"Dùng tiền để mua vui, rồi lại chìm trong bế tắc vì hết tiền”: Bài học chi tiêu nhớ đời của người chị U40

Ngọc Linh,
Chia sẻ

"Dùng tiền để mua vui, rồi lại chìm trong bế tắc vì hết tiền”: Bài học chi tiêu nhớ đời của người chị U40

*Dưới đây là chia sẻ của Lanxi Yong - Một người phụ nữ 36 tuổi, về những năm tháng tuổi trẻ chìm trong bế tắc, tuyệt vọng. Cô mở đầu bài viết của mình trên Zhihu bằng một lời tự sự: "Tôi đã tự giải thoát bản thân khỏi hiện thực túng quẫn vì không có tiền như thế nào?" .

Tôi nghĩ rằng vào những năm đầu tiên của tuổi 20, phần lớn chúng ta đều chẳng có nhiều tiền. Ngày đó, tôi cũng vậy. Đọc đến đây, chắc hẳn bạn đang nghĩ tôi nghèo vì mới ra trường, lương thấp hoặc chưa xin được việc đúng không?

Đó có thể là lý do khiến phần lớn những người trẻ ở tầm tuổi ấy phải sống khổ vì không có tiền, nhưng nó lại không phải là lời giải thích cho sự túng quẫn của tôi.

Tôi nghèo vì khả năng kiếm tiền thua xa khả năng tiêu tiền!

Năm 22 tuổi - ngay sau khi vừa tốt nghiệp Đại học, tôi đã kiếm được khoảng 3540 NDT/tháng (hơn 12,1 triệu đồng) vì làm 2 công việc cùng lúc. Đây có thể không phải một mức thu nhập cao, nhưng nó cũng không thấp đến mức không thể sống nổi ở Thẩm Quyến.

"Dùng tiền để mua vui, rồi lại chìm trong bế tắc vì hết tiền”: Bài học chi tiêu nhớ đời của người chị U40 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Vậy mà vẫn có những ngày, tôi không có nổi 10 NDT (khoảng 31 nghìn đồng) để mua một cái bánh mì… vì đã đốt hết tiền vào những cuộc vui thâu đêm ở quán bar.

Năm đó tôi thất tình. Ban ngày cố gắng làm việc để ban đêm có tiền vỗ về nỗi đau. Có những tháng, tôi tiêu hết hơn nửa tháng lương chỉ trong 1 ngày. Bạn biết mà, là con gái, nhất là những cô gái đang buồn tình, ai chẳng muốn lên đồ thật lộng lẫy khi đi chơi buổi tối.

Mua váy, mua giày cao gót, đi làm tóc, sắm đồ trang điểm,... cộng thêm tiền đồ uống trong những cuộc vui thiếu lành mạnh, tất cả những điều đó khiến khoản tiền lương 3540 NDT của tôi "vỗ cánh" nhanh như chớp.

Tôi cứ sống với thói quen chi tiêu như thế suốt 3 tháng trời. Hết tiền trong tài khoản thì quẹt thẻ tín dụng. Thẻ đã quẹt hết hạn mức rồi thì đi vay bạn bè để có tiền ăn chơi tiếp. Đến một ngày, vào khoảnh khắc thức dậy với cái bụng cồn cào vì đói mà trong túi chẳng còn đồng nào, cũng chẳng còn ai để vay tiền nữa, tôi đã bật khóc vì sự thảm hại của chính mình.

Giờ nghĩ lại khoảng thời gian ấy, tôi vẫn cảm thấy rùng mình. Không tìm được ai để đổ lỗi, cũng không còn tiền để tiếp tục duy trì những cuộc vui quên sầu, tôi nhận ra ngoài việc "sống lại cho ra cái hồn người", mình không còn lựa chọn nào khác.

Tôi đã cai "cơn nghiện tiêu tiền để mua vui" như thế nào?

"Nếu không tiêu tiền, liệu có cách nào để mình giải quyết được cục u sầu trong tâm hồn hay không?" là điều tôi đã tự hỏi chính mình lúc đó. Hành trình tìm lời đáp cho thắc mắc ấy kéo dài suốt hơn nửa năm và có thể gói gọn trong 3 vạch đầu dòng này.

1 - Dọn nhà

Tôi đã từng lười đến mức chỉ khi nào không còn gì để mặc, theo đúng nghĩa đen, tôi mới chịu gom đồ đi giặt. Thậm chí có những lúc, tôi còn lười đến mức hết đồ để mặc thì đặt mua quần áo mới, thay vì ném đồ bẩn vào máy giặt rồi đem phơi.

Nói vậy là đủ hiểu không gian sống của tôi khi ấy còn kinh khủng hơn cả "một cái chuồng lợn". Không còn tiền để đi ra ngoài ăn chơi hay mua quần áo mới, tôi buộc phải lao vào dọn nhà, giặt quần áo. Sau đó, tôi nhận ra khi nhà mình đủ sạch sẽ, đủ thoáng mát và gọn gàng, ở nhà nghe nhạc, xem phim cũng không phải là điều gì quá khó chịu.

