Em gái diva Mỹ Linh và hành trình hơn 5 năm cùng chồng chống chọi ung thư não
Khác với nhiều người khi người nhà mắc bệnh ung thư thì bản thân suy sụp và không thiết điều gì, tôi lại chọn một cách khác.
Đỗ Mỹ Dung là em gái ruột của diva Mỹ Linh, sinh năm 1978 tại Hà Nội, từng tốt nghiệp bằng giỏi khoa Thương mại quốc tế (trường đại học Thương mại Hà Nội) và hiện đang là Chủ tịch hội đồng quản trị của chuỗi khách sạn mini khá nổi tiếng.
Cũng như diva Mỹ Linh, Đỗ Mỹ Dung hát rất hay, từng đạt nhiều huy chương vàng các giải thưởng âm nhạc. Thế nhưng tự nhận mình "không có tố chất nghệ sĩ, chỉ ham kiếm tiền" nên không đi theo con đường âm nhạc như chị gái, mà cùng chồng kinh doanh.
Trong công việc, Đỗ Mỹ Dung được đánh giá là một người khá bản lĩnh, quyết đoán. Trong cuộc sống gia đình, chị lại là một người vợ - người mẹ đầy yêu thương, trách nhiệm.
5 năm trước gia đình Đỗ Mỹ Dung đột ngột biết tin anh Nguyễn Văn Chính - chồng chị mắc bệnh ung thư não.
Từ một người phụ nữ được yêu thương nương tựa, Đỗ Mỹ Dung buộc mình phải trở nên mạnh mẽ, vượt qua tất cả khó khăn ập đến, quay lại làm chỗ dựa cho chồng.
Từ một người phụ nữ được dựa dẫm, Mỹ Dung buộc phải tự mình mạnh mẽ, để làm điểm tựa cho chồng vượt qua bạo bệnh.
"Chỉ còn đúng một tuần nữa là được về Việt Nam, về với ngôi nhà thân yêu, khu vườn yên tĩnh và đàn con thơ đang mỏi mắt chờ bố mẹ...
Hy vọng sau này có xa nhà cũng chỉ là những chuyến đi ngắn chứ đừng lê thê vài tháng thế này.
- dòng nhật ký chữa bệnh cùng chồng chị Dung đăng trên Facebook năm 2015.
Giữa bình yên giông bão nổi lên
Mỹ Dung vẫn còn nhớ, ngày nhận tin dữ của chồng, chị đã khóc rất nhiều, chơi vơi không định hướng.
Những lúc đau đớn nhất, chị trốn vào một góc phòng, nắm chặt bàn tay lại rồi đưa lên miệng cắn thật mạnh để sự nức nở không phát ra thành tiếng. Mu bàn tay đã có những vết răng thật sâu, rách và rỉ máu.
Chị sợ chồng, những người thân, đặc biệt là con mình thấy cảnh trớ trêu.
Mỹ Dung lấy chồng năm 19 tuổi bằng tình yêu và sự tin tưởng rất lớn vào người đàn ông của mình. Ở tuổi hoa niên ấy, hai người đã nắm tay nhau để xây những viên gạch đầu tiên cho mái nhà hạnh phúc.
Họ sinh con gái đầu lòng và bắt đầu dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng. Với niềm tin rất lớn vào tương lai và mật ngọt tình yêu, hai vợ chồng đã bắt đầu sự nghiệp bằng những việc nhỏ nhất.
Trong gần 20 năm chung sống, có với nhau 3 mặt con cho đến nay, cả Mỹ Dung và người đàn ông của chị chưa một lần thấy tiếc nuối hay chút ân hận vì kết thúc cuộc sống độc thân khi vừa chập chững bước vào đời.
Nói về giai đoạn khó khăn nhất trong đời sống đã trải qua, Mỹ Dung nhớ lại, năm 2014, sau những ngày dài ốm mệt, chồng chị đi khám bệnh và được các bác sĩ thông báo có một khối u ở não, một khối u ác tính và là ung thư.
