Gặp cựu giám khảo IELTS từng "soi" tiếng Anh của loạt nghệ sĩ: "Nhiều người trẻ hay sợ sai nên không dám nói ngoại ngữ"

ĐÔNG - DESIGN: HOÀNG SƠN,
Chia sẻ

Thầy giáo này đã có những chia sẻ về việc học IELTS của người Việt.

Nếu bây giờ có cơ hội, bạn có dám đánh đổi từ bỏ quê hương để sang một quốc gia khác sinh sống và làm việc hay không?

Sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau cho câu hỏi này. Có người sẽ không ngần ngại mà đồng ý ngay lập tức, bởi nếu công việc đó mang lại cơ hội thăng tiến và khả năng phát triển bản thân thì việc gì mà không thử. Nhưng bên cạnh đó, cũng sẽ có những người ngại thay đổi, không nỡ rời xa nơi chôn rau cắt rốn của mình bởi họ tin rằng, chỉ cần ra khỏi quê hương thôi là bao khó khăn ập đến buộc mình phải tự cáng đáng.

Đối với thầy Jack Zissler - một cựu giám khảo IELTS, thì thầy lại chọn vế thứ nhất - dám thử thách bản thân. Nhưng khác một điều là thay vì chọn định cư ở những quốc gia gần với Mỹ - quê hương thầy sinh ra và lớn lên, thì thầy lại bay xa cả nửa vòng trái đất để đến với một quốc gia có sự khác biệt hoàn toàn về mọi mặt để sinh sống và lập nghiệp, đó chính là Việt Nam.

Đây phải chăng là màn đánh cược quá lớn? Nhưng đối với thầy Jack, chỉ vì khoảng thời gian ngắn ngủi được sang Việt Nam du lịch thôi, mà không biết từ bao giờ thầy đã "mê tít" mảnh đất và con người nơi đây. Do đó, việc định cư ở Việt Nam được thầy Jack coi là những điều bản thân cần phải làm năm 30 tuổi. Tính đến nay, thầy đã sinh sống và làm việc ở Việt Nam được 14 năm.

Gặp cựu giám khảo IELTS từng “soi” tiếng Anh của nhiều nghệ sĩ: “Người Việt thông minh nhưng hay sợ nói sai ngoại ngữ” - Ảnh 1.

Chân dung thầy Jack Zissler

Thầy giáo nước ngoài "mê tít" Việt Nam

Xin chào, trước tiên thì thầy có thể giới thiệu đôi nét về bản thân?

Xin chào, tôi là Jack Zissler, và tôi đến từ Boston, Mỹ. Đã 14 năm trôi qua kể từ khi tôi đặt chân đến Việt Nam. Thời gian trôi qua nhanh quá. Trước đây, tôi tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính tại trường Đại học Boston (Mỹ), sau đó lấy bằng cao học từ Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (RMIT) ở Úc và cuối cùng là bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh từ Đại học Georgetown, một trong những trường danh tiếng bậc nhất tại Mỹ.

Hiện tại, tôi đang điều hành một công ty tư vấn giáo dục tại TP.HCM. Trước đó, tôi đã từng giảng dạy tại nhiều trường đại học ở Việt Nam, làm giám khảo thi IELTS, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý tại nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, và từng đảm nhận vị trí là Phó Giám đốc Kinh doanh Toàn cầu tại Tập đoàn Giáo dục Cambridge Education Group. Bên cạnh đó, tôi cũng từng giữ vị trí Phó Chủ tịch tại Citibank và đã làm việc tại nhiều ngân hàng lớn khác nữa. 

Từ đó đến nay, tôi đã giúp hơn 2,500 học sinh, sinh viên Việt Nam du học và săn được học bổng. Con số đó chưa kể nhiều em học viên khác mà tôi đã dạy trong bao năm sống tại đây. Trong thời gian rảnh rỗi, tôi vẫn dành thời gian dạy IELTS và tiếng Anh. Bởi, niềm đam mê lớn nhất của tôi là gắn bó và hỗ trợ học sinh mỗi ngày.

