Đừng bao giờ dại mà đi thuê nhà ở thành phố này, nhất là khi bạn là phụ nữ và còn độc thân

vũ huế,
Chia sẻ

Tại sao ư? Vì muốn vào ở, bạn phải đóng trước tiền nhà tới cả năm, cộng thêm các khoản chi phí bị "chém đẹp" bởi chủ thuê lẫn "cò nhà".

Không có ở nơi nào trên thế giới, việc tìm kiếm chỗ ở lại khó khăn và tốn kém hơn Lagos, cựu thủ đô của Nigeria.

Lagos là thành phố thương mại của Nigeria, quốc gia ở Tây Phi. Nó có diện tích chỉ rơi vào khoảng 8,7 km2, nhưng dân số thì đông đến 22 triệu người.

Theo tư liệu lịch sử, Lagos từng là vùng đất đóng quân của Đế quốc Benin (1440–1897). Nó liên tục phải hứng chịu chiến tranh, giết chóc, cuối cùng trở thành thuộc địa của Vương quốc Anh vào năm 1861.

 - Ảnh 1.

Lagos-thành phố thương mại phát triển nhanh nhất nhì Nigeria (châu Phi)

Năm 1960, Nigeria giành độc lập. Nhờ lợi thế cảng biển Lagos, cư dân Nigeria trên khắp đất nước dồn về thành phố này, xây dựng thương cảng sầm uất. Chỉ sau 10 năm, Lagos lột xác. Các ngân hàng, cơ quan tài chính, nhà cao tầng, công viên… lũ lượt mọc lên. Chỉ riêng thu nhập từ cảng Lagos đã chiếm hẳn 14% GDP và 90% ngoại tệ của toàn Nigeria.

Với diện tích khiêm tốn 8,7 km2, mọi tấc đất của Lagos đều là "tấc vàng". Người lao động thuộc tất cả các ngành nghề tài chính, công nghệ, thời trang, dịch vụ… ào ạt đổ về đây, tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp trong biển người.

 - Ảnh 2.

Đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, đó là vận may có thực. Mọi căn hộ thuê-bán của Lagos đều đắt đỏ và không phải cứ sẵn tiền là có ngay được. Có điều với người thuê, trải nghiệm ấy chẳng được tốt đẹp gì cho cam.

Phải trả trước tiền nhà của… 12 tháng thì mới được dọn vào ở

Phải mất 4 tháng, nhà thiết kế thời trang tên Folayemi Alade mới tìm được một căn hộ cho thuê giữa đô thành thương mại Lagos. Điều kiện của căn hộ rất tuyệt, chỉ có điều là cô phải trả tiền thuê của cả 12 tháng trước khi dọn vào ở.

Tổng cộng số tiền mà Alade phải trả trước là $2000 (tương đương 46,4 triệu VNĐ). Trong khi đó, thu nhập nguyên năm của cô mới được $2700 (tương đương 62,6 triệu VNĐ). Điều này có nghĩa Alade sẽ phải xoay xở sống hết năm chỉ với $700 (tương đương 16,2 triệu VNĐ). Tính ra, mỗi tháng cô chỉ có $58 (tương đương 1,35 triệu VNĐ) để chi tiêu.

 - Ảnh 3.

Muốn thuê căn hộ ở Lagos, phải trả trước tiền nhà của 12 tháng

Hoàn cảnh của Alade cũng là số phận của bất cứ người thuê nhà nào ở Lagos. Trước năm 2011, các chủ thuê thậm chí còn đòi người thuê phải trả trước tiền nhà 2 năm. Sau năm 2011, do quy định cấm thu trước quá 12 tháng, họ mới... miễn cưỡng rút xuống còn 1 năm.

Để tiết kiệm tiền thuê căn hộ, nhà phát triển trò chơi David Bankole Abel (30 tuổi) đã phải ăn ngủ luôn tại văn phòng làm việc ròng rã 2 năm. "Đó là khoảng thời gian vật lộn khốn khổ nhất trong cuộc đời tôi," – anh chia sẻ. "Tôi đã phải chịu đựng đám muỗi mòng phiền nhiễu suốt đêm, và tệ nhất là cảm giác suy sụp tinh thần".

