Tuần lễ chào mừng 20/10

Nguyễn Thùy Liên - nữ giám đốc 8x xinh đẹp và tài năng

Ái Lê,
Chia sẻ

“Chúng ta có thể thay đổi sâu sắc cuộc đời bằng một quyết định đơn giản, ít nhất là mở lòng ra đón nhận cái mới” - Quan niệm sống của Nguyễn Thùy Liên.

Khởi nghiệp vào năm 21 tuổi chỉ với chiếc laptop cũ trong căn phòng nhỏ mượn tạm của người bạn, sau ba năm Nguyễn Thùy Liên đã là chủ sở hữu của ba công ty có tiếng trong lĩnh vực tư vấn thương hiệu, đào tạo, định hướng, nâng cao năng lực lãnh đạo. Sau những gì đã đạt được, giờ đây Thùy Liên vẫn như con thoi giữa các chương trình cho cộng đồng, trao tặng và tìm kiếm học bổng cho các bạn sinh viên. Nhân ngày 20/10, chúng ta cùng lắng nghe những chia sẻ của nhà nữ lãnh đạo trẻ sinh năm 1987 về công việc - cuộc sống - gia đình nhé!

Theo tôi được biết, từ khi còn trong đại học chị đã lãnh đạo khá nhiều câu lạc bộ đội, nhóm sinh viên và vừa học vừa làm. Vậy những điều ấy đã giúp ích như thế nào cho chị trong quá trình làm việc sau này?

Khoảng thời gian này đã đem lại cho Liên rất nhiều những trải nghiệm hữu ích, giúp Liên có nhiều tự tin khi kinh doanh, nhất là khả năng giao tiếp và xây dựng mối quan hệ, khả năng thuyết phục… và nhất là đã giúp Liên phát hiện và phát huy sở trường  của mình là những hoạt động liên quan đến làm việc với con người và có thể suy nghĩ liên tục mấy ngày mà không thấy chán.

Tuy còn trẻ nhưng chị đã gặt hái được khá nhiều thành công, cũng không phải là dễ dàng gì để có được kết quả như ngày hôm nay thế chị đã thấy hài lòng với những gì mà mình đạt được chưa? Trong thời gian tới chị có dự định gì không?


Trong thời gian tới Liên sẽ vận động thực hiện chương trình “Tôn vinh trí tuệ Việt Nam”. Liên nhận thấy là hệ quả về kinh tế, xã hội ở các nước được xem là tiên tiến trên thế giới đặt ra một câu hỏi là “liệu cái gì của nước ngoài cũng đều tốt không?”. Tâm lý người Việt mình khá là sính ngoại, cứ đua đi học và bắt chước theo nước ngoài. Càng hội nhập thì càng hòa tan. Liên không phủ nhận việc mình phải học hỏi tiếp thu tinh hoa, nhưng trước hết mình phải nắm được cái tinh túy của chính mình cái đã. Việt Nam có rất nhiều cái hay để học lại như Ông cha ta đã làm gì để thành công trong các cuộc kháng chiến? Truyền thống gia đình và gìn giữ các mối quan hệ thâm giao? Sự nhẫn nhịn... hay dù khó khăn đủ điều nhưng 1 số Doanh nghiệp Việt vẫn phát triển tốt? Vậy thì tại sao mình không quay lại học ở VN trước? Chẳng phải những chuyên gia người Việt ở nước ngoài thành công cũng vì họ phối hợp cái tinh hoa tư duy của người phương Đông với phương pháp khoa học của phương Tây hay sao?... Và việc gần nhất Liên là viết 1 cuốn sách về những phát hiện mới về con người và nghệ thuật quản trị phù hợp cho người Việt trong quá trình công tác và quan sát của mình.


Những lúc bế tắc trong công việc và cuộc sống chị thường nghĩ tới điều gì hoặc làm gì để có động lực tiếp tục tiến lên hoàn thành công việc một cách tốt nhất cũng như cân bằng được cuộc sống của chính mình?

Liên ít khi gặp bế tắc, nhưng mỗi khi gặp thì Liên tĩnh tâm lại và hỏi “ mình thực sự muốn gì?” và “ bây giờ mọi chuyện đang như thế nào?”. Sau đó giải pháp xuất hiện và cứ thế làm tiếp.

Theo chị, một người phụ nữ, giữa gia đình và sự nghiệp cái nào quan trọng hơn và cái nào quyết định cái nào?

Theo Liên thì cái nào cũng quan trọng cả. Và quan trọng nhất là bản thân mình, bản thân mình tốt, hạnh phúc thì mới làm tốt vai trò trong gia đình và sự nghiệp.

Chị có mẫu người đàn ông của riêng mình không? Nếu có, đó là một người như thế nào?

Liên đã có gia đình, muốn biết mẫu đó như thế nào chắc phải đến gặp ông xã của Liên để tìm hiểu.



Chị đã có gia đình, vậy trong cuộc sống vợ chồng, ông xã chị đã giúp đỡ chị như thế nào trong công việc cũng như trong cuộc sống?

