Gặp chàng trai “Nghĩ điên làm chất” với "Nhai luôn ly, Uống luôn xô"
Tạo ra một cộng đồng người trẻ “Nghĩ điên làm chất” là “tham vọng” của chàng trai 8X Trần Thanh Tùng, chủ quán cà phê với chuỗi món uống độc đáo như "Nhai luôn ly, Uống luôn xô, Đá đổi vị, Cầu vồng trong mưa" đang thu hút sự chú ý đông đảo của giới trẻ Sài Gòn.
Từ "Nhai luôn ly, Uống luôn xô đến Cầu vồng trong mưa"
Dù chỉ mới ra đời một năm, nhưng quán cà phê của chàng trai 8X Trần Thanh Tùng đã có đến hơn 96.000 người biết đến với tên gọi thân mật “Đảo Khỉ giữa lòng Sài Gòn”. Gọi là “Đảo Khỉ” vì logo của quán chính là hai chú khỉ đeo kính đen cười rất ngầu, và hầu hết những vật dụng trang trí trong quán từ thực đơn, tranh ảnh đều đậm đặc tinh thần của “Tôn Ngộ Không”.
“Quán cà phê này xuất phát từ cá tính của tôi, tôi rất thích khỉ. Tôi thích sự kiên trì, sức mạnh và hành động khác thường của Tôn Ngộ Không. Đó là một bản thể độc lập nhưng lại rất hòa hợp với mọi người”,Thanh Tùng cho biết. “Tôi muốn tạo ra tính cách thương hiệu của mình vừa điên vừa chất như chú khỉ Tôn Ngộ Không”.
Không chỉ tạo ra một không gian đầy ngộ nghĩnh, quán còn tạo ra những uống độc đáo: "Nhai luôn ly, Uống luôn xô, Đá đổi vị" và gần đây nhất là món "Cầu vồng sau mưa". “Tôi muốn khi mọi người vào quán, nhìn vào thứ gì cũng phải thốt lên “Điên quá ha mà cũng chất quá ha”. Đó là lý do quán tạo ra những món uống khác lạ lấy ý tưởng từ nước ngoài hoặc do chính chúng tôi tạo ra”,Thanh Tùng chia sẻ.
Từ bỏ công việc mức lương 30 triệu để theo đuổi mục tiêu “Làm cho nhiều người hạnh phúc càng tốt”
Ít ai biết trước khi gây dựng thành công quán cà phê thu hút đông đảo giới trẻ Sài Gòn, chàng trai Trần Thanh Tùng đã nhảy việc liên tục để tìm cho mình niềm đam mê thật sự. Thi đậu 4 trường Đại học và Cao đẳng, Tùng quyết định chọn ngành Khoa học máy tính để dấn thân. Nhưng học đến năm 3 Đại học, Tùng mới nhận ra mình không hề yêu công việc lập trình hay máy tính, nên đã rời trường học và theo đuổi ngành Marketing.
“Tôi rất thích định nghĩa về Marketing của David Kotler: Maketing là quá trình tìm hiểu nhu cầu của người khác, nắm bắt được nhu cầu rồi thỏa mãn nhu cầu của họ từ đó lấy lại được quyền lợi cho riêng mình. Nhu cầu đó có thể là niềm vui, là hạnh phúc, có thể là lợi nhuận đến từ các công ty. Từ nhỏ tôi đã có mơ ước muốn làm người khác hạnh phúc, và tôi theo đuổi ngành Marketing vì điều đó”.
Nhưng mọi việc không đơn giản như Tùng nghĩ. Rời trường học, Tùng tham gia một vài khóa học, tự đọc sách nghiên cứu về Marketing và bắt đầu đi làm ở các công ty với nhiều vị trí liên quan đến ngành Marketing như: Quản lý thương hiệu, tổ chức sự kiện, quản lý cộng đồng, Fanpage…
Dù làm việc ở nhiều công ty ở đủ lĩnh vực thương mại điện tử, đồ uống, thực phẩm, quản lý nhiều thương hiệu tên tuổi nhưng Thanh Tùng vẫn không có cảm giác hạnh phúc. "Thời điểm ấy tôi đang giữ chức vụ trợ lý thương hiệu cấp cao cả một công ty nước suối. Tôi cùng các bạn đi công tác kết hợp tổ chức teambuilding ở Đà Nẵng. Chiều hôm ấy, tôi đang ngồi làm việc trong khách sạn thì nhìn thấy bầu trời ngoài kia hoàng hôn buông xuống rất đẹp. Bất chợt tôi nhìn lại không gian bên trong khách sạn mình đang ở, mọi thứ ở đây rất sang trọng nhưng tôi cảm thấy chúng không có ý nghĩa với mình. Công việc ở đây, những giá trị ở đây không phải là điều tôi mong muốn” Thanh Tùng tâm sự.
Chính trong buổi chiều hoàng hôn đẹp đẽ đấy, Tùng đã quyết định bỏ việc để khởi nghiệp dù đang có mức lương nhiều người mơ ước. “Nhãn hàng tôi đang quản lý sinh ra để làm truyền thông, để thuyết phục khách hàng, để kiếm lợi nhuận, những điều đó không phù hợp với mong muốn của tôi. Tôi có cảm giác công việc mình làm không đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng dù tôi rất thích thương hiệu đó”, Tùng kể. “Tôi từng có ước mơ tạo ra một cộng đồng giới trẻ phát triển, tạo ra một cộng đồng hạnh phúc và không gì tuyệt hơn là bắt tay vào xây dựng một thương hiệu dựa trên tính cách của mình”.