Cơ duyên nào đưa thầy đến Việt Nam để sinh sống và làm việc?

Thực ra, lựa chọn đến Việt Nam là quyết định mà tôi tự đặt ra khi vừa tròn 30 tuổi. Dù đã xây dựng sự nghiệp ổn định trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, nhưng bên trong tôi luôn khao khát một điều mới mẻ, thú vị, đầy thách thức khi thử thách bản thân trong lĩnh vực khởi nghiệp. 

Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Việt Nam là khi còn học chương trình MBA tại Đại học Georgetown. Tôi đã phải lòng văn hóa và con người ở đây. Điều đó thôi thúc tôi trở lại Việt Nam và thử sức khởi nghiệp để giúp đỡ sinh viên, tận dụng tối đa kỹ năng và niềm đam mê của mình. Vậy nên, tôi đã quyết định đến đây một mình, không công việc, không bạn bè vào lúc ban đầu. Nhưng rồi tôi chắc chắn rằng mình đã đưa ra quyết định hoàn toàn đúng đắn.

Gặp cựu giám khảo IELTS từng “soi” tiếng Anh của nhiều nghệ sĩ: “Người Việt thông minh nhưng hay sợ nói sai ngoại ngữ” - Ảnh 2.

Khi chuyển sang một quốc gia khác để sinh sống và làm việc, chắn hẳn chúng ta sẽ trải qua những cú "sốc văn hóa". Vậy thì cú "sốc văn hóa" của thầy khi lần đầu sang Việt Nam là gì?

Trước khi quyết định định cư ở Việt Nam, may mắn là tôi đã từng du lịch tại đây vài lần rồi...  nên điều đó cũng giúp tôi giảm bớt cảm giác sốc văn hóa. Thành thật mà nói, điểm khác biệt giữa văn hóa Việt Nam và Mỹ cũng các nơi khác chính là điều mà tôi luôn tìm kiếm bấy lâu nay. Một trong những trải nghiệm "sốc văn hóa" khi mới tới Việt Nam chắc chắn không thể thiếu cảnh tôi vật vã lái xe máy ngay giờ cao điểm lúc 5 giờ chiều giữa lòng Sài Gòn và trầy trật tìm cách rẽ trái ở ngã tư. Nghĩ lại tới giờ vẫn còn sợ run.

Ẩm thực của Việt Nam rất đa dạng và phong phú, nhưng nhiều món ăn "đặc sản" của Việt Nam cũng là thách thức với người nước ngoài như: mắm tôm, nước mắm, sầu riêng… Thầy có thưởng thức được hết các món đấy không và bản thân thầy yêu thích nhất món ăn Việt Nam nào, vì sao?

Tôi đã thử qua tất cả các món tinh hoa ẩm thực tại Việt Nam và rất mê nước mắm, nhưng không hợp với mắm tôm. Còn sầu riêng thì tuyệt cú mèo. Tôi luôn sẵn lòng thử các món mới ít nhất một lần - thậm chí là hột vịt lộn... Nếu phải chọn một món ưa thích nhất, chắc chắn là bún thịt nướng. Nhưng ngon nhất vẫn là bún thịt nướng được bán ở các hàng quán vỉa hè cơ. Tôi ăn món này suốt 14 năm nay mà không biết ngán, và mỗi khi thưởng thức thì phải gọi là đỉnh của chóp. 

Thầy ấn tượng nhất với lễ hội cổ truyền nào tại Việt Nam? Được trải nghiệm truyền thống văn hóa của một quốc gia có sự khác biệt hoàn toàn về mọi mặt so với quê hương mình, thầy thấy thế nào?

Làm sao mà không mê Tết Nguyên đán ở Việt Nam được, vì đây là lễ hội rộn ràng nhất tại đây mà, cả đất nước đều đắm chìm trong không khí tưng bừng. Tôi đặc biệt trân trọng những phong tục Tết truyền thống cũng như cực kỳ thích thú khi tìm hiểu về những truyền thống văn hóa khác biệt ở đây. Ngoài ra, tôi thấy người dân Việt Nam cũng dần tiếp nhận nồng nhiệt của những lễ hội phương Tây, như Giáng sinh hay Halloween. Do đó nỗi nhớ nhà của tôi cũng dịu đi phần nào.

