Đứa cháu bất hiếu đập bàn thờ liệt sĩ, đuổi bà ngoại khỏi nhà tình nghĩa

Theo báo Pháp luật,
Chia sẻ

Bát hương, di ảnh ông ngoại là liệt sỹ bị đứa cháu bất hiếu đập bỏ. Trước áp lực của cháu ngoại, bà Nguyễn Thị Hảo (SN 1931, ngụ xóm 6, xã Giao Hải, Giao Thủy, Nam Định) đành khăn gói bỏ nhà ra đi, tìm về quê cũ cách đó hơn mười cây số, sửa lại căn nhà hoang, cả ngày sống lủi thủi một mình.

Đứa cháu bất hiếu đập bàn thờ liệt sĩ, đuổi bà ngoại khỏi nhà tình nghĩa 1
Bà Hảo sống một mình tại căn nhà hoang mới sửa

Đổ lỗi bố chết là do bà ngoại “ám”

Gặp bà Hảo trong căn nhà mới chuyển đến thấp bé và nóng nực ở xóm 6, xã Giao Hải, khách đến thăm không khỏi chạnh lòng. Dù đã hơn 80 tuổi nhưng bà sống một mình; công việc chợ búa, nấu ăn tự tay bà thực hiện.

Bà kể, chồng bà là người xã Mỹ Thành (huyện Mỹ Lộc, Nam Định), xuống xã Giao Hải công tác trong ngành công an thì quen biết và lấy bà làm vợ; sau đó vợ chồng lập nghiệp luôn ở quê ngoại, tiện cho việc công tác của chồng. Hai vợ chồng sinh được năm người con gái, không con trai; tất cả đều đi lấy chồng xa.

Năm 1976, chồng bà Hảo hi sinh khi đang công tác trong ngành công an, được công nhận liệt sĩ. Từ ngày chồng mất, con cái đã đi lấy chồng hết, bà sống với cô em gái tàn tật, không có chồng con. Năm 2005, nhà nước hỗ trợ bà 20 triệu đồng xây nhà tình nghĩa.

Ban đầu bà định xây nhà ở vị trí cũ, nhưng sau khi bàn bạc với con gái cả là Nguyễn Thị Minh (SN 1954, ngụ xóm 7, xã Thọ Nghiệp, Xuân Trường), bà quyết định xây nhà ở gần cô con gái cả, cách nhà cũ khoảng 14km. “Khi đó cũng đã già, nên tôi xây nhà ở gần cô con gái cả, phòng khi có bất trắc còn có người bên cạnh”, bà Hảo nhớ lại.

Con rể bà cũng đồng ý, cắt ra hơn 20m2 đất sát ngay nhà mình để mẹ vợ xây nhà. Đây là nhà tình nghĩa, tiền xây dựng do Bộ Công an cấp nên ngôi nhà được xây dưới sự giám sát thi công của chính quyền địa phương và Công an huyện Xuân Trường.

Tháng 8/2008 nhà xây xong; hôm bàn giao nhà có lãnh đạo Công an tỉnh Nam Định xuống tham dự. “Đó là một trong những ngày vui nhất đời vì từ đây có nhà cửa kiên cố sinh sống; lại được ở gần với cô con gái cả”, bà Hảo nhớ lại.

Những năm sau đó, bà Hảo sống vui vẻ cạnh nhà con gái, dù việc nấu ăn, sinh hoạt bà tự độc lập một mình. “Tôi không muốn làm phiền con cái, hơn nữa tôi còn khỏe, lại có tiền trợ cấp hàng tháng dành cho vợ liệt sĩ nên tôi tự ăn uống, sinh hoạt một mình. Có miếng gì ngon, cô con gái ở gần cũng mang sang biếu tôi. Những khi trái gió trở trời đau ốm vặt, vợ chồng nó cũng sang chăm sóc tận tình”, bà Hảo nhớ lại.

Khi đó, đứa cháu ngoại Trần Gia Thắng (con trai cả bà Minh) đang sinh sống ở Sài Gòn; là y tá phục vụ trong ngành công an ở quận 8.

