Cô giáo Mù Cang Chải bỏ núi, bỏ nghề xuống Hà Nội theo đuổi đam mê kinh doanh, mở nhà hàng chay và sống chậm

Bài: Nhân Mã, Ảnh: Quý Nguyễn,
Chia sẻ

Người phụ nữ ấy với quyết tâm cao luôn muốn được khẳng định mình bất chấp nhiều rào cản và khó khăn phía trước.

Cuộc sống ai cũng mong muốn có được cái gì đó là của riêng mình, nhất là chuyện sự nghiệp khi mà thời nay khái niệm đi làm thuê đã dần bị người ta "gác" lại một bên để dành thời gian suy nghĩ cho quá trình khởi nghiệp. Nhưng start up nào có dễ dàng khi mà ngày nay cũng có quá nhiều thứ để cạnh tranh và cơ hội thì lại không dành cho tất cả mọi người. Có thành công hay không chắc còn phải tùy thuộc vào mỗi cá nhân và cách mà họ làm, cố gắng để thay đổi bản thân, mang lại vận mệnh mới cho chính mình và cả những người xung quanh họ nữa.

Lâm Hoài (1985) từng là một cô giáo tiểu học ở vùng núi Mù Cang Chải, Yên Bái rồi sau đó về thành phố làm công tác đoàn. Là một người phụ nữ thuần kiểu "nhà nước" với định hướng công ăn việc làm an nhàn ổn định ngay từ những ngày đầu tiên bước ra cuộc sống, những tưởng cô sẽ cứ theo đúng lộ trình đó mà đi cho thảnh thơi thì cho đến một ngày đôi chân lại chợt rẽ hướng. Lâm Hoài chọn cách rời bỏ cơ quan dù trong tay đã có chút chức sắc và tăm tiếng để một mình bắt đầu vai trò mới, bà chủ nhà hàng đồ ăn thuần chay có kết hợp các vị thuốc đông y và đang bước đầu khá thành công. Đặc biệt, Lâm Hoài không chỉ dừng lại ở việc khởi tạo thương hiệu ở tỉnh lẻ như Yên Bái mà cô còn bỏ núi xuống thủ đô với mong muốn gây dựng một sự nghiệp thật sự vững chắc.

Cô giáo Mù Cang Chải quyết bỏ núi xuống đồng bằng thực hiện đam mê kinh doanh - Ảnh 1.

Lâm Hoài được biết đến là nhân vật gọi vốn đầu tư trong chương trình "Thương vụ bạc tỷ" và rất thành công.

Được tiếp lửa kinh doanh từ chính công việc khi còn làm Nhà nước

Là con gái, Lâm Hoài sớm được bố mẹ định hướng theo học ngành sư phạm rồi lại trở về đúng ngôi trường tiểu học cô từng được dạy ở xứ Mù Cang Chải để dạy môn văn tiểu học. Công tác ở đây được 5 năm, Lâm Hoài có cơ hội chuyển về tỉnh đoàn Yên Bái chuyên trách hội doanh nhân trẻ. Tại đây, bằng sự nhiệt huyết và năng lực thực tế, Lâm Hoài đã làm vị trí chánh văn phòng nên cũng có cơ hội được đi và gặp gỡ nhiều doanh nhân thành đạt. Và cũng chẳng ai có thể ngờ được, đam mê kinh doanh trong cô lại nảy mầm từ đây và người phụ nữ ấy lại có một quyết định lớn là sẽ bỏ việc ra bên ngoài để xây dựng sự nghiệp riêng cho mình.