Ngoài việc dạy học và đi chấm thi thì thầy tận hưởng cuộc sống ở đây ra sao?

Dù rất bận rộn, nhưng tôi vẫn không quên dành thời gian khám phá các quán ăn mới, gặp gỡ bạn bè, chơi thể thao. Tôi cũng tranh thủ thời gian để bản thân hòa mình vào những khung cảnh, âm thanh quen thuộc mà từ 14 năm trước đã khiến tôi đắm chìm và yêu mến Việt Nam.

Một trong những địa danh tại Việt Nam mà tôi nhớ nhất có lẽ phải kể đến lúc tôi còn là sinh viên, lang thang trên chiếc thuyền câu cá nhỏ, tìm hiểu và gặp gỡ người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long - từ Cần Thơ, Mỹ Tho, Châu Đốc, Bến Tre, Long Xuyên... Những nơi ấy luôn để lại trong tôi những dấu ấn khó quên. À quên, tôi cũng phải lòng Quy Nhơn nữa..

Người Việt có nhiều ưu điểm khi học IELTS

Mọi người biết thầy qua những video về chủ đề tiếng Anh trên nền tảng TikTok, đây quả thực là may mắn lớn. Động lực nào giúp thầy quyết định xây dựng kênh TikTok vậy?

Từ những ngày sơ khai của TikTok, tôi đã nhận ra rằng đây là một kênh truyền thông tuyệt vời - với những video ngắn, đầy màu sắc, giải trí - để thu hút sự chú ý và mở ra cánh cửa tri thức cho mọi người. Và thực tế đã cho thấy tôi đã đúng - không chỉ trong việc học tiếng Anh mà trên rất nhiều lĩnh vực khác! Đối với tôi, TikTok còn là một không gian sáng tạo, một nguồn niềm vui không ngừng.

Làm TikTok, đặc biệt là thường xuyên react tiếng Anh của những người nổi tiếng, khen thì không sao nhưng khi "chê" trình tiếng Anh của họ, thầy có sợ fan của những ngôi sao đó tràn vào kênh của mình và để lại những bình luận tiêu cực không?

Ồ, tôi dự đoán điều này hoàn toàn có thể xảy ra, và thực ra nó đang gây tranh cãi đấy! May mắn thay, tôi không quá để tâm đến mỗi bình luận (và thật sự có nhiều bình luận tôi đọc cũng không hiểu lắm!). Nhưng bạn biết đó, mạng xã hội luôn đầy rẫy sự tiêu cực. Tôi chỉ cố gắng làm hết sức mình và chia sẻ những quan điểm chân thật nhất mà thôi. Tôi thấy một vài bình luận gây tranh cãi lại có ích và mang tính xây dựng. Vì vậy tôi luôn đón nhận cả những phản hồi tích cực lẫn tiêu cực.

Thầy Jack nhận xét tiếng Anh của dàn huấn luyện viên và thí sinh chương trình The New Mentor

Quay trở lại với vấn đề chính mà chúng ta đang nói đến ở đây đó chính là việc học IELTS. Từ kinh nghiệm thực tế của bản thân, thầy nghĩ đâu là điểm mạnh và điểm yếu của người Việt trong quá trình học và ôn thi chứng chỉ IELTS? 

Ưu điểm: Các bạn rất nhạy bén, thông minh cùng tinh thần khao khát được học hỏi.

Nhược điểm: Đôi lúc các bạn mong muốn sự hoàn hảo nên vẫn còn ngần ngại vì sợ sai khi áp dụng tiếng Anh vào thực tiễn. Một điểm hạn chế nữa là có vài âm điệu trong tiếng Việt khiến cho việc phát âm của người học tiếng Anh cũng trở nên khó khăn hơn.

