Du lịch Hạ Long: Cẩm nang từ A đến Z

Theo IVIVU,
Chia sẻ

Sau đây là cẩm nang du lịch Hạ Long đầy đủ và súc tích nhất, giới thiệu các điểm đến và món ăn ngon khi có dịp đến vùng vịnh xinh đẹp này.

Tổng quan du lịch Hạ Long

Vịnh Hạ Long là địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, nằm ở phần bờ Tây vịnh Bắc Bộ tại khu vực biển Đông Bắc Việt Nam. Với hàng nghìn hòn đảo kỳ vĩ, thành quả kì diệu của tạo hóa, vịnh Hạ Long được UNESCO nhiều lần công nhận là di sản thiên nhiên của thế giới. Du lịch Hạ Long có lợi thế phong cảnh tuyệt đẹp, hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế.

Di chuyển: Phương tiện, di chuyển khi du lịch Hạ Long

Xe máy/ô tô

Lộ trình Hà Nội – Bắc Ninh – Hạ Long: 155km. Đây là tuyến đường bộ từ Hà Nội đi du lịch Hạ Long ngắn nhất, đi bằng ôtô hết khoảng từ khoảng 3 tiếng, hành trình như sau:

- Hà Nội theo tuyến đường 5 – ngã ba Sài Đồng: 10 km.

- Sài Đồng theo đường 1 – Bắc Ninh: 23 km.

- Từ Bắc Ninh theo đường 18 – Phả Lại- Chí Linh – Đông Triều – Uông Bí – Hạ Long: 122 km.

Lộ trình Hà Nội – Bắc Ninh – Hạ Long: 160 km.

- Sân bay Nội bài (Hà Nội) theo đường Nội Bài – Bắc Ninh (32km) đến Bắc Ninh.

- Nối vào Quốc lộ 18a qua Phả Lại, Sao Đỏ, Đông Triều, Uống Bí đến Hạ Long.

Xe khách

Du khách có thể đi các hãng xe lớn tập trung ở bến xe Lương Yên hoặc bến xe Mỹ Đình, chuyến đầu tiên khởi hành lúc 6:00 giờ sáng và chuyến cuối lúc 17:00 giờ chiều (chuyến hành trình mất từ 3-4 tiếng). Các chuyến xe cách nhau từ 5 đến 15 phút đến bến xe Bãi Cháy ở Hạ Long, tỉnh Quảng Ngãi. Giá vé xe dao động từ 100 ngàn đồng/khách ghế ngồi đến 200 ngàn đồng/khách giường nằm.

Tàu hỏa từ Hà Nội – Hạ Long

Du khách có thể đi tàu hỏa du lịch HALONG EXPRESS khởi hành từ ga Gia Lâm. Tàu khởi hành lúc 07:05 phút sáng, mất khoảng 5 tiếng để đến Hạ Long. Giá vé 5USD/chiều/khách (đối với khách Việt) và 15 USD/chiều/khách (đối với khách nước ngoài).

Phương tiện tham quan tại Hạ Long

Taxi đi lại trong thành phố có các hãng như:

Taxi 886 –Móng Cái, Hạ Long, Hòn Gai, Mai Linh

Tàu tham quan Vịnh hạ Long:

Du khách sẽ mua vé thắng cảnh riêng và thuê tàu riêng, vì là tàu chạy ghép nên sẽ có giá từ 100 – 150 ngàn đồng/ người. Nếu đi cùng nhóm hoặc gia đình thì nên thuê tàu riêng, giá tầm 1 triệu 500 ngàn - 1 triệu 700 ngàn đồng / chuyến 4 tiếng – 6 tiếng (vào mùa du lịch từ tháng 5 – tháng 8 giá có thể cao hơn).

Có 2 loại vé tham quan 4 tiếng và 6 tiếng. Vé 6 tiếng tham quan được nhiều hơn và đắt hơn một chút.

Tham quan: Di tích, bãi biển, điểm tham quan của du lịch Hạ Long

Du lịch Hạ Long: Cẩm nang từ A đến Z 1
Toàn cảnh vịnh Hạ Long

Bãi Cháy: Khu nghỉ mát Bãi Cháy nằm dọc theo bờ vịnh Hạ Long, thích hợp để nghỉ ngơi và tắm biển. Khu nghỉ mát này quanh năm lộng gió biển, nhiệt độ trung bình năm khoảng trên 20°C.

