Đông Nam Á: Rộ chiêu lừa đảo việc nhẹ, lương cao vào tiền điện tử
Tờ Independent Ireland đã phỏng vấn kỹ sư người Ấn Độ Stephen Wesley, 29 tuổi, người vừa thoát ra khỏi một tổ chức cưỡng bức lao động.
Theo Wesley, anh đã đến Bangkok - Thái Lan để bắt đầu công việc thiết kế đồ họa mà anh nhận được thông qua một buổi phỏng vấn trực tuyến.
Tuy nhiên, cùng với 7 người khác, anh bị đưa sang biên giới để đến Myanmar, bị tịch thu điện thoại, hộ chiếu và buộc phải dành 18 giờ mỗi ngày để dẫn dụ người khác đầu tư vào tiền điện tử thông qua các nền tảng mạng xã hội - một hình thức lừa đảo.
Suốt 45 ngày bị giam giữ tại một khu nhà ở thị trấn biên giới Đông Nam Myawaddy - Myanmar, Wesley kể đã buộc phải lừa khoảng 3.500 người.
Hàng ngàn người, trong đó nhiều người có kỹ năng công nghệ, đã bị lừa giống Wesley thông qua các quảng cáo trên mạng xã hội hứa hẹn công việc trả lương cao ở Campuchia, Lào và Myanmar. Hình thức tội phạm mạng này lần đầu tiên xuất hiện ở Campuchia sau đó lan sang các quốc gia trong khu vực, nhắm vào những nước có nhiều nhân lực ngành công nghệ như Ấn Độ hay Malaysia.
Ảnh minh họa về tiền điện tử được chụp tại La Maison du Bitcoin ở Paris - Pháp tháng 6-2022 Ảnh: REUTERS
Nhà chức trách các nước này và Liên Hiệp Quốc cho biết các tổ chức nói trên được điều hành bởi các băng nhóm tội phạm người Trung Quốc vốn kiểm soát hoạt động cờ bạc phi pháp trên khắp Đông Nam Á và đang tăng tốc "bù lỗ" cho thời gian đại dịch.
Dạng tội phạm mạng này gia tăng theo đà phát triển của các nền tảng kỹ thuật số. "Mọi người không nhận ra nhưng họ chia sẻ rất nhiều thông tin trên các nền tảng truyền thông xã hội. Nếu bạn theo dõi ai đó trên mạng chỉ 15 ngày, bạn sẽ thu thập rất nhiều thông tin về họ" - bà Dhanya Menon, Giám đốc của Avanzo Cyber Security Solutions, công ty Ấn Độ chuyên tư vấn về an ninh mạng, cho biết.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ hồi tháng 9 đã khuyến cáo các thanh niên ngành công nghệ về các "việc làm giả" mời gọi từ Thái Lan.