Đừng vội sống thử nếu chưa biết những điều này
Định nghĩa về việc sống thử không còn là điều quá đỗi mới mẻ. Nhưng không phải ai cũng đủ can đảm và tự tin làm chủ được cuộc sống trước hôn nhân này.
Ngày nay, việc sống thử trước hôn nhân không còn là một khái niệm quá đỗi xa lạ. Nếu như trước đây, sống thử là một điều cấm kỵ trước hôn nhân thì ngày nay, điều này lại “bình thường hóa” và được ngầm chấp thuận, đặc biệt phổ biến trong đời sống của giới trẻ.
Cùng với việc sống thử, hai bạn có thể tiết kiệm được thêm một khoản chi tiêu về tiền thuê nhà, các vật dụng cá nhân, ăn uống, đồ dùng sinh hoạt,... Đồng thời khi có thêm một người cùng chia sẻ những gánh nặng trong cuộc sống thì việc chi tiêu cũng có thể hợp lý hơn. Ngoài ra, sống thử sẽ giúp bạn hiểu biết thêm nhiều điều về tính cách, thói quen, lối sống của đối phương, từ đó giúp giảm căng thẳng trước khi bắt đầu bước chân vào cuộc sống hôn nhân. Hoặc thậm chí bạn hoàn toàn có thể từ bỏ mối quan hệ nếu cảm thấy đối phương có quá nhiều tật xấu khiến bạn khó lòng chấp nhận được.
Tuy nhiên, sống thử không phải là điều dễ dàng và hành động này cũng kèm theo đó rất nhiều rủi ro mà bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện.
Dưới đây là những điều mà bạn cần chuẩn bị trước khi muốn sống thử
Chấp nhận và tôn trọng
Không có cặp đôi nào là hoàn hảo và phù hợp hoàn toàn. Đôi khi, sự khác biệt chính là thứ cần thiết để giúp cho tình yêu thêm phần gắn kết. Và khi sống chung, sự khác biệt ấy có thể sẽ nhiều hơn là khi hai bạn yêu nhau bình thường. Có thể sự khác biệt ấy đến từ lối sống và tính cách của đối phương. Đối diện với điều này, bạn chỉ cần cởi mở và chấp nhận nó là đủ. Ngoài ra, bạn cũng đừng bắt ép họ phải thay đổi nếu điều đó không ảnh hưởng gì tới mối quan hệ của cả hai. Người bạn cùng nhà cũng có ý kiến riêng và bạn nên tôn trọng điều ấy.
Tuy nhiên, bạn nên chắc chắn rằng mình có thể chịu đựng được sự trái tính trái nết đó và tự tin có thể sống lâu dài với người như vậy. Không phải lúc nào việc chấp nhận cũng là đúng đắn. Tâm trạng và cảm xúc của bản thân bạn phải được đặt lên hàng đầu, đừng cố chấp tiếp tục một mối quan hệ mà bạn là người luôn tổn thương.
Bạn cũng không nên dung túng cho những thói hư tật xấu của đối phương như ngoại tình, cờ bạc, hành hung,... mà phải chia tay ngay lập tức, tránh kết hôn rồi thì khó lòng bỏ được.
Đưa ra những quy tắc chung và riêng
Ngay cả khi đã sống cùng nhau, hai bạn cũng cần đặt ra những quy tắc chung và riêng trong sinh hoạt hàng ngày. Để làm được điều này, bạn và đối phương cần cởi mở để bày tỏ quan điểm và phân chia công việc nhà với nhau thật rõ ràng.
Bạn không thể bắt đối phương phải tinh ý nhận ra những thứ bạn muốn, cũng như chính bạn không thể nào đọc vị hoàn toàn được đối phương. Vì thế, hai bạn cần nói ra nhu cầu, mong muốn và tiêu chí mà bản thân thấy phù hợp cho cuộc sống của cả hai. Có một số việc riêng tư như kiểm tra điện thoại hay quan hệ tình dục cũng nên được cân nhắc đưa ra quan điểm để tránh bất đồng và tổn thương sau này.