Đảo Cô Tô: Để chiêm ngưỡng đảo Cô Tô với những rặng san hô tuyệt đẹp, du khách có thể đi thuyền đến đảo và tắm biển tại đây. Đảo Cô Tô vẫn còn giữ được nét hoang sơ hiếm thấy giữa không khí sầm uất của du lịch Hạ Long.

Đảo Tuần Châu: là hòn đảo đẹp nhất trong số 1.969 hòn đảo ở vịnh Hạ Long, cũng là hòn đảo duy nhất có dân cư sinh sống. Tại đây có bờ biển nhân tạo lớn nhất Việt Nam. Bờ biển Trà Cổ thoai thoải với lớp cát trắng là nơi lý tưởng để vui chơi và tham gia các trờ chơi dưới nước thú vị.

Hang Luồn: Du lịch Hạ Long tự hào với hệ thống hang động rất lớn, mỗi hang động đều có những vẻ đẹp riêng và những câu chuyện gắn liền với nó. Một trong những hang động tiêu biểu là hang Luồn nằm trên đảo Bồ Hòn, cách Bãi Cháy 14km. Tại đây bạn có thể ngắm nhìn những búp thạch nhũ được kiến tạo trong hàng triệu năm với nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau. Phía trước hang là hòn Con Rùa, bên phải là Cổng Trời.

Du lịch Hạ Long: Cẩm nang từ A đến Z 2
Hang Sửng Sốt

Hang Sửng Sốt: nằm ở khu vực trung tâm của Di sản Thế giới vịnh Hạ Long, trên đảo Bồ Hòn. Bên trong hang Sửng Sốt là những nhũ đá hóa thạch có hình dạng vô cùng phong phú. Hang Sửng Sốt nằm ở khu vực tập trung nhiều điểm tham quan nổi tiếng của du lịch Hạ Long (bãi tắm Ti Tốp – hang Bồ Nâu – động Mê Cung – hang Luồn – hang Sửng Sốt) và được người Pháp đặt cho hang cái tên “Grotte des surprises” (động của sự sửng sốt).

Khu di tích Yên Tử: Du lịch Hạ Long không chỉ có biển. Nếu thích đi chùa lễ bái thì du khách hãy ghé khu di tích Yên Tử. Đây là một hệ thống chùa, am, tháp và rừng cây cổ thụ hoà quyện với cảnh vật thiên nhiên, nằm rải rác từ dốc Đỏ đến núi Yên Tử theo chiều cao dần.

Du lịch Hạ Long: Cẩm nang từ A đến Z 3
Làng chài Cửa Vạn

Làng chài Cửa Vạn: Một trong những điểm đến đậm chất Việt của du lịch Hạ Long. Tại làng chài Cửa Vạn, du khách không chỉ được đắm mình trong không gian êm ả, thanh bình mà còn được tìm hiểu đời sống văn hoá của ngư dân, được học cách cách chèo thuyền, giăng lưới, thả câu bắt tôm cá…

Di tích lịch sử tại Hạ Long: cụm di tích Núi Bài Thơ, đền thờ Trần Quốc Nghiễn, Bảo tàng Quảng Ninh… đều là những điểm di tích được nhiều khách du lịch Hạ Long ghé thăm.

Ăn: Món ăn, ăn vặt, đặc sản của du lịch Hạ Long

Du lịch Hạ Long nói riêng và du lịch Quảng Ninh nói chung không chỉ có biển trời mênh mông mà còn có rất nhiều đặc sản ẩm thực đặc sắc, mang hương vị mặn mòi của biển cả. Dưới đây là một số đặc sản mà du khách không thể bỏ qua khi đi du lịch tại đây.

1. Xôi trắng chả mực

Xôi trắng làm từ nếp mới dẻo thơm, ăn với chả mực vàng ruộm, chấm nước mắm rắc tiêu tuyệt ngon. Giá: mỗi suất xôi trắng chả mực hoặc bánh cuốn chả mực ở các hàng bình dân có giá từ 15.000 đến 20.000 đồng. Chả mực cũng có thể mua theo cân với giá khoảng 250.000 đồng/kg.

2. Bánh cuốn chả mực

Du lịch Hạ Long: Cẩm nang từ A đến Z 4
Bánh cuốn chả mực

Bánh cuốn thịt với nấm, mộc nhĩ, thơm mùi ruốc và hành phi, đi kèm với đặc sản chả mực Hạ Long tạo nên mùi vị khó quên. Địa điểm thưởng thức: ở thành phố Hạ Long có dãy phố chuyên làm chả mực bánh cuốn ở cạnh rạp Bạch Đằng đã trở nên quen thuộc, nhiều người gọi là phố “Chả mực bánh cuốn”.

