Đường tình duyên cay đắng của người phụ nữ phải bán nước đêm nuôi đời… chạy thận

Theo Giadinh.net ,
Chia sẻ

Chị Nguyễn Thị Lan (SN 1966) quê ở Mão Điền (Thuận Thành, Bắc Ninh) bị suy thận đã gần chục năm nay. Trớ trêu thay, khi biết vợ mắc căn bệnh quái ác, người chồng bao năm “đầu gối, tay ấp” đã nhẫn tâm rời bỏ chị.

Không biết từ bao giờ, một khu vực nằm sâu trong con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã được đặt tên là “xóm chạy thận” với số bệnh nhân sinh sống luôn vượt trên con số 100. Cuộc sống của họ leo lắt như đèn dầu trước gió và chưa biết khi nào thì sẽ tắt. Mỗi người trong số họ là một mảnh đời khác nhau với bao nỗi éo le, đắng cay, tủi nhục… mà không phải ai cũng có thể hình dung ra được.

Đường tình duyên cay đắng của người phụ nữ phải bán nước đêm nuôi đời… chạy thận 1
Chị Lan kể lại câu chuyện đời ngang trái. Ảnh TG

Chị Nguyễn Thị Lan (SN 1966) quê ở Mão Điền (Thuận Thành, Bắc Ninh) bị suy thận đã gần chục năm nay. Trớ trêu thay, khi biết vợ mắc căn bệnh quái ác, người chồng bao năm “đầu gối, tay ấp” đã nhẫn tâm rời bỏ chị. Cô đơn, buồn tủi không biết dựa vào ai, đã nhiều lần chị Lan tuyệt vọng cùng cực và muốn tìm đến cái chết. Nhưng nhìn hai đứa con còn nhỏ dại, bơ vơ, chị lại không nỡ quyên sinh. Vậy là, không đầu hàng số phận; người phụ nữ ấy cặm cụi lao động mưu sinh bằng chút sức tàn còn lại, vừa để nuôi đời chạy thận vừa để kiếm những đồng bạc lẻ phụ giúp cho đứa con trai nhỏ ở quê nhà mua quyển sách, cái bút.

Chồng ruồng bỏ ngay sau ngày phát bệnh

Tôi có mặt ở “xóm chạy thận” quanh khu vực bệnh viện Bạch Mai vào một buổi sáng. Lúc này “xóm chạy thận” cũng không có mấy người còn ở nhà. Các bệnh nhân đều đã đi mưu sinh kiếm sống bằng nghề bán nước hoặc nhặt đồng nát. Số còn lại thì vào đúng ca chạy thận hoặc sức khỏe yếu quá không thể đi làm được. Tôi được ông Tấn - nguyên “xóm trưởng” dẫn tới nhà chị Nguyễn Thị Lan - một trong số những người có số phận éo le nhất ở đây. Chị Lan vốn là người phụ nữ đã qua 2 “lần đò” nhưng cả hai lần hôn nhân đều để lại trong chị những vết sẹo khó lành. Ngoài những năm tháng tuổi thơ được bao bọc dưới vòng tay của gia đình thì đến nay, chưa giây phút nào chị được yên ổn. “Chuyện đời tôi khổ cực lắm, đã nhắm mắt mà quên đi, nhưng mỗi lần nhớ lại thì nước mắt lại tự nhiên tuôn ra, không có cách nào kìm nén nổi”, chị Lan xót thương cho số phận mình mà những giọt nước mắt của chị cứ tự nhiên tuôn ra, như thể chất chứa, dồn nén từ bao lâu rồi.

