Gan sạch thì mặt mới sáng: 5 loại thực phẩm vừa "nhẹ gánh" cho gan lại dưỡng ẩm da, gần Tết càng nên ăn để có da hồng hào
Đúng như câu nói "gan sạch thì mặt mới sáng", khuôn mặt chính là tấm gương phản chiếu sức khỏe thể chất của mỗi người, bao gồm cả sức khỏe của gan.
Khi gan bị tổn thương, chức năng nuôi dưỡng và lưu thông máu bị ảnh hưởng, khiến khuôn mặt trở nên sạm màu, vàng vọt. Ngược lại, những người có lá gan khỏe mạnh sẽ có khí huyết dồi dào, sắc mặt hồng hào, tươi tắn và rạng rỡ. Do đó, nếu khuôn mặt bạn xỉn màu, thiếu sức sống thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy gan của bạn đang gặp vấn đề.
Có câu nói "Phụ nữ sinh ra đã mang gánh nặng trên gan" quả thật không sai. Việc chăm sóc và nuôi dưỡng gan đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với phái đẹp.
Mối liên hệ giữa gan và làn da
Gan là cơ quan chính chịu trách nhiệm thải độc tố trong cơ thể. Khi gan hoạt động tốt, các chất độc hại được loại bỏ hiệu quả, giúp giảm thiểu tình trạng mụn nhọt, da xỉn màu do tích tụ độc tố.
Gan tham gia vào quá trình sản xuất và lưu trữ máu. Khi gan khỏe mạnh, quá trình lưu thông máu diễn ra trơn tru, giúp da được cung cấp đủ dưỡng chất và oxy, từ đó trở nên hồng hào, khỏe mạnh.
Gan cũng tham gia vào quá trình điều hòa nội tiết tố. Sự mất cân bằng nội tiết tố có thể gây ra các vấn đề về da như mụn trứng cá, nám, tàn nhang. Gan khỏe mạnh sẽ giúp duy trì sự cân bằng nội tiết tố, từ đó cải thiện tình trạng da.
Vì vậy, việc chăm sóc gan không chỉ quan trọng đối với sức khỏe tổng thể mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến vẻ đẹp của làn da. Việc bổ sung các thực phẩm tốt cho gan là một trong những cách hiệu quả để duy trì làn da khỏe mạnh và tươi tắn.
5 loại thực phẩm không chỉ nuôi dưỡng gan mà còn dưỡng ẩm cho da
Có 5 loại thực phẩm đặc biệt tốt cho gan, không chỉ giúp gan khỏe mạnh mà còn có tác dụng dưỡng ẩm, làm đẹp da, giúp da dẻ hồng hào, tươi tắn. Chỉ khi gan khỏe mạnh, hoạt động tốt thì sắc mặt mới tươi tắn, rạng rỡ.
1. Bắp cải
Bắp cải rất giàu vitamin C, carotene và nhiều loại khoáng chất, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, bảo vệ gan. Đồng thời, các hợp chất thực vật độc đáo trong bắp cải có chức năng sửa chữa tế bào gan.
2. Rau bina
Rau bina rất giàu axit folic, sắt và nhiều loại vitamin, có thể giúp tăng cường chức năng tạo máu của gan, giảm gánh nặng cho gan một cách hiệu quả. Hương vị lạ miệng của rau bina cũng thích hợp để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau.
3. Cà rốt
Cà rốt rất giàu β-carotene, có thể chuyển hóa thành vitamin A, giúp sửa chữa tế bào gan và tăng cường chức năng giải độc gan. Vị ngọt của cà rốt cũng được mọi người yêu thích.
4. Bí ngô
Bí ngô rất giàu pectin và vitamin. Nó có thể giúp loại bỏ các chất độc hại khỏi gan và có tác dụng bảo vệ gan tốt.
5. Tỏi tây
Tỏi tây rất giàu chất xơ và nhiều loại vitamin, có tác dụng tăng cường lưu thông máu, loại bỏ ứ máu, làm ấm gan.
2 loại thực phẩm nếu ăn hàng ngày trong thời gian dài có thể tăng gánh nặng cho gan
Bên cạnh một số thực phẩm mà gan rất "thích" thì cũng có những loại rau nếu ăn quá nhiều thực sự có thể khiến bạn phải nói "xin lỗi" với gan.
1. Rau mầm
Đã bao giờ bạn nghĩ đến những "yếu tố kháng dinh dưỡng" tiềm ẩn trong loại rau mầm?
Các yếu tố kháng dinh dưỡng là những chất tự nhiên có trong thực phẩm. Mặc dù chúng không trực tiếp gây hại ngay lập tức, nhưng lại có khả năng ức chế sự hấp thụ một số chất dinh dưỡng thiết yếu như sắt, kẽm, canxi và các khoáng chất khác.
Nếu các yếu tố kháng dinh dưỡng này tích tụ lâu ngày trong cơ thể, chúng có thể cản trở quá trình trao đổi chất bình thường của gan, tạo thêm gánh nặng cho cơ quan này. Đặc biệt, "chất ức chế trypsin" và "axit phytic" có trong rau mầm có thể ảnh hưởng đến hiệu quả tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng nếu tiêu thụ trong thời gian dài.
Đối với những người có vấn đề về gan, những yếu tố "vô hình" này càng trở nên đáng lo ngại, vì chúng có thể làm tăng khối lượng công việc và ảnh hưởng đến khả năng giải độc vốn đã suy yếu của gan.
2. Mướp đắng
Mặc dù mướp đắng mang lại một số lợi ích nhất định cho sức khỏe gan, nhưng việc tiêu thụ quá mức có thể làm tăng gánh nặng chuyển hóa cho gan, đặc biệt đối với những người có tiền sử bệnh gan. Việc tiêu thụ mướp đắng trong thời gian dài với số lượng lớn có thể khiến gan bị quá tải. Vấn đề nằm ở chính "vị đắng" đặc trưng của mướp đắng, đặc biệt là thành phần "momordicin" (còn được gọi là cucurbitacin), một hợp chất triterpenoid. Khi ăn quá nhiều mướp đắng, thành phần này có thể tạo gánh nặng nhất định cho gan.
Nếu bạn đang bị suy gan, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn mướp đắng. Việc tự ý ăn quá nhiều mướp đắng có thể làm tăng thêm gánh nặng cho gan vốn đã suy yếu.