4. Món ngán

Du lịch Hạ Long: Cẩm nang từ A đến Z 5
Con ngán

Ngán là một loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ như ngao, có thể được chế biến bằng nhiều cách: nướng, hấp, nấu cháo, xào với mì hay rau cải. Ngán cũng có thể dùng làm rượu. Rượu ngán có mùi thơm rất riêng của biển. Địa điểm thưởng thức: Các nhà hàng, quán ăn tại Hạ Long đều có món ngán. Muốn mua ngán hay rượu ngán, du khách có thể đến đường và chợ Cái Răm, Vườn Đào sẽ có rất nhiều.

5. Sá sùng

Sá sùng còn được gọi là sâu cát, một loại hải sản có lẽ chỉ có ở Hạ Long. Sá sùng tươi xào với cần tỏi tạo thành món ăn thơm ngon. Sá Sùng phơi khô, ngả mầu thẫm, nướng hoặc rang, ăn giòn, bùi để uống bia rượu, đặc biệt là làm gia vị cho nước dùng phở. Sá sùng khá hiếm, nếu có giá cũng rất cao, một kg tính tiền gần 4 triệu.

6. Món sam biển

Một đặc sản khác vô cùng hấp dẫn của biển Hạ Long, đó là sam – một loài giáp xác chân đốt. Từ sam biển người ta có thể chế biến ra được rất nhiều món ăn ngon và lạ khác nhau như: Tiết canh sam, gỏi sam, chân sam xào chua ngọt, sam xào xả ớt, trứng sam chiên giòn, trứng sam xào lá lốt, sam hấp, sam bao bột rán, sụn sam nướng, sam xào miến… Địa điểm thưởng thức: Muốn thưởng thức sam ngon, du khách nên đến khu phố Giếng Đồn hoặc Cao Xanh.

7. Bánh “gật gù”

Cách làm bánh gật gù về hình thức giống như cách làm bánh cuốn. Khi ăn nhúng miếng bánh vào chén nước chấm đặc biệt cùng với một miếng khâu nhục (thịt kho tàu) được tẩm ướp kỹ càng. Địa điểm thưởng thức: Bánh gật gù nổi tiếng nhất là ở Tiên Yên. Tuy nhiên trên khắp các vùng của Quảng Ninh đều có thể tìm được món bánh gật gù vừa ngon vừa độc đáo này.

8. Nem chua, nem chạo thị trấn Quảng Yên

Nguyên liệu làm nem đều là những thứ bình dân. Bì lợn được bào nhỏ, thính làm bằng đỗ hay gạo rang và lạc rang giã dập, tất cả được trộn đều với nhau thật tơi. Chỉ đơn giản thế, nhưng qua bí quyết chế biến, trộn đều và pha nước chấm, hàng quà quê mùa trở nên lạ miệng, hấp dẫn.

9. Cà sáy Tiên Yên

Cà sáy là vịt lai ngan, hương vị có cả hai và qua bàn tay người Tiên Yên chế biến trở nên thơm ngon gấp bội. Người Tiên Yên làm thịt cà sáy, chế biến món nước chấm chuyên dùng của nó hết chỗ chê. Một thứ nước chấm có vị thơm của nước mắm Cái Rồng, Vạn Yên, Cát Hải, lại có vị ngọt ngào nồng ngậy của xá xị Quảng Tây cùng với vị cay dịu của gừng Tiên Yên trồng trên đất quê nhà.

10. Rượu nếp ngâm Hoành Bồ ở Hạ Long

Rượu được chế tạo từ gạo nếp đặc sản của địa phương. Gạo nếp không giã, được nấu chín đưa vào ủ. Khi đã lên men và đến độ ngấm thì người ta cho vào ngâm với thứ men lá lấy từ trong rừng Hoành Bồ, sau một thời gian chuyển thành rượu, rượu được chắt ra đựng vào lọ, hũ để uống dần, mỗi bữa một vài chén. Khi có khách thì mang cả hũ ra đãi khách. Rượu nếp ngâm Hoành Bồ có vị chua, ngòn ngọt, có tác dụng kích thích tiêu hoá, giải khát rất tốt, nhất là vào mùa hè.

Chia sẻ