"Khỉ nghỉ việc, nhiều người cũng nói rằng sao mà tiếc thế, khoảng thời gian cống hiến lâu như vậy, thành quả tốt như vậy (mình làm Phó ban ở thành đoàn) nhưng mình thì không thấy tiếc vì đã thấy rõ giá trị của tự do. Mình rất thích câu nói "làm điều mình thích là tự do, thích điều mình làm là hạnh phúc" cho nên mình đang rất vui khi đạt được những điều này. Tất nhiên mình cũng phải cảm ơn môi trường cũ vì đã cho mình sự trưởng thành nhưng nói như Phật giáo Ấn Độ thì cái sự nghỉ việc này là lịch sử tất yếu phải xảy ra với cuộc đời mình. Cuộc sống với mình luôn là sự đổi thay, không thể cứ đứng mãi một chỗ cho nên việc lựa chọn "bôn ba" ở bên ngoài tính cho đến thời điểm này mình vẫn thấy là lựa chọn vô cùng hợp lý.

Mình đã mạnh dạn nghĩ rằng nên thay đổi nhưng phải bắt đầu từ đâu và bằng cái gì vẫn là điều trăn trở. Người ta vẫn nói kinh doanh lãi nhất hàng xén, thứ nhì hàng ăn nhưng mà như mình loại số 1 chắc không làm được nên phải xem xét loại số 2 thôi. Mà làm hàng ăn thì cá, bò, gà ai cũng làm đầy rẫy ra rồi, mình mở ra cũng khó mà cạnh tranh lắm nên mới nghĩ ra làm đồ ăn chay. Và cho đến hiện tại thì ở Yên Bái cũng mới chỉ có mình mình kinh doanh về lĩnh vực này thôi".

Cô giáo Mù Cang Chải quyết bỏ núi xuống đồng bằng thực hiện đam mê kinh doanh - Ảnh 2.

Lâm Hoài từng có thời gian công tác ở Nhà nước nhưng sau đó đã ra ngoài để khởi nghiệp.

Cô giáo Mù Cang Chải quyết bỏ núi xuống đồng bằng thực hiện đam mê kinh doanh - Ảnh 3.

Lĩnh vực mà cô chọn là nhà hàng chay.

Đồ ăn chay bây giờ cũng không còn quá xa lạ với số đông những người yêu ẩm thực. Vì thế cho nên để thành công được thì phải có sự khác biệt và Lâm Hoài cũng phải hao tâm tổn sức khá nhiều cho việc tạo ra nét riêng của mình. Việc làm cho nhà hàng trở nên ấn tượng bằng màu sắc và thực đơn chính là thứ mà Hoài quan tâm đầu tiên. Với Hoài, cô thấy những màu sắc liên quan đến Phật giáo như nâu đậm hay vàng thì lại không hợp và cũng không có dấu ấn rõ nét nên cô không chọn.

Sau đó, Hoài phải bỏ thời gian cất công đi sang tận Ấn Độ, Nepal để tìm hiểu về Phật giáo và chính thức bị Phật giáo Mật tông cuốn hút. Hoài bắt đầu đọc nhiều sách hơn và ngày càng cảm thấy đây mới là thứ mình cần. Thế rồi cô chọn màu sắc của Phật giáo Mật tông làm nền cho quán ăn của mình luôn. Trong quán được trang trí màu sắc và hình ảnh rất ấm cúng, thực khách khi đến đây sẽ có cảm giác như đang ở Nepal hoặc Tây Tạng vậy. Đặc biệt là cánh cổng của nhà hàng được sao chép nguyên mẫu một cánh cổng ở Nepal, đây là điểm nhấn đặc sắc nhất của dấu ấn Phật giáo Mật tông ở cửa hàng của Hoài.

"Về tên của quán mình quyết định lấy là Pema chắc cũng sẽ có nhiều người cảm thấy hơi lạ lẫm và thắc mắc. Thật ra đây là tên của loài hoa sen Tạng chỉ mọc ở độ cao trên 3.500 mét so với mực nước biển và cũng là loại thuốc tốt trong Đông y. Loại hoa này còn có điều đặc biệt là sau 5 - 6 năm mới nảy mầm và ra hoa 1 lần. Đây là bông hoa trong truyền thuyết hay còn gọi là liên hoa tuyết. Theo Phật giáo Mật tông thì hoa sen này đại diện cho tâm thức của con người, tức là mọi thứ bắt nguồn từ bên trong".