Chị Lan cho biết, chị lấy chồng từ năm 20 tuổi với bao niềm vui, niềm hi vọng về cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Cậu con trai đầu tiên ra đời, chị nâng niu, chăm sóc và gìn giữ như chính bản thân mình vậy. Nhưng ông trời không để cho người đàn bà bạc mệnh ấy hạnh phúc được bao lâu khi cậu con trai chưa đầy 2 tuổi qua đời do chết đuối. Ngay sau đó, người chồng đầu tiên của chị cũng qua đời do bệnh tật. Hai mấy tuổi đầu đã phải gánh chịu những nỗi đau liên tiếp khiến chị Lan không còn biết bấu víu vào đâu. Sau đó, số phận lại đưa đẩy chị đến bên người đàn ông khác. Vợ chồng có với nhau hai đứa con thì cả gia đình chuyển vào Nam kiếm sống. Tuy nhiên, kinh tế khó khăn sinh ra những xích mích liên tiếp giữa vợ chồng; chồng chị lại là người không biết chăm lo cho gia đình, cờ bạc liên miên. Gia đình thường xuyên xảy ra cảnh “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Chưa kể có những lần người chồng còn giải quyết vấn đề “bằng tay chân”. Chuyện vợ chồng chưa “xuôi” thì chị Lan lại thấy cơ thể mình yếu dần đi; mệt mỏi quá, chị đành phải đến bệnh viện khám sau nhiều lần trì hoãn. Cầm kết quả bị suy thận độ 3 trên tay, khi ấy, chị Lan vẫn chưa hiểu hết sự quái ác của căn bệnh này. “Ban đầu, khi nghe có bệnh tôi cũng hoang mang lắm, nhưng chưa rõ là nó sẽ nghiêm trọng và lâu dài đến như thế này. Cứ nghĩ bệnh thì bệnh, có tiền chữa là khỏi thôi. Ai ngờ có tiền thì cả đời cũng chẳng thoát được”, chị Lan kể.

Sau khi được bác sĩ tư vấn về bệnh, chị Lan quyết định về lại Hà Nội để điều trị. Thời gian đó, chồng chị không hề liên lạc. Người đàn ông này đã nhẫn tâm “vứt bỏ” chị ngay trong lúc chị tuyệt vọng nhất. Đứa con gái lớn (SN 1998) theo bố còn chị nuôi đứa con trai nhỏ (SN 2002). “Ban đầu, tôi khóc suốt. Hết khóc vì thương cho số phận hẩm hiu của mình lại khóc vì thương hai đứa con thơ dại đã phải chịu cảnh gia đình tan nát. Số phận sao cứ đùa giỡn với tôi như vậy; cứ mở cho tôi một con đường nhưng đi được một đoạn lại hóa ra đường cụt. Kể từ khi tôi bị bệnh đến nay; chồng tôi chưa một lần hỏi thăm, động viên, cắt đứt mọi liên lạc, xem như tôi chưa hề tồn tại vậy. Năm ngoái, anh ta về quê thăm nhà cũng không hề sang nhà gặp con. Chỉ thương cho thằng nhỏ, xa cả bố lẫn mẹ từ bé”, chị Lan tâm sự.

Bất chấp nguy hiểm vì khát vọng sống bên con

Đường tình duyên cay đắng của người phụ nữ phải bán nước đêm nuôi đời… chạy thận 2
Căn nhà trọ chị Lan cùng những bệnh nhân chạy thận khác đang sống. Ảnh TG

