Dương Mịch bị tố gian dối, ăn cắp ý tưởng, hình tượng "mỹ nữ học bá" có nguy cơ sụp đổ
Dương Mịch đang là cái tên gây tranh cãi trong dư luận xứ tỷ dân.
Theo tờ Sohu, bài viết có tựa đề "Thảo luận ngắn gọn về thói quen sáng tạo của diễn viên trong phim ảnh - Lấy bộ phim truyền hình Cáp Nhĩ Tân 1944 làm ví dụ" do Dương Mịch chấp bút vừa được phát hành trên tạp chí học thuật hàng đầu Trung Quốc. Ngay lập tức, Dương Mịch trở thành tâm điểm trong dư luận vì ai cũng muốn đọc bài viết của thủ khoa Học viện Điện ảnh Bắc Kinh năm nào.
Sau khi bài luận văn được công bố rộng rãi, cư dân mạng đã nhanh chóng tiến hành kiểm tra tỷ lệ đạo văn của bài viết. Kết quả cho thấy, tỷ lệ AI trong bài lên đến 36% trong khi tỷ lệ trùng lặp nội dung chỉ là 0.9%. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về việc nữ diễn viên đã sử dụng AI để viết luận văn và "lấy cắp" ý tưởng từ các bài viết khác đang gây xôn xao dư luận.
Dương Mịch bị tố sử dụng AI viết bài, đạo văn
Một số ý kiến cho rằng, việc sử dụng từ ngữ "người viết" - một cách diễn đạt lỗi thời, hiếm khi được sử dụng ở Trung Quốc hiện nay - trong bài luận văn là minh chứng rõ ràng cho việc Dương Mịch không tự tay viết bài. Bởi lẽ, người viết luận văn khó có thể mắc phải lỗi cơ bản như vậy. Bên cạnh đó, việc kết cấu bài luận văn có phần lủng củng, thiếu logic cũng là một điểm trừ lớn.
Đặc biệt, phần Dương Mịch lấy chính vai diễn của mình để minh họa cho cảm xúc của bản thân bị phát hiện có nhiều điểm tương đồng với một số bài luận văn khác. Nhiều người cho rằng đây chính là lỗi thường gặp của AI khi cố gắng "học hỏi" và "sao chép" từ các nguồn dữ liệu có sẵn.
Trong khi một số người khác lại cho rằng, có thể Dương Mịch đã thuê người viết bài thay mình. Bởi lẽ, cách hành văn trong bài luận văn khá khoa trương, sử dụng nhiều từ ngữ mỹ miều nhưng lại thiếu chiều sâu và không có tính thực tiễn.
Khán giả phát hiện nhiều điểm bất thường trong bài viết trên tạp chí học thuật của Dương Mịch
Trước nghi vấn gian dối trong học thuật, Dương Mịch vẫn chưa lên tiếng phản hồi. Tuy nhiên, vụ việc cũng khiến cô hứng ít chỉ trích từ công chúng. Mặc dù chưa đến mức bị xem là đạo văn, nhưng hành động sử dụng AI viết luận của Dương Mịch được cho là tạo ra tiền lệ xấu cho việc lợi dụng lỗ hổng để "lách luật" trong học thuật. Điều này không chỉ làm giảm uy tín của các tạp chí khoa học mà còn ảnh hưởng đến công bằng cho những người nghiên cứu chân chính. Do đó, nhiều khán giả tỏ ra thất vọng và tức giận trước hành động thiếu trung thực của nữ diễn viên. Trước đây, cô được ca ngợi là "nữ hoàng học vấn" với thành tích học tập đáng ngưỡng mộ và có điểm số cao ngất ngưởng trong kỳ thi đại học.
Giữa làn sóng chỉ trích dữ dội từ dư luận, người hâm mộ của Dương Mịch vẫn ra sức bảo vệ thần tượng. Họ cho rằng việc cư dân mạng đem tiêu chuẩn của một bài báo khoa học để đánh giá bài luận văn của Dương Mịch là quá khắt khe. Tuy nhiên, chính những người hâm mộ này trước đó đã tung hô Dương Mịch là "học bá" với năng lực học thuật vượt trội.
Hình tượng "mỹ nữ học bá" của Dương Mịch bị ảnh hưởng tiêu cực và có nguy cơ sụp đổ vì vụ lùm xùm
Nguồn: Sina