Gặp họa vì kem chống nắng
Kem chống nắng được nhiều phụ nữ sử dụng trong mùa hè để bảo vệ da dưới tác động của ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, không ít người đã gánh hoạ từ việc sử dụng loại kem này không đúng cách, thậm chí đứng trước nguy cơ bị ung thư da.
Bị nhiễm trùng với kem chống nắng
Chị Lê Thị Hồng (phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám trong tình trạng toàn bộ vùng mặt, cổ, hai tay, hai chân nổi đầy mẩn, mụn nước và ngứa ngáy rất khó chịu. Chị Hồng cho biết: “Cách đây 5 ngày, gia đình tôi đi tắm biển. Muốn da không bị bắt nắng nên tôi đã mua toàn thân để dùng. Nhưng bôi xong khoảng 30 phút thì tôi thấy da bắt đầu ngứa râm ran. Vì mua kem chống nắng ở một cửa hiệu gần nhà và cũng là chỗ quen biết nên tôi gọi điện hỏi. Chị chủ cửa hiệu trấn an là do tôi lần đầu tiên , da chưa quen nên có phản ứng kích ứng. Ai mới đầu dùng cũng vậy nhưng đều không sao, chỉ ngứa một chút rồi khỏi” (?).
Được người bán trấn an như vậy, chị Hồng thấy yên tâm và bỏ mặc cơn ngứa, ra biển tắm buổi sáng. Có thể do ra biển sảng khoái nên chị không thấy ngứa nữa khi bơi lội trong nước. Đinh ninh đã ổn, sau buổi tắm sáng, chị về khách sạn tiếp tục bôi kem chống nắng nhưng lần này thì chỉ ngay sau khi xoa kem toàn thân xong, chị thấy tình trạng ngứa ngáy tăng nặng hơn lúc sáng. Chị vội vàng dùng sữa tắm để gột bỏ lớp kem chống nắng nhưng lúc này chị đã bị nổi mẩn khắp người, mặc quần áo rất khó chịu. Với chị, chuyến đi biển của mình lẽ ra rất vui đã thành rất tệ chỉ vì lọ kem chống nắng đó.
Một trường hợp khác là chị Trương Thị Hoàn (xã Giao Hương, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định) cũng đã rước hoạ từ kem chống nắng dù diễn tiến không tức thì như chị Hồng. Chị Hoàn cho biết: “Mùa hè nào tôi cũng dùng loại kem chống nắng đó và thấy rất ổn nên hè này tôi tiếp tục mua về dùng. Những ngày đầu, chỉ bôi tay và chân thì thấy không sao. Nhưng hôm đi biển, tôi bôi liên tục, cứ 2 tiếng bôi lại một lần và đi ngoài nắng vẫn mặc áo, váy chống nắng. Hai ngày sử dụng kem chống nắng như vậy, tôi thấy người bắt đầu ngứa, nổi mẩn, nhiều mụn nước xuất hiện. Thậm chí, một số mụn nước bị vỡ ra rất rát. Sau đó, tôi đến bệnh viện khám thì bác sĩ cho biết, tôi bị nhiễm trùng da do sử dụng kem chống nắng không đúng cách, lạm dụng loại kem không phù hợp với da”.
“Tôi có thắc mắc với bác sĩ đây là loại kem chống nắng tôi vẫn dùng an toàn vào những năm trước nhưng bác sĩ cho biết không phải cứ dùng một loại kem quen thuộc là an toàn cho da. Vì theo thời gian, tuổi tác, da có sự biến đổi, có thể bị yếu hơn so với thời gian trước nên chuyện kích ứng một loại kem quen thuộc là điều dễ hiểu”, chị Hoàn cho biết thêm.
Nên chọn kem chống nắng có thương hiệu uy tín để bảo vệ da cho mùa hè. Ảnh minh họa
Tự điều trị dị ứng từ kem có thể gây ung thư da
BS Nguyễn Thành, nguyên Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho hay, mùa hè là khoảng thời gian phụ nữ hay dùng kem chống nắng nhất nên đây cũng là lúc phòng khám của ông tiếp nhận các bệnh nhân đến khám do dị ứng kem chống nắng tăng mạnh. Phần lớn là do dùng kem chống nắng sai cách, dùng kem chất lượng kém hoặc tự điều trị sau khi bị dị ứng kem chống nắng khiến bệnh nặng thêm. Những trường hợp này, nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến ung thư da.
