Gánh nợ thay, bay sạch tài khoản vì hàng loạt thủ đoạn lừa đảo mới trên ví điện tử
Hàng loạt thủ đoạn lừa đảo mới thông qua ví điện tử đã bị các đối tượng xấu lợi dụng và thực hiện để chiếm đoạt tài sản của người dùng.
Sập bẫy rút tiền online
Trong thời gian qua, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng sử dụng công nghệ cao diễn ra vô cùng phức tạp với nhiều thủ đoạn cực tinh vi. Đặc biệt, trong những ngày qua, trên không gian mạng nở rộ hình thức lừa đảo rút tiền online từ thẻ tín dụng, ví điện tử. Nhiều người dùng đã bị lừa đảo dưới hình thức này với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Mới đây, ứng dụng ví điện tử MoMo đã đưa ra cảnh báo đối với người dùng trước tình trạng nhiều đối tượng lừa đảo đã lợi dụng uy tín của MoMo để tiếp cận nhằm chiếm đoạt tài sản khách hàng thông qua nhiều chiêu thức lừa đảo tinh vi:
Thủ đoạn 1: Mạo danh lừa đảo mở ví nhận thưởng
Hiện nay, có nhiều Fanpage giả mạo MoMo thực hiện lừa đảo khách hàng mở ví nhận thưởng và tiến hành giao dịch chiếm đoạt tín dụng không chính thống.
Đây là hình ảnh mà đối tượng lừa đảo photoshop làm “mồi nhử” dụ khách hàng thực hiện theo hướng dẫn để nhận “tiền thưởng”:
Chi tiết các bước lừa đảo:
Bước 1: Đăng nội dung về: Sự kiện: “Tri ân Khách Hàng Thưởng Lớn Từ Ví MoMo” với nhiều mức thưởng 500K, 600K, 800K, 900K... thông qua các Fanpage giả mạo. Đồng thời các đối tượng lừa đảo cho seeding để làm mồi với nội dung “đã nhận được tiền”, “khen uy tín”.
Bước 2: Các đối tượng kêu gọi: “Inbox ngay (Bằng nút "Gửi tin nhắn" ở bài viết) để được CSKH hướng dẫn nhận 500K về tài khoản Ví MoMo”.
Bước 3: Khi khách hàng vào gửi tin nhắn > Đối tượng lừa đảo hướng dẫn khách hàng vào Ví của tôi > Nhấn vào Điểm tin cậy > Chụp màn hình (với lý do là ‘để xem đủ điều kiện nhận ưu đãi về ví không’).
Bước 4: Hướng dẫn khách hàng tải app Sendo, liên kết với MoMo > Sau đó, lừa đảo chỉ cần xác nhận thanh toán bên Sendo là nhận được quà, khiến khách hàng mất tiền trên MoMo.
Bên cạnh lừa đảo khách hàng mở ví nhận thưởng, các đối tượng cũng nhắm vào nhu cầu rút tiền mặt thông qua Ví Trả Sau để chiếm đoạt tín dụng.
Thủ đoạn 2: Lừa đảo rút tiền Ví Trả Sau
Nắm bắt nhu cầu cần vay hoặc rút tiền mặt từ các sản phẩm tín dụng, một số đối tượng đã tiếp cận và lừa đảo khách hàng với thủ đoạn hết sức tinh vi. Các đối tượng thường tạo các Group Facebook hoặc nhắn tin Zalo mời chào khách hàng rút tiền mặt, đáo hạn hàng tháng để nhận tiền mặt về tay với lãi suất thấp.
Nếu khách hàng đồng ý, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng quét mã QR thanh toán, nếu thành công thì khách hàng sẽ nhận được một khoản tiền mặt trả trước. Nạn nhân có thể sẽ mất khoản phí cao hoặc tệ hơn phải gánh chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ số tiền đã thanh toán. Nếu không có khả năng thanh toán, khách hàng có thể sẽ bị ghi nhận nợ xấu trên Trung tâm Thông tin Tín Dụng CIC.
