Đột quỵ não - cần nhận biết sớm tránh biến chứng nguy hiểm
Đột quỵ não là một trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu trên toàn thế giới.
Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, đột quỵ não (tai biến mạch máu não) là tình trạng dòng máu cung cấp cho não bị chặn hoặc giảm đột ngột, khiến các tế bào não mất đi nguồn cung cấp oxy và chất dinh dưỡng, dẫn đến tổn thương và làm chết tế bào não. Đây là một tình trạng y tế khẩn cấp, đòi hỏi người bệnh phải được điều trị ngay lập tức để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Có hai thể đột quỵ não là:
Đột quỵ não do tắc nghẽn mạch máu não: Chiếm khoảng 80% trong tổng số các trường hợp đột quỵ, do cục máu đông nằm trong mạch máu và gây tắc nghẽn. Nguyên nhân chính là do xơ vữa động mạch từ các mảng mỡ tích tụ trong máu. Ngoài ra còn có trường hợp các cục máu đông từ tim trong các bệnh van tim.
Đột quỵ do xuất huyết não: Do mạch máu trong não bị vỡ hoặc rò rỉ, làm cho máu chảy trong não và tăng áp lực bên trong não, gây tổn thương cho các tế bào não.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ là tuổi tác và di truyền, hút thuốc lá, chế độ ăn uống kém lành mạnh, bệnh tiểu đường, cao huyết áp, béo phì, uống rượu quá mức,...
Dấu hiệu nhận biết, xử trí khi thấy người có biểu hiện đột quỵ não:
- Nhận biết các dấu hiệu: Dùng nguyên tắc FAST để nhớ các triệu chứng chính: +Face (Khuôn mặt – xem khuôn mặt có bị lệch không).
+ Arms (Cánh tay – xem họ có thể giơ cả 2 cánh tay lên và giữ được không).
+ Speech (Lời nói – xem họ có thể nói một câu đơn giản không).
+ Time (Thời gian – nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào, hãy gọi số cấp cứu 115 hoặc số cấp cứu của bệnh viện gần đó ngay lập tức).
- Trong khi chờ đợi xe cấp cứu, bạn cần tổng hợp thông tin,giấy tờ quan trọng của người bệnh.
- Sơ cứu: Đặt người bệnh nằm nghiêng về một bên ở một góc 30-45 độ, nới lỏng quần áo cho người bệnh. Khi thấy người bệnh có dấu hiệu thở khò khè, tăng tiết đờm dãi thì dùng khăn sạch quấn vào ngón tay và lấy đờm, dãi trong cổ người bệnh. Trường hợp người bệnh có biểu hiện co giật, để tránh người bệnh cắn vào lưỡi thì nên dùng đũa quấn vải sạch và chặn ngang miệng.
Sự can thiệp nhanh chóng có thể cứu sống và cải thiện khả năng phục hồi của người bệnh. Nên lưu ý không để người bệnh nghỉ ngơi hay ngủ cho đỡ mệt rồi mới đưa vào bệnh viện mà cần khẩn trương đưa người bị đột quỵ não đi cấp cứu càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, không được tự ý điều trị cho người bị đột quỵ bằng cách sử dụng thuốc, dùng kim đâm vào đầu ngón tay… hay bất kỳ phương pháp điều trị nào khác. Điều này dễ làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng hay huyết áp tăng vọt do đau, dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, tùy theo tình trạng, người bệnh sẽ được xử trí cấp cứu tích cực và thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng. Dựa vào kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân.
Với đột quỵ não do thiếu máu cục bộ, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (r-TPA). Loại thuốc này có vai trò hoạt hóa plasmin giúp làm tiêu huyết khối.
Cần lưu ý thuốc điều trị đột quỵ chỉ hiệu quả tốt nhất trong 3-4,5 giờ đầu tiên kể từ khi người bệnh có dấu hiệu đột quỵ đầu tiên. Với các trường hợp người bệnh được cấp cứu sau 4,5 giờ hoặc không chắc chắn về thời gian đột quỵ, trường hợp người bệnh dưới 18 tuổi thì sẽ không điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết.
Các thủ thuật can thiệp nội mạch: bác sĩ có thể tiến hành lấy huyết khối trực tiếp bằng ống thông hút huyết khối, stent kéo huyết khối trên máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA). Thời gian càng sớm càng tốt, đối với các người bệnh nhồi máu não cấp do tắc động mạch lớn và có thể điều trị trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm người bệnh còn bình thường. Từ đó các cục huyết khối sẽ được lấy ra và tái thông mạch máu não cho người bệnh.
Phẫu thuật: Với các trường hợp người bệnh xuất huyết nặng, ngoài các biện pháp cấp cứu và hồi sức tích cực, có thể cần can thiệp phẫu thuật để lấy đi các khối máu tụ, dẫn lưu não thất kết hợp bơm thuốc tiêu sợi huyết làm giảm nguy cơ: tắc, giãn hệ thống não thất, tăng áp lực nội sọ. Từ đó giải áp vùng mô não bị tổn thương.
Đột quỵ não có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đối với người bệnh. Một số trường hợp người bị đột quỵ não không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong hoặc sống đời sống thực vật vĩnh viễn. Sự can thiệp sớm và điều trị chăm sóc sau đột quỵ có thể giúp giảm bớt mức độ các biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh sau đột quỵ.
Cách phòng ngừa đột quỵ não
- Kiểm soát huyết áp, đường máu, mỡ máu thông qua chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, giảm cân (nếu cần). Với người bị cao huyết áp, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số thuốc giúp ổn định huyết áp.
- Không hút thuốc: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ đột quỵ.
- Bổ sung các dưỡng chất tốt cho não bộ: Bạn có thể bổ sung các hoạt chất thiên nhiên như omega-3, blueberry (việt quất xanh) và ginkgo biloba (bạch quả)… để tăng cường sức khỏe não bộ.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ.