Gặp vợ chồng “gàn” bỏ làm công sở đi… buôn thực phẩm

Huyền Trang. Ảnh: Chí Toàn,
Chia sẻ

Chủ của một trong những siêu thị kinh doanh thực phẩm sạch đầu tiên tại Hà Nội, anh Đặng Quốc Hưng và chị Nguyễn Thu Ngà chia sẻ, họ đã từng bị coi là những kẻ “gàn”. Bất chấp những khó khăn, họ vẫn bền bỉ đưa phương châm “Ăn tinh, sống khỏe” đến với khách hàng.

Anh Đặng Quốc Hưng khi đó là nhân viên hải quan của thành phố Hà Nội, kiêm thêm đầu tư tài chính, còn chị Lê Thu Ngà, vợ anh, cũng đang làm việc cho một công ty nước ngoài chuyên xuất – nhập khẩu hàng hóa. Họ sở hữu những công việc ổn định và có tương lai, có cơ hội thăng tiến, nhưng đã rời bỏ công việc mà nhiều người ao ước để gia nhập vào đội ngũ kinh doanh thực phẩm sạch. Anh Hưng chia sẻ: “Đó không phải là một quyết định đường đột mà là một ý tưởng đã được nung nấu từ lâu”.

Gặp vợ chồng “gàn” bỏ làm công sở đi… buôn thực phẩm 1
Anh Đặng Quốc Hưng: "Ban đầu, nhiều người không ủng hộ tôi bỏ việc ra ngoài kinh doanh" .

Mạo hiểm, nhưng không hề bốc đồng, anh chị đã chuẩn bị chiến lược kỹ lưỡng để … đi buôn. Cả hai đều đã có một thời gian dài sống ở nước ngoài (chị Ngà du học ở Trung Quốc, anh Hưng đã sống ở Đức 3 năm) và rất mê mô hình siêu thị thực phẩm sạch – vốn đã quen thuộc với người tiêu dùng ngoại quốc. “Tôi rất mê các butter (cửa hàng chuyên kinh doanh thịt - PV) và luôn muốn đem mô hình đó về Việt Nam. Trong 3 năm sống ở Đức, tôi đã từng chăn 1.500 con lợn và nhờ đó mà biết được quy trình sạch từ trang trại đến bàn ăn” – anh Hưng hóm hỉnh nói. Chị Ngà cũng chia sẻ, khi sang thăm gia đình một người em đang định cư ở Australia, chị lập tức bị mê hoặc bởi chất lượng thực phẩm cũng như cách thức kinh doanh ở đó. Ý tưởng về một chuỗi siêu thị chuyên cung cấp thực phẩm nhập khẩu dần lên khung.

Nghỉ làm, anh chị dành hẳn một năm để chuẩn bị khâu tiền kỳ. Những kiến thức, kinh nghiệm đã có về hàng hóa, mô hình kinh doanh, các thủ tục hành chính… trong thời gian làm việc ở công sở đã hỗ trợ họ rất nhiều trong việc thực hiện ước mơ. Nhưng kinh nghiệm là chưa đủ. Anh Hưng giãi bày: “Thực phẩm là một nhóm hàng rất nhạy cảm, đòi hỏi người kinh doanh không thể tùy tiện mà phải hiểu biết rất rõ từ xuất xứ, tiêu chuẩn, phân loại cho đến cách chế biến, cách bảo quản…  Nội việc tìm được một kho lạnh công nghiệp đủ tiêu chuẩn về nhiệt độ và xử lý độ ẩm phù hợp với từng loại hàng hóa cũng đã là một thách thức rồi.

Gặp vợ chồng “gàn” bỏ làm công sở đi… buôn thực phẩm 2
Chị Nguyễn Thu Ngà (bên phải) luôn sát cánh cùng chồng trong công việc.

