Gặp cậu bé "Đồ Rê Mí" làm nhiều người thổn thức

Thùy Dương,
Chia sẻ

Đêm thi Hát Ru hôm 22/7 đã đem lại cho khán giả nhiều cảm xúc. Đặc biệt, màn thể hiện “Gặp mẹ trong mơ” của cậu bé Lê Trần Nhật Tiến đã chạm tới trái tim của nhiều người.

"Gặp mẹ trong mơ" qua giọng hát của Nhật Tiến

Xin chào Nhật Tiến, trước đây con đã từng hát ru chưa? Nếu hát ru cho em ngủ mà con cũng khóc như vậy thì con thấy thế nào nhỉ?  

Dạ, trước đây con chưa hát ru lần nào, thỉnh thoảng con chỉ nhảy Hiphop cho em xem thôi. Nếu hát ru cho em ngủ mà con cũng khóc như vậy thì con thấy kỳ lắm ạ... Vì mình là con trai nên phải mạnh mẽ, không được khóc ạ!

Nhật Tiến và em gái 

Nghe nói khi con tập, tổng duyệt và cả khi biểu diễn bài hát này trên sân khấu, con đều khóc. Con có cảm xúc ấy từ đâu? 

Dạ, con có cảm xúc từ lời và giai điệu của bài hát. Mỗi lần con tập là con cứ tưởng mình là đứa con không ngoan, làm mẹ mình buồn, lúc ấy con rất hối hận và thương mẹ Lài lắm, nước mắt con cứ chảy, dù lúc đó con muốn mình không khóc để tập tốt hơn ạ! Buổi sáng tổng duyệt, con muốn mình thật bình tĩnh và không khóc nhè nhưng con không kiềm chế được và con rất lo sẽ ảnh hưởng đến phần thi của mình.

“Gặp mẹ trong mơ” dựa trên câu chuyện cổ tích “Sự tích cây vú sữa” đầy cảm động

Thưa chị Trần Thị Lài, mẹ của bé Nhật Tiến, khi bé nhận được bài hát "Gặp mẹ trong mơ", chị có cảm nhận như thế nào về bài hát này? Chị nghĩ bài hát có hợp với Nhật Tiến không - khi mà bé là một bạn nhỏ có tính cách sôi động, trái với sự êm dịu và sâu lắng của bài hát? 

Khi bé nhận được bài hát “Gặp mẹ trong mơ”, là phụ huynh của bé, thật sự bản thân tôi lúc đó hơi lo lắng. Vì cho rằng đây là một sự thử thách lớn đối với con trai mình.  Bài hát “Gặp mẹ trong mơ” mang giai điệu và âm hưởng nhẹ nhàng, êm dịu, tình cảm sâu lắng rất hợp với con gái. Bản thân cháu Nhật Tiến là một bé trai có tính cách sôi động, ồn ào lại đang còn nhỏ, trong khi bài hát là của người lớn. Tôi cũng đã từng nghe ca sĩ Thùy Chi thể hiện ca khúc này rất thành công, nên cảm giác ban đầu khi cháu nhận được hát bài này làm tôi hơi sửng sốt và cảm thấy cháu không hợp lắm.

Chị Trần Thị Lài xúc động trong Vòng loại miền Bắc của Đồ Rê Mí 2012 khi con trai mình đã được đi tiếp vào vòng Chung khảo

Là một người mẹ, nghe con mình hát về mẹ và sự hối hận của một người con đã từng bất hiếu, chị có cảm xúc như thế nào khi ở dưới hàng ghế khán giả nghe con hát? 

Đối với Nhật Tiến thì đây không phải lần đầu tiên cháu hát về mẹ, ở vòng chung kết Đồ Rê Mí - Ma ra tông, cháu đã trình diễn bài "Đưa cơm cho mẹ đi cày” và gần đây nhất là show biểu cảm khuôn mặt ở vòng 2 Đồ Rê Mí, cháu đã hát bài "Hôm nay mẹ trực đêm”. Hai bài hát trên cũng dạt dào cảm xúc, mỗi lần nghe lại thật sự lòng tôi se lại và hết sức cảm động. Và đến bài hát “Gặp mẹ trong mơ” ở Show Hát Ru, lúc nghe và nhìn cháu biểu diễn trên sân khấu, tôi hoàn toàn nhập cảnh vào bài hát, không kìm nén nổi xúc động và nước mắt lại tuôn trào. Nhất là khi cháu hát đến câu “Sao không thấy mẹ?...”, cháu khóc mà tôi nghẹn ngào. Lúc đó, tôi nhớ lại khi ở nhà những lần cháu nghịch ngợm, chỉ cần ba mẹ nhắc nhở và hơi to tiếng là cháu đã nhận lỗi và khóc. Càng nghĩ về điều đó tôi lại càng thấy yêu thương con trai mình hơn bao giờ hết và lúc ấy tôi muốn lên sân khấu ôm chầm con vào lòng…

Xin cảm ơn chị và bé Nhật Tiến vì những chia sẻ chân thành này.