Với khoản tiền tiết kiệm sau 2 năm "thắt lưng buộc bụng", Abel thuê được một phòng trọ rộng 18 m2. Anh phải trả tổng cộng $1102 (tương đương 25,6 triệu VNĐ), và lại "thắt lưng buộc bụng" thêm vài tháng nữa mới dám mua quần áo mới.

 - Ảnh 4.

Folayemi Alade phải chịu rất nhiều chi phí thuê nhà

Phụ nữ độc thân còn bị... chém đẹp

Tại Lagos, việc thuê mướn nhà ở phải thông qua trung gian là người môi giới nhà cho thuê, gọi nôm na là “cò thuê nhà”. Kỳ thực, phí thuê nhà 1 năm của Abel chỉ $827 (tương đương 19,2 triệu VNĐ). Anh phải trả những $275 (tương đương 6,4 triệu VNĐ) cho “cò”.

"Tôi thấy cái kiểu ‘cò thuê nhà’ này chẳng khác gì kẻ tống tiền," – quản lý dự án Abiola Abajo (29 tuổi) phàn nàn. "Rõ ràng là với nền tảng công nghệ hiện tại, việc xây dựng một ứng dụng kết nối giữa người đi thuê và chủ cho thuê chẳng khó khăn gì, vậy mà..." - Abajo lắc đầu.

Chưa hết, các “cò thuê nhà” còn có xu hướng “bắt chẹt” người thuê là phụ nữ đơn thân. Trong tổng số tiền $2000 phải trả của Alade, có hẳn $600 (tương đương 13,9 triệu VNĐ) là vào túi “cò”, cao gấp 2,2 lần Abel.

 - Ảnh 5.

Gần đây, chính phủ Nigeria đang nỗ lực nâng cấp đường xá, hệ thống phương tiện giao thông công cộng kết nối nội thành Lagos với các khu vực ngoại thành. Họ hy vọng, điều kiện giao thông tốt sẽ cho phép người lao động thuê nhà ở xa, từ đó giảm chi phí ở và bớt gánh nặng dân số trong nội thành.

Có 2 hình thức cơ sở hạ tầng đang được chú trọng là xây dựng hệ thống đường ray cho dịch vụ tàu hỏa và phát triển đường thủy. Wasiu Akewusola, thư ký thường trực của văn phòng nhà ở tại Lagos đưa ra đề xuất trợ cấp nhà ở cho công nhân viên. Tuy nhiên, kiến nghị này có được thực hiện hay không thì phụ thuộc vào các chủ lao động. Xét trên thực tế công ăn việc làm ở Lagos, chuyện này e rằng khó. Bởi vì giả sử người lao động nhận trợ cấp xong rồi "bùng việc", các công ty sẽ phải tự mình gánh khoản nợ.

 - Ảnh 6.

Một vài cá nhân ở Lagos đang cố gắng đưa ra sáng kiến và đứng lên thực hiện các giải pháp mới. Cặp đôi Akintola Adesanmi (31 tuổi) và Dolapo Adebayo (28 tuổi) quyết định thành lập công ty cung cấp nhà ở cho lao động trẻ, Spleet.

Spleet cho phép người thuê trả tiền hàng tháng hoặc hàng quý. Giá cho thuê là $267/căn/tháng (tương đương 6,2 triệu VNĐ), bao gồm cả phí dịch vụ, sửa chữa, điện nước, vệ sinh. Ngoài ra, Spleet cũng khuyến khích nam-nữ thuê nhà chung. Mặc dù các nữ công nhân viên tỏ ra lo ngại, nhưng nhờ Spleet đặc biệt quan tâm vấn đề an toàn, họ "chung nhà, chia phòng" rất vui vẻ.

Lagos vẫn đang trên đà phát triển, dự đoán tổng dân số của nó sẽ gia tăng không ngừng. Khi mà người lao động khắp nơi còn đổ về đây, thì các chủ cho thuê vẫn là người nắm cục diện. Khó khăn sẽ vẫn còn đó với các lao động không nhà ở, đặc biệt là những người trẻ tuổi chưa ổn định thu nhập, việc làm.

Tham khảo Bbc

Chia sẻ