Rạch ròi về tài chính
Khi sống chung, các khoản như tiền thuê nhà, đồ dùng như chổi, cây lau nhà, bàn ghế, nồi niêu xoong chảo,... thay vì sắm riêng thì giờ có thể dùng chung đã giúp hai bạn tiết kiệm được một phần nào đó chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, điện nước, thức ăn hàng ngày, sửa chữa những đồ vật hỏng hóc hay thậm chí là đồ cho cún cưng cũng vẫn là thứ phải chi trả. Vì thế, việc phân chia tài chính minh bạch sẽ giúp các cặp đôi cảm thấy được chia sẻ.
Khi đã xác định sống chung thì tất cả những gì xảy ra luôn cần phải có trách nhiệm của cả hai người. Bạn không thể tự mình chi trả hết mọi thứ hoặc bắt đối phương phải làm điều đó. Nếu chung một nhà mà chỉ có một người phải gánh vác hết những điều này thì đến một lúc nào đó, sự mệt mỏi sẽ làm cả hai nảy sinh mâu thuẫn và cãi vã.
Lời khuyên dành cho hai bạn là rạch ròi về tài chính ngay từ những ngày đầu lên ý định ở chung.
Giúp đỡ nhau việc nhà
Việc nhà là việc chung, cả hai bạn cần phải có trách nhiệm với mọi điều diễn ra trong căn nhà đó. Đối với một số công việc nhất định thì việc phân chia là hợp lý. Ví dụ bạn nữ sẽ đảm nhiệm những việc như nấu nướng, giặt giũ,... còn bạn nam sẽ dọn nhà, sửa chữa những món đồ bị hỏng,... Hãy liệt kê chi tiết từng nhiệm vụ một cách thông minh và thống nhất cùng thực hiện.
Tuy nhiên, đôi khi phân chia rạch ròi quá cũng không phải là điều tốt. Thay vào đó hai bạn hãy giúp đỡ nhau hoặc cùng nhau làm mọi việc trong nhà. Điều này sẽ khiến cho cả hai cảm thấy có thể tin tưởng, dựa dẫm vào đối phương. Đây cũng chính là yếu tố để bạn đánh giá liệu người ấy có đang nỗ lực để xây dựng và vun đắp cho tổ ấm nhỏ hay không để quyết định tiến tới hôn nhân.
Cho nhau không gian riêng tư
Tuy hai bạn đã sống chung nhưng việc cho nhau không gian riêng tư là điều rất cần thiết. Cả hai bạn đều là những người trưởng thành và chắc chắn không một ai thích cuộc sống luôn bị kiểm soát về mọi mặt. Ngoài ra, không thể lúc nào cũng kè kè bên nhau vì điều này chỉ khiến cho cả hai cảm thấy ngột ngạt.
Tốt hơn hết là ngoài những lúc gần gũi, hai bạn cũng nên cho nhau khoảng trời riêng tư, có những ngày xa nhau một chút để càng thêm nhớ nhau nhiều hơn.
Lưu ý vấn đề phát sinh
Cuộc sống luôn không thể tránh khỏi những điều có thể phát sinh. Trên thực tế, có rất nhiều cặp đôi khi sống chung lại bị gia đình ngăn cấm. Vì thế, các cặp đôi cũng nên tham khảo ý kiến và nhận được sự chấp thuận của người thân.
Ngoài ra, sự chấp thuận còn có tác dụng rất quan trọng, đặc biệt là khi mang thai ngoài ý muốn. Có nhiều cặp đôi khi xảy ra mang thai ngoài kế hoạch dự tính thì gia đình nhà trai đã phủi bỏ mọi trách nhiệm. Vì thế, cả hai và đặc biệt là các bạn nữ phải tự bảo vệ chính mình, có những biện pháp quan hệ tình dục an toàn.
Sống thử không phải là điều đơn giản, chúng khác biệt hoàn toàn so với yêu đương thông thường. Khi hẹn hò, bạn có thể sẽ không biết được những tính xấu của đối phương hoặc thậm chí là bỏ qua nó. Nhưng khi ở chung thì đó có thể chính là những mâu thuẫn khó lường trước khiến hai bạn rơi vào khủng hoảng. Vì thế, hãy cân nhắc và chuẩn bị tâm lý trước khi quyết định sống thử chung một nhà trước hôn nhân.