Đến nay, sau hơn một năm khởi nghiệp, Tùng đã sở hữu hai quán cà phê với doanh thu có thể đạt đến con số 10 triệu đồng/ngày nhất là vào dịp cuối tuần và ngày lễ.
“Tôi muốn tạo ra cộng đồng “Nghĩ điên làm chất” khắp Việt Nam”
Nhưng điều thú vị của câu chuyện này không dừng lại ở những món uống độc đáo, tham vọng của chàng trai 8X Trần Thanh Tùng là tạo ra một cộng đồng “Nghĩ điên làm chất” thông qua hoạt động của chuỗi quán cà phê mà Tùng sở hữu. “Đảo Khỉ giữa lòng Sài Gòn” thực chất là nơi đào tạo những bạn trẻ có khao khát được sống khác biệt và theo đuổi niềm đam mê khởi nghiệp.
Chào Thanh Tùng, vì sao bạn lại lấy câu “Nghĩ điên làm chất” làm slogan cho quán cà phê của mình?
Khi bắt tay xây dựng thương hiệu, tôi có thực hiện khảo sát dành cho giới trẻ và kết quả cho thấy gần như bạn trẻ nào cũng cảm thấy mình khác biệt. Từ “khác biệt” nghe có vẻ gần gũi hơn từ “điên” nhưng khi chọn lọc về từ vựng thì từ mà họ miêu tả sự khác biệt là “khùng”, “điên”, “tửng”, “lạ”… Thời điểm ấy, từ “điên” đang được giới trẻ sử dụng rất phổ biến. Phần đông các bạn trẻ đang ở trong trạng thái không được sống thật, sống “điên” như cá tính của họ. Họ có quá nhiều thứ gánh vác trên vai như gia đình, bạn bè, ngành học… nên không sống thật được với ước mơ và cá tính của mình. Họ cần được truyền cảm hứng, họ cần một nơi để phát triển bản thân đủ mạnh và tôi mong muốn tạo ra môi trường ấy cho họ.
Ý Tùng muốn nói bạn tạo ra không gian để khách hàng đến đây sẽ cảm thấy được “điên và chất”?
Hiện tại tôi đang tập trung đào tạo những nhân viên “điên, chất”. Đó là những bạn trẻ khao khát sống khác biệt và yêu thích việc khởi nghiệp nhưng chưa đủ kinh nghiệm, kiến thức và tài chính. Trong môi trường làm việc cởi mở mà chúng tôi tạo ra, họ có thể tham gia thay đổi mọi thứ trong quán, từ việc trang trí, sản phẩm đến cung cách phục vụ. Tôi xây dựng một qui trình làm việc có thể khai thác khả năng sáng tạo của từng nhân viên, góp phần tạo ra sản phẩm mới liên tục.
Mỗi tuần chúng tôi có buổi họp ý tưởng và tất cả những ý tưởng hay đều được đưa vào ứng dụng ngay. Mỗi tháng chúng tôi đều ra mắt sản phẩm mới và ngay cả thiết kế trong quán cũng thay đổi. Mỗi lần đến quán các bạn sẽ thấy ánh sáng khác hơn, những vật dụng trang trí, bức tranh trên tường cũng sẽ đổi khác. Những thay đổi sẽ tốt hơn, truyền cảm hứng hơn và khách hàng đến quán lúc nào cũng cảm thấy có gì đó mới lạ ở đây.
Như thế nào gọi là một nhân viên đủ chuẩn “điên và chất”?
“Điên” nghĩa là bạn nhận biết được bạn khác biệt, bạn không bắt chước hay so sánh mình với người khác, bạn có những suy nghĩ của riêng bạn. “Chất” nghĩa là bạn dám làm, sẵn sàng biến ý tưởng của bạn thành hiện thực và đã làm rồi thì phải làm đến cùng. Mỗi nhân viên ở đây không chỉ đơn thuần là người phục vụ mà giống như một người khởi nghiệp vậy. Thông qua quá trình tổ chức phục vụ trong quán cà phê họ sẽ kết nối khách hàng qua sở thích và dự án riêng của họ.
Vậy mục tiêu cuối cùng của Tùng là tạo ra một cộng đồng những người khởi nghiệp trẻ?
Có thể nói như vậy. Tôi tưởng tượng mình có thể tạo ra những người trẻ đầy tự tin với cuộc đời, họ có nghề nghiệp, có kiến thức và đủ mạnh mẽ để lăn lộn ngoài đời như tôi đã từng. Thực tế, có rất nhiều bạn tham gia cộng đồng “nghĩ điên, làm chất” ban đầu chưa biết gì nhưng đến nay đã biết được rất nhiều kỹ năng, làm thế nào để khởi nghiệp, quản lý tài chính…. Tôi mong muốn sẽ tạo ra càng nhiều cộng đồng “nghĩ điên làm chất” khắp Việt Nam.
Cảm ơn Thanh Tùng về cuộc trò chuyện thú vị. Chúc cộng đồng “điên chất” của bạn sẽ tạo ra nhiều sản phẩm mới lạ và càng ngày càng lớn mạnh.