Nữ giảng viên nhặt phế liệu mỗi ngày để có nồi cháo từ thiện

Lê Nhi,
Chia sẻ

Dù bận với công việc giảng viên, cuộc sống cũng chưa dư dả, lại có gia đình và con nhỏ, nhưng người phụ nữ 35 tuổi này vẫn tranh thủ đi nhặt phế liệu cùng nhóm của mình để có thể nấu 1 nồi cháo từ thiện mỗi tuần.

Người phụ nữ vừa nhắc tới ở trên chính là Giảng viên Phạm Thị Thanh Mai, 35 tuổi - Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định. Hiện chị đang sống cùng với chồng và con gái nhỏ tại số nhà 2B, Phố Ngô Gia Tự, P.Quang Trung, Tp.Nam Định.

Trò chuyện với người phụ nữ có tấm lòng rộng mở này những ngày đầu xuân năm mới, tuy công việc giảng dạy bận rộn và việc nhà chồng chất song chị bảo chẳng tuần nào chị vắng mặt trong mỗi chuyến thu gom phế liệu để tích góp nấu được 1 nồi cháo thiện nguyện tại Bệnh viện tâm thần Nam Định. Cùng lắng nghe những chia sẻ chân thành nhất của bà mẹ 1 con này với công việc nhỏ bé song rất thiết thực.

Nữ giảng viên nhặt phế liệu mỗi ngày để có nồi cháo từ thiện 1
Giảng viên Phạm Thị Thanh Mai, 35 tuổi, Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định

Chào Mai, được biết bạn đang là giảng viên nhưng cũng là người tổ chức nhiều hoạt động từ thiện có ý nghĩa. Động lực nào đã thôi thúc bạn làm việc thiện nguyện? 

Chào bạn! Mình đến với hoạt động thiện nguyện không phải tình cờ. Đó là khi mình làm đề tài Luận văn thạc sỹ của mình về ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đối với đời sống tinh thần của con người Nam Định. Trong quá trình làm, mình chợt nhận ra, vấn đề không phải là viết mà là làm. Vì thế, mình đã âm thầm thực hiện những gì mình đã nghiên cứu và viết bằng những hoạt động thiện nguyện cụ thể.

Sau khi bảo vệ xong luận văn, mình chính thức tham gia hoạt động thiện nguyện (tháng 11 năm 2013). Những hoạt động của nhóm tuy nhỏ nhưng ấm áp. Vì mình nghĩ, khi chưa làm được gì lớn lao thì cứ cố gắng làm những việc thiện nho nhỏ, gom góp lại những việc nhỏ thành những điều lớn lao cho yêu thương không bao giờ vắng mặt.

Nữ giảng viên nhặt phế liệu mỗi ngày để có nồi cháo từ thiện 2

Khi mới tham gia hoạt động từ thiện, chắc hẳn bạn cũng đã từng gặp nhiều khó khăn? 

Nhóm thiện nguyện của mình hiện chỉ hoạt động ở quy mô nhỏ, bằng cái tâm là chính. Mỗi chương trình đi thăm và tặng quà của nhóm chỉ cao nhất là hai triệu. Vì đi thu gom phế liệu hàng ngày nên mỗi tuần nhóm mình chỉ mang được bát cháo nhỏ nhưng no bụng, ấm lòng người bệnh. 

Ngoài thu gom phế liệu, để khắc phục khó khăn, mình và nhóm cũng đi xin quần áo cũ, xin mỗi nhà một vài nắm gạo, xin phế liệu. Xin những thứ này, người dân cũng sẵn lòng ủng hộ. Và nhóm mình đã có một nguồn thu tuy nhỏ nhưng ổn định từ những hành động này và được khá nhiều người ủng hộ.

Việc nhặt phế liệu hàng ngày như thế có lẽ cũng không phải là việc đơn giản?

Vì phế liệu chủ yếu là đồ nhựa nhẹ, cồng kềnh, nhiều khi chở bốn năm, sáu bao lỉnh kỉnh nhưng bán chưa được nổi 50 ngàn. Có những buổi tối mùa hè mát trời 11 giờ đêm mấy cô trò mình vẫn đạp xe mò mẫm vận chuyển mười mấy bao phế liệu xin được trong một buổi tối về đại lý để phân loại bán. Chuyến phế liệu nhiều nhất cũng được 270 ngàn nhưng số lần được như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Nữ giảng viên nhặt phế liệu mỗi ngày để có nồi cháo từ thiện 3
Ngoài thu gom, các thành viên chia nhóm đến từng nhà người dân và từng phòng trọ sinh viên để xin phế liệu. 

