Đừng giận ai đó vì không cho mình vay tiền, họ chỉ đang sợ mất đi một người bạn mà thôi!

Mai Lâm,
Chia sẻ

Vay tiền là hành động làm tổn hại đến quan hệ bạn bè nhất, bởi lẽ thứ tình cảm vốn không dùng tiền bạc để đo đạc đong đếm ấy lại cứ phải đặt lên bàn cân của tiền bạc, rồi ảnh hưởng đến trọng lượng của tình cảm.

(1)

B là người bạn cũ rất tốt của tôi.

Mấy năm sau khi tốt nghiệp, cô ấy vẫn là một công chức mẫn cán, hằng ngày cầm túi công văn, ra vào văn phòng phải quẹt thẻ, viết công văn, họp báo rồi tan làm. Ngày tháng cứ thế trôi đi rất an vui. Nghe nói tiền lương cũng không ít, tin tức về cô được truyền đi trong giới bạn bè rất nhanh chóng.

Hôm đó, bạn cùng phòng trước đây của cô gửi đến một tin nhắn, trên đó viết: "Giang hồ cấp bách, cho tớ vay 2.000 tệ nhé."

Tối hôm ấy vừa hay tôi cùng cô ấy ăn cơm, nói hết chuyện này đến chuyện khác, rồi nhắc tới chuyện này, cô bạn ca cẩm rằng lâu lắm không liên lạc sao tự dưng mượn tiền cơ chứ.

Tôi vội hỏi: "Thế cậu có cho vay không?"

B đáp: "Cho vay rồi."

Tôi hỏi: "Cậu có hỏi tại sao vay không?"

B đáp: "Thì cô ấy chẳng đã nói ‘giang hồ cấp bách’ rồi còn gì. Tớ ngại hỏi lắm."

Tôi bảo: "Các cậu đã chẳng còn thân thiết đến mức ngại hỏi lí do rồi, thế mà cậu còn cho vay à!"

B bảo: "Vậy phải làm sao, không thể không cho vay được."

Tôi hỏi tiếp: "Hỏi cậu một câu nhé, nếu cậu ấy không trả thì cậu làm thế nào?"

B đáp: "Làm gì có chuyện…"

Sau đó, cô ấy bắt đầu lo lắng hỏi tôi: "Chẳng nhẽ cậu ta sẽ không trả thật à?"

Tôi bảo: "Tớ không biết cô ấy thì làm sao mà biết được."

Quả nhiên, hai tháng trôi qua, thậm chí hai người họ không liên lạc gì với nhau. Người bạn kia cũng không hề chủ động muốn trả tiền cho B. Thiết nghĩ, bên cho vay còn không vội, thì bên vay vội gì cơ chứ. Nhưng, không phải là B không vội, mà là cậu ta ngại.

Vài tháng sau, cuối cùng B không nhẫn nại được nữa liền gửi cho cô bạn kia một tin nhắn, bảo mình phải nộp tiền nhà, bây giờ hết tiền rồi phải làm sao.

Cô bạn vui vẻ bảo: "Buổi chiều sẽ trả tiền cho cậu."

Quả nhiên, chiều hôm đó, B lấy lại được số tiền đã cho vay.

B khoe với tôi: "Cậu xem, người tốt vẫn nhiều lắm.’’

Tôi cũng không hiểu vì sao, nghĩ bụng, có vay có trả là chuyện đương nhiên, đã từ lúc nào mà việc trả tiền rất bình thường ấy lại trở thành việc làm của người tốt vậy.

Tôi cười.

Thế nhưng chuyện vẫn chưa kết thúc ở đó. Nửa năm sau, trong một lần họp lớp, bỗng nhiên bạn bè đều lũ lượt bàn tán về B, bảo cô ấy hẹp hòi, có vài nghìn tệ mà đòi người khác liên tục. B rất buồn, bởi vì cô chỉ đòi đúng một lần, sao đã cho vay tiền, không những không được coi là người tốt mà ngược lại còn bị chê bai này nọ. Cô ấy hói tôi. "Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?"