Cô giáo Mù Cang Chải quyết bỏ núi xuống đồng bằng thực hiện đam mê kinh doanh - Ảnh 4.

Lâm Hoài cất công đi tới tận Ấn Độ và Nepal để tìm ý tưởng.

Cô giáo Mù Cang Chải quyết bỏ núi xuống đồng bằng thực hiện đam mê kinh doanh - Ảnh 5.

Và cuối cũng thì cô cũng có cho mình tư liệu cần thiết để làm một nhà hàng chay.

Hành trình đưa đồ chay từ phố núi xuống thủ đô

Lâm Hoài kể rằng khi bắt đầu làm nhà hàng ăn thì vẫn cứ "chân trong chân ngoài", hầu như chẳng để cho ai biết. Chồng của cô thì lại làm ngành nghề hoàn toàn khác và công việc thì không ai liên quan đến ai cả. Sau đó khi nhà hàng đi vào chạy thử thì Hoài lại còn bị bố mẹ giận vì không nói gì. Nhưng đến khi mẹ Hoài tới cửa hàng và phụ giúp cô một số việc thì bà cũng bị cuốn hút vì thấy đồ ăn chay ngon quá. Mẹ của Hoài cũng khá khéo tay và có thể nấu được đồ chay và đến giờ thì bà hầu như là ăn chay trường luôn rồi.

Sau khi ổn định ở Yên Bái được 1 năm thì Lâm Hoài đã mang Pema xuống Hà Nội để kêu gọi vốn đầu tư trong chương trình Thương vụ Bạc tỷ. Cô đã nhận được khoản tiền trị giá 3 tỷ đồng từ Shark Thủy với 80% cổ phần và cùng xây dựng nhà hàng mới ở Hà Nội. Lâm Hoài cho hay bản thân cô vẫn đang làm song song rất nhiều việc, một mặt cô duy trì nhà hàng ở Yên Bái, Thái Nguyên; mặt khác hợp tác với Shark Thủy mở nhà hàng trên phố Lê Văn Lương; và phần còn lại cô vẫn dành thời gian tự set up và điều hành một nhà hàng nữa tọa lạc trên phố Hàng Bè. Có lẽ đây là khoảng thời gian cô cần nhân rộng tên tuổi của mình nên mới quyết định "làm lớn" như vậy.

Cô giáo Mù Cang Chải quyết bỏ núi xuống đồng bằng thực hiện đam mê kinh doanh - Ảnh 6.

Hiện Lâm Hoài đang điều hành cùng lúc 2 nhà hàng.

Cô giáo Mù Cang Chải quyết bỏ núi xuống đồng bằng thực hiện đam mê kinh doanh - Ảnh 7.

Dù cho có sự giúp đỡ từ Shark Thủy nhưng Lâm Hoài vẫn muốn có thứ gì đó của riêng mình.

Lâm Hoài cũng đã cẩn thận đăng ký độc quyền thương hiệu Pema từ khi mới sơ khai và cho đến lúc này cô vẫn tự mình cần mẫn xây dựng chứ chưa có ý định nhượng quyền lại cho bất cứ ai. Và sau khi thành công ở miền Bắc, chắc chắn Lâm Hoài sẽ Nam tiến bởi đây là thị trường màu mỡ về kinh doanh ẩm thực với sự đa dạng về con người và gu thưởng thức.

Bóc lớp vỏ vẻ ngoài là màu sắc và ý nghĩa của tên nhà hàng thì cuối cùng cái mà thực khách lưu chân lại với bất kỳ nhà hàng nào vẫn phải là món ăn ngon. Pema của Hoài hiện tại có khoảng 40 món, và Hoài tự tin mình khác biệt bởi trong đó có nhiều món ăn vị thuốc. Tất cả đồ ăn của Hoài đều là đồ thuần chay chứ không dùng đồ giả chay tức là chế biến hoàn toàn bằng rau củ quả chứ không có các chất phụ gia hay phẩm màu như một số nhà hàng chay vẫn đang làm.

Cô giáo Mù Cang Chải quyết bỏ núi xuống đồng bằng thực hiện đam mê kinh doanh - Ảnh 8.

