Đồng hành cùng con vào lớp 1 qua 2 tuần học online, bà mẹ ở TP.HCM chỉ ra 3 điểm hạn chế của phụ huynh khiến con tự ti, thụ động
Sai lầm của bố mẹ trong quá trình đồng hành cùng con học online có thể khiến bé tự ti và thụ động.
Con mới lớp 1 thì học online thế nào? Liệu hiệu quả sẽ ra sao? Làm sao để con quen và chủ động trong việc học?... Có hàng chục câu hỏi mà một ông bố bà mẹ có con bắt đầu học tiểu học năm nay đặt ra, bởi đây là lứa học sinh "mới toanh" phải học trực tuyến vì tình hình dịch bệnh. Không cho con học thì sợ con thua kém bạn bè, cho học thì lo con ảnh hưởng sức khỏe, ngồi nhiều nhưng tác dụng chẳng được bao nhiêu. Rồi bao nhiêu thứ phát sinh khác nữa xoay quanh câu chuyện học online của học sinh lớp 1.
Cũng chung hoàn cảnh và nỗi lo lắng ấy, nhưng chị Võ Thị Thu Lệ (làm việc trong lĩnh vực về an toàn và kỹ năng cho trẻ nhỏ), phụ huynh có con học lớp 1 tại TP.HCM đã trải qua hai tuần học online cùng con khá... bình yên.
Hiện tại bé Phạm Nhật Nam con chị Lệ học trường tư nên sáng học từ 8h30-11h00, chiều học từ 2h30-17h00. Mới đầu bé cũng đôi khi mất tập trung, rụt rè, sử dụng chưa quen cái nút tắt mở mic, chưa quen cô giáo, bạn bè nên ngồi im ru, tay chân toát mồ hôi. Nhưng có mẹ đồng hành nên 2-3 ngày sau là ổn vì các bạn nhỏ làm quen nhanh với công nghệ.
Qua hai tuần "thuận buồm xuôi gió", bà mẹ ở TP.HCM đã rút ra vài kinh nghiệm để đồng hành cùng con. Theo chị, việc học trực tuyến với trẻ lớp 1 để truyền tải kiến thức thì vẫn khả thi. Nhưng bên cạnh đó, có 3 điểm phụ huynh cần cải thiện để quá trình học của con diễn ra suôn sẻ:
1. Khi con được hỏi (giới thiệu bản thân và nhất là trả lời câu hỏi về kiến thức) thì ba, mẹ hay giành phần trả lời trước để dẫn dắt câu trả lời cho các con. Thường ba mẹ sẽ thiếu kiên nhẫn hoặc cũng có thể sợ con mình thua các bạn. Nhưng việc phụ huynh ngồi kế bên để dẫn dắt câu trả lời cho con vô cùng có hại vì:
Tạo ra sự thụ động, lệ thuộc cho bé và cả sự kém tự tin. Trẻ em rất nhạy cảm nên các bé sẽ nhanh chóng học được rằng "cứ nói theo ba, mẹ sẽ cô lại khen đúng", và để được khen đúng thì cứ lặp lại phương pháp này. Sau này, nếu ai hỏi con bạn điều gì (kể cả những câu hỏi rất cá nhân như con muốn ăn gì? Thích làm gì?) thì có thể phản ứng ngay sau đó của bé là nhìn bạn để chờ sự "cứu giúp"! Hãy nhớ cho bé sử dụng "quyền trợ giúp" 1 cách thông minh.
Cướp mất cơ hội để bé tự tư duy, xử lý vấn đề của mình. Hãy nhớ kiến thức đầu đời không quan trọng bằng hình thành nền tảng tư duy cho bé. Mọi thứ chúng ta cần làm là tạo điều kiện để bé thật sự được học, được phát triển. Hành trình sau này của bé sẽ chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ nền tảng đã được hình thành ở giai đoạn này.
2. Ba, mẹ không thật sự tạo môi trường để giúp con tập trung hay thúc đẩy tinh thần học tập của bé. Trong quá trình học không ít lần mình nghe được tiếng tivi, tiếng phim hay nhạc khiến các con xao lãng việc học. Vì vậy, ngoài việc tạo không gian yên tĩnh, thời gian các bé học thì ba, mẹ cần bên cạnh nhưng không phải là để "học thay" cho bé. Thay vào đó ba, mẹ cạnh bé để quan sát những thứ sau:
Quan sát cách bé tương tác với các bạn khác.
Quan sát và lắng nghe để tìm ra cách bé tư duy, phản ứng với các câu hỏi.
Quan sát để xem mức độ bé tập trung hay bé gặp khó khăn gì trong quá trình học và hỗ trợ bé khắc phục.
3. Ba mẹ quá quan trọng việc con mình hơn hay thua với bé khác. Khi giải lao không ít lần mình nghe được một số phụ huynh la mắng lớn tiếng con khi vừa trả lời sai, vừa rồi thua 1 bạn xyz. Đây là điều cực kỳ tệ vì vừa hạ thấp nhuệ khí trẻ hay gây cảm giác ức chế cho việc học của bé; đồng thời tạo ra sự xung đột cho các bé khi bắt đầu có sự đố kỵ với 1 bạn nào đó. Hãy nhớ thành công hay giỏi không nhất thiết phải thắng 1 ai đó, phải chỉ danh điểm mặt 1 ai đó trong trò chơi thắng/thua. Bé còn quá nhỏ để các bạn nhét tư tưởng này vào.
Theo chị Lệ, thay vì mắc phải 3 sai lầm trên, bố mẹ hãy quan sát cách bé học; cách bé tương tác/ phản ứng; các khó khăn bé gặp phải. Động viên và khuyến khích bé để bé thêm tự tin, để cho bé có 1 khoảng thời gian tự do để học và khám phá.
Bên cạnh đó, bố mẹ nên trò chuyện với bé sau mỗi buổi học với những câu hỏi như: Hôm nay con thích học nhất phần nào, không thích nhất phần nào và vì sao?; Hôm nay con đã làm tốt điều gì?; Hôm nay con chưa làm tốt điều gì? Ngày mai nếu học lại thì con sẽ làm gì để tốt hơn?...
Chị Lệ chia sẻ, thường thì mỗi buổi học của Nhật Nam sẽ có 2-3 lần giải lao tầm 10-15p. Để tránh con ảnh hưởng mắt hay cột sống, lúc đó chị sẽ gợi ý bé đi ra khỏi máy tính như đi uống nước, vệ sinh, hoặc chơi đồ chơi không nhìn vào máy tính cho mắt thư giãn.
Bà mẹ này cũng cho biết, học online hay học offline thì việc đồng hành của phụ huynh đều quan trọng, nhưng học online thì phụ huynh phải dành nhiều thời gian hơn:
"Con vào lớp 1 thì ba mẹ cũng có dịp để học lại lớp 1 cùng con. Chọn trường, chọn thầy cô chắc chắn là quan trọng. Tuy nhiên, đừng đá trách nhiệm cho trường phải có 100% trách nhiệm việc nuôi dạy và phát triển con của bạn. Vì gia đình vẫn là môi trường quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự phát triển của bé".