Những lỗi sai mà người Việt hay mắc phải nhất trong quá trình thi IELTS là gì?

Theo tôi, một số lỗi thường gặp là: 

(1) Không thực sự hiểu rõ quy định của bài thi IELTS - như thời gian cho kỹ năng Speaking, cấu trúc bài thi Writing... 

(2) Thiếu kỹ năng diễn đạt lại chủ đề và câu hỏi bằng từ đồng nghĩa.

(3) Đặc biệt trong kỹ năng Writing, lỗi phổ biến nhất mà tôi thấy ở các bạn học sinh Việt Nam là việc sử dụng các "mạo từ" như "a", "an", "the" chưa chuẩn xác.

Gặp cựu giám khảo IELTS từng “soi” tiếng Anh của nhiều nghệ sĩ: “Người Việt thông minh nhưng hay sợ nói sai ngoại ngữ” - Ảnh 3.

Thầy có thể chia sẻ cách cải thiện từng kỹ năng trong bài thi IELTS được không?

Tôi có thể viết một cuốn sách về chủ đề này luôn. Nhưng nếu chỉ đưa ra một lời khuyên quan trọng giúp cải thiện mọi kỹ năng trong IELTS: đó là từ vựng. Việc học, hiểu và sử dụng thuần thục các từ vựng nâng cao cũng như idiom (thành ngữ) sẽ tạo nên sự khác biệt đáng kể cho từng kỹ năng đó. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng tôi không biết đã nhắc điều này bao nhiêu lần với các học viên của mình đang ở mức IELTS 6-7, vì các em ấy cứ dùng đi dùng lại những từ như friendly (thân thiện), happy (vui vẻ) hay beautiful (đẹp đẽ).

Theo "Dữ liệu điểm thí sinh IELTS toàn cầu 2022", điểm thi IELTS trung bình của người Việt là 6.2. Tuy nhiên, chúng ta luôn mong muốn số điểm trung bình đấy được nâng cao hơn mỗi ngày. Vậy, người Việt cần làm gì để cải thiện khả năng tiếng Anh của mình?

Theo tôi, để tiến bộ, điều quan trọng nhất là việc áp dụng tiếng Anh vào nhiều tình huống khác nhau trong cuộc sống hàng ngày. Tôi biết việc này không hề dễ dàng. Người Việt là những học viên thông minh nhất mà tôi từng dạy và họ cũng nỗ lực hơn hầu hết mọi người trên thế giới. Tuy vậy, việc áp dụng ngôn ngữ vào thực tiễn chính là yếu tố then chốt để tiến bộ.

Có nhiều điều các bạn cần lưu ý để tránh những hệ lụy không đáng có khi học IELTS sai cách. Chẳng hạn như: Không đạt điểm cao trong kỳ thi thực tế hoặc dù học viên đạt kết quả IELTS cao nhưng lại không thể áp dụng kiến thức để giao tiếp một cách tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày. Điều này không ai mong muốn hết cả.

Nhiều người quan niệm, luyện càng nhiều đề IELTS thì càng tăng phản xạ và kỹ năng làm bài. Thầy nghĩ rằng quan điểm đấy có đúng không?

Tôi đồng ý với quan điểm này, nhưng chỉ đến một mức độ nào đó thôi. Tôi tin rằng việc luyện tập kỹ năng Speaking IELTS sẽ giúp nâng cao phản xạ và kỹ năng làm bài của học sinh. Đối với các kỹ năng khác, học sinh cũng nên thực hành các bài test, nhưng hãy nhớ đừng bỏ qua việc tương tác và sử dụng tiếng Anh trong thực tế hằng ngày nhé.

Những điều cần lưu ý trong quá trình học IELTS?

