Dùng 1 cây gắp đồ cho cả khu vực hàng tươi sống: Chuyên gia nói gì về khả năng lây nhiễm chéo?
Khảo sát tại một số cơ sở bán thực phẩm cho thấy, có những nơi chỉ có một cây gắp đồ dùng cho cả khu vực hàng tươi sống.
Chỉ có một vài cây gắp đồ cho cả khu vực hàng tươi sống tại nhiều cơ sở bán thực phẩm
Bất cứ ai khi đi chợ hoặc siêu thị mua thực phẩm tươi sống, quan sát khu trưng bày sẽ thấy ngoài các loại nguyên liệu thực phẩm thì sẽ có những cây kẹp - gắp thực phẩm. Và tất cả người tiêu dùng theo lẽ thường mà nghĩ dùng kẹp gắp thực phẩm tươi sống sẽ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi ngăn, mỗi quầy sẽ có những cây gắp thực phẩm riêng. Và đó là điều bạn nghĩ. Thế còn thực tế thì sao?
Khảo sát tại một số cơ sở bán nguyên liệu thực phẩm tươi sống cho thấy, đa phần chỉ có 1 cây gắp đồ dùng cho cả khu vực hàng tươi sống (bao gồm cá, gà, thịt, tôm...) là chuyện thường gặp. Thậm chí khi muốn gắp loại thực phẩm này thì người tiêu dùng phải cầm cây gắp từ gian hàng đông lạnh này sang gian hàng đông lạnh khác.
Tại một siêu thị ở Cầu Giấy, Hà Nội, nhiều người nhận thấy ở khu vực bán đồ đông lạnh kéo dài, đi tìm "mỏi mắt" mới thấy một cây gắp đồ. Với chiếc gắp đồ duy nhất này, người mua sẽ dùng để gắp tôm, cá, mực, hàu, sò...
Nhiều người nhận thấy ở khu vực bán đồ đông lạnh kéo dài, đi tìm "mỏi mắt" mới thấy một cây gắp đồ. (Ảnh: TM)
Ở khu vực bán hải sản khác thậm chí còn không có dụng cụ gắp nào. Điều này khiến khách hàng có thể phải nháo nhào đi tìm cây gắp đồ ở chỗ khác.
Ở khu vực bán thịt gà sống, khách hàng cũng sẽ dễ dàng nhận thấy có khá nhiều cây gắp đồ, nhưng lại đặt lộn xộn, xếp chồng chéo lên nhau. Nơi có nhiều, nơi lại không có, chính vì vậy, khi cần, người ta phải chạy từ chỗ này qua chỗ khác để lấy những cây gắp đồ. Và trong lúc lấy, người mua không thể biết chính xác cây nào dùng để gắp loại thực phẩm nào.
Trong khi đó ở quầy thịt gà sống, khách hàng dễ dàng nhận thấy rất nhiều cây gắp đồ đặt lộn xộn (Ảnh: TM).
Không ai biết những cây gắp đồ kia trước đó đã được "du lịch" đến những khu vực nào và gắp những thực phẩm gì. Cũng không ai dám chắc liệu một cây gắp đồ nào đó đã gắp phải thực phẩm nhiễm khuẩn hay chưa. Và khi được để cạnh nhau, hay gắp lẫn lộn thì liệu có thể lây lan vi khuẩn hay không?! Trong khi đó, thịt gà được coi là một trong những loại thịt dễ có khả năng nhiễm khuẩn nếu không bảo quản tốt, việc dùng một chiếc gắp đồ từ quầy thịt gà sang để gắp các loại thực phẩm khác hoàn toàn có thể đặt ra mối lo ngại về nguy cơ lây nhiễm chéo.
Chỉ 1 cây gắp đồ cho cả khu vực hàng tươi sống - Chuyên gia nói gì về khả năng lây nhiễm chéo?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định, khi lựa chọn thực phẩm tươi sống, mọi người nên cố gắng đảm bảo vệ sinh càng nhiều càng tốt.
"Mọi thứ tiếp xúc với thịt sống đều có khả năng lây nhiễm chéo, có khả năng gây ngộ độc thực phẩm. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận thực tế rằng mỗi ô thực phẩm tươi sống khó duy trì có cây gắp đồ riêng. Chưa kể, nhiều người vô ý dùng gắp đồ chỗ này đổi tráo sang chỗ khác, vứt vào đống thịt chứ không để đúng vị trí", chuyên gia nói.
"Thậm chí, nếu có cây gắp đồ riêng ở mỗi hộp thực phẩm tươi sống, qua tay người này người kia, dụng cụ này cũng dễ nhiễm khuẩn, nguy cơ lây nhiễm chéo vào thực phẩm mình mua", ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, mọi thứ đều có khả năng bị lây nhiễm, đều có khả năng thành mầm mống gây ngộ độc thực phẩm. Điều quan trọng là thời gian. Thịt sống, đồ ăn nói chung có được làm sạch đến mấy nhưng chậm bước bảo quản, nhất là vào thời tiết nắng nóng như hiện nay, nguy cơ bị hỏng, lây nhiễm chéo là khó tránh.
Ngoài việc chú ý đảm bảo vệ sinh ngay từ những cây gắp đồ, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh còn khuyên người dân hãy chú ý những điều quan trọng hơn.
Hiện nay, nắng nóng dần lên, tạo điều kiện cho côn trùng, vi sinh vật phát triển rất nhanh. Người dân cần chú ý nhất bước bảo quản thực phẩm, luôn dùng vật dụng che chắn côn trùng, thực phẩm mua đảm bảo an toàn. Khi mua về, bạn phải mang đi chế biến dùng ngay hoặc làm ngay rồi đem bảo quản, sau đó có thể nấu chín và ăn hết, không nấu nhiều và ăn rải rác nhiều ngày. Nên ăn uống tại nhà, hàng quán uy tín, tránh "ngồi lê mé đường" ăn vì nhiều rủi ro tiềm ẩn.