Ba năm trước, Thắng quay về Nam Định sinh sống. Bắt đầu từ đây mâu thuẫn giữa Thắng và bà ngoại nảy sinh. “Ban đầu nó mới về cũng đối xử tốt với tôi lắm. Nhưng được một thời gian bỗng dưng cháu nó thay đổi tính nết, không coi tôi ra gì, thường xuyên mắng chửi, sỉ nhục, đuổi tôi về quê cũ”, bà Hảo cho biết.

Đứa cháu bất hiếu đập bàn thờ liệt sĩ, đuổi bà ngoại khỏi nhà tình nghĩa 2
Ngôi nhà tình nghĩa nơi bà Hảo bị đứa cháu đuổi đi (bên phải) ở gần nhà cô con gái cả (bên trái)

Cái chết của người con rể (bố Thắng) cũng được người cháu đổ tội cho bà ngoại. Trước ngôi nhà tình nghĩa bà Hảo có cây mít già, đã 50 năm tuổi, chỉ còn trơ lại một số cành ở gốc, cao trên 2m. Những cành này đã chết khô, sắp mục ruỗng. Với quan niệm không nên để cành cây khô héo trước cửa nhà, vào khoảng tháng 8/2013, bà Hảo gọi con rể đến chặt hộ cành cây. Nghe lời, ông này bắc thang lên cây chặt cành.

Do sơ ý, người con rể trượt chân, té xuống đất bị gẫy chân, rạn nứt xương háng. Ông này vốn bị bệnh tiểu đường, chữa trị vết thương không lành lại được, sức khỏe yếu; đổ thêm một số bệnh.

Sau vụ tai nạn sáu tháng, dù gia đình đã đưa người bệnh lên Hà Nội điều trị, nhưng do bệnh tình nặng nên người con rể qua đời. “Vì việc này, đứa cháu ngoại đổ tội cho tôi, nói rằng bố nó chết là do tôi gây ra, do tôi “ám”. Tôi ấm ức lắm mà không nói được gì”, người bà nói.

Đập bàn thờ ông, đuổi bà ra khỏi nhà

Bà Hảo kể tiếp, ngày 6/4/2014, gia đình tổ chức lễ 49 ngày cho người con rể. “Từ sáng sớm, đứa cháu đã móc máy, chửi bới tôi. Thắng bảo tôi là vác mặt sang nhà nó ăn “lộc” bố nó; nói tôi là người không có liêm sỉ, không biết xấu hổ. Thắng còn nguyền rủa tôi chết sớm; mà chết thì đi chỗ khác chết, không được chết ở đất nhà nó, gây ô uế”, bà Hảo kể.

Bà cho biết, trong những lần đứa cháu mắng chửi, Thắng thường gọi bà là “con quỷ”, “con mụ” và nhiều từ ngữ thô thiển khác. “Nhiều lúc nó ghé vào cửa nhà tôi rồi nói “con quỷ này mày vẫn chưa đi ra khỏi đất nhà tao à”. Tôi nghe mà tức lắm, nhưng sợ nên không dám nói lại nửa lời. Nhiều lần nó chửi ở ngoài, tôi chỉ còn cách đóng cửa lại, ngồi trong nhà mà nghe nó sỉ nhục”, bà Hảo nói.

Đỉnh điểm mâu thuẫn trong lễ 49 ngày cho người quá cố, buổi chiều, Thắng xông vào nhà bà ngoại, cầm bát hương ông ngoại ra ngoài sân đập vỡ; di ảnh người ông cũng bị đứa cháu ném xuống đất, vỡ nứt. “Khi ấy rất đông người trong gia đình, hàng xóm chứng kiến. Sau khi nó đập bát hương, vẫn ở lại chửi bới tôi, mọi người khuyên can không được, phải khống chế nó, lôi nó ra ngoài mới thôi”, bà Hảo kể.

Những ngày sau đó, Thắng tiếp tục “điệp khúc” mắng chửi, đuổi bà ngoại ra khỏi nhà. Đến ngày thứ ba, cảm thấy không chịu nổi sự trấn áp tinh thần, bà lão khăn gói quần áo, quay trở lại nhà cũ ở dưới huyện Giao Thủy; đem theo di ảnh, bát hương thờ cúng người chồng.

