Đức Phật chỉ ra 4 kiểu người cơ bản trong đời: Kiểu đầu đáng quý, kiểu cuối đáng thương, bạn thuộc kiểu nào?
Theo quan điểm nhà Phật, khả năng cảm ngộ cuộc đời chính là yếu tố quyết định hạnh phúc, khổ đau, phú quý, phúc báo, bình an của một con người trong vòng luân hồi sinh tử.
Thông thường, người đời hay tự đánh giá, so sánh sự giống và khác nhau qua một vài điểm phổ biến như tài sản, học vấn, sự nghiệp,... Tuy nhiên, dưới góc nhìn của mình, Đức Phật Thích Ca lại đánh giá con người qua khả năng cảm ngộ cuộc đời. Theo quan điểm nhà Phật, khả năng cảm ngộ cuộc đời chính là yếu tố quyết định hạnh phúc, khổ đau, phú quý, phúc báo, bình an của một con người trong vòng luân hồi sinh tử.
Theo đó, có câu chuyện kể rằng, thuở xưa nhân một hôm nọ, Đức Phật Thích Ca gọi tất cả đệ tử của mình đến ngồi xung quanh để nghe Ngài giáo hóa. Ban đầu, Ngài kể về 4 loại ngựa trong nhân gian mà người đời hay sử dụng như sau:
“Loại thứ 1 là loại ngựa thượng phẩm, chúng chạy rất nhanh có khi lên đến cả nghìn dặm một ngày. Ngoài ra, chúng còn rất nghe lời và thông minh, chủ chỉ đưa roi lên là chúng sẽ biết ý, hoặc là chạy hoặc là dừng lại.
Loại thứ 2 là loại ngựa nhất phẩm. Loại này chạy cũng rất nhanh nhưng lại không thông minh lắm, chúng chỉ chạy khi roi của người cưỡi quất trúng thân mình.
Loại thứ 3 là loại ngựa nhị phẩm. Loại này thì tốc độ thường thôi, nhưng đôi khi rất cứng đầu khó thuần hóa. Muốn ra lệnh cho ngựa nhị phẩm chạy, chủ phải điên tiết quất roi thật mạnh.
Loại thứ 4 là loại ngựa tam phẩm, đây là loại kém nhất vì tốc độ đã chậm mà lại rất ngoan cố, thà bị đánh chứ nhất quyết không chạy. Để ngựa tam phẩm nghe lời, người chủ thường phải quất mạnh roi khiến chúng đau thấu xương đến bị thương và rỉ máu thì chúng mới chịu chạy”.
Nghe Phật Thích Ca kể tới đây, các đồ đệ của Ngài dường như vẫn chưa hiểu lắm về hàm ý mà Ngài muốn nhắn nhủ. Biết ý, Ngài thong thả nói tiếp: “Con người sống trên đời cũng được chia ra là 4 kiểu như trên:
Kiểu thứ 1 là kiểu người tinh tấn bẩm sinh, thông suốt cuộc đời, biết mình biết ta nên luôn trong tâm thế nỗ lực phấn đấu, không ngừng tiến lên để trở thành một cá nhân được người đời trân trọng.
Kiểu thứ 2 là kiểu người có căn cơ thông tuệ nhưng phải tận mắt chứng kiến tính chất vô thường của cõi hồng trần, hoa nở hoa tàn, trăng tròn trăng khuyết,... mới tự giục mình tiến lên, cố gắng từng chút một.
Kiểu thứ 3 là kiểu người ngộ tính kém cỏi, họ chỉ tỉnh mộng trần gian và thiện đãi sinh mệnh, hiểu mình hiểu đời khi và chỉ khi bản thân trải qua vài kiếp nạn tai ương thống khổ. Nỗi đau là liều thuốc quý giúp họ đến bến bờ an lạc.
Kiểu thứ 4 là kiểu người chấp mê bất ngộ, mãi mãi không chịu quay đầu mà cứ u mê trong giấc mộng không có thật. Để rồi khi bản thân mang nặng nghiệp chướng, bệnh tật đầy mình, trên bờ vực cái chết, họ mới giật mình hối cải. Đáng tiếc, mọi chuyện đã muộn màng”.
Cuộc đời là thế đấy, ai đến rồi cũng phải đi, sinh ra ắt có lìa đời, có thành công thì cũng có thất bại, giàu sang phú quý suy cho cùng cũng chỉ là bóng mây qua thềm, nằm xuống rồi một cọng cỏ cũng không thể mang theo - đơn giản nhưng thật chẳng có mấy người ngộ ra.
Người không ngộ được điểm này, cả đời chạy theo tiền tài, hư vinh, ái dục và vô tình khiến cho lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) nhơ bẩn rồi sinh ra đố kỵ, sân hận, vọng tưởng,... mãi mãi cứ lẩn quẩn trong bể khổ của chính mình, họ sống trong địa ngục trước cả khi nhắm mắt xuôi tay, khổ đau không sao kể xiết. Đến khi ngoảnh mặt nhìn lại, có nuối tiếc cũng rất khó làm lại từ đầu, cuộc đời này họ đã bỏ lỡ.
Trong khi người ngộ được tính vô thường của cuộc đời thì thay vì để tham lam, sân hận, đố kỵ, ganh ghét,... dẫn lối và phá hủy cuộc đời mình, họ chọn làm người thiện lương, tĩnh lặng và tự thân phấn đấu để có trí huệ, có một cuộc đời vừa vặn, phúc báu tràn trề, người đời ngưỡng vọng. An lành mà sống cho đến hết kiếp…