Kim Oanh: "Làm sếp trước 30 tuổi không khó"

Giang P - Ảnh: Tùng Lâm,
Chia sẻ

Vũ Kim Oanh hiện đang là giám đốc kinh doanh của công ty truyền thông với một mức lương nhiều người mơ ước và được sở hữu 10% phần trăm cổ phần của công ty.

Làm sếp trước tuổi 30, phụ nữ phải đối mặt với những khó khăn gì, họ quản lý nhân viên ra sao, con đường đi đến vị trí đó của họ như thế nào, công việc có ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của họ? 
 
Năm nay 28 tuổi, Vũ Kim Oanh hiện đang là giám đốc kinh doanh của công ty truyền thông Fifth Media với một mức lương nhiều người mơ ước và được sở hữu 10% phần trăm cổ phần của công ty. Oanh từng nhận được lời mời làm việc từ các công ty khác với tiền lương và chế độ đãi ngộ hấp dẫn hơn nhưng cô từ chối vì thấy yêu thích và gắn bó với công việc này. Hiện bộ phận do Oanh phụ trách mang lại 80% doanh thu cho công ty.  

Khi được hỏi về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong công ty, Oanh đã đùa rằng: “Quyền lợi à? Tôi cần 1 trang A4 để liệt kê đấy. Nhưng phải cần đến 10 trang A4 để liệt kê về nghĩa vụ và trách nhiệm”. 

Xuất phát điểm của tôi là một nhân viên bình thường 

Bạn đã có một xuất phát điểm thế nào tại công ty này?  

- Năm 2008, tôi bắt đầu vào công ty làm việc với xuất phát điểm là nhân viên kinh doanh. Khi ấy, kinh nghiệm và kiến thức của tôi trong lĩnh vực truyền thông và quảng cáo chỉ là con số 0. Tuy nhiên, tôi rất muốn thử sức nên đã nói với anh sếp người Malaysia rằng “Hãy cho tôi thử sức trong vòng 03 tháng. Nếu sau 03 tháng, tôi không làm được, tôi sẽ tự động bỏ việc mà các anh không cần phải đuổi”.  

 
Khi mới vào công ty này, tôi chỉ là một nhân viên kinh doanh bình thường như bao bạn khác.
 
Lúc đó, bạn có nghĩ một ngày mình sẽ lên “sếp” như bây giờ? 

- Nói thật là lúc đó tôi không nghĩ được nhiều. Chưa có kế hoạch rõ ràng. Vì thực tế, tôi còn chưa biết mình có thích công việc này hay không. Chỉ đơn giản là khi ấy tôi chưa có phương hướng, con đường cụ thể nào cho mình nên muốn thử sức xem sao. Nhưng cũng chính vì chưa vạch sẵn ra con đường cụ thể nào nên đối với tôi khi đó, con đường nào cũng như nhau và không sợ đi lạc đường được. 

Khi được giao nhiệm vụ, tôi đã quyết tâm thực hiện nó với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Với tinh thần trách nhiệm đó, tôi đã làm việc nhiều hơn những gì được giao và đã đem lại những hợp đồng lớn cũng như nhiều lợi ích khác cho công ty. Hết thời gian thử việc, anh sếp đã đề bạt tôi làm trưởng nhóm. Sau 06 tháng tiếp theo, với cách làm việc hiệu quả, tôi được bổ nhiệm làm giám đốc kinh doanh.   

 
Các nhân viên của Oanh. 

Những khó khăn và thuận lợi của một phụ nữ khi giữ vị trí lãnh đạo? Và những điều bạn thích ở vị trí của mình? 

- Vị trí lãnh đạo đòi hỏi bạn phải có một tinh thần thép bởi có thể nói áp lực trong công việc diễn ra hàng ngày. Nếu là nam giới, họ sẽ làm điều này dễ dàng hơn vì họ vốn xử lý mọi việc theo lý trí tốt hơn.   

Tuy nhiên, làm phụ nữ cũng có nhiều lợi thế khi làm sếp. Chẳng hạn như phụ nữ thì nhạy cảm hơn, tinh tế hơn, bởi khi lên làm quản lý thì quản lý ở đây không chỉ là về công việc mà cả về con người nên cần sự tinh tế, nhạy cảm để hiểu được nhân viên mình nghĩ gì, khách hàng mình cần gì và nên đối xử thế nào cho phù hợp.  

Còn điều tôi thích ở vị trí này là cảm thấy mình như một con cá được bơi trong cái bể rộng lớn. Có toàn quyền quyết định mọi việc, được tự do vạch ra đường lối, chiến lược cho bộ phận của mình. 

Muốn làm sếp, đừng ngại khó, ngại khổ

Từ kinh nghiệm bản thân, bạn có lời khuyên nào cho những bạn trẻ muốn lên làm sếp?
 