“Cũng may căn nhà hoang trước đây tôi ở vẫn còn, chỉ cần sửa sang lại là ở được, nếu không tôi ra ngoài đường mà ở mất”, bà Hảo nói.

Hiện bà Hảo sống một mình tại căn nhà hoang sửa lại, diện tích khoảng 20m2; lập lại bàn thờ cho người chồng quá cố. Bên cạnh là nhà em gái ruột, bị tàn tật nên cũng ở một mình.

Ở giữa hai ngôi nhà của hai người phụ nữ cô độc là nhà em trai bà Hảo. Người này tuổi cũng đã già, con cháu đi làm ăn xa hết, chỉ còn lại vợ chồng già. “Chúng tôi động viên tinh thần nhau mà sống. Ai nấy tự nấu nướng cơm nước”, bà Hảo nói.

Ở lại ngôi nhà cũ, sau khi mẹ bỏ đi, bà Minh thương người bố, lập lại bàn thờ, treo di ảnh bố ở vị trí cũ. Đến 100 ngày chồng mất, gia đình tổ chức lễ cúng, Thắng lại gây sự.

Đứa cháu này tiếp tục xông vào ngôi nhà tình nghĩa, đem di ảnh ông ngoại ra ngoài sân đập vỡ, tuyên bố: “Nhà này chỉ thờ người họ Trần, không thờ ai khác”. Từ đó, bà Minh thôi không lập bàn thờ bố.

Bà Minh cho biết, hành động của con trai được nhiều người can ngăn, bản thân bà nhiều lần khuyên bảo trong cách đối xử với bà ngoại nhưng Thắng không nghe. “Nó rượu chè vào mới thế, bình thường nó có thế đâu”, người mẹ thanh minh, xoa dịu cho hành động trái đạo đức của đứa con.

Đứa cháu bất hiếu đập bàn thờ liệt sĩ, đuổi bà ngoại khỏi nhà tình nghĩa 3
Bà Hảo đem theo di ảnh và bàn thờ chồng

Bà cho biết thêm, thời gian tới khi mẹ và đứa con thôi nóng giận sẽ khuyên mẹ quay lại ngôi nhà để sinh sống. “Con dại cái mang, tôi biết cách hành xử ấy của con trai là không phải; tôi đã lựa lời khuyên giải nhưng không được, mong rằng thời gian tới khuyên răng nó sẽ nghe lời”, bà Minh tâm sự.

Ông Ngô Doãn Thạnh, Trưởng xóm 7 xác nhận, việc Thắng chửi mắng, đuổi bà Hảo ra khỏi ra, đập di ảnh, bát hương là có thật. “Hành động của Thắng khiến cả làng bức xúc, lên án vì trái với đạo đức làm người. Tuy nhiên, đây là vấn đề nội bộ gia đình, chính quyền địa phương chưa thể can thiệp”, ông trưởng xóm cho biết.

Giải thích về nguyên nhân đứa cháu đuổi mình ra khỏi nhà, bà Hảo cho biết, Thắng là người nợ nần tiền bạc do đam mê cá độ, cờ bạc. “Từ khi bố nó qua đời nó mới đuổi tôi một cách gay gắt như vậy. Theo tôi suy đoán thì nó định đòi lại ngôi nhà, bán đất đi để trả nợ cờ bạc nên mới đuổi tôi như vậy”, bà Hảo nói.

Còn một nguyên nhân khác, theo bà Hảo, đứa cháu cho rằng do có bà sống ở gần nhà, trên đất tổ tiên nên “ám” Thắng, khiến anh làm ăn thất bát, nợ nần, thua bạc. “Cái gì nó cũng đổ lỗi cho tôi rồi chì chiết. Tôi không chịu được kiểu tra tấn tinh thần ấy”, bà Hảo nói.

Bà cho biết thêm, nếu như đứa cháu thay đổi thái độ, nguyện vọng của bà là được quay lại sống nốt quãng đời còn lại ở ngôi nhà tình nghĩa, cạnh cô con gái cả.

Chia sẻ