Em cũng “ôm” vô-lăng

,
Chia sẻ

“Cuối tuần tớ đi học lái xe, nắng cháy da. Học lái trên xe u-oát “cổ”. Không cửa, không gương, phải leo lên để trèo vào trong. Mỗi lần đi hình chữ Z, tớ đu cả người lên đánh lái”.

1001 lý do chị em đi học lái xe

Hiện nay, để sở hữu một chiếc xe bốn bánh che mưa, che nắng không còn là giấc mơ quá xa xỉ đối với mỗi gia đình. Đấng mày râu biết lái xe được coi là chuyện bình thường, chỉ như biết đi xe máy mà thôi. Còn chị em phụ nữ đua nhau đăng ký đi học lái xe, vì muốn trở thành “phụ nữ của thế kỷ 21” và muôn vàn lý do khác.

Chị Lan (Lạc Trung - Hà Nội) đang học lái xe buổi thứ 2 tại trung tâm của Đại học cảnh sát cho biết: “Hôm trước chồng đi công tác, muốn đưa con đi thăm ông bà ngoại đành gọi taxi. Phải hôm trời rét căm căm, taxi hiếm, đợi mãi ngoài đường chỉ lo con bị ốm. Thế là quyết tâm đi học lái xe”.

Còn lại đa số các chị em muốn đi học lái xe để mình có thể tự lái, không phải đợi chờ chồng. Nhà có xe mà đi đâu không có chồng, cũng phải gọi taxi thì tốn kém quá. Nick name Kitty trên diễn đàn Phụ nữ và xe hơi bật mí: “Em học lái xe để có thể mình có thể tự vận động. Hôm nào đi đâu chồng nhậu nhẹt biêng biêng, mình lái xe chở chồng về, có phải oách không? Hè này, gia đình em định đi du lịch xuyên Việt. Nếu em biết lái xe, hai vợ chồng thay nhau lái, sẽ đỡ mệt hơn cho ông xã nhà em”.

Trong nội dung “tám” chuyện ở công sở, trên các diễn đàn online, đâu đâu cũng đều rôm rả chủ đề về các kinh nghiệm học và thi lấy bằng lái xe cho chị em phụ nữ. Hầu hết, hầu hết họ đều là những người thích xe ô tô. Niềm đam mê đó đã thúc đẩy họ không chỉ thích làm còn phải tìm hiểu, học để biết lái xe.
 
Phụ nữ không chỉ thích xe ô tô mà còn muốn học và lái xe

Không ngại khó, không ngại khổ

Theo kinh nghiệm của người đã học lái xe “truyền lại”, để chinh phục được những chiếc xe bốn bánh, cồng kềnh, chị em phụ nữ đi học lái xe phải chuẩn bị trước tinh thần “Không ngại khó, không ngại khổ”.  Không ngại khó vì phải làm quen với những thuật ngữ kỹ thuật, những từ ngữ tiếng lóng không dễ nhớ chút nào. Đầu óc lúc nào cũng phải căng ra để nhớ các từ ngữ và phải kết hợp tay chân nhịp nhàng.

Nhiều chị em cho biết chỉ trong nửa giờ học đầu tiên, chân tay có thể tê lại và siêu mỏi. Có đọc nhật ký học lái xe của chị Hương, nhân viên PR của một công ty truyền thông ở Hà Nội mới thấu hiểu được nỗi “thống khổ” này: “Nửa giờ của một giờ đầu tiên, tôi được "tập nguội", tức là tập khi xe chưa nổ máy, bao gồm cách đạp côn bằng chân trái, đạp ga và đạp phanh bằng chân phải, tay trái cầm vô lăng, tay phải rà số.

Tiếp theo là "tập nóng" (xe đã nổ máy) với kỹ năng căn bản nhất đó là đi bằng côn (chưa hề dùng đến ga). Để xe vào số 1 rồi cứ nhấp nhả chân côn cho xe "bò" trên mặt đường, cố gẳng chỉnh vô lăng để xe đi thẳng đường nếu không có chướng ngại vật và đánh hết lái để quay đầu xe rồi lại trả lái khi xe vào đường mới...”

