Đừng kêu lương thấp tiền phạt cao, lái xe đúng luật thì chẳng mất đồng nào

Thanh Ngọc/VTC News,
Chia sẻ

Không hiểu sao nhiều người cứ kêu mức phạt vi phạm giao thông mới quá cao so với thu nhập; nếu coi trọng pháp luật, chạy xe chuẩn chỉnh thì một đồng cũng không mất.

Hôm qua, một đồng nghiệp của tôi bị phạt 5 triệu đồng vì lỗi vượt đèn đỏ, điều khiến ai cũng ngạc nhiên vì mọi người đã nhắc nhau từ cuối tháng 12, tránh vi phạm bởi bị phạt một lần là "móm" cả tháng. Hóa ra anh ấy hành xử theo thói quen.

"Khu vực đó cả đời không có công an, không hiểu sao hôm nay lại có, tôi thấy luồng đường kia cũng vắng, sắp muộn giờ chấm công nên cứ đi, không ngờ qua ngã tư vài chục mét là bị giữ lại", anh bạn giải thích, vô cùng rầu rĩ vì số tiền phạt gần chiếm một nửa trong số lương tháng 11 triệu đồng. Suốt cả ngày, đồng nghiệp của tôi than vãn rằng so với mặt bằng thu nhập người dân thì mức phạt vi phạm giao thông mới theo Nghị định 168 quá cao.

"Như cậu ấy, mới ra trường đi làm, lương chưa đến 7 triệu, nếu bị phạt một lần thì có mà đói cả tháng, đúng không?", anh ấy hỏi tôi, mong nhận được sự đồng tình, đồng cảm. Nhưng tôi lắc đầu: "Không, lương thấp hay cao thì em cũng chẳng mất đồng nào cả".

Vâng, sao lại coi mức phạt cao so với thu nhập là không tốt? Nếu phạt nhẹ, dù phải đóng cũng không tiếc thì mọi người lại tha hồ vượt đèn đỏ theo thói quen như đồng nghiệp của tôi thôi. Tiền phạt có phải là số tiền mà toàn dân có nghĩa vụ đóng góp đâu mà phải chia theo thu nhập, chỉ những người vi phạm mới phải bỏ ra. Người dân hoàn toàn có quyền tự do lựa chọn: Tuân thủ pháp luật hoặc chấp nhận xử phạt. Nếu bạn chạy xe đúng luật thì sẽ chẳng mất đồng nào, lương thấp hay cao là vấn đề chẳng hề liên quan.

Đừng kêu lương thấp tiền phạt cao, lái xe đúng luật thì chẳng mất đồng nào - Ảnh 1.

Đi xe máy lên vỉa hè được xem là chuyện "bình thường" từ trước đến nay.

Trên các diễn đàn mạng, nhiều người cứ viện cớ thu nhập thấp, viện cớ công việc phải di chuyển nhiều nên có nguy cơ mất phần lớn thu nhập để than vãn về mức phạt mới. Rõ ràng đó chỉ là bao biện cho thói quen tùy tiện, coi thường luật giao thông, vẫn muốn tiếp tục chạy xe bạt mạng nhưng không phải trả giá. Với những người như thế, không phạt nặng thì ép họ tuân thủ luật pháp bằng cách nào đây?

Bao nhiêu năm qua, hành vi vượt đèn đỏ, đi ngược chiều hay lao xe lên vỉa hè phổ biến đến mức bị coi là bình thường, là đương nhiên với nhiều người. Họ vi phạm hay không chỉ phụ thuộc vào việc cảnh sát giao thông có mặt để giám sát, hay khu vực đó có camera phạt nguội hay không. Xung quanh người vi phạm, gần như chẳng ai lên tiếng, nhiều người thậm chí quên rằng những hành vi đó là sai, cũng chẳng hề xấu hổ khi vi phạm. Có khi người đi đúng luật còn bị mắng.

Vài tháng trước, khi đang dừng đèn đỏ, tôi nghe tiếng còi xe máy dồn dập từ phía sau, ngoái lại thì tài xế đó ra hiệu cho tôi tránh sang một bên để họ đi vì đang vội. Tôi quyết định đứng yên vì đèn đỏ vẫn còn hơn 20 giây. Người này giận dữ quát mắng, cố len lỏi đi qua, kéo theo vài người đi xe máy khác nối nhau xuyên thẳng qua ngã tư khi đèn vẫn đang đỏ.

Một hôm khác, tôi buộc phải phanh gấp vì một chiếc ô tô dừng đột ngột trên đường. Lo có tai nạn, tôi bật tín hiệu để vượt lên, tránh ùn tắc. Khi đi ngang chiếc xe đó, tôi thấy tài xế đang cắm cúi bấm điện thoại, phía trước chẳng có sự cố nào cả. Trông anh ta rất thản nhiên và thong thả, không hề nghĩ đến chuyện mình đang chắn đường.

Mỗi lần đi làm về vào giờ cao điểm, các "chiến thần lấn vỉa hè" lại rầm rộ hoạt động. Nhiều tài xế xe máy còn quát cả người đi bộ vì cứ "lượn lờ ngáng đường", hoàn toàn không nhớ rằng vỉa hè thuộc về họ và chính mình đang cướp đường. Với những người chỉ biết tiện cho mình, bất chấp quy định, bất chấp lợi ích của người khác như thế, không có hình phạt thật nghiêm thì lấy gì đưa họ vào khuôn khổ đây?

Vì thế, hãy thôi kêu ca lương thấp, phạt cao. Có ai bắt bạn vi phạm giao thông để phải nộp phạt đâu! Thú thật là bản thân tôi cũng có lúc muốn vượt đèn đỏ vì vội, vì sốt ruột; nhưng đã buộc mình phải dừng ngay suy nghĩ đó vì không muốn mất tiền, không muốn xấu hổ khi bị cảnh sát giao thông kéo vào vỉa hè lập biên bản...

Bất kỳ công dân nào cũng phải tự chịu trách nhiệm với những hành vi của mình. Cũng gần đến Tết Nguyên đán rồi, việc xử lý mạnh tay lại càng cần thiết để giảm tối đa tình trạng giao thông hỗn loạn và số vụ tai nạn. Có như vậy, mọi người mới có thể đón năm mới an lành và xa hơn là tạo được ý thức tuân thủ luật pháp và thói quen chạy xe văn minh.

Chia sẻ