Để có được sự đánh giá khách quan hơn, phóng viên cũng đã gặp gỡ giảng viên âm nhạc Huyền Nga. Chị cũng có những chia sẻ của mình, với vai trò là người đã hướng dẫn âm nhạc cho bé Nhật Tiến trong bài hát “Gặp mẹ trong mơ”.

Được biết chị là người trực tiếp giảng dạy bé Nhật Tiến bài hát "Gặp mẹ trong mơ" và cũng có đến theo dõi chương trình trực tiếp. Vậy Nhật Tiến khi tập với cô giáo và khi biểu diễn trên sân khấu có gì khác nhau? Cảm xúc của bản thân chị lúc dạy bé (như một cô giáo) và khi xem bé diễn (như một khán giả) cũng có gì khác?  

Vâng, mình là người đã dạy cho Nhật Tiến từ vòng trước nên cũng đã nắm được rất rõ những ưu, khuyết điểm trong giọng hát của bé. Quả là rất khó để một đứa trẻ mới 9 tuổi thể hiện tốt bài hát này, nó đòi hỏi cách xử lý thật tinh tế, làn hơi tốt, linh hoạt. Nhật Tiến là em bé giàu cảm xúc nhưng vấn đề là làm sao khơi được nguồn cảm xúc ấy và truyền nó tới người nghe, cũng giống như chúng ta, ai cũng đều rất yêu mẹ nhưng mấy ai nói được điều ấy với mẹ của mình đâu.

Nhớ buổi đầu khi tập bài này, bé không sao tập trung được, vì như bạn biết đấy Nhật Tiến là em bé thông minh, nhanh nhẹn hay trêu đùa mọi người rồi đột nhiên đưa bé vào một không gian âm nhạc khác nên bé thấy lạ. Nga đã phải phân tích cho bé rất rõ hoàn cảnh bài hát, giải thích cặn kẽ cho bé từng câu từng từ và yêu cầu bé luôn luôn đặt ra câu hỏi tại sao và vì sao lại làm thế này, thế kia. Và chỉ đến buổi thứ 3 Tiến đã hoàn toàn hoà nhập và thể hiện rất tốt, rất đúng với yêu cầu của bài hát. Hàng ngày cô và trò tập với nhau trên cái xương sống ấy và tình cảm nó ngấm dần vào Tiến. 

Điều Huyền Nga hài lòng nhất ở Tiến đó là bé nuôi dưỡng cảm xúc rất tốt, nó càng ngày càng được đào sâu hơn chứ không bị thoái trào, mai một đi.

Cho đến hôm tổng duyệt, bé không tập được lần nào trọn vẹn cả vì cứ hát đến câu thứ 3 là con khóc nức nở lên rồi, các cô đành phải cho con nghỉ. Quả thực Nga rất bối rối nhưng vẫn nhẹ nhàng động viên, khích lệ bé làm sao tiết chế cảm xúc để  gửi đến khán giả trọn vẹn ca khúc ấy và buổi tối hôm ấy Tiến đã làm được nhiều hơn những gì cô mong đợi. Nhật Tiến quả thật là một nghệ sĩ có trái tim giàu cảm xúc và bản lĩnh sân khấu tuyệt vời. Nhật Tiến đã làm được một điều mà tất cả các nghệ sĩ đều ao ước đó là chạm được vào trái tim của người nghe, khiến họ đồng điệu với mình và lấy đi những giọt nước mắt của họ.

Cô giáo Huyền Nga và Nhật Tiến

Chị có đánh giá gì về show Hát Ru này, khi show chủ đề này lần đầu tiên xuất hiện tại Đồ Rê Mí? Theo chị, với các bé còn nhỏ như vậy, có bé chỉ mới 6 tuổi, show Hát Ru sẽ có thuận lợi và khó khăn gì?

Show Hát Ru này quả thật là khó, nó khó cho tất cả các ca sĩ chứ không riêng gì các em nhỏ của Đồ Rê Mí. Nhưng theo mình nó là hướng đi mới của chương trình, đòi hỏi cao hơn về chuyên môn để xây dựng một sân chơi công bằng hơn, định hướng tốt hơn cho các em nhỏ muốn tham gia ca hát. Ở trong show này sẽ bộc lộ hết những ưu khuyết điểm của từng em nên các em phải nỗ lực rèn luyện các kĩ năng và tích cực gọt giũa giọng hát cũng như làn hơi vì các em sẽ không thể dựa dẫm vào bất cứ sự trợ giúp từ bên ngoài nào như ban nhạc hay các thiết bị điện tử.  

Còn về các em, sự thuận lợi là hầu hết các em đều đang ở độ tuổi vẫn trong vòng tay nựng nịu của cha mẹ và ông bà với những câu hát ru đầy ắp sự yêu thương vẫn đang hiện hữu xung quanh các em hàng ngày nên nó khá là quen thuộc. Còn về sự khó khăn đó là những khúc hát ru bao giờ cũng đòi hỏi một làn hơi trường sức và sự điều tiết tốt sao cho lúc trầm lúc vút cao mà vẫn phải trong trẻo mượt mà. Điều này rất khó cho các em vì cứ đến nốt cao là "hét" và "to".

Xin cảm ơn chị!
Chia sẻ