Thực đơn của Lâm Hoài được xây dựng khá kỳ công.

"Thật ra mục đích của mình khi mở cửa hàng là muốn hướng thực khách tới lối sống lành mạnh và tốt cho sức khỏe. Còn về không gian quán thì thật ra cũng chỉ là muốn khách hàng khi đến có thêm sự trải nghiệm về văn hóa chứ không phải mình hướng đến những đối tượng tu hành hay ăn chay vì mục đích tôn giáo hay tín ngưỡng gì cả. Bởi vì nếu ăn chay theo tôn giáo thì thường yêu cầu những quy tắc rất khắt khe, có những dòng tu sẽ không ăn hành tỏi, ớt; lại có những dòng tu thiền hay yoga thì lại không ăn nấm. Vì lẽ đó mình không bó hẹp khách hàng.

Về nguồn nguyên liệu mình chủ yếu đặt mua ngay tại Yên Bái, còn lại một số thứ đặc biệt hơn thì mình nhập ở Lào Cai, Sa Pa. Việc chế biến đồ ăn chay khó hơn đồ mặn rất nhiều, mình phải thừa nhận là như thế. Đồ mặn mình có thể dễ đánh lừa vị giác bằng các gia vị nhưng đồ chay thì  yêu cầu độ tinh cao hơn, đặc biệt đầu bếp phải là người ăn chay trường thì mới có thể đảm bảo được vị ngon trọn vẹn cho món ăn. Gia vị để nấu chay chỉ có muối còn vị ngọt thì được lấy từ các loại củ quả. Việc làm này mất khá nhiều thời gian, như một nồi nước lẩu thì nhà hàng mình phải luộc rau củ quả đến tận 2 ngày mới cho ra được loại nước dùng ngọt thanh. Các món ăn mình cũng không dùng mì chính mà dùng một loại sâm có vị ngọt mát, thơm được trồng ở Hoàng Liên Sơn.

Nhà hàng mình cũng có một số món ăn khác biệt như chả gồm 20 loại nguyên liệu và làm rất cầu kỳ hay như món trà vô ưu thì mục đích mình làm ra cũng là để mọi người thưởng thức mang lại sự thanh nhẹ trong cuộc sống. Ngoài ra còn có các loại kem trái cây, canh dưỡng sinh… để phục vụ nhiều đối tượng thực khách khác nhau".

Cô giáo Mù Cang Chải quyết bỏ núi xuống đồng bằng thực hiện đam mê kinh doanh - Ảnh 9.

Mục đích của cô không hướng tới những người ăn chay theo tín ngưỡng mà đơn giản là những ai thích đồ chay mà thôi.

Nghe ra thì đúng là thấy đồ ăn chay phải mất khá nhiều công sức để chế biến chứ không hề đơn giản, và người thưởng thức đồ chay nhiều khi cũng phải tịnh cái tâm mới cảm nhận thấy hết giá trị của chúng. Lâm Hoài bộc bạch rằng hồi còn bé vốn được mệnh danh là cối xay thịt bởi vì trong bữa ăn mà không có thịt là không chịu được nhưng khi làm về đồ chay và ăn chay quen với chế độ dinh dưỡng hợp lý thì bản thân lại không có nhu cầu ăn thịt nữa. Lâm Hoài hiện tại ăn chay 80% và 20% còn lại là đồ mặn thì hầu như là có cũng được mà không thì cũng không thành vấn đề gì.

Cô giáo Mù Cang Chải quyết bỏ núi xuống đồng bằng thực hiện đam mê kinh doanh - Ảnh 10.

Lâm Hoài hiện tại ăn chay tới 80%.