Đa phần ở “xóm chạy thận” này, các bệnh nhân đều có nghề “tay trái” là bán nước. Tuy nhiên, do sức khỏe yếu nên họ chỉ bán vào buổi sáng. Tuy nhiên, vì có hoàn cảnh khó khăn hơn, không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía gia đình nên chị Lan phải chấp nhận việc bán hàng về đêm. Hôm nào cũng vậy, chị đi từ chập tối đến tận 1-2h sáng mới về. Việc bán hàng đêm với những người khỏe mạnh đã khó, với người bệnh như chị Lan thì khó khăn còn lớn hơn gấp nhiều lần. Chị kể: “Có những lần bị bảo vệ đuổi bắt không có sức mà chạy nổi. Cứ đứng nguyên nhìn người ta mang đồ nghề của mình đi mà không biết phải làm gì. Cũng phải chấp nhận thôi; tôi biết bán nước ở khu bệnh viện là sai và nguy hiểm nhưng vì duy trì cái sự sống mỏng manh của mình mà phải bất chấp. Nghề này nhìn đơn giản nhưng thực sự vất vả lắm. Hôm nào nắng ráo còn đi được chứ mưa thì chịu bởi đặc thù bệnh là cứ dính mưa vào là sốt ngay, nguy hiểm tính mạng chứ không đùa được. Thế cho nên, có hôm pha nước chè sẵn rồi mà gặp trời mưa thì cũng đổ đi ở nhà. Những hôm như thế lại mất đi một khoản chi phí cho những ngày tiếp theo”. Chị Lan cho biết thêm, hầu như hôm nào cũng vậy, cứ đi bán nước là chị lại mất ngủ. 3-4h sáng mới ngủ được rồi sáng hôm sau cũng không ngủ bù được bao nhiêu. Đã mang bệnh trong người lại thiếu ngủ nên nhiều khi cơ thể chị tưởng chừng như không thể gắng gượng được nữa.

Vất vả là vậy nhưng khi nghĩ về con, nghĩ về việc bệnh tình có thể “yên ổn” để được sống nốt phần đời còn lại bên con, chị Lan lại như được tiếp thêm động lực để làm việc, để cố gắng. “Mặc dù vất vả nhưng mình lao động thì cảm thấy cuộc sống bớt tiêu cực hơn và thấy mình đỡ vô dụng hơn. Mấy năm nay tôi đi làm còn kiếm được đồng ra đồng vào; chứ như những năm trước phụ thuộc hoàn toàn vào anh chị em trong nhà. Tiền thuốc men, tiền ăn ở, đôi khi còn phải ngửa tay xin tiền xe cộ về thăm con nữa. Khổ lắm, bản thân mình là gánh nặng nên không dám đòi hỏi gì nhiều. Có những đợt không có tiền, tôi phải ăn muối vừng, ăn rau không mà sống cho qua ngày mặc dù bác sĩ vẫn khuyên nên ăn thịt nạc để đảm bảo sức khỏe vì mỗi lần chạy thận đều rất mất sức. Nhưng điều tôi khổ tâm nhất vẫn là hai đứa con, có mẹ cũng như không. Nhiều lần tôi cũng có ý định buông xuôi, chết đi cho hết khổ nhưng lại nghĩ, nếu mình làm thế thì con thành trẻ mồ côi. Sau này chúng biết lấy ai mà gọi mẹ. Thôi thì gắng gượng được đến bao giờ thì đến, vẫn cứ phải sống vì mình, vì con. Chúng còn “tồ” lắm, không có mẹ ở bên cái gì cũng không biết, nhìn con mà tôi như đứt từng khúc ruột. Một đứa tận trong Nam mấy năm rồi không được gặp, thằng nhỏ nhờ cậu mợ nuôi thì tháng cũng gặp mẹ được vài ngày. Giờ tôi chỉ mong mình duy trì sự sống từng ngày để được thấy chúng khôn lớn, nên người mà thôi”, chị Lan ngậm ngùi.

Nói về hoàn cảnh của chị Lan, nguyên “xóm trưởng” Tấn cho biết: “Chị Lan là một trong những hoàn cảnh đáng thương nhất ở đây, bị chồng bỏ ngay sau ngày phát hiện bệnh. Không người chăm sóc, giúp đỡ nên chị ấy phải tự kiếm tiền nuôi thân, chữa bệnh bằng nghề bán nước đêm. Thực ra, bán nước đêm có rất nhiều người làm, nhưng với những người mắc bệnh như chúng tôi mà làm nghề này thì phải có một nỗ lực lớn. Biết hoàn cảnh của chị Lan nhưng ở đây ai cũng khó khăn, ai cũng phải tự mưu sinh kiếm sống nên cũng chỉ biết động viên, an ủi nhau bằng tình cảm mà thôi”.


Chia sẻ