Yêu nữ mặc đồ công sở

Mia,
Chia sẻ

Hạnh Linh và nhân vật Miranda Priestly trong bộ phim “Yêu nữ thích hàng hiệu” giống nhau tới từng chi tiết. Chỉ có điều, trang phục của chị không phải là đồ hiệu Prada. Mọi người vẫn thường gọi Hạnh Linh bằng cái tên: “Yêu nữ mặc đồ công sở”.

Yêu nữ mặc đồ công sở

Hạnh Linh 35 tuổi và đang là giám đốc sale của một hãng nội thất. Đồng nghiệp và khách hàng chưa từng thấy chị trong một hình ảnh thiếu chuẩn mực. Chị lúc nào cũng nghiêm chỉnh đóng bộ sơ mi trắng, đầm đen, tóc búi gọn gàng, đôi mắt “diều hâu” ẩn sau cặp kính trắng luôn sẵn sàng “soi” nhân viên.

Nhân viên sợ Hạnh Linh một phép vì sự nguyên tắc đến đáng sợ của chị. Nộp báo cáo muộn dù chỉ 10 phút, phạt. Ăn mặc không nghiêm chỉnh, phạt. Nói chuyện riêng trong giờ làm việc, phạt. Đi làm muộn, phạt. Nhân viên bộ phận của chị rất ghét sếp nhưng cũng không thể không phục theo bởi chị thưởng phạt phân minh, không có trường hợp ngoại lệ.

Yêu nữ mặc đồ công sở 1
Hạnh Linh là một sếp nữ lạnh lùng, nguyên tắc và cuồng công việc -(Ảnh minh họa)

Có lẽ nhờ sự nguyên tắc của Hạnh Linh mà bộ phận sale hoạt động rất trơn tru, như một cỗ xe tăng lầm lì thẳng tiến. Tuy vậy, nhân viên dưới quyền chị cứ đến rồi lại đi, chẳng ai trụ nổi quá 1 năm bởi sự căng thẳng tột đỉnh khi làm việc với Hạnh Linh.

Hạnh Linh nổi tiếng với kỷ lục khiến cho tất cả nhân viên làm việc dưới quyền mình đều phải uất ức phát khóc, kể cả là đàn ông. Có những người khi mới vào không bắt kịp với guồng công việc căng thẳng tới mức đổ bệnh. Dù vậy, họ cũng không được nghỉ ngơi quá lâu, dù bệnh cũng phải gắng gượng bò tới chỗ làm. Luật của Hạnh Linh là nhân viên chỉ được nghỉ ốm tối đa 2 ngày.

Kể cả bà bầu hay phụ nữ có con nhỏ cũng không được ưu tiên. Hạnh Linh khoán lượng công việc cho từng người, không làm được thì ăn phạt, hoặc nghỉ việc. Ai ai cũng tức tối và thắc mắc “Tại sao cùng là phụ nữ, cùng có con nhỏ mà “yêu nữ” không biết thông cảm cho nhân viên”.

Hạnh Linh đặt ra hàng loạt các quy tắc buộc nhân viên phải tuân thủ, từ kiểu tóc đến màu sắc của trang phục, giày dép. Yến – một sinh viên tới thực tập đã bị ăn mắng một trận te tua vì để một kiểu tóc xì tin quá mức làm hỏng hình ảnh chuyên nghiệp của văn phòng.

Thư ký của Hạnh Linh – Mạnh Dũng cũng khổ chẳng kém gì cô nàng Andrea do Anne Hathaway thủ vai trong “Yêu nữ thích hàng hiệu”. Trợ giúp cho một vị sếp cuồng công việc và cứng nhắc như Linh, anh chàng quay cuồng trong khối công việc khổng lồ.

Yêu nữ mặc đồ công sở 2
Đồng nghiệp đặt cho chị cái tên - Yêu nữ mặc đồ công sở -(Ảnh minh họa)

Để phục vụ cho guồng công việc nhanh tới điên cuồng của sếp, Dũng cũng phải chạy đua với thời gian. Anh chàng không hề có một ngày nghỉ nào, lúc nào cũng tất bật từ việc lớn tới việc nhỏ: sắp lịch hẹn, soạn giấy tờ,… Thậm chí anh chàng còn phụ trách cả chuyện ăn sáng, ăn trưa của sếp bởi Hạnh Linh tiết kiệm thời gian tới mức ăn uống ngay tại văn phòng, vừa ăn vừa làm việc.