Ngoài ra các thành viên trong nhóm còn đi làm tất cả những việc kiếm ra tiền như: nhặt chỉ thuê cho một số công ty may, xâu hạt cườm, bán ngô luộc, ngô rang, phục vụ quán cơm, quán bún… lấy tiền gây quỹ. Có một số  nhà hảo tâm quan tâm và ủng hộ nhóm chút tấm lòng đều được công khai rõ ràng trên trang facebook của nhóm. 

Nữ giảng viên nhặt phế liệu mỗi ngày để có nồi cháo từ thiện 4
Các thành viên trong nhóm còn đi nhặt chỉ thuê cho một số công ty may để kiếm tiền từ thiện

Một nồi cháo mỗi tuần, nhiều người nghĩ đó là chuyện đơn giản...

Tại Bệnh viện Tâm thần Nam Định, ở đây những bệnh nhân phải điều trị rất lâu dài, có những bệnh nhân không khỏi được, cứ ở đây triền miên từ năm này sang năm khác. Gia đình chạy chữa không nổi cũng đã kiệt sức về cả kinh tế lẫn tinh thần nên hầu như họ không có người nhà chăm sóc. Nơi đây thật sự là nơi hội tụ của những mảnh đời bất hạnh. 

Ban đầu nhóm mình nấu cháo nhờ trong chùa Hàn Sơn. Mùa hè nấu bằng bếp củi nên rất vất vả, các sinh viên không có kinh nghiệm nấu cháo nên thường bị khê. Các Phật tử lên chùa lễ Phật thấy vậy mỗi người giúp một tay cả gạo lẫn tiền và công sức. Và từ đó cô Bảy chủ quán bún ngay sau sân bóng đã nhận nấu giúp nhóm. 

Những tuần nhóm không kiếm ra đủ tiền để nấu cháo thì cô Bảy lại phát tâm. Nhiều người dân biết hoạt động của nhóm cũng gửi tiền gửi gạo đến cho nhóm nấu cháo.

Nữ giảng viên nhặt phế liệu mỗi ngày để có nồi cháo từ thiện 5

Nữ giảng viên nhặt phế liệu mỗi ngày để có nồi cháo từ thiện 6

Nữ giảng viên nhặt phế liệu mỗi ngày để có nồi cháo từ thiện 7
Chủ nhật định kỳ hàng tuần nhóm có chương trình tặng cháo cho bệnh nhân viện Tâm thần Nam Định.

Nữ giảng viên nhặt phế liệu mỗi ngày để có nồi cháo từ thiện 8
Nhóm cũng từng đã thăm và tặng quà cho 13 gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong địa bàn

Vừa giảng dạy vừa tham gia hoạt động thiện nguyện, đã bao giờ bạn phải đối mặt với lời thị phi?

Những khi đi xin gạo, quần áo cũ để làm chương trình, có người đồng tình cho ngay, thậm chí cho nhiều. Nhưng cũng có những người không những không cho mà họ còn buông những lời nói nghe rất buồn. Nhưng nếu lúc ấy mình nản lòng thì sẽ không bao giờ có thể làm được lâu dài. 

Ngược lại mình vẫn kiên trì nhỏ nhẹ tác động vào suy nghĩ của họ để làm sao khơi dậy được lòng trắc ẩn mà ai cũng có, để làm sao cho họ cũng muốn làm từ thiện tự nhiên như nước thấm vào đất. Cũng nhờ trả nghiệm nhiều khiến cho mình rèn luyện được chữ nhẫn, tính kiên trì và sự từ tốn trong cuộc sống. 

Hay có những buổi tối mùa hè mình cùng nhóm đạp xe đến từng nhà, từng khu trọ sinh viên để xin phế liệu. Bị chó nhà người ta cắn cho toạc máu chân, có bạn rách cả quần khiến mấy cô trò đứng dúm lại với nhau. Những ngày như thế, mình và các thành viên không bao giờ quên. 

Hoặc có lần nhóm đi xin cả buổi tối mới được một bao phế liệu ít không bõ bán, để ở ngoài hành lang phòng trọ thì hôm sau bị mất. Cô trò mình lại động viên nhau: đó cũng là một cách chúng mình từ thiện cho cuộc đời vốn còn nhiều thiếu thốn này. Không nên giận mà phải thương nhiều hơn. 

Nữ giảng viên nhặt phế liệu mỗi ngày để có nồi cháo từ thiện 9

Bạn có thể chia sẻ một kỷ niệm khó quên khi tham gia công việc này?

