Tranh vui:

"Để tao cho mày lên Facebook"

Phong Linh - Lan Anh,
Chia sẻ

Smartphone và mạng xã hội, đôi khi còn nguy hiểm hơn những lưỡi dao, và câu nói: "Để tao cho mày lên Facebook", trong nhiều trường hợp, thậm chí còn khiến đối phương sợ hãi hơn nhiều lời dọa nạt.

Trong thời đại công nghệ, khi trên tay ai cũng lăm lăm chiếc smartphone luôn kết nối 3G căng đét sóng, wifi tràn ngập khắp nơi và mạng xã hội chỉ cách chúng ta một cú vuốt máy, Facebook đôi khi trở thành một vũ khí lợi hại. Và chẳng rõ từ bao giờ, khi ai đó nói: "Để tao cho mày lên Facebook", câu ấy còn nghiêm trọng hơn cả trăm lời dọa nạt.

Ghét ai đó ư? Cứ rình  người ta gặp chuyện gì đó rồi tung lên Facebook cho thiên hạ nhảy vào khủng bố giùm (kể cả ảo cũng chả sao, cư dân mạng sẽ không nhớ đến những lời giải thích của khổ chủ đâu). Ngứa mắt vì một kẻ xa lạ nào đó ăn mặc mỏng tang diễu phố ư? Cho lên mạng, sẽ có hàng nghìn người vào chia sẻ sự "xốn con mắt bên trái, cộm con mắt bên phải" cùng bạn... 

Thế nhưng, đôi lúc, đời không như là mơ, à không, đời không như là mạng xã hội, những dòng chia sẻ, những tấm ảnh tung lên Facebook chỉ để cho vui, để xả cơn tức giận, để trả đũa ai đó, lắm khi để lại hậu quả đáng sợ.

Nếu như các chủ nhà hàng, quán cafe nghĩ rằng, việc các khách hàng check-in trên Facebook, bình luận tại fanpage thực sự lợi hại trong việc quảng bá thương hiệu, giới thiệu địa chỉ ẩm thực cho những khách hàng tiềm năng, họ nghĩ đúng. Nhưng bên cạnh cái lợi về danh tiếng, cái hại về tai tiếng cũng có thể ập đến bất cứ lúc nào, từ Facebook. Một nhân viên dám "thái độ" với khách, một vài phút đợi chờ khi đói bụng, ít muối lỡ nêm quá tay vào đĩa thức ăn... tất cả những thứ nhỏ nhặt ấy có thể khiến khách hàng nổi giận

facebook
Chưa đầy 1 phút sau câu dọa: "Để chị cho lên phây", công sức nhiều năm gây dựng thương hiệu của nhà hàng có thể tan biến.

Nếu vừa ngứa mắt vừa pha chút GATO với một cô nàng mặc mà như không, hở bạo tung tăng dạo phố, cách tốt nhất là chụp ngay ảnh và tung lên mạng, kèm theo một status buông lơi kiểu: "Các mẹ ơi, con gái bây giờ thoáng nhỉ, cứ mơi trước mặt thế này bảo sao mấy thằng biến thái nó chả lên cơn. Cái hấp dẫn của đàn bà đâu chỉ ở da thịt...", thể nào bạn cũng có vô số đồng minh, hàng nghìn bình luận ủng hộ, chia sẻ quan điểm, cùng bạn mắng cô nàng xa lạ kia thậm tệ. Nếu status được chia sẻ rộng rãi, có thể, ai đó còn tìm được cả đường link Facebook cá nhân và kể vanh vách quá khứ ăn chơi, rạch giời rơi xuống của cô nàng. 

facebook
Và trên một fanpage khác, biết đâu đấy, bức ảnh bạn mặc bộ đồ xấu xí đang "soi" cô nàng nóng bỏng có thể cũng đang sốt trên mạng với tựa đề: "Mái già GATO gái trẻ". 

Các thành viên của những fanpage hóng biến, chia sẻ thông tin cho giới trẻ có lẽ sẽ chẳng quan tâm nhiều đến tác hại của một vụ ẩu đả ngoài phố bằng độ xinh hay thân thế của "nhân vật chính", bằng việc họ ghen tuông hay mâu thuẫn với nhau. Và khi những hình ảnh "thật đến từng centimet" của các nhân vật được công bố trước đám đông, nó sẽ lan nhanh hơn gió, được replay hàng nghìn lần.

facebook
Và mỗi nút bấm, có thể là một lần tua lại ký ức kinh hoàng hoặc một sai lầm trẻ dại của những người trong cuộc.

