"Đốt sạch" 100 triệu mở cửa hàng nhưng không thu được đồng lãi nào, hội làm chủ tự cứu mình nhờ chiêu cực hay

Vân Anh,
Chia sẻ

Cùng lắng nghe các bạn trẻ dưới đây kể về "kiếp nạn" lần đầu khởi nghiệp và cách họ vượt qua khó khăn.

Bỏ trăm triệu đồng cho lần đầu tập tành kinh doanh

Một điều nhận được nhiều quan tâm khi ai đó nhắc đến khởi nghiệp đó là: "Nên dành bao nhiêu tiền cho công việc kinh doanh đầu tiên?".

Hữu Khả (20 tuổi, TP.Thanh Hoá) đã chi hết 100 triệu đồng cho lần đầu khởi nghiệp ở tuổi đôi mươi. Toàn bộ số tiền đến từ khoản tích góp và vay mượn thêm từ người thân. Trong số đó, Khả dùng 70 triệu đồng để tu sửa quán và mua đồ dùng. Còn lại, Khả dùng để sang nhượng mặt bằng, mua vật dụng ở quán cũ. 

Trong quá trình chuẩn bị khai trương, tiền tu sửa mặt bằng của Khả bị độn lên 20 triệu đồng. Để tiết kiệm, anh chàng cũng đến tận nơi tham gia sửa quán.

Quán Khả trong những ngày đầu tu sửa mặt bằng (Ảnh: NVCC)

Được biết, Khả mở cửa hàng buffet bánh cuốn, giá bình dân tại Hà Nội. Những ngày đầu mở cửa hàng, quán Khả duy trì lượng khách ổn định. Sau 10 ngày đầu tiên, quán nhận doanh thu 20 triệu đồng. Càng về sau, lượng khách đến quán ít dần. Cuối cùng, Khả quyết định đóng cửa hàng chỉ sau 15 ngày khai trương.

Nói về nguyên nhân khởi nghiệp thất bại lần đầu tiên, Hữu Khả cho hay: "Đáng tiếc là quán mình không còn vốn xoay vòng để tiếp tục kinh doanh. Ngoài ra, mình và một người bạn không còn tìm được tiếng nói chung. Việc đóng quán cũng là hệ quả tất yếu".

Ở một trường hợp khác, Ngọc Hà (28 tuổi, TP. Hà Nội) cũng tiêu hết 150 triệu đồng cho cửa hàng đầu tiên trong 6 tháng đầu. Ngọc Hà mở quán cafe ở vùng ngoại thành Hà Nội - quê của cô. Bởi cô không muốn mất tiền thuê mặt bằng, nhận thấy chi phí vận hành thấp và mức độ cạnh tranh không khốc liệt như kinh doanh ở trung tâm thành phố.

Chỉ riêng tháng đầu tiên, Ngọc Hà tiêu hết 60 - 70 triệu đồng. Số tiền này được Hà dùng để tu sửa mặt bằng, mua nguyên vật liệu và phát triển nền tảng mạng xã hội. Số tiền còn lại từ 150 triệu đồng, Ngọc Hà phân bổ đều qua từng tháng, dùng để mở rộng kinh doanh.

6 tháng đầu trôi qua, quán của Hà không thu được một đồng tiền lãi. Tháng kiếm được lợi nhuận cao nhất cũng chỉ đủ để cô xoay vòng vốn kinh doanh. 

"Đốt sạch" 100 triệu mở cửa hàng nhưng không thu được đồng tiền lãi, người trẻ tự cứu mình nhờ chiêu cực hay  - Ảnh 2.

Ngọc Hà bỏ ra 150 triệu đồng cho quán trong 6 tháng đầu khai trương. Tuy nhiên, tháng kiếm được lợi nhuận cao nhất chỉ đủ để cô xoay vòng vốn kinh doanh

Cùng khởi nghiệp lần đầu tiên tuy nhiên Toàn Trung (26 tuổi, TP.HCM) chỉ mất 20 triệu đồng cho tháng đầu mở quán. Bởi anh chàng kinh doanh xe bán trà trái cây vỉa hè nên nguồn vốn cần bỏ ra thấp.

Trong tháng đầu, Trung dùng 20 triệu đồng để mua nguyên vật liệu pha chế, quầy bán hàng, ghế ngồi cho khách và một vài chi phí phát sinh khác. Bên cạnh đó, Trung cũng tốn khoản tiền kha khá để thuê mặt bằng là vỉa hè làm kinh doanh. Những tháng tiếp theo, do quán làm ăn khả quan nên Trung có khoản tiền lãi tốt. Mỗi tháng anh có thể bỏ ra 5 triệu đồng để duy trì hoạt động kinh doanh và một khoản chi tiêu sinh hoạt khác.

