Phụ nữ hiện đại không chỉ là "váy ngắn, xe xịn"
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn đã có cuộc trò chuyện cùng aFamily về mẫu phụ nữ hiện đại, về những thay đổi trong nếp nghĩ và cả những thiệt thòi chị em phải gánh để giữ tròn hạnh phúc.
Thưa anh, một người phụ nữ xăm môi, nâng mũi hay mặc váy ngắn, đi xe xịn đã trở nên hiện đại chưa?
Theo tôi, sự hiện đại ở đây phải thể hiện ở chiều sâu trí tuệ, cách nghĩ, tác phong. Có thể người phụ nữ hiện đại mặc giản dị quần âu, áo sơ-mi nhưng tác phong và cách suy nghĩ của họ đã hoàn toàn thay đổi. Người phụ nữ không thể hiện đại khi chỉ chăm chăm tìm cho mình một công việc ổn định, ngại vươn lên, ngại học cao, thậm chí được học bổng đi nước ngoài còn phải đắn đó cân nhắc vì sợ không có ai lấy.
Người hiện đại không bao giờ nghĩ rằng cuộc sống, hạnh phúc của mình hoàn toàn phụ thuộc vào người chồng. Quan trọng là họ tìm được sự hăng say với công việc và có cách nghĩ mới về đời sống tinh thần.
Nếu họ hăng say với công việc thì đâu còn thời gian làm việc nhà?
Mỗi người ai cũng chỉ có 2 bàn tay và 24 giờ một ngày. Nếu như người phụ nữ dồn hết tâm sức cho sự nghiệp thì chắc chắn họ phải sao nhãng chuyện gia đình.
Một là cố giỏi một việc, hai là giữ mức “trung bình” ở cả hai việc. Vả lại, thế nào là giỏi cũng còn tuỳ ở sự đánh giá của mỗi người. Đàn ông giỏi việc nước đã được ca ngợi, giả sử có người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” chắc phải được mọi người “kính cẩn nghiêng mình!”.
Người phụ nữ hiện đại không chỉ biết mặc đẹp, lái xe xịn...
Thế thì những chuẩn mực về giá trị phụ nữ như tam tòng, tứ đức sẽ bị lỗi thời sao?
Tam tòng, tức là phụ thuộc vào 3 người thì hỏng rồi. Vì người phụ nữ hiện nay đang được khuyến khích tự chủ, độc lập chứ làm sao mà tòng (theo) mãi như thế được. Còn Tứ đức thời nào cũng cần với phụ nữ. Vẫn là “khuôn” cũ nhưng “lõi” thay đổi rất nhiều.
Công trước kia là công việc gia đình, việc nhà, nữ công. Bây giờ, công là phải có công việc, sự nghiệp. Dung không chỉ là da trắng, má hồng, mắt trái xoan, eo thắt đáy lưng ong. Bây giờ chẳng may mũi có tẹt quá, nâng lên một chút. Xăm môi cho nó hồng lên. Đừng làm cho mình kệch cỡm là được. Ngôn không phải nhất thiết e dè, nhỏ nhẹ. Nếu cô ấy là một giám đốc hay trưởng phòng mà cứ nhỏ nhẹ thì liệu có làm tốt công việc không. Quan trọng là nói biết điều, dễ nghe. Đức hạnh vẫn như thế.
Tôi cũng nói vui rất nhiều lần về “tứ đức” của người đàn ông hiện đại là Chung - Nghệ - Lịch - Trách.
Chung là chung thủy. Không phải vô tình ngẫu nhiên mà phụ nữ đặt sự chung thủy lên hàng đầu. Nghệ là nghề nghiệp, có nghề nghiệp ổn định. Phụ nữ cũng đừng bắt đàn ông phải có sự nghiệp. Nghe to tát quá và đè gánh nặng lên vai họ. Lịch là lịch sự, đừng có thô lỗ, cục cằn, vũ phu. Trách là trách nhiệm, với bản thân, gia đình, với xã hội. Đừng có bê tha rượu chè, nôn ọe, đi thâu đêm tối sáng, thế nọ thế kia.
... mà luôn say mê với công việc
Hai bên đều có "khuôn" “Tứ đức”. Vậy là phụ nữ đã đòi được sự bình đẳng cho mình rồi?
Đã đòi được bình đẳng trên văn bản. Nhưng quan trọng hơn phải là bình đẳng trong nếp nghĩ của mọi người. Nếp nghĩ trọng nam khinh nữ đã hình thành mấy nghìn năm. Để thay đổi cần có thời gian, cần truyền thông tác động vào đàn ông chứ không phải bằng mấy văn bản, mấy chương trình kêu gọi chung chung là có thể bình đẳng.
Trên thực tế, chúng ta chưa bao giờ có sự bình đẳng hoàn toàn nhưng đã có những sự tiến bộ. Trước kia, đàn ông phải lấy vợ trẻ hơn. Nếu lấy vợ bằng tuổi hoặc già hơn, sẽ bị nghĩ “chắc có phốt gì”. Bây giờ, điều đó là hoàn toàn bình thường.
Quan niệm về sự trinh tiết cũng thoáng hơn, không còn phải “gọt gáy bôi vôi” mà “tậu được cả trâu lẫn nghé” thì càng vui. Hơn thế, nhiều đôi yêu nhau phải chắc chắn có bầu thì họ mới cưới. Hoặc các trường đại học kỹ thuật cũng rất nhiều sinh viên nữ.
Tất cả những điều đó chưa phổ biến nhưng vào thời điểm 20 năm trước không thể có điều đó. Phải nhìn vào một quãng thời gian, nhìn vào hành động cụ thể, mới thấy được sự bình đẳng giới đang nhích dần lên.
Thạc sỹ Đinh Đoàn (đứng ngoài cùng bên phải) tập huấn cho bà con người H'Mông về bình đẳng giới tại Bắc Yên - Sơn La
Sự thành đạt, học vấn, khả năng làm chủ cuộc sống của mình… đang là những tiêu chí được người phụ nữ mơ ước và kiêu hãnh nếu đạt được bên cạnh những giá trị truyền thống như gia đình, chồng con. Thậm chí, với nhiều người, điều này đôi khi có thể đánh đổi ngang giá với cái kia mà không ngần ngại.
"Trên thực tế, chúng ta chưa bao giờ có sự bình đẳng hoàn toàn nhưng đã có những sự tiến bộ. So sánh với 20 năm trước, sự bình đẳng giới đang nhích dần lên". |
Nếu vợ anh “vươn lên phía trước”, anh sẽ làm thế nào?
Nếu vợ có năng lực, tôi sẽ không nghĩ rằng: “Mình thua vợ à, mình mặc váy à?” mà phải thoáng hơn: “May quá có vợ giỏi thế. Chứ cứ đụt như mình thì chết à?”. Vợ tôi có khả năng, cũng không nên nể nang mà lùi lại phía sau. Các ông chồng cũng phải vững tin khi thấy vợ mình thành đạt, đừng để những lời khích bác, miệng lưỡi thế gian làm lung lay ý chí.
Xin cám ơn anh!
Thu Hằng
(Thực hiện)