DV Kim Oanh: Người ta không tự dưng ác
Ở đời biết tròn là khôn, mấy ai dám phô ra những ngang ngạnh của mình mà tự hào với nó. Nhưng Kim Oanh, nữ diễn viên chuyên vào vai phản diện, thì lại khác.
Biệt hiệu “Oanh cong” nhưng thích sống thẳng, chị tuyên bố: “Kệ tôi chứ, đó là vuông của tôi. Làm vừa lòng mọi người cũng tốt, nhưng mất đi góc cạnh, mất đi cá tính của mình thì không”.
Hãy tưởng tượng trong đám tắc đường trên phố, giữa hàng dài dằng dặc những chiếc ô tô đủ màu sang trọng, có một cô gái mặc áo dài trắng, không đủ kiên nhẫn để chờ đợi nữa đã quyết định xách guốc leo thẳng lên nóc những chiếc ô tô để đi, trong sự ngỡ ngàng của những người đứng yên xung quanh.
Hình ảnh cô gái Việt nữ tính nhưng rất quái chiêu đó, là một tưởng tượng của diễn viên Kim Oanh khi nói đến điện ảnh. Có lẽ đó cũng là một hình chiếu trong tâm trí chị: dù bao nhiêu người đổ dồn mắt nhìn mình, dù phần lớn không hài lòng, chỉ cần bản thân thấy đúng, chị vẫn sẽ bước tới.
So với hình ảnh trên truyền hình hay sân khấu kịch, ngoài đời Kim Oanh trang điểm rất giản dị, nhưng vẫn giọng sảng khoái, hài hước, đôi khi pha trò bằng những quan điểm “không giống ai” mà đầy tự tin.
Lần đầu tiên gặp Kim Oanh, tôi tình cờ phát hiện ở bàn chân chị có một hình xăm màu mè, đang mải nhìn hình thù nó như thế nào thì bàn chân chị đã chìa về phía tôi. Ra là đang nói chuyện, nhận ra cái nhìn của tôi, chị hào hứng khoe hình xăm một cách vừa kiêu ngạo, vừa thân thiện. Nghe nói hình xăm này là để che đi một vết sẹo lớn ở đó. Sau này khi chụp ảnh, tôi đề nghị chụp hình xăm, chị từ chối.
Khi tôi xin phép đặt máy ghi âm cuộc phỏng vấn, Kim Oanh miệng đồng ý nhưng tay chị cũng lấy ngay máy ghi âm ra đặt trên bàn và giải thích: “Tôi cũng ghi âm để nếu có vấn đề gì thì có thể nói chuyện với nhau… Tôi không muốn có scandal để nổi tiếng, ngày trẻ đã thế, bây giờ lớn tuổi lại càng không”.
Kim Oanh trong phim Ma làng
Phải để người ta thấy… lửa của mình
Có người đàn bà nọ ở quê, nghe nói đức lang quân đang tò te với cô ca sĩ trên thành phố nên tìm tới tận nơi nói chuyện cho ra lẽ. Đến nhà cô bồ trẻ của chồng, bà réo tên chửi từ đầu ngõ vào đến tận cửa nhà.
Cửa mở. Cô tình nhân bước ra, tay cầm chậu nước tiểu hắt thẳng vào bà vợ, đanh đá nói: “Nước đ… chồng bà đêm qua ngủ lại nhà tôi đấy”. Đó là một cảnh trong phim Những ngọn nến trong đêm, Tuyết – cô bồ đánh ghen ngược đó do diễn viên Kim Oanh thủ vai.
Lúc đó, chị mới 23 tuổi, vậy mà nhập vai “phù thủy” này chị đóng một đúp ăn ngay. Hỏi Kim Oanh một người đàn bà làm như thế có quá đáng không, chị thản nhiên trả lời: Không. Tuyết sai khi cặp với đàn ông có vợ, nhưng là một người thực dụng, cô ta phải làm vậy mới có cơ hội tiến thân, đã xác định được ăn cả ngã về không thì còn gì mà sợ?
Người thứ ba chưa bao giờ… có lỗi, lỗi là ở người thứ hai kia: nếu đàng hoàng, tử tế thì người khác có muốn mồi chài cũng không được.
Bộ sưu tập vai diễn ấn tượng của chị còn có thể kể tới như: Cô Mây giang hồ (Sóng ở đáy sông), cô Ló – nữ Chí Phèo đanh đá chửi như hát hay (Ma làng)… đều là những nhân vật phản diện.