Trung mở cửa hàng khởi nghiệp là xe bán trà trái cây vỉa hè (Ảnh: NVCC)

Học được gì từ những "kiếp nạn" lần đầu khởi nghiệp?

Đã khởi nghiệp thì không bao giờ có thể nắm chắc hoàn toàn cơ hội thành công. Những người trẻ dưới đây cũng trải qua nhiều "kiếp nạn" trong lần đầu tập toàn kinh doanh và rút ra bài học xương máu cho mình.

Với Hữu Khả, anh chàng đã tiếp tục mở cửa hàng chỉ vài ngày sau đóng cửa quán thứ nhất. Bởi anh nhìn thấy tiềm năng phát triển của thị trường. Còn về phía Ngọc Hà, sau hơn 1 năm mở quán, cô có thể kiếm được thu nhập 10-20 triệu đồng/tháng (đã trừ đi chi phí vận hành) nhờ thay đổi cách kinh doanh.

"Đốt sạch" 100 triệu mở cửa hàng nhưng không thu được đồng tiền lãi, người trẻ tự cứu mình nhờ chiêu cực hay  - Ảnh 4.

Nhiều người rút ra được bài học xương máu sau lần đầu khởi nghiệp thất bại (Ảnh minh hoạ)

Họ đã học được gì sau những lần bán hàng ế ẩm của mình?

Với Hữu Khả, dù lỗ vốn 100 triệu đồng sau lần đầu khởi nghiệp, song anh chàng vẫn quyết định mở cửa hàng thứ hai chỉ vài ngày sau đó. Lần trở lại, Khả tiếp tục chọn kinh doanh cửa hàng F&B. Tuy nhiên, anh đã rút ra nhiều lưu ý để cải thiện cửa hàng tiếp theo:

- Về nguồn vốn: Trước đó, cửa hàng Khả đóng cửa vì có vốn và nguồn lực hạn chế. Do đó, trong lần kinh doanh này, anh đã mượn thêm tiền và kêu gọi các nhà đầu tư có nguồn vốn cao hơn, nhằm có đủ kinh phí để liên tục xoay vòng kinh doanh.

- Về mặt bằng và cách vận hành: Khả đã cải thiện khâu vận hành quán từ thái độ phục vụ của nhân viên cho đến quy trình dịch vụ. Ngoài ra anh còn sửa lại mặt bằng quán lần 2. Tuy nhiên, do nguồn vốn còn hạn chế nên Khả chọn kinh doanh đến đâu, sửa cửa hàng đến đó.

- Về sản phẩm: Chàng trai vẫn giữ nguyên mô hình kinh doanh là buffet đồ ăn giá bình dân. Tuy nhiên, Khả đổi từ buffet bánh cuốn sang bán bánh mì chảo và bánh khoái để phù hợp với khẩu vị của khách hàng, cũng như tiềm lực của quán.

Trong khi đó, Ngọc Thảo cho hay cô đã xin phản hồi của khách hàng sau khi chứng kiến quán ngày càng lỗ vốn. Nhờ đó, cô tìm thấy 3 vấn đề to đùng của quán mình như sau:

- Về giá thành đồ uống: Ban đầu, Ngọc Hà đặt mức giá đồ uống dao động từ 40-60 ngàn đồng/cốc. Mức giá này còn cao so với mặt bằng chung những quán cafe ở vùng ngoại thành.

- Về cơ sở vật chất: Thời điểm quán của Ngọc Hà mở ra vào mùa hè. Vì muốn tiết kiệm chi phí vận hành nên cô chọn điều hòa công suất thấp. Vào thời điểm quán vắng khách, nhân viên còn tắt điều hoà và chuyển sang dùng quạt cây. Đây cũng là nguyên nhân khiến lượng khách ghé quán giảm đột biến sau một mùa hè.

Bên cạnh đó, Ngọc Hà còn nhận thấy sau thời điểm đông khách, nhân viên để quán tương đối bừa bộn. Nhân viên cũng không ý thức dọn bàn sau khi khách cũ rời đi, khiến tổng thể quán trông lộn xộn và có nhiều rác.

- Về chất lượng đồ uống: Sau khi tiến hành đo phản hồi từ khách hàng, Ngọc Hà nhận thấy phần đông đánh giá đồ uống của quán cô khá ngọt. Một số món đồ ăn vặt khác như bánh pizza, mì cay… cũng nhận được nhiều phản hồi không tích cực từ phía khách hàng như "mì quá cay", "pizza khô", "pizza khi mang ra còn bị nguội"...

Từ những đánh giá nhận được, Ngọc Hà đã có điều chỉnh trong kinh doanh để cải thiện chất lượng quán, cũng như đào tạo lại nhân viên bán hàng. Nhờ đó, trong những tháng tiếp theo, quán của Ngọc Hà dần ổn định trở lại, khách hàng kéo đến ngày càng nhiều.

Chia sẻ