Đó là một ngày khi nhóm mang nồi cháo vào tặng bệnh nhân thì cũng có một nhóm nào đó đến trước tặng bánh mỳ cho người bệnh. Người bệnh vừa ăn bánh mỳ giờ lại ăn cháo. Một cô y tá đứng đó nói sa sả: “Đi làm từ thiện mà không biết thống nhất trước với nhau mà tránh ra, ăn thì ăn một thứ chứ ăn lắm tiêu sao nổi, 5 giờ lại ăn cơm, no dồn đói góp”. 

Các bạn sinh viên vì còn trẻ và độ trải nghiệm chưa nhiều nên phản ứng mạnh. Nhưng mình nhắc các bạn nên lặng im thực hiện việc phát cháo và không phản ứng lại. Tốt nhất là im lặng hoàn thành nhiệm vụ vì đối tượng mình dành cho cái tâm đẹp là những bệnh nhân đang quằn quại vì cơn bệnh đang ở sau cánh cửa sắt trong kia. 

Nếu những nhóm từ thiện đi làm chương trình trùng nhau thì đó là niềm vui của bệnh nhân vì họ được nhiều người quan tâm, không ăn hết thì để dành ăn sau, không sao cả. Chỉ sợ thiếu chứ nếu thừa thì thật quý. Một lần nữa cô y tá cũng cho chúng mình cơ hội thực hành chữ “nhẫn” khi làm công việc này.

Là một phụ nữ 35 tuổi, đã có gia đình và chồng con, bạn có vấp phải sự phản đối của gia đình không? 

May mắn là mình được anh xã rất ủng hộ công việc đang tham gia cả về tinh thần lẫn vật chất. Nhiều chương trình thăm và tặng quà cho những hoàn cảnh khó khăn của nhóm, anh còn đi khảo sát tình hình trước giúp vợ. Đi cùng vợ nhiều, anh cũng bị ám ảnh bởi những hình ảnh côi cút, thiếu thốn, bệnh tật, nheo nhóc của những hoàn cảnh khó khăn. Chính vì vậy nhiều chương trình, anh đã đi cùng nhóm và còn ủng hộ tiền cho nhóm mua quà xuống thăm.

Rồi những chương trình khác anh cũng vẫn đóng góp dù vợ chồng mình cũng không dư dả. Việc mình bỏ tiền túi ra làm chương trình trong những ngày đầu tiên đầy khó khăn là chuyện thường. Các bạn sinh viên trong nhóm đều hiểu vì quỹ chưa được ai ủng hộ mà công việc kiếm ra tiền cho nhóm thì ít. Nếu mình không tự bỏ tiền túi ra nuôi nhóm thì nhóm không thể duy trì đến hôm nay. 

Có những hôm dù đi làm về mệt nhưng thấy vợ ngồi xếp lại quần áo cũ xin được cho vào từng bao, chồng cũng ngồi gấp lại cho mình phân loại. Chồng luôn nhắc nhở mình cần phải sắp xếp thời gian hài hòa hơn, nhà cửa cần phải gọn gàng hơn vì đồ từ thiện đi xin về được mình thường tập kết trọn dưới phòng khách. Lúc nào trong nhà cũng có vài chục bao quần áo, giày dép, để chuẩn bị sẵn sang làm chương trình. Vì chồng là chỗ dựa như vậy nên mình cũng yên tâm tham gia hoạt động nhóm hơn.

Nữ giảng viên nhặt phế liệu mỗi ngày để có nồi cháo từ thiện 10

Nữ giảng viên nhặt phế liệu mỗi ngày để có nồi cháo từ thiện 11
Có chồng là chỗ dựa nên chị Mai luôn yên tâm tham gia hoạt động thiện nguyện.

Thời gian có lẽ là bài toán khó của bạn cho công việc, gia đình và hoạt động thiện nguyện?

Thu xếp thời gian để vừa chu đáo với gia đình vừa trọn vẹn với nhóm cũng không phải là dễ. Mình cũng có hôm phải đi sớm về muộn. Nói chung lúc nào cũng trong tình trạng cố gắng sắp xếp thời gian. Nhiều khi đi về muộn chưa lo cho toàn được nấu nướng cho hai bố con là mình lại phải kiếm cớ nịnh nọt rủ hai bố con đi ăn ngoài thay đổi không khí nhưng thực ra là mình đang "chữa cháy" (cười). 

Nhưng dù bận rộn, mình vẫn luôn lăn xả vào làm việc với các bạn trong nhóm không nề hà để các bạn trong nhóm thấy và cùng lăn xả theo, hết mình cho nhóm. Khi đã tham gia vào  nhóm thì không phân biệt công việc, vị trí, ai cũng đều phải ra sức cống hiến cho nhóm phát triển mạnh hơn.
Chia sẻ