Em bé đầu tiên trên thế giới chào đời từ tử cung của người đã chết, mở ra hy vọng cho hàng ngàn phụ nữ
Đây được xem là một bước đột phá trong y học, mở ra hy vọng sinh nở cho hàng nghìn phụ nữ trên thế giới.
Bất kỳ người phụ nữ nào cũng mong muốn được mang thai và sinh ra đứa con của chính mình. Nhưng không phải ai cũng có được hạnh phúc lớn lao đó, bởi một số người sinh ra đã mắc bệnh dẫn đến không thể có con. Vậy nhưng với sự tiến bộ vượt trội của y học hiện đại thì giấc mơ tưởng có con như xa với với nhiều chị em giờ đây có thể trở thành hiện thực.
Trong thời đại khoa học, công nghệ phát triển vượt bậc, người ta lại càng có thể hy vọng về những kỳ tích y học, những bước đột phá mà trước đây chỉ có trong giấc mơ. Mới đây, trong một bài đăng trên tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet, các bác sĩ đầy tài năng ở Brazil đã khiến cả thế giới kinh ngạc khi thông báo về ca sinh nở vô cùng đặc biệt và cũng là đầu tiên trên thế giới - một em bé chào đời hoàn toàn khỏe mạnh từ tử cung của người phụ nữ đã chết.
Đây là em bé đầu tiên trên thế giới chào đời từ tử cung của người đã chết.
Theo Daily mail, trước đây ở Mỹ và Thụy Điển, các bác sĩ đã thành công trong việc ghép tử cung từ một người hiến tặng còn sống và giúp người mẹ sinh sản bình thường. Tuy nhiên, trường hợp việc ghép tử cung của một người hiến tạng đã chết là một bước đột phá đầy bất ngờ, giúp mở ra hy vọng cho hàng ngàn phụ nữ vô sinh.
Theo đó, vào tháng 9 năm 2016, các bác sĩ tại Bệnh viện das Clinicas thuộc Đại học Sao Paulo đã cấy ghép thành công tử cung của một người phụ nữ 45 tuổi, người này đã chết vì bị đột quỵ và từng có 3 lần sinh con. Còn người nhận tử cung là một phụ nữ 32 tuổi, cô bị mắc một hội chứng đặc biệt có tên khoa học là Mayer-Rokitansky-Kuster-Hauser (MRKH) khiến cô không có tử cung bẩm sinh mặc dù có buồng trứng.
Đây được xem là một bước đột phá trong y học, mở ra hy vọng sinh nở cho hàng nghìn phụ nữ trên thế giới.
Các bác sĩ đã tiến hành ca phẫu thuật kéo dài 11 tiếng đồng hồ, người phụ nữ sau đó được nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt 2 ngày. 37 ngày sau, cô đã có kinh nguyệt và 7 tháng sau cô mang bầu. Thực tế, trước khi cấy ghép tử cung, các bác sĩ đã đông lạnh trứng của người phụ nữ và sau đó mới làm thụ tinh trong ống nghiệm.
35 tuần mang thai bình thường như những người mẹ khác, cuối cùng cô cũng được đón con chào đời bằng phương pháp sinh mổ. Bé gái nặng 2,55 kg, dài 45 cm chào đời vào tháng 12 năm ngoái.
Sau khi em bé chào đời, các bác sĩ đã cắt bỏ luôn tử cung được cấy ghép khỏi người phụ nữ. Bởi việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài rất tốn kém. Họ muốn sử dụng kinh phí để mang lại cơ hội có con cho các phụ nữ khác nữa.
Tiến sĩ Dani Ejzenberg, người thực hiện ca phẫu thuật mang tính lịch sử này, cho biết: "Việc cấy ghép tử cung từ những người hiến tặng còn sống là một cột mốc y học, tạo ra khả năng sinh con cho nhiều phụ nữ vô sinh nhưng ca sinh nở này còn đặc biệt hơn nhiều bởi đó là tử cung của người đã chết.
Bác sĩ Dani cũng chỉ ra rằng với một người hiến tạng đã chết thì các rủi ro sẽ thấp hơn vì không phải đối mặt với nguy cơ nào ở phía người hiến tạng, chi phí của việc cấy ghép cũng giảm đi vì không phải thực hiện một cuộc phẫu thuật kéo dài với người hiến tạng. Tuy nhiên, việc tìm được một người tự nguyện hiến tử cung đã là rất khó khăn, còn phải có thời điểm thích hợp.
Có tới 15% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ được chuẩn đoán vô sinh - khoảng 3,5 triệu người ở Anh và 6,1 triệu ở Mỹ.
Em bé đầu tiên ở Mỹ chào đời từ tử cung được cấy ghép.
Hàng trăm phụ nữ, chẳng hạn như những người mắc hội chứng MRKH, không có tử cung, đồng nghĩa với việc họ không thể thụ thai một cách tự nhiên hoặc kể cả làm IVF. Đối với họ, việc cấy ghép tử cung là lựa chọn duy nhất nhưng thủ thuật này chỉ mới bắt đầu thành công trong những năm gần đây, chỉ 11 ca sinh thành công cho đến nay.
Nhóm nghiên cứu của bác sĩ Dani cũng cho biết ca phẫu thuật và sinh nở thành công lần này không chỉ mang lại hy vọng sinh sản cho những phụ nữ không may mắn vì sinh ra không có tử cung, mà còn cho cả những người phải cắt bỏ tử cung vì lý do nào đó.
Bác sĩ Ejzenberg nhận định: "Có một số lượng đáng kể bệnh nhân có thể bắt đầu hy vọng từ lần thành công này".
(Nguồn: Daily Mail)