"Tôi đã gần như ngã xuống. Tai như ù đi không nghe rõ những âm thanh xung quanh. Chồng tôi xốc tinh thần để được trực tiếp nghe bác sỹ đọc kết quả khám bệnh cũng như tôi, một sự bàng hoàng khủng khiếp đã chiếm trọn không gian giữa chúng tôi.
Rời bàn bác sỹ, hai vợ chồng nắm chặt tay nhau, không ai nói điều gì. Đôi bàn tay đan vào nhau tự nói câu chuyện của mình. Hai đứa hứa sẽ không rời tay nhau, sẽ cùng chiến đấu và cùng trở về với hạnh phúc" – Mỹ Dung hồi tưởng.
Vết tích của ca mổ não trên đầu anh Chính minh chứng cho những ngọt bùi họ trải qua bên nhau trên hành trình chiến đấu tử thần
Nói đến đây, Mỹ Dung nhoè lệ. Nước mắt chảy tràn trên hai gò má. Kỷ niệm xưa cũ và niềm hạnh phúc hiện tại đan xen khiến giọng chị nghẹn lại.
Chị bảo, lúc ấy chỉ nghĩ rằng ung thư là chết, anh ấy sắp chết rồi. Người đàn ông mà mình yêu thương, chỗ dựa vững chãi bao năm quá sắp rời xa mình rồi. Và chị bắt đầu sợ hãi.
Dung không nghĩ mình đủ sức mạnh để sẵn sàng là chỗ dựa của ba đứa con, gia đình. Công việc của chị, của chồng ở thời điểm ấy cũng là một áp lực không nhỏ. Làm sao có thể một lúc cáng đáng rất nhiều áp lực như thế.
Nhưng, Mỹ Dung cũng bảo điều chị thấy khó khăn nhất lúc ấy là đối diện với con thơ và cha mẹ mình. Với cú sốc lớn như thế, Dung làm sao lau hết những giọt nước mắt của người thân.
Người mẹ trẻ nhìn thấy con giấu mình khóc nấc khi được thông báo về bệnh tình của bố cũng đủ nát tan tâm can.
Gạt nước mắt chèo thuyền qua cơn bão
Nhớ lại quãng đường đầy biến động ấy, Mỹ Dung nói, chị đã biến những lúng túng, những đớn đau tựa như cơn bão giật mạnh trong lòng mình thành sự lạc quan, bỏ qua những điều tồi tệ, đón nhận những tia hy vọng, nhẹ nhõm.
Chị soi gương, chải tóc gọn gàng, gạt nước mắt và trở thành chiến binh. Chị nắm tay anh Chính cùng nhau chiến đấu với bệnh ung thư, với những phác đồ trị bệnh gắt gao nhất, kể cả những lần chồng chị nằm trên bàn mổ, đối diện với ranh giới sống chết.
5 năm cho một cuộc chiến đấu lớn bằng cả tâm sức và rất nhiều tiền bạc. 5 năm để thay đổi số phận và nhìn thấy tình cảm và ý chí cứ lớn dần lên, từ lúc biết chồng phát bệnh ở Việt Nam cho đến những ngày dài chữa bệnh tại Singapore.
Cho đến hiện tại, Mỹ Dung vẫn nhớ như in hành lang khu bệnh viện nơi mình chờ bác sỹ mổ u cho chồng, nhớ như in từng bàn chân mình đã đi lại bao nhiêu lần trên những con phố Singapore ngược xuôi tìm vận may.
Nhớ cả những đêm không ngủ. Nhớ cả dáng nằm bất động và nhiều băng bó của chồng trông đến sợ hãi.
Và Mỹ Dung nhớ những vết khâu trên đầu người đàn ông của mình. Vết tích ấy, giờ vẫn còn như một dấu son kỷ niệm, để chị và chồng không quên mạnh mẽ mỗi khi gặp khó khăn. Để thấy, được nắm tay nhau, đi bên nhau thì dù bao khó khăn cũng trở nên bình thường.