Người mẹ quyết tâm khởi nghiệp vì có nhiều sự hậu thuẫn

Việc bắt tay với một thương nhân như Lâm Hoài đang làm ở hiện tại cũng có nghĩa là cô đã chính thức bước chân vào con đường "khởi nghiệp, làm ăn lớn". Tuy nhiên trước khi làm điều này thì cô vẫn là người phụ nữ của gia đình. Vậy làm thế nào Lâm Hoài có thể đảm đương chu toàn được mọi việc: "Chồng mình đi làm xa còn con trai thì trước đây cũng đã gửi đi học ở Hà Nội vài năm rồi. Bé bây giờ đang học lớp 4 và đã khá tự lập và có thể lo cho mình. Vì lẽ đó mà mình cũng tự tin hơn để theo đuổi ước mơ của mình. Nhưng mà bên cạnh đó mình cũng vẫn phải cân đối thời gian giữa công việc và thời gian dành cho con cái, đối nội đối ngoại để mọi thứ được cân bằng, hài hòa nhất có thể".

Cô giáo Mù Cang Chải quyết bỏ núi xuống đồng bằng thực hiện đam mê kinh doanh - Ảnh 11.

Nhờ có sự giúp đỡ của gia đình mà Lâm Hoài mới có thể thực hiện được đam mê kinh doanh của mình.

Nói thì như vậy nhưng kỳ thực phải ở trong hoàn cảnh như Lâm Hoài thì mới thấy rõ sự vất vả. Việc một mình điều hành quá nhiều thứ trong khi khoảng cách địa lý Yên Bái – Hà Nội lại cũng không hề gần chính là thử thách không hề nhỏ cho người phụ nữ này. Do đó để làm được, Lâm Hoài phải thật sự yêu cái duyên này và phải quyết tâm lắm thì mới có thể thành công được như mong đợi. Cũng may cho Hoài là việc gia đình của cô không quá bận rộn và lại còn có nhiều người thân lo lắng giúp nên cô mới có thể tự tin theo đuổi đam mê của mình được như vậy.

Người ta vẫn cứ nói sinh ra là phụ nữ thì nên chọn chỗ an nhàn, nhưng với Lâm Hoài, khi đã trải nghiệm qua sự yên bình đó, có cho mình đủ uy tín cũng như một gia đình hạnh phúc thì cô lại thích "bung lụa" làm điều mình cho là cần phải thay đổi. Không phải tất cả mọi người khởi nghiệp đều thành công 100% mà chắc chắn với một ai đó, tình huống xấu nhất vẫn có thể xảy ra. Đối mặt với điều này, Lâm Hoài khẳng định rằng: "Mình rất thích một câu nói của nhà văn Paulo Coelho: "Hãy dũng cảm lên. Sẵn sàng đón nhận rủi ro. Không gì có thể thay thế được trải nghiệm cả". Mình luôn lạc quan và tin tưởng vào con đường mình đã chọn và kiên định chinh phục mục tiêu".

Cô giáo Mù Cang Chải quyết bỏ núi xuống đồng bằng thực hiện đam mê kinh doanh - Ảnh 12.

Cô giáo Mù Cang Chải năm nào giờ đã là doanh nhân.

Cô giáo Mù Cang Chải quyết bỏ núi xuống đồng bằng thực hiện đam mê kinh doanh - Ảnh 13.

Và cho dù phía trước cũng còn nhiều khó khăn nhưng Hoài tin rằng cứ có quyết tâm thì sẽ làm được.

Lâm Hoài luôn có quyết tâm xây dựng mục tiêu và việc mang thương hiệu của chính mình đi kêu gọi sự đầu tư cũng chính là sự dũng cảm mà không phải ai cũng có được. Việc kết hợp với một vị Shark đầy kinh nghiệm sẽ mang đến cho Hoài những tích lũy mới nhưng bên cạnh đó cũng sẽ là sự chia sẻ lợi nhuận cũng như nhiều thứ khác. Tuy nhiên, Lâm Hoài luôn biết chấp nhận thực tại và thả cho mình những cơ hội mới để bản thân không bao giờ phải hối tiếc vì đã bỏ môi trường nhà nước đến với kinh doanh, nơi thương trường như chiến trường và không có chỗ cho những người "yếu bóng vía", và ít lạc quan về tương lai của chính mình.

Chia sẻ