Dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi 10% cho giáo viên mầm non
“Bước đầu Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ có sự thống nhất dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi lên 10% với giáo viên mầm non và 5% đối với giáo viên tiểu học", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thông tin trong buổi gặp gỡ 700.000 nhà giáo mầm non, phổ thông sáng nay (15/8).
Sáng nay (15/8), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục trên toàn quốc. Buổi sáng, có khoảng 700.000 giáo viên mầm non, phổ thông tham gia chương trình.
Phát biểu mở đầu buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, gặp gỡ hơn 1 triệu nhà giáo trên toàn quốc là “việc chưa từng làm”. “Nhiều người khuyên tôi không nên tổ chức sự kiện vì không trả lời được hết các câu hỏi, giáo viên từ hồ hởi, trông chờ sẽ chuyển sang thất vọng nhưng đã mong muốn thì sẽ làm”, ông nói.
Theo Bộ trưởng, với hơn 6.000 ý kiến các nhà giáo đã gửi về, dù không thể cùng lúc trả lời được hết nhưng Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức chương trình nhằm lắng nghe tâm tư, chia sẻ của đội ngũ để thấu hiểu, chia sẻ tăng sức mạnh chung vì ngành đang triển khai những việc rất lớn, rất khó ví như “dời non lấp bể”, việc khó càng phải hiệp lực đồng tâm, cả triệu người cùng nhìn về một phía cùng thực hiện.
Đối với các câu hỏi chưa được trả lời hết, các vụ, cục tiếp tục phân tích các câu hỏi và có cách trả lời theo các chủ đề và quan trọng hơn là lắng nghe các ý kiến để điều chỉnh chính sách.
Giáo viên mầm non làm việc 10-11 giờ/ngày
Cô giáo Lê Thị Tuyết Hường, giáo viên Trường mầm non xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên (Điện Biên) chia sẻ, giáo viên mầm non vất vả, làm việc 10-11 giờ/ ngày nhưng mức lương dưới 5 triệu đồng/ tháng là chưa tương xứng, chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu. Đối với giáo viên miền núi, khoảng cách từ điểm trường đến trung tâm rất xa, đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa lũ có thể ảnh hưởng đến tính mạng nhưng giáo viên điểm trường không có chế độ phụ cấp.
Cô Hường cũng kiến nghị tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non theo quy định là chưa phù hợp. Điều kiện sinh hoạt của nhà giáo ở các điểm trường thiếu thốn đủ thứ từ nguồn nước sạch, điện, nhà công vụ. Giáo viên ăn ngủ tại điểm trường cả tuần, cả tháng mới về với gia đình, rất vất vả.
Đại diện đội ngũ nhà giáo ở tỉnh Hà Tĩnh, cô giáo Dương Thị Thanh Hồng cho rằng, chính sách ưu đãi đối với giáo viên vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ kịp thời. Đó là đội ngũ nhân viên làm việc trong các cơ sở giáo dục có thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Cô giáo này đề xuất xếp mức lương của giáo viên mầm non tương đương với giáo viên các bậc học khác vì đội ngũ được đào tạo bậc cao đẳng, có những nỗi vất vả riêng.
Đề xuất tăng phụ cấp giáo viên lên 5-10%
Chia sẻ với giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói rằng, hiện nay, đã có nhiều chính sách ưu tiên đối với đội ngũ giáo viên mầm non như: phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, phụ cấp thu hút… Tuy nhiên tất cả các chính sách cộng lại, mức lương vẫn thấp so với công sức đội ngũ nhà giáo ở bậc học mầm non đã bỏ ra, nhất là giáo viên làm việc trong vùng khó khăn, mức lương đó chưa tương xứng. Trong các cuộc làm việc, Bộ GD&ĐT đã kiên trì có ý kiến về việc nâng phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non, tiểu học.
Hiện nay, Chính phủ giao các bộ ngành, cân nhắc khả năng để nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học. Bước đầu Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ có sự thống nhất dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi l ên 10% với giáo viên mầm non và 5% đối với giáo viên tiểu học. “Tuy con số nhỏ, nhưng khi thực hiện sẽ có thêm phần động viên, bù đắp cho đội ngũ. Ngành giáo dục có số lượng công chức, viên chức hưởng lương lớn, chiếm 70% cả nước nên khi thay đổi rất nhỏ cũng cần tính toán kỹ các điều kiện. Vì vậy mong muốn kiến nghị cũng phải từng bước", ông Sơn nói.
Tư lệnh ngành giáo dục bày tỏ sự thấu hiểu đối với lực lượng giáo viên mầm non khi phải làm việc nhiều giờ, nhận trẻ sớm, trông trẻ buổi trưa, trả muộn… mất rất nhiều thời gian. Đó cũng là lý do khiến nhiều người ngại ứng tuyển, nhiều địa phương không có nguồn tuyển. Một số địa phương huy động nguồn lực xã hội để chi trả thêm giờ trông trưa cho giáo viên.
Đối với kiến nghị độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, Bộ trưởng cho biết, hiện nay chính phủ đang điều chỉnh Luật bảo hiểm xã hội và Bộ GD&ĐT chính thức đề nghị đưa giáo viên mầm non vào đối tượng lao động nặng nhọc, nữ nghỉ hưu ở độ tuổi 55 tuổi nhưng vẫn giữ chế độ cho các thầy cô.
Một số giáo viên kiến nghị Bộ GD&ĐT giảm bớt các cuộc thi trong các nhà trường khiến giáo viên căng thẳng, áp lực nhưng không đem lại lợi ích thiết thực.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói rằng, đối với những cuộc thi không bắt buộc nhà giáo có quyền lựa chọn, quyết định. Hiệu trưởng các nhà trường, lớn hơn là các địa phương với vai trò quản lý, không nên để các cuộc thi chồng chéo, mang tính hình thức gia tăng vất vả cho giáo viên. Còn các cuộc thi do Bộ GD&ĐT quy định cân nhắc giảm nữa hay không vì nếu không sẽ chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Cuộc nào ít hiệu quả, ít ý nghĩa cũng nên xoá bỏ.
Sự kiện được tổ chức trực tuyến tại 63 tỉnh/TP để tất cả các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục cả nước có thể tham dự.
Trong khuôn khổ chương trình, buổi sáng, Bộ trưởng gặp gỡ với giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. Chiều cùng ngày, người đứng đầu ngành giáo dục gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường ĐH.
Bộ GD&ĐT cho biết, trước đó đã tiếp nhận hơn 6.200 ý kiến, trong đó, có khoảng 6.000 ý kiến từ các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt và hơn 200 ý kiến từ các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục ĐH.
Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề lớn như: Triển khai Chương trình GDPT 2018 (dạy học các môn tích hợp, bố trí giáo viên, tổ chức các cuộc thi trong nhà trường…); Chế độ chính sách nhà giáo (tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non…); Điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên (trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống máy tính, nhà công vụ…).
Ý kiến của đội ngũ nhà giáo là cơ sở quan trọng để Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện các chế độ, chính sách, triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, lãnh đạo phù hợp với thực tiễn. Qua đó phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục, bảo đảm điều kiện về đội ngũ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.