Như câu nói "điều gì không giết chết bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn", từ một người phụ nữ sợ hãi khi mất đi chỗ dựa của cuộc đời mình, chị Dung cùng chồng chiến đấu và vượt qua.
Khi nhận được những lời khen ngợi của mọi người, chị Dung chỉ cười và bảo rằng: "Mọi người cứ khen tôi quá lên chứ tôi nghĩ ai trong hoàn cảnh đấy cũng sẽ làm như vậy. Cờ đến tay ai thì người đó phất. Lúc ấy không có đường lùi, chỉ có đường tiến thôi".
Tổ ấm hạnh phúc của gia đình Mỹ Dung - Văn Chính
"Tôi đã từng sống rất nhạt..."
"Tôi đã từng sống rất nhạt. Hằng ngày trôi qua vô vị với công việc và những trò tiêu khiển nhạt nhẽo.
Rồi khi chồng tôi lâm trọng bệnh, tận mắt đồng hành và chứng kiến chồng giành giật cuộc sống từ tay tử thần, tôi chợt bừng tỉnh. Lúc ấy tôi nhận ra rằng mình đã sống hoài phí bao nhiêu năm.
Khác với nhiều người khi người nhà mắc bệnh ung thư thì bản thân suy sụp và không thiết điều gì, tôi lại chọn một cách khác.
Tôi sống có trách nhiệm với bản thân mình nhiều hơn, chiều chuộng và làm tất cả những điều mình mong muốn", chị Đỗ Mỹ Dung tâm sự trên Facebook.
Tuy nhiên, ca mổ não và quá trình điều trị bệnh kéo dài khiến tính tình của anh Chính thay đổi nhiều. Từ một người đàn ông vui vẻ, hoạt bát, anh trở nên dễ cáu kỉnh, trầm tĩnh hơn. Anh không muốn giao tiếp với ai, thậm chí ngay cả với vợ mình.
Có những buổi tối trở về nhà, sau khi gác lại hết những bộn bề cuộc sống, chị Mỹ Dung muốn tâm sự với chồng nhưng cũng không thể. Tủi thân muốn khóc.
"Đôi lúc mình cảm thấy đó là người khác chứ không phải anh ấy. Cứ như mình đang ở với người lạ ấy. Nhưng đó là về mặt tình cảm, còn về mặt lý trí thì mình phải chấp nhận.
Lúc đầu biết anh bị ung thư, mình nghĩ là chỉ cần anh sống thôi, nằm 1 chỗ cũng được còn hơn anh ấy chết.
Đến khi cứu được anh ấy rồi thì thấy khó quá. Việc thích nghi với con người mới của anh ấy khó quá. Dùng lý trí mãi cũng mệt mỏi, nên mình phải tự tìm cách cân bằng", chị Dung tâm sự.
Và chính khi phải chứng kiến chồng giành giật sự sống, khi phải tìm cách thích nghi với con người mới của chồng, khi phải tự xoay xở những khủng hoảng của chính bản thân mình, chị Dung đã tìm ra 2 từ: THAY ĐỔI.
Mỹ Dung tâm sự, trước kia chị từng có một cuộc sống rất nhạt nhẽo, thế nhưng sau biến cố của gia đình, chị dường như trở thành một con người khác, lạc quan, vui vẻ và đầy năng lượng.
Mấy năm trước chị bị u xơ dạ con tái phát, phải cắt bỏ hoàn toàn dạ con. Sự mất cân bằng nội tiết khiến chị bị khủng hoảng tâm lý và béo phì, tăng lên 73kg, thường xuyên sống trong trạng thái mỏi mệt, stress...
Tự chữa bệnh cho chính mình, chị Mỹ Dung tìm đến yoga và bơi lội để cải thiện sức khỏe, giảm thành công 16kg trong vòng 2 tháng.
Chị cũng bắt đầu thu âm những bài hát mình yêu thích, nhờ người chụp những khoảnh khắc đẹp của bản thân mình, xăm hình và bắt tay vào làm một số việc mình yêu thích.
