Chuẩn bị lễ tết, phố cổ Hà Nội liên tục tắc nghẽn

Đ.H,
Chia sẻ

Xe cộ, hàng hóa không chỉ lấn chiếm vỉa hè mà tràn xuống cả lòng đường. Các con phố kẹt cứng người qua lại.

Những con phố chật hẹp của Hà Nội càng trở nên đông đúc ồn ào hơn bao giờ khi năm hết tết đến.

Phố Huế: dừng đèn đỏ 30s cũng nghẽn đường.


Các con đường đổ về khu chợ Đồng Xuân tắc, nghẽn từ sáng sớm cho đến tối mịt. Cứ hơn 5h chiều chợ Đồng Xuân đóng cửa thì khoảng nửa tiếng đồng hồ sau, những khu phố này sẽ thưa vắng người qua lại hơn. Tuy nhiên, quanh chợ còn rất nhiều hộ gia đình buôn bán nên xe tải nhỏ chờ hàng, người đến lấy buôn vẫn nườm nượp.

8h sáng, khu cầu Long Biên đông nghẹt người.


Xe tải, xe du lịch, xe máy cùng chen nhau.

Gặp một người phụ nữ xách bịch lớn, bịch bé ngay dưới cổng chợ Đồng Xuân, chị cho biết mình tên là Q, từ Phú Thọ lên. Chị đi lấy quần áo trẻ em để bán dịp Tết Nguyên đán này. Cùng đi với chị còn mấy người bạn nữa. Họ cũng đang lựa hàng, chọn hàng.

Mới hơn 8h sáng, phố Hàng Khoai đã tắc 5, 10 phút không thể nhúc nhích. Những người đi làm ai cũng tỏ ra sốt ruột, bực dọc. Nhưng cũng có một vài người tỏ ra khá bình tĩnh, thoải mái. Hỏi thì bác cười nói: "Nhà tôi ở ngay đây, tôi quen rồi. Ngày nào chả đông đúc, cuối năm tắc đường là đương nhiên. Cứ tắc là bực có mà bực cả ngày".

Phố Hàng Khoai tắc đường từ rất sớm.


Nguyên nhân gây ra tắc nghẽn, một phần là do lượng người dồn về khu vực này mua bán quá đông. Phần khác là do ý thức của chính chủ hàng và người mua hàng. Xe ô tô tải nhỏ chở hàng có thể giao, lấy hàng bất cứ lúc nào, không hề "để ý" giờ giấc. Hàng hóa được chuyển đến và chuyển đi vứt la liệt ngay dưới lòng đường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích có thể lưu thông của xe cộ. Hàng liên tục được đóng thành kiện lớn, kiện nhỏ chờ di chuyển.



Hàng đóng kiện lớn, kiện nhỏ ngang dọc trên phố.


Khu phố Hàng Ngang, Hàng Đào dịp cuối năm lúc nào cũng đông đúc. Khách buôn đến lấy hàng số lượng lớn cũng nhiều nhưng khách lẻ đổ xô đi chọn hàng thanh lý đổ đống, hàng lẻ size phá giá cuối năm cũng không ít. Xe cộ dựng ngay dưới lòng đường, hàng hóa không chỉ lấn chiếm vỉa hè mà tràn xuống cả lòng đường. Tầm khoảng 4h30, 5h chiều, con phố này có những lúc kẹt cứng người qua lại.

Cuối năm, phố Hàng Đào luôn đông khách.


Bác T (một xe ôm chuyên đứng trên phố Hàng Ngang) cho biết: "Phố bán buôn quần áo nên Tết đến đương nhiên là phải đông đúc thôi. Nhưng khoảng 8h tối là hết khách rồi, lúc đó đường lại vắng ngay."

Ngã tư Hàng Mã, Hàng Chiếu 4h30 chiều đã đông cứng.

Phố Hàng Lược: người mua hàng dựng xe bừa bãi trên vỉa hè.


Ngay cả Hồ Gươm, những ngày cuối năm cũng đông đúc, nhộn nhịp hơn hẳn. Bao quanh hồ là con đường Đinh Tiên Hoàng rất rộng nên phương tiện qua lại khá thoải mái. Nhưng mấy ngày nay, khi những bước chuẩn bị cho lễ hội hoa đang dần hoàn tất thì lượng người dồn về khu vực này đông hơn. Người đi đường cũng đi chậm lại để ngắm công trình lễ hội hoa này. Tuy vậy, do được tạo dựng trên vỉa hè nên người đi bộ giờ đây đều đi hết xuống lòng đường. Hiện nay, việc này chưa thật ảnh hưởng đến giao thông. Nhưng từ ngày hôm nay, khi lễ hội hoa đã được hoàn thiện thì có thể nó sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông.

Lễ hội hoa lớn nhất trong lịch sử tổ chức của Hà Nội sẽ được bắt đầu vào tối hôm nay, diễn ra trong bốn ngày, từ 30/12/2011 - 2/1/2012, có tên gọi: “Hà Nội - Điểm hẹn Phố và Hoa”

Chủ đề của Lễ hội hoa năm nay là về các di sản. Vì thế, Ban tổ chức đã mời các địa phương có di sản được thế giới công nhận đưa các mô hình, biểu tượng đến đây để trưng bày: như chùa Cầu Hội An, không gian cồng chiêng Tây Nguyên, không gian Kinh Bắc của những liền anh liền chị quan họ Bắc Ninh... Lễ hội hoa 2012 cũng sẽ xuất hiện một số loại hoa được các sứ quán nước ngoài tài trợ.

Nghiêng
Người đi bộ đi xuống lòng đường do vỉa hè đã được hoa "lấn chiếm".


Từ hôm nay, những người chụp ảnh tại Hồ Hoàn Kiếm sẽ đông hơn rất nhiều.

Sân khấu dựng ngoài trời cũng có thể gây ảnh hưởng đến giao thông.

Những món đồ phục vụ cho lễ hội hoa để tràn lan dưới lòng đường.

 

Chia sẻ