Liên có thiên hướng về tư duy, giao tiếp, viết lách nhưng về đi đứng, công nghệ... thì lại như một nàng ngố. May là có ông xã luôn bên cạnh hỗ trợ. Hai vợ chồng có chung suy nghĩ về cuộc sống và triết lý kinh doanh nên ông xã hỗ trợ Liên hết mình trong công việc, từ những việc nhỏ như đi đâu cũng chở Liên đi, tìm các giải pháp công nghệ để hiện thực hóa ý tưởng của Liên hay luôn khen mấy món ăn Liên " tự chế" và  không cho Liên động tay vào việc nhà sợ hư tay... cho đến việc nỗ lực học phát triển bản thân để có thể chia sẻ nhiều hơn với Liên trong công việc. Liên cảm thấy mình và ông xã giống như hai người sinh đôi vậy. Nhờ ông xã đồng cảm như vậy mà Liên cảm thấy mình cần nỗ lực hơn nữa.

Nhân cơ hội này, chị có muốn nhắn nhủ gì đến người chồng yêu quý của mình không ạ?

Cảm ơn ba mẹ đã sinh ra anh, cảm ơn cuộc đời đã cho anh và em gặp nhau, cảm ơn anh.

Như được biết, chị là một người phụ nữ trẻ, hiện đại. Vậy lý do hay động lực nào khiến chị mở một trung tâm liên quan đến Thiền?

Trung tâm được lập ra với sứ mệnh ứng dụng Thiền để nâng cao năng lực lãnh đạo. Năng lực lãnh đạo được định nghĩa là Lãnh đạo bản thân. Lãnh đạo bản thân mình thì mới Lãnh đạo được người khác. Khi đạt đến mức phát triển cao trong lãnh đạo bản thân thì mình sẽ đạt đến sự bình an thường trực và trí tuệ sáng suốt. Loại Thiền mà trung tâm triển khai là Thiền chủ động - proactiveZen, tác giả của loại Thiền này là người Việt Nam và theo hiểu biết của Liên từ những người đi du lịch Thiền ở nước ngoài và sách vở thì loại Thiền này chưa được khai thác kinh doanh trên thế giới.

Thực ra, Liên ấp ủ một mong muốn lớn hơn, đó chính là góp phần định vị lại Việt Nam trên bản đồ thể giới. Như chúng ta biết thì Việt Nam đang bị bế tắc trong việc tìm ra điểm khác biệt để thu hút khách du lịch quay lại VN từ lần thứ 2.


Có một câu chuyện là có một người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, họ muốn học thiền, bạn Liên dẫn họ đi học Thiền cổ truyền, hỏi ra nguồn gốc thiền này có từ đâu? Thì là từ Ấn Độ, thế là họ hỏi lại “ vậy tôi qua Ấn Độ học tận gốc cho hiệu quả chứ sao lại học ở Việt Nam?”, thế là họ không học.

Từ đó Liên thấy rằng, muốn thu hút khách lâu dài thì Việt Nam cần có những sản phẩm – dịch vụ riêng có và thuần Việt chứ không thể nào vay mượn được. Trong đó, sự bình an là một món hàng mà ai cũng cần, và họ càng cần hơn trong thời đại hỗn loạn này. Nên Liên nhận định đây là một sản phẩm sẽ tạo nét khác biệt lõi cho Du lịch Việt.

Và quan trọng hơn cả là: nếu Việt Nam muốn phát triển du lịch loại Thiền này thì Các công ty du lịch và người dân phải học loại thiền này ở trình độ cao. Thế là ai cũng bình an, ai cũng trí tuệ, cuộc sống sẽ rất là tuyệt vời, không những giảm được tệ nạn xã hội, bạo hành mà còn dịch chuyển cấu trúc kinh tế VN sang các ngành Trí tuệ hơn và mang tính “người” hơn.

Qua những khó khăn đã trải qua cũng như thành công mà chị đã gặt hái được, chị có chia sẻ gì đến những người phụ nữ muốn kinh doanh và cách khẳng định mình trong xã hội?


Liên nhận ra rằng để thành công thì mình cần phải là chính mình. Mình đừng cố gắng khẳng định mình với ai hay với xã hội, hãy tập trung phát triển bản thân mình để có trí tuệ và bình an cho chính mình. Rồi sau đó chuyện gì đến sẽ đến. Thành công không phân biệt giới tính, quan trọng ở chỗ nhận thức “mình là ai” mà thôi.

Chị muốn chia sẻ điều gì nhân dịp 20/10 này không?

Liên thấy ngày 20/10 là dịp rất ý nghĩa để chị em mình tự hào mình là người phụ nữ Việt Nam với những truyền thống rất đáng trân trọng. Và trong xã hội hiện đại này, phụ nữ chúng ta càng phải yêu thương bản thân mình hơn để thực sự được hạnh phúc và mang lại sức sống cho những người xung quanh. Nhân ngày 20/10, Liên xin chúc cho chị em phụ nữ chúng ta ngày càng trí tuệ và hạnh phúc hơn.

Chúc chị có một ngày 20/10 thật vui và ý nghĩa bên cạnh những người thân yêu, luôn dồi dào sức khỏe và thành công hơn nữa trên con đường sự nghiệp.

Chia sẻ