Tôi thở dài nói: "Nếu không phải là bạn cực kỳ tốt thì không nên cho vay làm gì. Giúp người lúc cấp bách chứ không giúp người nghèo được, đừng vì một chuyện nhỏ mà cho vay ngay, làm như thế không phải vì bạn ky bo, mà hành động được xem như phóng khoáng ấy của bạn rất có thể sẽ hủy hoại tình bạn."

Đừng giận ai đó vì không cho mình vay tiền, họ chỉ đang sợ mất đi một người bạn mà thôi! - Ảnh 1.

(2)

Tôi cũng gặp việc tương tự, một người bạn hỏi vay tôi 5.000 tệ. Lúc mới đầu, tôi thật sự không muốn cho vay, nhưng tôi đã nghĩ kỹ.

Tôi đưa cho cậu ta 1.000 tệ, rồi bảo: "Không cần trả đâu."

Quả nhiên, sau này cậu ta cũng không trả tôi thật. May mắn thay, chúng tôi vẫn là bạn tốt, tình bạn vẫn còn đây, chút tiền bị tổn thất cũng ít hơn rất nhiều.

Tôi luôn nghĩ rằng, vay tiền là hành động làm tổn hại đến quan hệ bạn bè nhất, bởi lẽ thứ tình cảm vốn không dùng tiền bạc để đo đạc đong đếm ấy lại cứ phải đặt lên bàn cân của tiền bạc, rồi ảnh hưởng đến trọng lượng của tình cảm. Những phiền toái rõ ràng có thể tránh khỏi đó, tại sao cứ phải hiện thực hóa chúng? Tôi luôn cho rằng, tình bạn là điều tốt đẹp nhất trên thế giới này, nhưng khi bắt đầu vay tiền, trong chớp mắt đã yếu đi rất nhiều, thực tế hơn rất nhiều.

Có thể bạn sẽ hỏi: "Vậy có nghĩa là không nên cho người khác vay đúng không?"

Không phải vậy, mà là khi bạn cho người khác vay tiền, thì xin hãy chuẩn bị sẵn tâm lí rằng khoản tiền ấy có thể sẽ không quay trở lại. Rất có thể, để bảo vệ tình bạn, cách làm ấy là đáng. Để giúp đỡ những người bạn xứng đáng được giúp đỡ kia, làm như thế cũng rất đáng. Dẫu sao, trên thế giới này vẫn đang tồn tại tình bạn chân thành thực sự, những thứ này mới là vô giá.

Nhưng nếu một người bạn bình thường rất lâu rồi không liên lạc, bỗng nhiên gọi điện muốn vay bạn tiền, thì xin chúc mừng, dù cậu ta có nhận ra hay không, thì cậu ta chắc chắn đã chuẩn bị sẵn sàng việc mất đi một người bạn như bạn. Vay tiền, đó là cách thức tốt nhất hủy hoại tình bạn của hai người bạn vốn không thân thiết.

Nói ở một góc độ khác, khi bạn đang quẫn bách, nếu một người cho bạn vay tiền, thì xin hãy dùng tấm lòng của mình để cảm ơn họ. Bởi lẽ người đó đã bỏ qua tất cả những điều vừa phân tích ở trên, chỉ dựa vào tình cảm giữa hai người, họ đã đánh bại lí trí, họ cho rằng trên thế giới này tình cảm bạn bè mới là đáng quý. Chúng ta nên dùng cả đời này để kết giao với những người bạn như thế. Dẫu rằng mỗi người đều có cuộc sống riêng của mình, nhưng họ đồng ý chia sẻ hạnh phúc của bản thân cho bạn, cùng bạn gánh vác những khó khăn cấp bách trong cuộc sống của bạn, vậy còn có tình bạn nào chân thành hơn điều đó nữa không?

Vì vậy, xin chớ đi vay một cách dễ dàng và càng phải giảm cơ hội cho người khác vay tiền hơn. Không phải chúng ta ích kỷ hẹp hòi, mà chỉ là trong môi trường tình cảm mềm yếu giữa hai người như thế, chúng ta giảm đi cái ảnh hưởng quá đáng của đồng tiền, tránh đi những điều vô nghĩa mà có thể tránh được mà thôi.

* Nội dung trích từ cuốn sách "Gọi là ổn định, thật ra là hoài phí cuộc sống", tác giả Lý Thượng Long.

Chia sẻ