Chẳng cứ những kẻ xa lạ, những tội lỗi của người nhà cũng trở thành đối tượng để đưa lên Facebook. Một dòng than thở vì ông chồng miệt mài cày game không trông con giúp vợ, một bức ảnh đôi mắt thâm quầng vì thức khuya dọn nhà, một "bãi chiến trường" quần áo bẩn, khi lên Facebook sẽ có giá trị hơn hàng chục lời kêu gọi tự giác ở thế giới thực, bởi áp lực từ dư luận ảo.

facebook

Với không ít người, những nhóm kín trên mạng xã hội đã trở thành nơi trút những tâm sự thầm kín, những câu chuyện ấm ức mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng đôi khi, chính người chia sẻ lại phải nhận "trái đắng", nhẹ là bị các thành viên khác mắng xối xả, "ném đá" vì topic có vấn đề; nặng hơn là khi nhón kín không thực sự kín bởi sự tham gia đưa tin của những "chim lợn". 

facebook
Những lời than thở tưởng chừng là bí mật, một ngày nào đó có thể là bằng chứng để người chia sẻ bị tấn công và dọa... đưa lên Facebook.


facebook
Thật ức chế nếu danh sách bạn bè trên mạng của bạn có quá nhiều các bà mẹ bỉm sữa, và trong một bữa trưa ngon lành vừa ăn vừa lướt Facebook, chình ình trước mặt bạn là ảnh chiếc bỉm đầy "chất thải" của em bé được post lên "tường nhà" và tag tên bạn vào để nhờ... đoán bệnh.

Bạn ghét sếp? Bạn ấm ức về việc phải đi làm ngày thứ bảy? Bạn bực mình vì một đồng nghiệp năng lực kém hơn vừa được tăng lương, trong khi bạn đã không ngừng cống hiến suốt mấy năm nay? Bạn nghĩ đưa những bức xúc này lên Facebook, bạn bè nhảy vào bình luận, đồng nghiệp thương cảm, còn sếp sẽ "sáng mắt ra"? 

facebook
Có thể có chuyện đó thật. Nhưng hãy coi chừng, khi xác định dùng đòn "cho mày lên Facebook", nó có thể phản đòn bạn bất cứ lúc nào, nhất là trong môi trường nhiều cạnh tranh như công sở.

Mãnh lực của câu dọa "sẽ đưa lên Facebook" mạnh đến nỗi, đôi khi nó khiến người dùng mạng tin rằng, nó giải quyết vấn đề họ bức xúc nhanh gọn hơn đối thoại. "Soi" thấy bữa cơm của con ở trường không ngon? Đưa lên Facebook. Đồng phục của con xấu? Đưa lên Facebook. Con đi học về bỗng ăn cơm ngấu nghiến như bị bỏ đói? Đưa lên Facebook... Có hàng nghìn lý do thôi thúc những bà mẹ lên tiếng, kêu gọi cộng đồng chung tay để bảo vệ con mình, cũng không ít vụ, nhờ mẹ dũng cảm đưa chuyện lên Facebook mà những chuyện xấu xảy đến với những đứa trẻ bị phanh phui.    

facebook
Nhưng còn những đứa trẻ đã bị đuổi học, bị tẩy chay vì cha mẹ hấp tấp, vội vã tung "bằng chứng" lên Facebook. Khi nhận ra, tất cả chỉ là hiểu lầm, ai sẽ bảo vệ chúng?  

Những người làm nghề làm dâu trăm họ như bác sĩ, y tá cũng là đối tượng dễ bị dọa "cho lên Facebook" nhất. Chỉ với một phút lơ đễnh không chú ý đến bệnh nhân, một hành động "vô lễ" không chủ đích, một câu nói cao giọng hơi đanh đá... bị ai đó ghi lại và đưa lên mạng, họ sẽ nhanh chóng trở thành người "nổi tiếng" mà chẳng cần lăng-xê, kéo theo nhiều hệ lụy. 

facebook
Điều đáng nói là, những bức ảnh và dòng status của người đăng tải, không phải luôn luôn là sự thật, hoặc luôn thể hiện đúng bản chất của sự thật.

Và cuối cùng, đi xa hơn những thị phi, rắc rối, hiểu lầm, lời dọa nạt đầy quyền lực: "Để tao cho mày lên Facebook" có thể là cách "dìm chết" một con người, phá hủy danh dự, nhân phẩm, gạt bỏ mọi lối quay về của ai đó. Có thể, nhiều gã trai tung clip nóng, ảnh mặn cùng thông tin cá nhân của bạn gái cũ lên mạng chỉ để tống tình; có thể, những kẻ giỏi kỹ xảo chỉnh sửa ảnh chỉ định chọc ghẹo cho vui khi ghép ảnh một cô nàng kiêu kỳ vào video gợi cảm mà không hẳn ác ý.

facebook
Áp lực từ những dân mạng ảo và sự lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội của chúng đè lên người bị hại là có thật. Và không ít chuyện, câu dọa ấy đã trở thành bản án tử đối với một con người.
Chia sẻ