viết truyện ngắn. Từ nhỏ cô đã có nhiều bài đăng báo, nên cô vẫn luôn ấp ủ giấc mơ xuất bản một cuốn sách nho nhỏ cho riêng mình. Không những thế, Linh còn lên kế hoạch, tổ chức các buổi giao lưu offline giữa học sinh cũ của mình với những người bạn nói tiếng Đức ở nhiều nước trên giới.
Linh vốn là sinh viên xuất sắc khoa tiếng Đức - Đại Học Hà Nội. Từ khi còn sinh viên, Linh rất tích cực tham gia các hoạt động cho các tổ chức phi chính phủ. Cô từng làm tình nguyện viên cho Đại sứ Quán Đức tổ chức các lễ hội. Cô tham gia các cuộc thảo luận bàn tròn tại viện FES. Tham gia chương trình Trao Đổi Sinh tại trường Raffle, Institute, Singapore, đạt học bổng ngắn hạn tại trường ĐH Augsburg, Bayern, Cộng hòa Liên bang Đức... Bởi thế, khi ý tưởng của cô nêu ra, hết thẩy bạn bè, học trò đều đồng ý. Mỗi tuần 1- 2 lần, các bạn đều đặn online để tổ chức các buổi nói chuyện tiếng Đức. Nhờ đó, mà học sinh của Linh trước đây đã mạnh dạn hơn trong giao tiếp.
Vì những người bạn của Linh có người đến từ Đức, có người đến từ Ấn Độ, người đến từ Pháp, từ Trung Quốc... nên học sinh của cô có cơ hội hiểu biết hơn về các nền văn hóa trên thế giới, và có thêm nhiều mối quan hệ quốc tế. Linh thổ lộ: "Nhờ những giờ kết nối mọi người như vậy mà Linh cảm thấy cuộc sống của mình có giá trị. Và hơn hết, Linh hi vọng các bạn sinh viên Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn để cải thiện ngoại ngữ, trở thành một đại sứ cho hình ảnh của đất nước".
Vào mỗi tối cuối tuần, tranh thủ những buổi không đến phòng tập phục hồi chức năng, Linh lại dạy tiếng Anh cho các bạn cấp tiểu học có nhu cầu gần nơi cô sống. Ban đầu, Linh tự nguyện, chỉ dạy 1 - 2 bạn, chủ yếu là lấy niềm vui cho mình, để cảm thấy mình không sống vô nghĩa. Nhưng sau dần thấy được sự tiến bộ của học sinh, cũng như thấy được niềm tin tưởng của phụ huynh, Linh đã nhận thêm nhiều bạn nhỏ.
Nỗ lực không ngừng nghỉ của Linh đã được đền đáp. Vào sinh nhật tròn 24 tuổi, Linh đã đạp được vòng xe đầu tiên. Giống như một đứa trẻ lên 5, Linh hạnh phúc đến chảy cả nước mắt.
Lớp học của Linh ở viện Goethe.
Tháng 8/2016, Linh nhận thêm một món quà tuyệt diệu. Đó là học bổng một chuyến du lịch nước Đức cùng người thân do viện Goethe Zentral, München, Đức trao tặng. Học bổng này cô nhận được khi đang nằm trên giường bệnh, sau khi viết câu chuyện về kỉ niệm của cô với nước Đức để tham gia cuộc thi viết do Viện tổ chức. Linh đã vượt qua hơn 1.200 bài dự thi của các thí sinh đến từ hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới, để lọt vào top 10 truyện hay nhất, dành giải Khán giả yêu thích nhất và in trong sách "Mein Ort in Deutschland" (địa điểm của tôi ở Đức). Bài viết của Linh cũng được giới thiệu trên trang nhất của trường Đại Học Augsburg, nơi trước kia Linh theo học ngắn hạn.
Niềm vui bất ngờ đó đã tiếp thêm cho Linh nguồn sức mạnh to lớn để cô tiếp tục sống, tiếp tục thực hiện giấc mơ trồng người và cả tình yêu với tiếng Đức. Cô chia sẻ: "Trải qua lần hoạn nạn lần này, tôi thực sự cảm nhận được tuổi trẻ rất ngắn. Lúc nằm trên giường bệnh, nhận được tin bạn bè, người đi du học, người kết hôn, người sinh con mới thấy mình đã bỏ lỡ thời gian quá nhiều. Thế nên nếu còn sống, còn đi được, các bạn hãy cứ đi, cứ làm những gì mình ước mơ. Đừng để đến khi không thể làm được rồi mới hối tiếc...".
Sau ca mổ lần thứ 3 này, Linh dự định sẽ dành tiền và thực hiện một chuyến du lịch tới tất cả các nước của những người bạn đã cùng Linh kết nối ngoại ngữ trong thời gian qua. Linh cũng ấp ủ mở phòng học riêng cho bản thân. Dù đôi chân khập khiễng nhưng Linh sẽ không để ước mơ của mình bị đứt đoạn.