"Ngày xưa mình được yêu, ngủ quên trên chiến thắng nên chẳng để ý gì cả, xuề xòa lắm. Nhưng đến bây giờ gần như mình bị bỏ rơi ấy, thì mình phải nhìn lại mình, phải thay đổi, làm những gì mình thích để cân bằng cuộc sống.
Tôi nhận ra rằng khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn thì đừng đánh mất mình, đừng xuề xòa xấu xí. Người ta đã ốm rồi bên cạnh lại có một người phụ nữ luộm thuộm đầu bù tóc rối xong rồi than thở khóc lóc thì người ra sẽ rất nhanh chết.
Còn khi chồng ốm nhưng anh ấy vẫn nhìn thấy tôi lúc nào cũng tươi tắn, lạc quan, yêu đời thì cũng sẽ cảm nhận được cái năng lượng tích cực ấy. Tôi nghĩ điều đó tốt cho anh ấy hơn", chị Dung bộc bạch.
"Tôi nhận ra rằng khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn thì đừng đánh mất mình, đừng xuề xòa xấu xí" - Mỹ Dung tâm sự.
"Tôi chưa bao giờ định nghĩa hạnh phúc là gì, cũng không nhìn lại, chỉ đi tiếp thôi"
Khi hỏi Mỹ Dung: "Trải qua biến cố lớn như vậy, cái quan niệm hạnh phúc trong chị có thay đổi gì không"?
Chị đáp: "Quả thật tôi chưa bao giờ định nghĩa hạnh phúc. Mọi thứ với tôi đều vui vẻ. Tôi chấp nhận hết và không bao giờ đòi hỏi cái gì. Tôi luôn cảm thấy thoải mái với những điều mình đang có.
Tôi cũng ít khi nhìn lại xem mình đã trải qua những gì. Tôi không phải tuýp người sống với quá khứ. Những gì đã qua, tôi xếp lại gọn ghẽ vào một ngăn chứa. Tôi chỉ đi tiếp thôi".
Và cái ngăn chứa về hơn 5 năm trời đằng đẵng cùng chồng chiến đấu với ung thư đã được chị xếp gọn gàng trong cuốn tự truyện do chính chị viết, mang tên: "Không thể gục ngã".
Cuốn sách đã được ra mắt vào chính ngày kỉ niệm 20 năm lễ cưới của anh chị. Toàn bộ số tiền bán sách được gửi tặng vào quỹ từ thiện dành cho những bệnh nhân ung thư.
Đồng thời, chị cũng đang cho xây dựng một trang web để chia sẻ những kinh nghiệm chữa trị ung thư với cộng đồng.
Lúc chúng tôi đến cuộc hẹn, chị đang mặc quần jeans áo phông, phăm phăm bê những hộp cơm từ thiện mang đến tặng từng bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đống Đa.
Khuôn mặt rạng rỡ. Ánh nhìn quyết đoán. Ý chí sắt đá. Trong suốt buổi trò chuyện, chị không hề nói một câu nào bày tỏ tình yêu với chồng. Nhưng có lẽ, đó chính là cách yêu của chị, cách yêu của một người phụ nữ mạnh mẽ đến độ cực đoan.
Và khi ở bên cạnh người phụ nữ ấy tràn đầy năng lượng ấy, anh Chính chồng chị cũng sẽ không thể gục ngã.
Em gái diva Mỹ Linh cover ca khúc "Bài không tên cuối cùng" của Vũ Thành An
Trên Facebook cá nhân, điều chị Mỹ Dung nhắc nhiều nhất chính là cái nắm tay. Có lẽ không phải cái ôm hay nụ hôn, mà chính cái nắm tay đó mới là biểu tượng của mối quan hệ chồng vợ.
Khi một trong 2 người đau ốm hoạn nạn, vẫn có một bàn tay kia không buông bỏ. Vẫn muốn siết chặt hơn để tiếp thêm hi vọng. Và tìm cách kéo người kia đi về phía trước, trên con đường rất dài, rất chông gai...