Dù thân thiết đến mấy, người EQ cao không bao giờ làm 5 việc: Tưởng lịch sự nhưng là vô duyên
Ngay cả khi hành động xuất phát từ ý tốt, bạn vẫn có thể khiến người đối diện cảm thấy thô lỗ hoặc bất tiện.
Đứng ở những hoàn cảnh khác nhau, người ta sẽ có những suy nghĩ khác nhau. 1 hành động rất nhỏ, hoàn toàn mang ý tốt, vẫn có thể khiến người khác hiểu lầm, cho rằng bạn đang cư xử tệ. Chẳng hạn như, 2 người cùng đi ăn, A muốn chia đôi nhưng B khăng khăng trả hết cho cả bữa. Mặc dù B có thiện ý muốn mời bạn 1 bữa cơm; nhưng A lại nhạy cảm cho rằng: “Chẳng lẽ đối phương nghĩ mình nghèo đến mức không có tiền trả một nửa bữa ăn?”
Có thể thấy, rất nhiều hành động tưởng chừng lịch sự vẫn có thể gây hiểu nhầm, rồi biến thành vô duyên trong mắt người khác.
Để tránh rơi vào hoàn cảnh như vậy, các chuyên gia về xã giao đã chia sẻ một số sai lầm phổ biến mà mọi người cần tránh xa.
Đến dự tiệc quá sớm với mong muốn giúp đỡ chủ nhà, nhưng không thông báo trước
Chuyên gia nghi thức xã giao Lisa Mirza Grotts cho biết, mọi người thường cho rằng, tới sớm giúp đỡ là hành động rất chu đáo - nhưng họ quên mất 1 điều kiện đi kèm: Chủ nhà phải được thông báo trước về điều này. Nếu không, họ có thể rơi vào trạng thái căng thẳng vì nhà cửa, trang phục, ngoại hình chưa tươm tất mà đã phải đón khách…
Nếu bạn muốn giúp đỡ, trước tiên hãy hỏi chủ nhà để xem họ có cần giúp đỡ gì không. Sau đó, đừng quên cho biết thời gian bạn có mặt. Và nếu bạn vô tình đến sớm hơn hẳn, Grotts khuyên bạn nên gọi điện cho chủ nhà trước khoảng 10-20 phút, “câu giờ” một chút, sau đó hãy gõ cửa.
Liên tục khuyên người khác phải lạc quan
Duy trì tư duy lạc quan là điều tuyệt vời—nhưng khi bạn áp đặt điều đó lên người khác, phớt lờ cảm xúc của họ, thì đó lại trở thành một vấn đề. Điều này được gọi là "tích cực độc hại", thường xuất hiện trong lớp vỏ bọc “lời khuyên”, nhưng thay vì tìm ra giải pháp chữa lành, nó gần như cưỡng ép đối phương phải bỏ qua những vấn đề đang khiến họ buồn bã, thất vọng, bực bội…
Nhà trị liệu tâm lý Avigail Lev giải thích: Khi một người bạn khó chịu về điều gì đó, hãy cố thấu hiểu trải nghiệm của họ thay vì giảm bớt nó. Thay vì nói: "Mọi chuyện thậm chí có thể tồi tệ hơn nhiều, bạn vẫn còn may lắm" hoặc "Bạn còn có rất nhiều thứ để biết ơn", hãy thử nói "Thật khó khăn, tớ rất tiếc vì điều đó xảy đến với cậu" hoặc "Cậu thấy thất vọng là đúng. Tôi có thể giúp gì cậu không?".
Đừng khiến người khác cảm thấy áp lực khi tin rằng mọi thứ vẫn ổn, ngay cả khi họ đang ở vào hoàn cảnh khó khăn nhất.
Khen ngợi cơ thể của ai đó
Dù khen ngợi ai đó về ngoại hình cơ thể là một cử chỉ đẹp, nhưng điều có thể phản tác dụng, theo Olivia Howell, huấn luyện viên cuộc sống, giám đốc công ty Fresh Starts Registry (New York, Mỹ).