Cũng chỉ có một thư ký “vai rộng sức dày” như Dũng mới có thể trụ lâu ở vị trí này. Trước đây, nhiều thư ký nữ đi theo Hạnh Linh đã ngã ngựa ngay sau 1 tháng thử việc. Dù thư ký vất vả vì mình nhưng Hạnh Linh luôn cho rằng đó là nhiệm vụ của họ và họ được trả lương hậu hĩnh để làm việc. Đến một “mày râu” mạnh mẽ như Dũng còn nhiều lần phải tủi thân ấm ức nói gì đến phái đẹp yếu mềm.

Nước mắt “yêu nữ”

Thế nhưng “yêu nữ công sở” cũng có những lúc yếu mềm.

Mỗi lần về nhà, tẩy đi lớp trang điểm, nhìn vào khuôn mặt hốc hác, đôi mắt quầng thâm đầy mệt mỏi, Hạnh Linh thấy chán chính bản thân mình. Chị cũng biết mình đang ham mê công việc quá độ, nhưng lại không thể thoát ra được.

Cả trăm con người đang phụ thuộc vào chị, chỉ cần chị nghỉ ngơi một ngày, công việc dồn ứ lại, chẳng biết chuyện xấu gì có thể xảy ra. Vả lại, chị là người tự trọng cao và cầu toàn. Chị không cho phép công việc của mình bị thụt lùi hay có bất cứ sai sót gì.

Nằm co ro một mình trên chiếc giường trống trải, nước mắt cứ thế rơi xuống trên gương mặt của “yêu nữ”. Gia đình Hạnh Linh tan vỡ bởi chồng chị không thể chấp nhận một người vợ lúc nào cũng quay cuồng với công việc. Anh ta bỏ đi với một người đàn bà khác, để lại chị và đứa con gái bé bỏng.

Hạnh Linh thuê một người giúp việc để chăm sóc con. Đã lâu rồi chị chưa được trò chuyện cùng bé. Vài lần con bé rón rén ở cửa phòng làm việc nhưng lại bị chị đuổi ra vì không muốn bị mất tập trung.

Thực ra, Hạnh Linh cố gắng đến vậy cũng một phần vì con gái. Chị muốn cho con được hưởng cuộc sống tốt nhất, đầy đủ nhất, sung túc nhất, bù đắp lại mất mát vì thiếu vắng bóng hình người cha.

Yêu nữ mặc đồ công sở 3
Những đêm khuya cô đơn, một mình "yêu nữ công sở" lặng thầm rơi lệ -(Ảnh minh họa)

Những đêm vắng thế này luôn là lúc mà Hạnh Linh yếu mềm nhất. Chị muốn có một bờ vai để chị tựa vào, để được xả hết mọi căng thẳng mà không được. Đối với đồng nghiệp, chị luôn là một “bà đầm thép” cứng nhắc. Đối với bạn bè, chị là một cây cổ thụ để họ dựa dẫm, nhờ vả. Chẳng ai có thể thấu hiểu chị. Mà chắc họ cũng chẳng ngờ tới “yêu nữ” như chị lại có những giây phút thế này.

Hạnh Linh ghét cái tên “yêu nữ” mà mọi người ghép cho chị. Ngày xưa, khi đưa lá đơn ly hôn, chồng chị cũng gọi chị bằng hai từ khó chịu đó. Sáng nay, khi bước vào văn phòng, chị cũng nghe nhân viên tụ tập nói xấu và gọi chị là “yêu nữ”. Trong lòng chị rất buồn.

Thật ra, chị đã làm gì sai? Chị đặt ra những quy tắc, yêu cầu sự hoàn hảo là muốn tốt cho tập thể. Công việc hoàn thành tốt, công ty phát triển thì nhân viên chính là người được hưởng lợi đầu tiên. Còn chị chỉ thêm bận rộn, vất vả hơn chứ đâu được lợi lộc gì. Vậy mà họ không hiểu, nói xấu và thậm chí thù ghét chị.

Dòng nước mắt cứ thế lặng lẽ chảy trên khuôn mặt của Hạnh Linh. Chị cho phép mình được là người đàn bà yếu mềm trong một phút giây này thôi. Để rồi ngày mai, khi khoác lên chiếc sơ mi, bộ vest đen, khoác lên một lớp trang điểm che lấp, chị lại trở thành “yêu nữ mặc đồ công sở”.

Chia sẻ