Dùng que cấy tránh thai và nỗi lo mất kinh
Việc đặt que cấy tránh thai tiềm ẩn nhiều nguy cơ với phụ nữ như: mất kinh, tăng cân, mụn nhọt lên đầy người, tính nết trở nên thất thường...
Chào bác sĩ, tôi năm nay 27 tuổi, đã có 1 em bé. Hiện tại tôi đang tránh thai bằng cách dùng que cấy tránh thai. Tôi đã cấy que được 5 tháng. Nhưng trong 5 tháng đó tôi không thấy có kinh nguyệt, mặt lại hay bị mẩn ngứa. bác sĩ cho tôi hỏi đó là có phải là do tác dụng phụ của que cấy tránh thai hay không? Tôi có nên đi kiểm tra lại hay không? Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi. Tôi xin cảm ơn! (T. Hường)
Trả lời:
Bạn T. Hường thân mến!
Que cấy tránh thai là phương pháp tránh thai dùng một hay các que nhỏ như que diêm chứa hormone progesterone cấy vào dưới da. Phương pháp này đơn giản, tiện dụng nên được nhiều chị em lựa chọn. Sau khi được đưa vào cùng da dưới cánh tay, các que cấy sẽ phóng thích dần dần lượng hormone vào cơ thể tạo ra tác dụng ngừa thai kéo dài có thể lên đến 5 năm. Hormone sử dụng trong que cấy tránh thai là progesterone: levonorgestrel hay etonogestrel. Số lượng que cấy có thể từ 1 đến 6 que tùy loại.
Việc đặt que cấy tránh thai tiềm ẩn nhiều nguy cơ với phụ nữ như: mất kinh, tăng cân, mụn nhọt lên đầy người, tính nết trở nên thất thường... Ảnh minh họa
Cũng như các biện pháp tránh thai có progesterone khác, que Implanon hoạt động dựa trên 2 cơ chế chính: Một là, làm đặc chất nhầy cổ tử cung, ngăn không cho tinh trùng xâm nhập buồng tử cung. Hai là, ngăn sự rụng trứng (ở hơn phân nửa các chu kỳ).
Đây cũng là một biện pháp dựa trên hormone nên cũng có những tác dụng phụ ảnh hưởng đến người sử dụng. Một số tác dụng phụ mà chị em sử dụng biện pháp que cấy tránh thai có thể gặp là rong vài tháng đầu triệu chứng có thể xảy ra là ra kinh ít hơn, ngắn hơn hay rong kinh trên8 ngày, rong huyết, không có kinh. Một số triệu chứng khác ít gặp hơn như đau đầu, chóng mặt, căng ngực, buồn nôn… và có thể tự hết sau một thời gian.
Theo quy định, trước khi cấy que tránh thai, người dùng phải đến bệnh viện có chuyên khoa sản, cơ sở y tế để khám tổng thể sức khỏe và được các bác sĩ tư vấn về biện pháp và thực hiện cấy ghép. Việc đặt que cấy tránh thai tiềm ẩn nhiều nguy cơ với phụ nữ như: Mất kinh, tăng cân, mụn nhọt lên đầy người, tính nết trở nên thất thường, người mệt mỏi, thường đối mặt với stress, ham muốn tình dục giảm... nên chị em cần cân nhắc trước khi thực hiện.
Bình thường, sau một khoảng thời gian nhất định, khi cơ thể đã quen với các que cấy này trong người thì các tác dụng phụ sẽ giảm dần và biến mất, cơ thể bạn hoạt động bình thường lại như trước đó. Và trong suốt thời gian cấy que trong người, chị em cũng nên đi khám định kì để biết được cơ thể mình có đáp ứng với que cấy hay không. Trong trường hợp sau một thời gian dài mà cơ thể vẫn bị phản ứng thì bạn nên trao đổi lại với bác sĩ để biết mình có nên tháo que hay không.
Vậy nên, tốt nhất, bạn nên đi khám chuyên sản khoa để được tư vấn trực tiếp. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ có quyết định để bạn tiếp tục tránh thai bằng cách này hay tháo ra, thay bằng phương pháp khác.
Chúc bạn vui khỏe!