Tiền lương và tăng trưởng kinh tế: "Miếng bánh" teo dần
Phần mà người lao động được hưởng đang ngày càng giảm xuống. Và, giải pháp đúng đắn nhất là giúp đỡ người lao động chứ không phải trừng phạt các doanh nghiệp.
Hãy tưởng tượng sản lượng kinh tế như một miếng bánh, được phân chia thành tiền lương mà người lao động kiếm được và lợi nhuận mà các công ty thu về. Cho tới đầu những năm 1980, quy mô của từng miếng bánh vẫn ổn định đến mức đã trở thành một quy luật kinh tế. Kinh tế học vĩ mô hiện đại cũng đưa ra những kết luận tương tự, lập nên mối quan hệ giữa sản lượng và thịnh vượng. Nếu người lao động luôn luôn nhận được những “miếng bánh” giống nhau, sản lượng bình quân tăng lên (nhân tố thúc đẩy tăng trưởng) sẽ khiến lợi nhuận trung bình của doanh nghiệp cũng tăng lên.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, dường như các sách giáo khoa kinh tế là nơi duy nhất mà miếng bánh thu nhập của người lao động được giữ ổn định. 30 năm qua, trên phạm vi toàn cầu, phần mà người lao động kiếm được đang ngày càng thu hẹp.
Ở Mỹ, lương của người lao động đóng góp 64% GDP trong khi tỷ lệ trước đó là 70%. Ở Na Uy, tỷ lệ giảm từ 64% trong năm 1980 xuống chỉ còn 55%. Ở Thụy Sĩ giảm từ 74% xuống còn 65%. Hiện tượng này cũng xảy ra ở các thị trường mới nổi, đặc biệt là ở châu Á.
Sự sụt giảm ngày càng đáng chú ý và kéo theo những hệ lụy xấu. Bởi vì vốn thuộc về những hộ gia đình giàu có hơn, tình trạng chênh lệch giàu nghèo ngày càng trở nên tồi tệ. Ở một số nước, khoảng cách giữa người có thu nhập cao và bộ phận còn lại cũng tăng lên, tạo nên hiệu ứng kép. Ví dụ như ở Mỹ, trong những năm 1980, nhóm 99% nghèo nhất sở hữu 60% tổng thu nhập quốc gia. Ngày nay, tỷ lệ giảm xuống chỉ còn 50%. Khi tăng trưởng trì trệ (như hiện nay), sự chuyển dịch này có nghĩa là hầu hết người lao động được hưởng "miếng bánh" ngày càng nhỏ đi.
Về mặt chính trị, đây là điều rất nguy hiểm và đã gây nên nhiều tranh cãi dẫn đến tình trạng phân cực. Cánh tả đổ tội cho các doanh nghiệp lớn và công đoàn yếu kém. Trong khi đó, cánh hữu cho rằng lỗi thuộc về "chính phủ lớn" và mức thuế cao.
Tuy nhiên, tất cả những lời giải thích này đều trở nên đuối lý trước thực trạng là xu hướng trên xuất hiện ở rất nhiều nước, với những chính phủ có quy mô khác nhau và công đoàn cũng hoàn toàn khác nhau. Trên thực tế, các nghiên cứu chỉ ra rằng những điều mà các chính trị gia đang tranh cãi không có nhiều ý nghĩa. Các lực đẩy lớn trên toàn cầu mới là nhân tố quan trọng. Cải tiến - đặc biệt là về công nghệ thông tin - đã khiến lương tăng lên nhanh chóng đối với những người có đủ kỹ năng để bắt kịp nhưng cũng gây tổn hại đối với bộ phận yếu thế hơn. Các doanh nghiệp dùng máy móc thay cho người lao động. Một số chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh vai trò của toàn cầu hóa, đặc biệt là vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tất cả những điểm này nằm trong phạm trù mà các nhà hoạch định chính sách có thể giải quyết. Họ nên tập trung vào việc cải thiện triển vọng của các lao động thiếu kỹ năng và được trả lương ở mức thấp.
Mục tiêu là củng cố thêm sức mạnh của người lao động mà không ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp. Tăng trưởng - chứ không phải bảo vệ thị trường lao động - mới là mục tiêu hàng đầu. Nhiều việc làm hơn có nghĩa là một thị trường lao động khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, kể cả trong một nền kinh tế đang tăng trưởng, rõ ràng là người lao động khó có thể cạnh tranh được với máy móc. Bởi vậy, giáo dục và đào tạo cũng cần được cải tổ: tập trung hơn vào các môn kỹ thuật, từ toán học cho đến cơ khí, sẽ giúp đảm bảo chắc chắn người lao động không thể bị thay thế bởi máy móc. Họ sẽ thiết kế và vận hành máy móc.
Những cải cách khác có vẻ nhạy cảm hơn. Giảm thuế doanh nghiệp là một trong số đó. Biện pháp này sẽ giảm bớt chênh lệch giữa thuế đánh vào thu nhập từ vốn và thu nhập của người lao động, đem đến một hệ thống hiệu quả hơn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra việc làm.
Các nhà hoạch định chính sách cũng nên nghĩ về việc mở rộng quyền sở hữu vốn (bằng cách cải tổ chế độ lương hưu hoặc tư nhân hóa mạnh mẽ hơn).