Kinh nghiệm học lái xe cho các chị em phụ nữ:

- Nên hỏi người quen, tra trên mạng để liên hệ trực tiếp với thầy dạy lái xe. Nếu bạn nộp hồ sơ học lái theo trường chính quy, đợi xếp lớp rất lâu và mất nhiều thời gian.

- Hãy thuê xe tự tập lái (có kèm người dạy) để linh hoạt sắp xếp thời gian, mà học lái vẫn có hiệu quả.

- Không nên “chống trượt”. Học kỹ lý thuyết để tự thi, nắm luật để khi lái xe ra đường không bị phạt một cách oan ức.

Không ngại khổ vì học lái xe cũng là một cách “hủy hoại” làn da của các chị em phụ nữ một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Chị Lan than thở: “Cuối tuần, tớ cứ mò mẫm đi học, nắng cháy da, trường cách nhà tận 15km. Học lái xe mệt phết. Học trên xe u-oát “cổ”. Không cửa, không gương, không gì hết, còn phải leo lên để trèo vào trong. Mỗi lần đi hình chữ Z, tớ phải đu cả người lên đánh lái. Về nhà người đau nhức như tập thể dục hạng nặng. Lúc đi thi lại bằng xe Kia mới toanh. Thế là phải thuê thầy lẫn xe ôn mấy buổi chiều. Kiên nhẫn lắm mới lấy được cái bằng”.

Chị Hoa (Sở điện lực Hà Nội), con mới được 6 tháng, đã phải tranh thủ đi học lái xe. Vì tài xế riêng của gia đình sắp đi du học nước ngoài 2 năm. Trong những trang nhật ký viết cho con, chị bộc bạch: “Dạo này mẹ tranh thủ đi học lái xe buổi trưa. Giữa trời nắng chang chang như hun người ấy, với cái bụng đói cồn cào, học mệt lắm con ạ. Nhưng chỉ cần nghĩ đến việc có thể lái xe đưa con đi khắp nơi khi bố không ở nhà, mẹ lại thấy phấn khích rồi...”.

Chưa  kể các chị em học xong một khóa, lấy bằng lái xe rồi nhưng tay lái còn non, phải tiếp tục đi học lớp “bổ túc lái xe”. Lớp học kiểu này được các chị em khen là “hay và bổ ích” lắm. Mẹ Sâu (Hai Bà Trưng - Hà Nội) cho biết: “Các chị em nào đã học xong rồi, xe đẹp, tay lái non, nếu có đâm vào đâu thì thiệt cả người lẫn của. Nên theo học bổ túc là chắc chắn nhất đấy”.

Học lái xe không chỉ đơn giản để biết lái

Nhiều chị em học lái xe hiện nay không giống như các ông chồng vẫn nói về họ: “Học để có cái bằng, đút ví cho đẹp. Đi đâu đã có chồng lái rồi”. Họ học vì họ thích tự lái xe bốn bánh, chứng minh sự độc lập và không phải phụ thuộc vào chồng nữa.

Chị Hoa tâm sự: “Ai cũng bảo tôi học lái xe làm gì cho khổ. Đi đâu thì gọi taxi. Nhưng tôi nghĩ khác. Mình học lái xe không chỉ đơn giản để biết lái. Qua những buổi học lái xe, mình còn học được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm xử lý tình huống... Tôi tin rằng nếu phụ nữ lái được xe thì cũng có thể hoàn toàn chủ động trong mọi việc. Có thể khống chế cái xe to đùng, vật lộn với nó giữa đường xá đông đúc, thì những việc khác không có chồng, mình cũng tự làm được và làm tốt là đằng khác”.

Cảm giác phụ nữ lái được "xế hộp", cũng xoay đi xoay lại cái vô lăng, cũng bấm còi báo hiệu "ôtô của tôi đang đến", khi xin vượt, cũng "xi nhan xi nhê" như ai thật vô cùng thú vị. Có thể học lái xe vô cùng vất vả với phụ nữ. Lưng ướt đẫm mồ hôi vì căng thẳng, đêm ngủ mơ giật mình thon thót... Nhưng họ đã học được một kỹ năng mới, vô cùng cần thiết trong cuộc sống hiện đại.
 
Thu Hằng
(Tổng hợp)
Chia sẻ