Dù không thích dọn nhà cho lắm nhưng đều đặn 3 ngày 1 lần, tôi vẫn quét, vẫn lau và mang quần áo đi giặt vì nếu không, nhà bẩn, tôi lại muốn lao ra ngoài đi chơi. Mà khi đó, tôi làm gì còn tiền để mà đi chơi nữa.

2 - Đi bộ ở công viên

Ru rú trong nhà được 3 cái cuối tuần, tôi bắt đầu cảm thấy bí bách đến mức không chịu nổi ngay cả khi nhà cửa đã sạch sẽ gọn gàng. Mang nỗi lòng này lên MXH bằng một dòng trạng thái bâng quơ "Cuối tuần làm gì cho đỡ chán bây giờ được nhỉ?", tôi nhận được kha khá bình luận.

Đi xem phim, đi cà phê, đi cắm trại ở ngoại ô,... là những lời gợi ý dưới bài đăng của tôi nhưng rõ ràng, tôi không có khả năng thực hiện ở thời điểm ấy. Chỉ có một bình luận duy nhất của cậu bạn cùng lớp đại học ngày xưa là tôi thấy khả thi… vì nó không tốn 1 đồng 1 cắc nào: "Đi chạy bộ đi bạn ơi".

"Dùng tiền để mua vui, rồi lại chìm trong bế tắc vì hết tiền”: Bài học chi tiêu nhớ đời của người chị U40 - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Dù chưa từng chạy bộ bao giờ nhưng tôi cũng thử thay một bộ quần áo gọn gàng, xỏ chân vào đôi giày thể thao và lao ra công viên gần nhà. Vừa đi bộ vừa nghe nhạc được 4 vòng công viên, mồ hôi vã ra như tắm, tự nhiên tôi thấy tỉnh cả người. Cảm giác khi ấy gọi là sảng khoái cũng không sai lắm đâu.

Đến lúc đó tôi mới hiểu tại sao người ta cứ ra rả khuyên nhau nên hoạt động thể chất để giảm căng thẳng. Vận động giúp não sản sinh serotonin, đẩy lùi những cảm xúc tiêu cực là điều tôi đã biết từ lâu lắm rồi, nhưng chẳng tin và cũng chẳng muốn thử. Chỉ đến khi không còn tiền để mua vui, tôi mới hiểu như thế nào là cảm giác thoải mái, nhẹ nhõm mà không cần dùng đến tiền.

3 - Chơi đùa với chó, mèo

Sau khi hình thành thói quen đi bộ ở công viên mỗi khi buồn chán hoặc không muốn ở nhà, tôi còn tìm ra được thêm một hoạt động miễn phí khác để niềm vui tìm đến với mình: Chơi với chó, mèo.

Ở công viên nơi tôi thường đi bộ, có không ít người thường dẫn các bạn cún đi tắm nắng mỗi buổi sáng hoặc đi dạo lúc chiều tối. Nhìn các bạn nhỏ 4 chân quanh mình, tôi mới nhận ra trước đây, cuộc sống của mình chỉ gói gọn trong 4 bức tường và quá nghèo nàn những điều dễ thương: Đi làm thì đồng nghiệp khó ưa, sếp khó tính; đi chơi thì chỉ thấy tiếng nhạc xập xình át cả tiếng người. Giờ nghĩ lại, tôi vẫn không hiểu sao ngày xưa mình lại coi đó là niềm vui.

Thời điểm đó, tôi đã từng không biết trên đời này có một thứ gọi là "Hormone hạnh phúc". Khoa học định nghĩa loại hormone này bằng bộ 3 hoạt chất Serotonin - Dopamine - Oxytocin, và có rất nhiều cách để não chúng ta tăng cường sản sinh bộ 3 hormone này.

Mua sắm, vui chơi hay gọi chung là đốt tiền vào việc mua vui như những gì tôi từng làm là một cách để sản sinh Dopamine.

Hoạt động thể chất, ôm ấp chó mèo cũng là một cách để sản sinh Serotonin.

Khác biệt ở đây chỉ đơn giản là có những cách vừa tốn tiền, vừa hại sức khỏe; có những cách vừa miễn phí, vừa lành mạnh với cả ví tiền lẫn cơ thể, tâm trí chúng ta. Chỉ đến khi rơi vào túng quẫn, không còn tiền để ăn chơi, tôi mới nhận ra và tin rằng niềm vui hay cảm giác thanh thản, sảng khoái trong cuộc sống thực ra không đắt đỏ, cũng không cần quá nhiều tiền như mình vẫn nghĩ.

"Dùng tiền để mua vui, rồi lại chìm trong bế tắc vì hết tiền”: Bài học chi tiêu nhớ đời của người chị U40 - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Đó là hành trình "sống lại" đã giúp tôi vượt qua được những năm tháng đôi mươi nghèo kiết xác, để trở thành một người phụ nữ có chút của ăn, của để ở độ tuổi 36.

Nếu bạn còn trẻ và còn đang dùng tiền để mua vui, mong bạn sớm hiểu ra rằng chạy theo những thú vui đắt đỏ, ngắn hạn chính là hành động tự hủy hoại sức khỏe tài chính của bản thân trong tương lai, rồi sau đó là tới những khía cạnh khác của cuộc sống.

Chia sẻ