Gặp cô gái trẻ mang tiếng nói đến những người khiếm thính

Đỗ Hà ,
Chia sẻ

23 tuổi, hiện nay Lê Thanh Hoa đã tự mình thành lập và đồng thời là Giám đốc điều hành của Trung tâm đào tạo ngôn ngữ ký hiệu.

Hoa có thể giới thiệu qua về trung tâm của mình không?

Trung tâm của Hoa được chia thành hai mảng riêng biệt. Mảng đào tạo và mảng tình nguyện. Mảng đào tạo bao gồm việc dạy ngôn ngữ ký hiệu; cung cấp dịch vụ phiên dịch và các dịch vụ liên đới khác; nghiên cứu ngôn ngữ ký hiệu; các dịch vụ tư vấn liên quan đến người khiếm thính khác. Nguồn thu của trung tâm toàn bộ ở mảng này, tuy nhiên, đối với đối tượng là người khiếm thính thì trung tâm không thu bất kỳ khoản phí nào. Còn mảng tình nguyện đương nhiên là phi lợi nhuận rồi.


Hoa sinh năm 1988, mới tốt nghiệp được hơn một năm, vậy mà Trung tâm đào tạo ngôn ngữ ký hiệu đã được thành lập được 1,5 năm. Có vẻ như Hoa đã có ý tưởng thành lập trung tâm từ khi còn đi học?

Ý tưởng thành lập trung tâm của Hoa có từ cách đây 3 năm, khi Hoa lần đầu tiên biết đến ngôn ngữ ký hiệu và đam mê nó. Sau đó là cả một quá trình tìm hiểu và gia nhập cộng đồng người khiếm thính, chuẩn bị các bước cả về vật chất, tinh thần và pháp lý cho việc thành lập trung tâm.

Vậy hẳn là giai đoạn đó có rất nhiều khó khăn?

Ekip làm phim của Hoa.

Phải nói là vô cùng khó khăn mới đúng. Về kinh tế thì không cần phải nói mọi người cũng hiểu được rồi. Hoa phải bỏ toàn bộ số tiền tích lũy của mình suốt mấy năm trời làm thêm ra để thực hiện đam mê đấy chứ. Có những lúc cũng cảm thấy mệt mỏi kinh khủng. Nhiều khi trong túi chẳng còn nổi 10.000 đồng để đổ xăng.

Thêm nữa, lĩnh vực về người khuyết tật nói chung luôn là một lĩnh vực nhạy cảm. Còn vấn đề pháp lý lại còn nan giải hơn rất nhiều. Thời điểm đó chưa hề có luật về người khuyết tật. Trung tâm mà Hoa thành lập lại chưa từng có tiền lệ, chưa có người đi trước nên hoàn toàn phải tự mình tìm hiểu, lo liệu, tự ngã tự đứng dậy.

Như thế, đã bao giờ trong đầu Hoa có ý định bỏ cuộc?

Không hề. Bởi thực sự Hoa cũng là một đứa rất cứng đầu. Nếu trên con đường mình đi, gặp phải một bức tường, nhiều người sẽ quay lại. Còn với Hoa, Hoa sẽ bằng mọi giá húc đổ bức tường và đi tiếp. Bởi thế mà mới có trung tâm này chứ.


Vất vả khó khăn là thế. Bố mẹ có ủng hộ Hoa trong vai trò này không?

Thực ra, cũng rất khó cho bố mẹ. Sinh con ra, nuôi ăn học, bố mẹ nào chẳng muốn con mình ra trường có một công việc ổn định, dễ dàng, cuộc sống êm ả. Chẳng ai muốn con mình đâm đầu vào khó khăn. Thời gian đầu bố mẹ cũng phản đối lắm, nhưng thấy Hoa cứ quyết nên đành kệ. Bây giờ, công việc cũng giúp Hoa tạm đủ sống, nhưng cũng căng thẳng, mệt mỏi hơn đi làm nhiều.

Tại sao Hoa lại dấn thân vào một lĩnh vực khó khăn như thế?

Mỗi người một đam mê mà. Con đường mà Hoa đam mê cũng đem đến cho Hoa rất nhiều điều. Về mặt tình cảm, mọi người đem đến cho Hoa rất nhiều. Còn về mặt cuộc sống, về mặt kinh doanh, theo Hoa đây là một lĩnh vực rất khả thi, bởi lẽ nó không có cạnh tranh và ngày càng sự quan tâm của mọi người đến người khiếm thính càng nhiều hơn.