Nhớ lại khoảng thời gian một năm “thai nghén” Greenday Mart, anh chị giãi bày: “Đó là khoảng thời gian của áp lực. Từ chỗ có việc làm đàng hoàng, chúng tôi gần như thất nghiệp. Vừa chăm con, vừa chuẩn bị cho cửa hàng đã căng thẳng, lại gần như không được ủng hộ từ phía gia đình. Các cụ vẫn nghĩ làm công chức thì tốt hơn là… đi buôn. Nhưng rồi chúng tôi vẫn động viên, hỗ trợ nhau, quyết tâm xây dựng sự nghiệp mới.”  Mở được cửa hàng rồi, hai kẻ “gàn” mê thực phẩm sạch còn phải mất cả năm trời khó khăn nữa. Xác định không lao vào chiến lược về giá mà cạnh tranh bằng sự cầu toàn trong chất lượng, anh chị chỉ bán những hàng hóa nhập khẩu tinh túy nhất.

Gặp vợ chồng “gàn” bỏ làm công sở đi… buôn thực phẩm 3
Thịt bò Australia là một trong những thực phẩm nhập khẩu được ưa chuộng nhất.

Nhìn vào các họ kinh doanh, từ việc chọn lựa thực phẩm, thiết kế không gian cho đến phương thức đóng gói mới hiểu, “ăn tinh, sống khỏe” không phải là một khẩu hiệu mà là một phương châm sống mà họ theo đuổi. Họ kỹ tính đến mức, ngay cả túi nilon dùng đựng đồ cũng là túi nhựa sinh học tự phân hủy, thân thiện với môi trường. Theo chị Ngà, giá của nilon sinh học đắt gấp nhiều lần nilon thường (khoảng 1.200 đồng/chiếc) nhưng anh chị vẫn dùng, vì đã sạch thì phải sạch cho đến cùng. Những sản phẩm nội địa “lọt” được vào tầm ngắm của anh chị không nhiều, chủ yếu là rau hữu cơ, hải sản một nắng và một số đặc sản vùng cao.

Gặp vợ chồng “gàn” bỏ làm công sở đi… buôn thực phẩm 4
Cherry nhập khẩu, dù đắt vẫn "hút" người mua.

Giá cả các mặt hàng, vì thế cũng cao hơn nhiều so với mặt bằng chung, thậm chí cao hơn cả siêu thị. Lý giải điều này, chị Ngà chia sẻ: “Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định tuyển lựa thực phẩm từ đầu nguồn và thương hiệu nổi tiếng. Cũng có khách chê chúng tôi bán đắt, thế là phải giải thích, thậm chí chấp nhận “dụ” khách bằng cách bán thật ít để người ta ăn thử”.

Gặp vợ chồng “gàn” bỏ làm công sở đi… buôn thực phẩm 5
"Người tiêu dùng Việt Nam dường như vẫn quan tâm đến sự ngon hơn là sự sạch"

Khi được hỏi: “Anh chị có phải người sính ngoại, vì hầu hết sản phẩm bán tại Greenday Mart đều là đồ nhập khẩu?”, anh Hưng phân trần: “Nhập khẩu chỉ là một cứu cánh trong thời điểm hiện tại. Về lâu dài, chúng tôi vẫn muốn bán thực phẩm nội địa. Cái khó là tìm kiếm được nguồn hàng ổn định về chất lượng và quan trọng hơn, thực phẩm phải được nuôi trồng theo một quy trình khắt khe, đảm bảo không chỉ an toàn mà còn phải sạch 100 %.” Thở dài, anh Hưng “xanh” nói thêm: “Người tiêu dùng Việt Nam dường như vẫn quan tâm đến sự ngon hơn là sự sạch, ít ai thực sự tìm hiểu cặn kẽ thực phẩm mình đang sử dụng sạch đến mức độ nào. Đó là rào cản và cũng là điều mà những người kinh doanh thực phẩm sạch luôn trăn trở”.
Chia sẻ