Thủ đoạn 3: Gian lận thông qua MoMo Trả Góp Sản Phẩm Apple
Ngoài lừa đảo rút tiền qua Ví Trả Sau, một dịch vụ khác của ứng dụng ví điện tử này cũng bị các đối tượng nhắm đến để thực hiện hành vi lừa đảo là dịch vụ Trả Góp Sản Phẩm Apple.
Theo đó nắm bắt nhu cầu cần vay hoặc rút tiền mặt từ các sản phẩm tín dụng, trả góp, một số đối tượng đã tiếp cận và lừa đảo khách hàng sử dụng ứng dụng ví điện tử này với thủ đoạn hết sức tinh vi. Các đối tượng thường tạo các Group Facebook hoặc nhắn tin Zalo mời chào khách hàng rút tiền mặt, đáo hạn hàng tháng hoặc mua hàng trả góp hộ người lạ để nhận tiền mặt về tay với lãi suất thấp.
Nếu khách hàng đồng ý, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng tự đặt mua sản phẩm trả góp hoặc sử dụng ví của khách hàng để tiến hành đặt mua hàng, nếu thành công thì khách hàng sẽ nhận được một khoản tiền mặt trả trước. Các đối tượng sau khi thu mua sẽ bán lại sản phẩm để chiếm số tiền chênh lệch. Nạn nhân có thể sẽ mất khoản phí cao hoặc tệ hơn phải gánh chịu trách nhiệm thanh toán toàn bộ số tiền trong hợp đồng trả góp. Nếu không có khả năng thanh toán số tiền trong hợp đồng, khách hàng có thể sẽ bị ghi nhận nợ xấu trên Trung tâm Thông tin Tín Dụng CIC.
Tiền mất, tật mang
Việc rút tiền từ Ví Trả Sau/MoMo Trả Góp Sản Phẩm Apple là một hành động không được khuyến khích và có thể vi phạm pháp luật. Nếu làm theo những hành vi trên của các đối tượng lừa đảo sẽ khiến bạn dễ dàng mắc nợ và gặp những rủi ro pháp lý như bị ghi nhận nợ xấu trên CIC, từ đó ảnh hưởng đến việc sử dụng các sản phẩm tài chính và khả năng vay vốn của bạn trong tương lai.
Ngoài ra, khách hàng có thể bị lộ thông tin cá nhân và kẻ gian có thể sử dụng những thông tin này để tiếp tục các hành vi trục lợi trong tương lai.
Trước tình hình trên, MoMo cho biết: Ví Trả Sau và MoMo Trả Góp Sản Phẩm Apple không cho phép cho mượn ví và rút tiền mặt. Tuy nhiên, có nhiều đối tượng lừa đảo, mạo danh đang quảng cáo hình thức này hòng chiếm đoạt tài sản hoặc đánh cắp thông tin, hành vi này tiềm ẩn nhiều rủi ro mà bạn cần đặc biệt lưu ý.
Không nhận mua hàng theo yêu cầu của người lạ để tránh kẻ xấu lợi dụng đánh cắp thông tin hoặc lợi dụng để trục lợi.
Không thanh toán dư nợ Ví Trả Sau qua bất kỳ kênh nào khác ngoài MoMo.
Không cung cấp các thông tin như mã OTP, mật khẩu MoMo, thông tin đơn hàng,... cho bất kỳ ai để tránh bị ăn cắp thông tin, lợi dụng lừa đảo.
Không truy cập các trang Facebook rút tiền Ví Trả Sau/MoMo Trả Góp Sản Phẩm Apple. Cẩn trọng với mọi trang mạng xã hội ngoại trừ trang Website chính thức mua hàng của Ví Trả Sau/MoMo Trả Góp Sản Phẩm Apple: https://momo.vn/tra-gop-san-pham-apple và https://momo.vn/vi-tra-sau.
Thực hiện đúng các bước hướng dẫn trên MoMo để tránh tiền mất tật mang, MoMo khuyến cáo bạn nên tuyệt đối bảo mật thông tin cá nhân, tìm hiểu kỹ về hợp đồng trả góp, đặc biệt là trách nhiệm thanh toán đối với hợp đồng do mình đứng tên và cảnh giác với các chiêu trò, lời dụ dỗ của các đối tượng xấu.