Đón mẹ vợ lên ở cùng, được nửa tháng, tôi bắt đầu nhận ra điều khác lạ, nhất là những lần mẹ vợ giật mình khi thấy tôi

Thanh Uyên,
Chia sẻ

Tối hôm đó, bà ăn rất ít, sau đấy vào phòng nằm, không ra ngoài xem tivi như mọi khi nữa.

Tôi 37 tuổi, là con trai út trong một gia đình ở thành phố. Vợ tôi - Hương - là con gái lớn của một gia đình quê xa. Chúng tôi lấy nhau đã gần 10 năm, có hai đứa con, một trai một gái. Bố mẹ tôi mất sớm, nhà chỉ còn tôi và chị gái thỉnh thoảng qua lại, không có cảnh mẹ chồng nàng dâu. Ngược lại, bên vợ thì khác. Bố vợ mất sớm, chỉ còn mẹ vợ - một người đàn bà nhỏ bé, hiền lành, sống lủi thủi một mình trong căn nhà cấp bốn sát nghĩa địa ở quê.

Nhiều lần về quê thăm mẹ vợ, tôi cứ thấy bà lúi húi nấu ăn, lau dọn, hết trồng rau rồi lại đan rổ nhựa cho hợp tác xã kiếm vài chục nghìn một ngày. Tôi nói với vợ: "Mình đón mẹ ra đây sống đi. Nhà mình rộng, con cái cũng cần người lớn chăm nom, bà sống một mình mãi như vậy buồn lắm".

Hương đồng ý ngay. Mẹ vợ lúc đầu từ chối, nhưng vợ tôi thuyết phục mãi, bà mới chịu theo về.

Những ngày đầu, tôi vui lắm. Bữa cơm có thêm món canh bí đỏ mẹ nấu, bữa sáng có người pha sẵn ấm trà nóng, tôi thấy như có mẹ ruột trở về. Hai đứa nhỏ cũng quý bà ngoại, sáng nào cũng chạy lên giường gọi bà dậy. Tôi nghĩ: "Thế này mới là nhà".

Nhưng chỉ được chừng nửa tháng, tôi bắt đầu nhận ra những điều khác lạ. Mẹ vợ tôi làm gì cũng rón rén, im lặng, né tránh ánh mắt tôi. Tôi bước vào bếp thì bà lập tức dừng tay, lui ra như sợ mình làm phiền. Có lần tôi nghe tiếng bà nói nhỏ với vợ tôi trong phòng: "Mẹ ở đây lâu có làm phiền hai đứa không? Có làm chật chội nhà con không?".

Tôi bảo vợ: "Em phải nói mẹ thoải mái lên chứ, mẹ có làm gì phiền đâu mà cứ nghĩ vậy. Nhà này là nhà của mẹ nữa mà".

Nhưng bà vẫn vậy, bữa ăn, tôi gắp đồ ăn cho bà, bà vội vàng gắp lại cho tôi. Tôi đi làm về, bà đứng dậy cúi nhẹ đầu: "Con mới về, để mẹ lấy dép cho con".

Tôi thấy ngột ngạt, tôi không quen với việc trong nhà của mình lại có một người lớn tuổi luôn dè chừng từng câu nói, từng tiếng động. Mỗi khi tôi nói to với bọn trẻ, bà cũng giật mình, như sợ tôi đang giận dữ.

Có lần, tôi đi làm về thấy bà đang lau cầu thang bằng khăn mặt của con trai tôi, tôi nói nhẹ nhàng: "Mẹ ơi, cái này là khăn lau mặt của cháu, mẹ dùng khăn lau nhà riêng nhé".

Mặt bà tái đi, líu ríu: "Mẹ xin lỗi... mẹ không biết… mẹ tưởng cái này vứt đi rồi".

Tối hôm đó, bà ăn rất ít, sau đấy vào phòng nằm, không ra ngoài xem tivi như mọi khi nữa.

Đón mẹ vợ lên ở cùng, được nửa tháng, tôi bắt đầu nhận ra điều khác lạ, nhất là những lần mẹ vợ giật mình khi thấy tôi- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tôi hiểu, bà sống cả đời trong cảnh chồng gia trưởng, con cái đi làm ăn xa, ít người quan tâm. Bây giờ ra thành phố, sống cùng con rể, bà không biết đâu là giới hạn, đâu là ranh giới. Bà sợ làm phiền, sợ bị nói, sợ thành gánh nặng. Cái hiền của bà - tôi từng thấy đáng quý - giờ lại trở thành một thứ khiến người ta day dứt.

Tôi bảo vợ: "Hay là… mình cho mẹ về quê ít bữa, cho bà thoải mái hơn?".

Vợ tôi im lặng rất lâu, rồi nói: "Em cũng thấy mẹ không vui. Nhưng để mẹ về quê một mình, lòng em lại không yên. Với lại vừa đón mẹ ra được vài bữa mà đã để mẹ về thì hàng xóm nghĩ gì?".

Thật lòng tôi không muốn bà đi nhưng tôi cũng không muốn giữ bà ở lại trong tình trạng bà luôn sợ hãi, khép nép như đang sống nhờ.

Tôi chỉ mong bà hiểu tôi không phải một người đàn ông khó tính, không phải là người dưng nước lã. Tôi là con rể của bà, cũng có thể coi như con đẻ, thương bà thật lòng, muốn bà sống như một thành viên của gia đình, không phải như một người giúp việc chăm chỉ, biết điều.

Nhưng làm sao để một người phụ nữ đã quen sống cam chịu suốt mấy chục năm có thể tự nhiên mà đón nhận tình thương? Tôi nên tiếp tục giữ mẹ ở lại, hay để bà về nơi mà bà thấy tự do hơn?

Chia sẻ