BS Nguyễn Thành khuyến cáo, cần căn cứ vào chỉ số SPF (là chỉ số thể hiện khoảng thời gian có thể bảo vệ da trên kem chống nắng) cao hay thấp mà bôi cho đủ mới có hiệu quả chống nắng. Với loại có SPF từ 15 trở lên, nếu bôi trên mặt thì chỉ cần lượng kem khoảng 2,5g là đủ. Nếu bôi lượng kem ít hơn (hoặc nhiều hơn) đều không có hiệu quả chống nắng cao. Bôi nhiều kem, da sẽ bị bít hết lỗ chân lông, gây kích ứng, dị ứng. Bôi quá ít kem thì không đủ chống nắng.
Các chuyên gia da liễu cũng khuyên rằng, vùng da mặt và cổ là những nơi dễ bị tổn thương hơn những phần da khác trên cơ thể. Vì vậy, cần chọn kem chống nắng phù hợp với phần da này. Nếu dùng kem chống nắng hàng ngày, nên chọn sản phẩm có chỉ số SPF 15-20. Với trường hợp đi biển, nên chọn loại kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên. Sau khi dùng kem chống nắng, cần vệ sinh da sạch sẽ và trước khi dùng kem cũng phải đảm bảo da được sạch.
Các chuyên gia khuyến cáo, không nên sử dụng các sản phẩm kem chống nắng có chỉ số SPF quá cao, sẽ khiến những chất hóa học trong sản phẩm kết hợp với mồ hôi gây tác dụng phụ như đỏ da, sẩn ngứa, nổi mụn... Những người da đang có vấn đề, cần được bác sĩ da liễu thăm khám, tư vấn dùng loại kem chống nắng phù hợp.
Để bảo vệ da tốt nhất khi đi tắm biển, cần bôi lại kem chống nắng 2 giờ/lần thì mới đạt hiệu quả như mong muốn. Tuy nhiên, không nhất thiết phải thoa quá nhiều mà chỉ cần thoa một lớp kem mỏng. Xoa kem chống nắng ít nhất trước 15 phút khi đi ra ngoài nắng.
Để bảo vệ làn da tốt nhất không nên để đến mùa hè mới dùng kem chống nắng. Các cơ sở khoa học đã chứng minh, bất kể mùa nào cũng cần dùng loại kem này. Đặc biệt vào mùa hè là thời điểm du lịch biển nên việc dùng kem chống nắng cho những chuyến đi biển rất cần thiết và phải dùng kem phù hợp, dùng đúng cách mới có tác dụng.
Những cách khiến da không bị bắt nắng
Theo các chuyên gia da liễu, không nên ỉ lại vào kem chống nắng để giữa trưa đầm mình dưới ánh nắng nhiệt độ ngoài trời lên tới 40 độ C, vì kem chống nắng không có tác dụng 100%; Uống đủ nước mỗi ngày giúp da được giữ ẩm tốt hơn, bảo vệ da một cách hiệu quả nhất; Kết hợp dùng phương pháp chống nắng khác như đội mũ, đeo kính, mặc quần áo chống nắng; Chọn kem chống nắng có thương hiệu, không mua các loại kem chống nắng trôi nổi, kém chất lượng; Chọn kem thích hợp với da của mình: da nhờn, nên chọn kem chống nắng chứa nhiều nước, không có dầu (oil free), da khô nên chọn kem chống nắng dạng phun sương, dạng xịt. Để an toàn cho da, trước khi bôi kem hay dùng bất kì sản phẩm chống nắng nào, bạn nên áp dụng với một vùng da trên cơ thể để xem có bị dị ứng không. Nếu sản phẩm không gây kích ứng da thì nó có thể phù hợp, còn nếu có phản ứng trên da thì nên dừng lại ngay.