'Gã khổng lồ' trong lĩnh vực lữ hành của Anh phá sản
Các tác động ngay lập tức đã được cảm nhận. Nhiều du khách tại một khách sạn liên kết với Thomas Cook ở Tunisia cho biết khách sạn đã yêu cầu họ nộp thêm tiền trước khi được phép rời đi.
Một chi nhánh của Thomas Cook ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 23/9, tập đoàn du lịch lớn của Anh, Thomas Cook, đã tuyên bố phá sản sau khi không thể đạt thỏa thuận giải cứu vào phút chót, chấm dứt 178 năm tồn tại và phát triển.
Trước đó, Thomas Cook đã tìm kiếm khoản đầu tư trị giá 200 triệu bảng Anh (250 triệu USD) từ các nhà đầu tư tư nhân để thoát khỏi nguy cơ phá sản.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố, hãng cho biết: "Bất chấp các nỗ lực lớn, các cuộc thảo luận đã không dẫn tới một thỏa thuận giữa các cổ đông của công ty và những nhà đầu tư mới. Vì vậy, ban lãnh đạo công ty kết luận rằng không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiến hành các bước để thanh toán mọi khoản vay bắt buộc ngay lập tức."
Mọi hoạt động của Thomas Cook sẽ phải ngừng lại ngay lập tức, buộc các công ty du lịch thuộc tập đoàn này phải đóng cửa, các máy bay của họ không được cất cánh và khiến 22.000 nhân viên của tập đoàn trên toàn cầu (trong đó có 9.000 nhân viên tại Anh) phải nghỉ việc.
Quyết định trên cũng sẽ ảnh hưởng tới 600.000 khách hàng và gây ra một cuộc "hồi hương" lớn nhất của nước Anh trong thời bình.
Các tác động ngay lập tức đã được cảm nhận. Nhiều du khách tại một khách sạn liên kết với Thomas Cook ở Tunisia cho biết khách sạn đã yêu cầu họ nộp thêm tiền trước khi được phép rời đi.
Hiệp hội Nhân viên vận tải, đại diện cho các lao động tại Thomas Cook, đã kêu gọi chính phủ cứu công ty. Tháng trước, hãng Fosun của Trung Quốc - cổ đông lớn nhất của Thomas Cook - đã đồng ý chi 450 triệu bảng Anh hỗ trợ, đương tương với 50% gói cứu trợ mà tập đoàn cần phải có để thoát khỏi kịch bản phá sản.
Đổi lại, Fosun yêu cầu sở hữu 75% cổ phần của Thomas Cook ở mảng tour du lịch và 25% cổ phần ở mảng hàng không.
Trong một phản ứng của mình, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đảm bảo rằng 150.000 khách du lịch người Anh bị ảnh hưởng sẽ không "bị kẹt" ở nước ngoài.
Cách đây hai năm, sự sụp đổ của hãng hàng không Monarch Airlines đã khiến Chính phủ Anh phải có hành động khẩn cấp để đưa 110.000 hành khách bị ảnh hưởng về nước, với chi phí lên tới 60 triệu bảng Anh cho việc thuê máy bay để "giải quyết hậu quả."
Chính phủ Anh khi đó mô tả đây là "cuộc hồi hương lớn nhất trong thời bình." Thomas Cook là công ty tư vấn du lịch lâu đời nhất thế giới, do ông tổ nghề du lịch hiện đại Thomas Cook thành lập năm 1841.
Nhờ sự tiên phong của Thomas Cook, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia, lãnh thổ.
Những sáng kiến của ông như giá vé đoàn, tour du lịch trọn gói... vẫn đang mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp lữ hành thế giới.
Doanh thu hàng năm của Thomas Cook vào khoảng 9 tỷ bảng Anh và tập đoàn phục vụ 19 triệu lượt khách hàng tại 16 quốc gia trên thế giới.