“Em tưởng” - Câu nói gây ám ảnh với các sếp và để lại hậu quả khôn lường khi đi làm
Đừng nói 'em tưởng'. Thực tế và chủ động lên thôi!!!
Biện minh cho việc thiếu trách nhiệm…
Sếp: “Báo cáo chị giao cho em hôm qua bảo thứ 6 phải có đâu?".
NV: “Em tưởng thứ 2 mới đi gặp khách hàng nên em chưa hoàn thành xong”.
Sếp: “Em tưởng? Vậy chị có thể cũng tự tin tưởng em đã hoàn thành đúng deadline của chị được không?”.
NV: "Em xin lỗi. Em sẽ hoàn thành sớm ạ…".
Có lẽ, trong lúc đi làm của mỗi người đều đã từng không ít lần bắt đầu câu nói với sếp mình bằng từ "Em tưởng...". Ai trong chúng ta, tôi nghĩ ai cũng đã nói từ đó một vài lần đã nói câu này để biện minh cho bản thân mình. Tưởng như một câu nói đơn giản nhưng hệ lụy có lẽ khiến nhiều người sợ. Chị Quỳnh (Leader nhóm content) cho biết: "Nghe đến từ “em tưởng” của nhân viên là mình thấy ớn...
Với mình, “em tưởng” cơ bản chỉ là một sự biện minh. Sự biện minh để chống chế cho công việc được giao không thể hoàn thành hay sự cẩu thả. Sự biện minh cho việc không hề có trách nhiệm với những gì mình được giao, thiếu trách nhiệm với đồng nghiệp”.
Khi đi làm, ai cũng mong muốn công việc thuận buồm xuôi gió, lương cao, sớm lên chức. Tuy nhiên, làm việc không hiệu quả, lúc nào cũng đưa ra lý do biện minh cho sự chậm trễ của mình sẽ làm mất điểm trong mắt người khác. Giống như câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Có tài mà không có đức cũng chỉ là kẻ vô dụng”. Thông minh hay tài năng không phải là yếu tố quyết định sự thành công của một người. Vì vậy, có người cho rằng thành công của một người phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của họ.
Về lâu dài cứ để tình trạng trễ nải tiếp diễn sẽ làm bản thân mất uy tín với sếp, ảnh hưởng đến công việc chung. Chị Quỳnh cũng chia sẻ thêm: “Mình cũng không muốn cáu gắt với các bạn làm gì. Với nhân viên thì mình làm sếp nhưng trên mình vẫn còn sếp nữa, cũng là làm công ăn lương. Mình phải chịu áp lực từ khách hàng, cấp trên, lại còn bị nhân viên nề hà mỗi lần trách mắng. Các bạn áp lực 1 thì mình áp lực 10, một người chậm deadline thì mình lại phải nghĩ, sắp xếp nhân sự làm thêm hoặc thay vào”.
Như vậy để giải quyết vấn đề trên thì bạn nên bỏ hai từ “em tưởng…” ra khỏi đầu và đừng lấy nó ra để biện minh cho sự trì hoãn của bản thân. Nâng cao tinh thần, làm việc có trách nhiệm với những gì mình nhận. Nếu chưa kịp hoàn thành công việc hãy chủ động xin lỗi và giải thích, đưa ra cách xử lý để không ảnh hưởng tới công việc chung. Sếp cũng có những deadline cần làm, bạn không phải là người duy nhất có việc.
Bên cạnh đó, sếp cũng nên tìm hiểu rõ nguyên nhân sao lại có sự trì hoãn của nhân viên như vậy. Nếu về lâu dài phải xem xét có nên dùng người này tiếp không?
“Em tưởng…” - Sếp và nhân viên không hiểu nhau
Sếp: "Sao kế hoạch này em lại làm như thế, em không hiểu ý trong cuộc họp à?".
NV: "Em tưởng ý chị là như vậy, nên em làm theo hướng đó".
Sếp: "Nếu em chưa chắc chắn thì em nên hỏi lại chứ!".
Bên cạnh đó, khi bắt đầu bằng 2 từ “em tưởng” còn là sự không hiểu ý nhau giống như trong cuộc hội thoại trên. Khi nói câu này tức là bản thân mình đang không chắc chắn với những gì sắp nói ra, vậy thì sao có thể thuyết phục được người khác? Vì vậy, nếu có thắc mắc hay chưa hiểu rõ thì nhân viên và sếp nên trao đổi để tránh làm mất thời gian và công sức của nhau.
Chẳng có người sếp không muốn hướng dẫn để bạn tiến bộ và phát triển cả. Vì chỉ khi bạn hoàn thành công việc và thành công thì sếp cũng mới thành công. Anh Thịnh cho biết: "Mình rất khuyến khích các bạn hỏi, mình sẵn sàng hỗ trợ và giải quyết vấn đề cùng. Hoặc nếu công việc mình giao cho các bạn không hiểu thì các bạn cũng nên hỏi lại mình để trách mất thời gian của cả hai. Chắc chắn những gì mình mong muốn các bạn khó thể hiểu 1 cách trọn vẹn được nên đừng ngại hỏi. Chỉ cần đừng hỏi những gì mà google có thể trả lời trong 5s là được".
Và đôi khi một chút chủ động, một tý cẩn thận, một xíu chỉn chu và trọn vẹn trách nhiệm là đã đem lại một thành quả hoàn toàn khác rồi.
Làm thể nào để chữa bệnh "Em tưởng..."
Hãy làm việc bằng cái tâm. Người thành công không bao giờ là người bị động, đợi người khác sắp xếp công việc cho mình. Khi chủ động và dốc hết sức để hoàn thành tốt công việc, thành công sẽ đến: sếp yêu quý hơn, công việc thuận lợi hơn, tiền về túi nhiều hơn...
Dưới đây là một số biện pháp chữa bệnh "em tưởng" bạn có thể tham khảo
- Xác định rõ vấn đề cần giải quyết, lên thời gian biểu làm việc rõ ràng, đúng deadline.
- Chủ động giải quyết vấn đề nếu nằm trong khả năng của bản thân.
- Chủ động check lại với sếp về vấn đề cần giải quyết để tránh hai bên hiểu sai ý nhau.
- Không ngừng nâng cao năng lực của bản thân.