- Tôi xin kể một câu chuyện về loài bướm như một sự chia sẻ cho những bạn trẻ muốn làm sếp: “Có một cậu bé, nhìn thấy cái kén của một loài bướm. Trong kén là một chú ấu trùng con. Cậu bé theo dõi cái kén ngày này qua ngày khác và thấy tội nghiệp ấu trùng vì phải ở trong kén tối tăm, chật chội, không tự do nên đã quyết định lấy dao rạch cái kén đó để giải cứu chú ấu trùng. Chú ấu trùng đó đã bay ra nhưng do chưa đủ ngày, vẫn còn yếu ớt nên bay rất nặng nhọc và vất vả”.  

Đây là một câu chuyện mà tôi rất thích và qua câu chuyện đó, tôi muốn nói rằng: Khó khăn và thử thách là cần thiết để bạn trưởng thành. Các bạn trẻ đừng ngại khó, ngại khổ.  Sếp giao việc gì cũng làm thì sẽ dễ thành công. 

Ngoài ra, yếu tố chủ động trong công việc cũng rất quan trọng. Người ta giao 1, mình hãy cố gắng làm 2, giao 2 hãy làm 3. Có như thế, đường đến thành công của các bạn sẽ nhanh hơn. Các bạn đừng ngại mắc sai lầm, vấn đề là hãy biết rút ra bài học từ sai lầm đó.  
 
 
Các bạn trẻ muốn làm "sếp" thì đừng ngại khó, ngại khổ.

Tôi thích nhân viên dám bày tỏ suy nghĩ của mình nhưng với thái độ khiêm nhường và tôn trọng 

Là một người sếp, bạn đánh giá cao những nhân viên như thế nào?  

- Ham học hỏi, nhiệt huyết và có trách nhiệm. Những bạn như thế dễ thành công hơn trong công việc. Còn những bạn có tài nhưng không hoà nhã, không biết trên biết dưới thì cũng không được. 

Bạn nghĩ thế nào khi có nhân viên phản đối ý kiến của mình trong quá trình làm việc?

- Bản thân tôi khuyến khích nhân viên sống thật với cảm xúc của mình, dù tức, dù giận, dù hờn, dù yêu, dù ghét thì cũng nên nói thật bởi nói thật thì mới hiểu nhau và công việc mới hiệu quả. Có thể không thích nhưng cũng cần đưa quan điểm, chính kiến của mình. Tôi khuyến khích mọi người nói lên suy nghĩ của mình. 

Bạn có quan tâm tới thái độ của họ khi đưa ra ý kiến phản đối? 

- Tôi thường kể cho nhân viên của mình nghe câu chuyện về ấm trà và cốc trà. Khi các bạn có một suy nghĩ  nào đó mà bạn cho là đúng, là hay và muốn nói cho người khác nghe thì cái việc chia sẻ thông tin đó giống như việc rót ấm trà vào cốc trà.  

Nếu muốn rót ấm trà vào cốc trà thì bạn không thể để cái ấm quá xa hay quá cao, quá thấp so với cốc trà được bởi như thế nước sẽ không vào cốc. Để có thể đổ nước vào cốc, điều đầu tiên là bạn phải đưa ấm trà lại gần cốc trà hơn, điều thứ hai là bạn phải nghiêng ấm trà xuống để nước có thể chảy vào trong cốc.  

Từ đó, ta có thể thấy là dù anh nói rất đúng hay anh ở vị trí cao nhưng nếu anh chia sẻ thông tin với thái độ thân thiện và nghiêng mình thì chắc chắn thông tin đó sẽ được người khác tiếp nhận.  

Còn ở vị trí người tiếp nhận thông tin, tức là cốc nước, thì bản thân họ cũng cần phải để trong đầu nghĩ rằng cốc nước của mình vẫn còn chỗ trống thì mới có thể tiếp nhận thêm nước trà. Nếu nghĩ rằng tôi biết rồi, tôi hiểu rồi thì nước trà sẽ tràn ra ngoài.  
 
 
Tôi thích nhân viên ham học hỏi, nhiệt huyết & có trách nhiệm.

Đã bao giờ bạn sa thải một nhân viên nào đó chưa và vì lý do gì ?

- Rồi. Khi đó tôi lên chức giám đốc kinh doanh, ở vị trí được quyền sa thải, được 6 tháng. Đó là lần đầu tiên và cũng là duy nhất. Khi ấy, tôi nhận thấy rằng đưa ra một quyết định mà quyết định ấy lại là tin buồn cho một người nào đó thật không hề dễ dàng. 

Lý do: Bạn ấy không trung thực & gây mất đoàn kết nội bộ.  
 
“Một nửa” của tôi không cần phải là sếp

Công việc bận rộn như vậy. Liệu nó có ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của bạn?  

- Hiện nay thì có, đặc biệt là giai đoạn này vì công ty đang có nhiều dự án phải triển khai, nhiều dịch vụ phải phát triển. Giai đoạn này tôi đang dành nhiều thời gian hơn cho công việc nên có hôm ngồi đến 8h tối mới về. Cũng may mắn là bố mẹ ủng hộ và tạo điều kiện cho tôi nên không hề có bất kỳ phàn nàn hay trách cứ gì. Cứ mỗi lần về nhà là đã có mâm cơm ngon canh ngọt đợi sẵn.  