Đầu tiên, hãy nhớ rằng quá trình này đòi hỏi rất nhiều thời gian và nỗ lực. Đây không phải là bài thi mà vừa bắt tay vào làm là bạn muốn giỏi ngay lập tức. Thứ hai, bài thi IELTS đánh giá toàn bộ kỹ năng của thí sinh. Các em có thể giỏi trong việc nghe hoặc nói, nhưng cũng cần phải thành thạo tất cả bốn kỹ năng để đạt điểm IELTS cao. Cuối cùng, nhiều người tin rằng họ có thể "đi đường tắt" để đạt điểm IELTS cao mà không cần phải xây dựng nền tảng tiếng Anh vững chắc. Thực tế không như vậy, việc có một nền tảng ngôn ngữ vững chắc là điều thiết yếu trước khi bắt tay vào học IELTS.

Kỷ niệm trong quá trình chấm thi IELTS khiến thầy nhớ mãi?

Thực sự mà nói, mỗi học viên mà tôi đã dạy đều để lại ấn tượng sâu sắc với tôi. Niềm vui của tôi không nằm ở việc chấm điểm bài thi IELTS mà chính là nhìn thấy sự nỗ lực, quyết tâm từ các học viên của mình. Các em cố gắng rất nhiều để theo đuổi và chinh phục ước mơ đã đặt ra. 

Trải nghiệm khiến tôi không bao giờ quên chính là từng giúp đỡ một em học sinh du học tại Úc, mà xuất phát điểm tiếng Anh của em ấy ban đầu là con số 0. Thời gian ấy, tôi và em gặp nhau mỗi ngày để học - thậm chí học tại các quán cà phê trong dịp Tết luôn và cuối cùng, với sự quyết tâm và nỗ lực của mình, em ấy đạt được điểm số khá ấn tượng.

Thầy đã bao giờ chấm một phần thi IELTS của người Việt mà khiến thầy bất ngờ vì khả năng ngôn ngữ giống người bản xứ chưa?

Tất nhiên, khá nhiều là đằng khác. Thực sự tôi khá ngạc nhiên với trình độ tiếng Anh của một số người Việt ngày nay... thậm chí là các em học sinh nhỏ tuổi. Đã có lúc tôi tưởng mình đang nghe giọng anh trai mình nói đấy chứ - nhưng thực ra chỉ là một em học sinh lớp 9 ở Việt Nam thôi. Người trẻ Việt Nam thật sự quá tài năng!

Hiện nay có nhiều trung tâm dạy IELTS mọc lên, bất chấp PR quá đà bằng những phương pháp "thần thánh", hay những lời hứa hẹn học trong vài tháng là có thể đạt IELTS "khủng". Thầy nghĩ có một phương pháp nào là "thần thánh" để có thể giúp các bạn trẻ đạt điểm IELTS cao trong ngày một, ngày hai không?

Chắc chắn là không rồi! 

Không có bất kỳ phương pháp nào "thần thánh" cả và mọi người cũng nên cẩn trọng với những trung tâm cam kết đạt kết quả khủng chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn. Tôi không phủ nhận các mẹo và chiến lược phần nào cũng giúp chúng ta tăng tốc quá trình ôn luyện, nhưng cốt lõi của việc cải thiện điểm số IELTS thật sự phải cần thời gian. Phương pháp "thần thánh" tốt nhất chính là được dẫn dắt bởi một giáo viên tận tình quan tâm đến sự tiến bộ cũng như thành công của học viên.

Ở một diễn biến khác, dưới góc nhìn của một cựu giám khảo IELTS, thầy thấy giáo viên dạy IELTS tại Việt Nam nên cải thiện điều gì trong kỹ năng sư phạm của mình?

Thật khó để trả lời! Tôi không thực sự muốn đưa ra bất kỳ bình luận nào vì mỗi giáo viên đều có những thế mạnh và ưu điểm riêng biệt. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng yếu tố thực hành rất quan trọng. Càng nhiều slide powerpoint, càng nhiều sách thì học viên lại càng ít tương tác hơn. Điều này chưa bao giờ tốt cả. Vấn đề càng phức tạp hơn trong các lớp học có quy mô từ 6-8 học viên trở lên. Cũng vì vậy mà cơ hội để thực hành giao tiếp cũng trở nên hạn chế hơn bao giờ hết. 

Xin cảm ơn những chia sẻ của thầy!

Chia sẻ