Người ta còn nhớ hình ảnh Kim Oanh vào vai Quỳnh trong vở kịch Nhà có ba chị em gái. Tự hào lấy chồng giàu rồi phát hiện ra chồng đã có vợ nơi khác, Quỳnh mếu máo nói với anh rể rằng, hóa ra chồng chẳng yêu thương gì mình, và quan trọng hơn thế nữa – cô im lặng nghẹn ngào, đưa tay lên tự nắm tóc mình kéo ngửa ra sau, đau đớn – là chính cô cũng chẳng yêu thương gì hắn.
Vai diễn ấy, động tác nắm tóc mình kéo ngửa ra sau ấy của Kim Oanh đã thực sự làm khán giả vừa khóc vừa cười cho sự đa đoan của thân phận đàn bà.
Không chỉ trên sân khấu, Kim Oanh ngoài đời cũng tự nhận mình là “cá tính hơi mạnh so với các bạn nữ làm nghề”. Chị thích Hoàng Dược Sư, nhân vật trong tiểu thuyết của Kim Dung, “bảo tà không phải tà, bảo chính cũng không phải chính, đọc truyện này tôi thích vì thấy sao lại có người ương ương giống mình”.
Lần được nhờ dạy lớp diễn viên ngắn hạn của Hãng Phim truyện Việt Nam, thấy học viên lóng ngóng không diễn được, Kim Oanh yêu cầu họ đọc hết 36 tập kịch bản trong vòng 2 ngày, nếu không thì mời ra khỏi lớp, bởi “lớp càng ít người lại càng dễ dạy”.
Ai nghĩ là đùa chứ Kim Oanh không đùa, chính chị cũng ngồi đọc từ đầu đến cuối với họ. Lớp đào tạo diễn viên ngắn hạn đã kết thúc thành công ngoài mong đợi, bởi những gì cô và trò làm được không phải diễn, mà là “sống với vai diễn” – điều chị luôn tâm niệm với nghiệp.
Nhiều diễn viên cầm kịch bản ra phim trường theo kiểu xem phần nào có tên mình, tô đậm phần đó và mang ra diễn. Cách làm việc ấy không phải của Kim Oanh. Đã nhận vai, chị… ăn vai diễn, ngủ vai diễn, đi ngoài đường, vừa nhẩm vai diễn vừa khóc vì mải nhập vai. Có người thấy chị khóc liền chạy xe theo trêu: “Có gì cứ nói đi, không phải khóc”, chị xấu hổ phóng vút xe đi không biết nói gì.
Điều Kim Oanh sợ nhất là sự nhạt nhòa trong tính cách. Với chị, ít nhất là phải để người ta nhìn thấy lửa của mình, thà đạo diễn mang diễn viên “thừa lửa” về tiết chế bớt, còn hơn mang người ít nhiệt huyết về quạt cho… bốc lên.
Mọi người có quyền nghĩ, có quyền nói, còn tôi có quyền phản ứng.
Ừ, thì tôi ghê gớm!
- Tôi có đọc mấy bài chân dung và phỏng vấn chị…
Mấy bài bạn đọc, tôi đã kiện hay chưa tôi cũng không biết nữa (cười).
- Tại sao vậy?
Diễn viên là người của công chúng, họ muốn biết về mình là mừng nhưng tôi chỉ muốn chia sẻ về cuộc sống, quan điểm cuộc sống, chứ không phải về chồng con, gia đình. Không chỉ là chuyện mình khó tính, mà là nếu trả lời, người thân cũng bị cuốn vào công việc của tôi, thành ra làm phiền gia đình mình.
Mọi người có quyền nghĩ, có quyền nói, còn tôi có quyền phản ứng. Nhưng chạy theo lời đàm tiếu thì không, tôi có nhiều thứ để bận tâm hơn những lời ấy.
- Nhưng nếu người ta đồn Kim Oanh đi với anh này, anh kia… thì phải giải thích chứ?
Không. Tôi đã coi là bình thường thì ai nói sao cũng kệ. Có người bảo tôi: “Em phải biết sợ dư luận”… Dư luận cứ việc nói, miễn mình không thấy xấu hổ với những gì mình làm là được, thanh minh làm sao hết.
- Có nhiều chuyện không phải chỉ là thanh minh hay không, mà còn ảnh hưởng đến nhiều thứ khác nữa?
Ảnh hưởng cũng phải chấp nhận. Có một câu tôi thấy rất hay, đang muốn học theo: “Đời vẫn biết tròn là khôn, nhưng tôi nguyện vẫn giữ vuông làm khuôn mẫu”. Kệ tôi chứ, đó là vuông của tôi. Làm vừa lòng mọi người cũng tốt, nhưng mất đi góc cạnh của mình, mất đi cá tính của mình thì không.