Nhiều người cho rằng Hoa đã bỏ vô ích 4 năm học đại học của mình. Nhưng cũng không hẳn là như vậy. Để điều khiển một trung tâm cần một nền tảng về kiến thức và quản trị rất vững, cũng cần xây dựng cả chiến lược phát triển nữa. Chỉ có kinh nghiệm là điều mà Hoa đang phải hoàn thiện dần mà thôi.

Gần đây, được biết Hoa đang tích cực làm những thước phim tài liệu dành cho người khiếm thính. Hoa có thể chia sẻ thêm về công việc này?

Qua công việc này, Hoa muốn rằng mình sẽ tạo ra thêm một kênh thông tin cho người khiếm thính. Thiếu thính giác việc tiếp nhận thông tin khó gấp nhiều lần so với việc thiếu thị giác. Những người khiếm thính có rất ít cổng thông tin và vì thế hiểu biết cũng như sự hòa nhập xã hội của họ bị hạn chế rất nhiều.

Việc làm phim được Hoa xếp vào mảng tình nguyện, có nghĩa là phi lợi nhuận hoàn toàn. Nhắc đến việc này, Hoa phải cám ơn ekip làm việc của mình, đó thực sự là những người bạn vô cùng tuyệt vời đã cùng Hoa vượt qua rất nhiều khó khăn. Từ bộ phim đầu tiên về Hồ Gươm được quay bằng máy ảnh cá nhân của Hoa thì đến bây giờ, khi làm phim về Bát Tràng, Hoa đã có cả đạo diễn (là Hiền – sinh viên khoa Đạo diễn Đại học Sân khấu điện ảnh) và cả quay phim (anh Cát) chuyên nghiệp rồi.


So với làm phim tài liệu thông thường, làm việc tài liệu cho người khiếm thính khó khăn hơn ở điểm nào nhỉ?

Làm phim là ý tưởng mà Hoa đã manh nha từ lâu. Nhưng thực hiện thì là điều vô cùng khó khăn. Cần phải nhắc lại rằng ngôn ngữ ký hiệu được cả thế giới công nhận là bộ ngôn ngữ riêng, bên cạnh ngôn ngữ nói thông dụng. Ngôn ngữ ký hiệu rất đặc biệt, ngữ pháp cũng khác hoàn toàn với ngôn ngữ nói. Không phải cứ viết bằng tiếng Việt thông thường rồi dịch tương đương câu chữ sang là xong đâu. Việc “chuyển thể” này khó khăn vô cùng. Nhất là với đề tài mà Hoa chọn là đề tài về lịch sử. Ngôn ngữ về lịch sử có những nguyên tắc nhất định, bản thân mình không thể “sáng tác” ra lịch sử được. Trong khi đó, kho từ vựng của ngôn ngữ khiếm thính lại rất hạn chế. Việc quay phim, viết kịch bản bằng tiếng Việt có thể khá nhanh chóng, nhưng việc chuyển thể thì không đơn giản chút nào.

Hiện nay, với mỗi bộ phim, đều vừa có ngôn ngữ ký hiệu, lại vừa có ngôn ngữ nói để phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau. Mong mỏi của Hoa là có thể có thêm một người dịch vụ giúp ngôn ngữ Tiếng Anh nữa cho các bộ phim để nhiều người biết đến hơn. Nhưng nghe chừng khó quá. Hoa liên tục đăng tin tuyển cộng tác viên cho việc làm phim mà chưa hề nhận được một cuộc điện thoại liên hệ nào.

Hi vọng rằng sắp tới Hoa sẽ có nhiều người ủng hộ hơn trong công việc này để có thể giúp được nhiều hơn cho những người khiếm thính.

Hoa cũng mong thế lắm. Còn mong mình làm được nhiều việc hơn nữa, để cộng đồng người khiếm thính được quan tâm hơn, bớt thiệt thòi hơn. Mong rằng sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ cho họ hơn, mong một ngày nào đó những người khiếm thính có một bộ sách giáo khoa riêng cho mình. Và Hoa sẽ liên tục hành động cho những mong muốn, dự định đó của mình.

Vậy chúc Hoa luôn thành công trên con đường mình đã chọn. Cám ơn Hoa rất nhiều.

Chia sẻ