Ví dụ: "Chà, bạn trông thật tuyệt vời—bạn đã giảm cân phải không?" có thể khiến đối phương nghĩ rằng “Trước đây mình béo quá ư?”. Trong 1 số trường hợp khác, khi họ không có chủ ý giảm cân, mà nó là hệ quả của các vấn đề sức khỏe, bệnh tật, áp lực tâm lý… thì câu nói này còn đem lại cảm giác khó chịu gấp nhiều lần.
Nên khen ngợi điều gì đó khác ngoài cơ thể của họ, chẳng hạn như kỹ năng, đặc điểm tính cách hoặc bầu không khí mà họ đem lại cho mọi người. Ví dụ, Howell khuyên bạn nên nói điều gì đó như “Khả năng đàm phán của bạn thật ấn tượng”, "Bạn có năng lượng tuyệt vời!" hoặc "Bạn luôn làm tôi cười".
Liên hệ kinh nghiệm của ai đó với kinh nghiệm của bạn
Thông thường, đó là cách chúng ta thể hiện sự đồng cảm, tạo ra cảm giác kết nối. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hành vi này có thể bị coi là thô lỗ và tự cho mình là trung tâm.
Grotts giải thích: “Điều quan trọng phải nhận ra rằng: Đôi khi, mọi người chỉ muốn bày tỏ cảm xúc của mình mà thôi. Họ không cần bất cứ sự liên quan hoặc so sánh nào cả. Khi bạn kéo trọng tâm câu chuyện về phía mình, họ sẽ cảm thấy không được lắng nghe chân thành.”
Vì vậy, khi một người bạn đang cố gắng chia sẻ niềm vui hay nỗi đau của họ với bạn, hãy tập trung vào câu chuyện của họ, thay vì chia sẻ câu chuyện của chính mình, trừ khi họ có nhu cầu.
Hơn nữa, hãy cố gắng tránh khỏi các cụm từ sáo rỗng như "Tôi biết chính xác bạn đang cảm thấy thế nào". Cho dù ở vào hoàn cảnh giống nhau, cùng gặp những trải nghiệm như vậy, mỗi người vẫn nảy sinh những suy nghĩ và cảm xúc khác nhau. Bạn không phải họ, nên đừng tự ý đánh đồng cảm xúc của họ với của mình.
Xin lỗi quá nhiều và thừa thãi
Nhiều người có xu hướng nói "Tôi xin lỗi" nhiều lần như một phản ứng tức thời, kể cả những trường hợp mà lời xin lỗi là một điều không cần thiết. Thói quen này khá phổ biến ở các nước phương Tây khi biến “Xin lỗi” thành câu cửa miệng, nhưng chắc chắn đây là thói quen mà bạn nên từ bỏ, vì lợi ích của bạn và những người xung quanh.
Vì mỗi khi bạn nói “Xin lỗi”, đối phương lại đối diện với trách nhiệm phải nói “Không sao đâu”, “Không có gì to tát cả”. Nếu đó là chuyện nhỏ, lời xin lỗi vốn là một chuyện không cần thiết. Nếu đó là chuyện lớn, một lời xin lỗi không hề đủ.
Grotts nói với Best Life: “Điều này có thể khiến người xung quanh cho rằng, bạn dễ cảm thấy thiếu tự tin hoặc luôn tìm kiếm sự trấn an. Bên cạnh đó, việc xin lỗi nhiều lần cho cùng một hành vi, trong khi bản thân không hề thay đổi, thì đó chỉ là thao túng, chứ không phải thái độ thể hiện sự hối hận.
Lời xin lỗi nên sử dụng đúng nơi, đúng chỗ mới thể hiện thái độ chân thành và mang ý nghĩa nhiều hơn.