Nếu sau này lấy chồng, bạn cũng định đi làm đến 8h tối mới về? 

- Nếu sau này có gia đình, tôi sẽ không để công việc chiếm mất thời gian dành cho gia đình. Tôi sẽ hạn chế mang việc về nhà mà sẽ cố gắng tập trung làm việc tối đa và giải quyết mọi việc trong giờ hành chính. Bởi gia đình đối với tôi rất quan trọng. Tôi cố gắng làm việc cũng một phần vì gia đình sau này của mình mà. 

Tôi biết đến một lý thuyết như thế này. Bất kỳ ai trong chúng ta cũng bị chi phối bởi 06 vòng tròn: Học tập, sự nghiệp, quan hệ xã hội, gia đình, sức khỏe và đức tin (bao quanh tất cả 05 vòng tròn kia).  

Ở mỗi một giai đoạn sống trong cuộc đời, chúng ta sẽ ưu tiên thời gian hơn cho một vòng tròn nhất định. Nếu đúng giai đoạn cần ưu tiên cho việc đó, ta lại không làm thế, thì đến một lúc khác, việc đó sẽ trở lại và lấy đi thời gian của ta. Chẳng hạn nếu giai đoạn học hành mà không học tốt thì sau này có thể phải quay lại học từ đầu.  

Giai đoạn này tôi đang ưu tiên cho công việc nên phải hy sinh thời gian cho bạn bè, gia đình. Tôi sẽ cần hy sinh thêm 1-2 năm nữa để những thành quả mình giành được cho công ty thật vững chắc, khi đó tôi sẽ dành thời gian cho bản thân và gia đình nhiều hơn. 
 
 
Tôi từng sa thải một bạn vì lý do không trung thực & gây mất đoàn kết nội bộ.

Vậy nếu bây giờ bạn gặp một người đàn ông phù hợp với mình và anh ấy muốn làm đám cưới trong năm nay thì bạn quyết định sẽ vẫn ưu tiên cho công việc và bảo anh ấy chờ thêm 1-2 năm nữa hay là sẽ đồng ý cưới luôn?
 
- Năm nay tôi 28 tuổi, cũng đến tuổi lập gia đình được rồi. Nếu gặp người bạn trai phù hợp thì tôi sẽ cưới vì thật ra, tôi không nghĩ điều đó ảnh hưởng quá nhiều đến công việc của tôi bởi một trong những điều giúp tôi thành công trong công việc là biết thu xếp và quản lý thời gian. Chính vì vậy, tôi tin khi có gia đình rồi, tôi có thể phát huy đức tính đó, có thể cân bằng thời gian cho công việc và gia đình.
 
Là một phụ nữ khá thành công trong công việc, bạn có tiêu chuẩn thế nào về “một nửa” của mình? Đó có nhất thiết phải là một người là sếp?
 
- Tôi quan trọng việc “anh ấy là người thế nào” hơn là “chức vụ của anh ấy là gì”. Trong chuyện tình cảm, tôi tôn trọng cảm xúc của mình nên không dùng lý trí để đặt ra tiêu chuẩn về bạn đời.  Tuy nhiên, gu bạn trai của tôi là điềm đạm, dí dỏm, thông minh và biết quan tâm đến người khác. 

 
Ở ngoài đời, tôi sống theo cảm xúc, còn trong công việc, tôi là người sống theo lý trí.

Ngoài đời và trong công việc, tôi là hai con người khác nhau 

Oanh ở ngoài đời và trong công việc có gì khác không? 

- Nhiều người khi tiếp xúc với tôi ở ngoài đời bảo tôi là một cô gái tươi tắn, nhí nhánh, vô tư, lạc quan. Nhưng khi làm việc, họ lại nhận xét tôi là một cô gái cực kỳ cứng rắn. Bản thân tôi cũng thấy trong mình có hai con người, một con người sống theo cảm xúc ở ngoài đời và một con người sống theo lý trí trong công việc để đặt lợi ích công việc lên trên.  

Ngoài công việc, bạn có sở thích gì và tài lẻ gì không? 

- Tôi thích nấu nướng và trang trí, bày biện món ăn cho đẹp mắt. Món tủ của tôi là sườn xào chua ngọt và thịt kho tàu. Hiện giờ tôi bận rộn với công việc nên ít nấu hơn nhưng đó vẫn là sở thích của tôi.  

Bên cạnh đó, tôi thích hoa, thơ và đi chùa. Tôi thỉnh thoảng có làm thơ, viết truyện nhưng tôi không dám nhận đó là “tài”. Vì chữ “tài” theo tôi là phải ở một tầm cao mà được số đông trầm trồ, thán phục. Còn tôi viết và bạn bè đọc không chê là tôi mừng lắm rồi.

Chia sẻ