Tôi có cách sống riêng của tôi. Có lần có bài viết “Kim Oanh chia tay Nhà hát Tuổi trẻ”, được giật tít là “Kim Oanh bỏ Nhà hát Tuổi Trẻ”. Tôi đến nói chuyện tại sao lại như thế, người biên tập bảo: “Chia tay với bỏ thì khác gì nhau!”. Tôi nói với anh Tổng Biên tập là nếu nói như thế thì làm báo quá dễ, ai chả làm được.
Lại có phóng viên gọi điện thoại bảo: “Nhắc Oanh là Oanh vừa phải thôi, để bọn anh còn xem Oanh diễn”.
Tôi nói: “Em cũng báo cho anh biết là em diễn không phải chỉ để cho các anh xem, mà em còn diễn cho 80 triệu đồng bào xem, anh không xem thì… chuyển kênh. Trong 80 triệu khán giả đấy em cũng chỉ cần 100 người yêu thích em thực sự. Không thể cầu toàn đến mức bắt tất cả mọi người phải yêu quý mình!”. Họ yêu quý tôi, tôi trân trọng; ai không yêu quý tôi mà có tài năng thực sự, tôi cũng trân trọng cơ mà.
Kim Oanh trong bộ phim đang ăn khách hiện nay: Cầu vồng tình yêu
- Chị cảm thấy thế nào khi đám đông quay lưng lại với mình?
À, thỉnh thoảng tôi vẫn bị thế, dù đôi khi cũng có cảm giác cô đơn. Nhưng tôi có một chút hiếu thắng. Có thể mọi người rẽ phải, chỉ mình tôi rẽ trái, tôi sẽ chứng minh rằng tôi làm thế có cái hay riêng. Còn nếu không chứng minh được mình đúng, tôi lại rẽ phải cùng mọi người.
- Cứ một mình một ý có thể chị không chỉ là nhân vật phản diện trong phim mà còn là “nhân vật phản diện” ngoài đời?
(Cười) Mỗi nhân vật phản diện đều có lý do riêng. Một kẻ sát nhân cũng có lý do của hắn, có thể cần tiền để cứu người thân, đấu tranh sinh tồn hoặc vì một mục đích mà hắn cho là đúng.
Phim tôi đóng không nhiều, từ ngày ra trường tới giờ không quá nổi mười đầu ngón tay và chưa bao giờ là nhân vật chính. Nhưng tại sao bạn vẫn nhớ đến tôi? Vì tôi tìm ra sự chính diện trong cái phản diện. Con người ta không tự dưng ác vậy. Tôi sẽ tìm ra cách để khán giả thấy nhân vật phản diện đó là hay khi hành động như thế.
- Chị nghĩ thế nào nếu nhiều người bảo chị “ghê gớm”?
Người ta nói gì không đúng thì mình nói lại. Họ bảo tôi ghê gớm, ừ thì… ghê gớm! Nhưng có ai không ghê gớm đâu, họ có kiểu ghê gớm riêng của họ chứ.
Tôi là người hay bị điều tiếng. Những việc đó tôi thường không xử lý riêng mà nói trước mặt mọi người. Nếu gặp riêng nói chuyện, tức là tôi còn quý người ta. Có một người cứ nói xấu tôi suốt 5 năm trời, tôi thấy bình thường, cuộc sống của mình mình cứ sống thôi.
Nhưng một hôm người ta nói động đến gia đình tôi thì tôi phải nói, từ đó trở đi họ và tôi không nói chuyện với nhau nữa. Nhưng để 5 năm mới nói, như thế liệu tôi có phải là người nhu nhược không nhỉ?
- Thế khi mọi người nói về chị, hai từ gì dễ làm chị thích nhất, ví dụ “thông minh”; “tài giỏi”, và hai từ gì dễ làm chị cáu, như là “độc ác” hay “lẳng lơ” chẳng hạn?
Chẳng cần nhiều đến thế, người ta bảo thiếu cái gì cần cái đó hay sao ấy, ai khen tôi chỉ cần một từ thôi là được: xinh. Thế là thích! Còn nói gì tôi cũng không buồn hay tức. Nếu có ai bảo mình là độc ác, tôi không tức, vì tôi đâu có vậy đâu. Nói lẳng lơ tôi cũng không sao. Phụ nữ, có phải người nào cũng lẳng lơ được đâu?
- Nhà đã có đạo diễn, chị lại theo học nghề này nữa, liệu nhà có nhiều đạo diễn quá không?
Nhiều người hỏi câu này mà tôi không trả lời đâu đấy. Ừ, nhiều đạo diễn thì sao? Có nhà mọi người đều làm kinh doanh có làm sao đâu, chỉ là nghề nghiệp thôi mà! Được làm nghề mình yêu thích giống như cả đời chẳng cần phải làm gì.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.