Chữa hiếm muộn (Kỳ 2: Đã khó, lại tốn kém)

Lê Nhi,
Chia sẻ

Hành trình chữa hiếm muộn của các cặp vợ chồng không chỉ mệt mỏi nặng nề bởi những xét nghiệm kéo dài, mà còn vì khoản chi phí có khi bằng cả gia tài.

Hoa mắt với đủ kiểu xét nghiệm
 
Có mặt tại phòng khám vô sinh và hiếm muộn Hương (Vạn Bảo, Hà Nội), chị Hồng Liên, 30 tuổi không khỏi hoa mắt chóng mặt khi nhìn bảng liệt kê các dịnh vụ khám, chẩn đoán và điều trị hiếm muộn. Nào là xét nghiệm nội tiết đánh giá hoạt động của buồng trứng, nào là HSG - chụp X quang kiểm tra buồng tử cung và ống dẫn trứng, siêu âm sản phụ khoa, theo dõi sự phát triển nang noãn trong kích thích buồng trứng, tinh dịch đồ...
 
Không biết bắt đầu từ đâu với một đống xét nghiệm cần phải làm, chị Liên rụt rè tiến lại bàn đăng ký khám chữa bệnh hỏi một nữ y tá: “Em cho chị hỏi, chị lấy chồng được 4 năm mà vẫn chưa có em bé. Chồng chị bị tinh trùng yếu, chị thì kinh nguyệt không đều vậy chị phải bắt đầu khám hay làm các xét nghiệm nào đây? Chị cũng bị tắc 1 bên vòi trứng nên phải mổ vào cuối năm trước. Nhưng dù đã mổ thông 2 vòi trứng song hiện nay chị vẫn chưa mang thai... Với lại cho chị hỏi ở phòng khám này có dịch vụ bơm tinh trùng vào buồng tử cung không?” Tiếp lời hỏi han rụt rè của bệnh nhân, y tá cũng niềm nở trả lời: “Để em viết giấy chị đăng ký khám, tư vấn và chẩn đoán hiếm muộn. Theo đó chị sẽ được tiến hành các dịch vụ cần thiết cũng như được bác sĩ tư vấn, chẩn đoán về hiếm muộn hay vô sinh.”


Bệnh nhân "ăn chờ nằm trực" để làm xét nghiệm thụ tinh ống nghiệm; Ảnh: Bee

Thấy chị Liên hỏi vậy, một phụ nữ khoảng 28 tuổi tên Lan đang đợi khám kế bên tỏ vẻ sành sỏi trong việc lựa chọn các dịch vụ khám và tư vấn hiếm muộn. Chị nói rằng mới đi khám hiếm muộn lần đầu tiên ắt sẽ bị hoa mắt chóng mặt vì thấy có quá nhiều xét nghiệm cần phải làm. Đôi khi người bệnh không biết bị mất tiền oan là vì lẽ đó. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm đi khám hiếm muộn hơn 1 năm nay của chị thì đi khám hiếm muộn quan trọng nhất là phải tiến hành các xét nghiện như: xét nghiệm liên quan đến vô sinh, xét nghiệm nội tiết hoạt động của buồng trứng, siêu âm buồng trứng… Ngược lại nếu là các quý ông thì cần phải khám, tư vấn và chẩn đoán vô sinh nam bằng các xét nghiệm như: tinh dịch đồ, kiểm tra tinh trùng trong dịch hay hút từ mào tinh và tinh hoàn, trữ lạnh tinh trùng, lọc rửa tinh trùng để chuẩn bị bơm tinh trùng vào buồng tử cung…Sau đó, tùy theo các kết quả xét nghiệm, siêu âm hay kiểm tra với từng bệnh nhân cụ thể mà bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn và quyết định áp dụng các biện pháp điều trị vô sinh hoặc hiếm muộn cho mỗi cặp vợ chồng.
 
Chị Lan cũng cho hay: "Nói chung, đi khám hiếm muộn, nếu không biết nên bắt đầu từ đâu, chị em nên chọn những bệnh viện hoặc các phòng khám có uy tín. Tuy khám ở những nơi này đắt đỏ và mất thời gian hơn các nơi khác nhưng bệnh nhân sẽ được tư vấn khám và xét nghiệm đúng với bệnh của mình, không phải hoa mắt với một loạt dịch vụ không cần thiết".
 
Chữa hiếm muộn – Trăm đường tốn kém
 
Khi đã đến các phòng khám hiếm muộn, chị em đều phải xác định trước tư tưởng: chữa hiếm muộn vô cùng tốn kém. Chưa kể nhiều trường hợp chữa hiếm muộn tốn cả một gia tài.
 
Như chị Quyên, 32 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng đã từng phải khổ sở khi điều trị hiếm muộn. Vợ chồng chị đã mất hẳn cả một gia tài hơn 200 triệu mới có được một em bé kháu khỉnh. Còn nhớ 2 năm trước đây cũng vào thời điểm này, chị và chồng chị còn đang khổ sở, long đong vì đường con cái. Chẳng là sau khi lấy nhau hơn 2 năm, vợ chồng chị vẫn không có tin vui dù không kế hoạch gì. Không thể chờ đợi lâu hơn nữa, chị đi khám thì được các bác sĩ đông y kết luận chậm có bầu là do thận yếu và lạnh tử cung. Tử cung lạnh nên khi tinh trùng của chồng vào sẽ bị trôi ra hết, không lưu lại được để thụ tinh. Nếu bị bệnh này, ngay cả khi có thai tự nhiên cũng rất dễ bị thai lưu.


Nhiều vợ chồng đã phải bỏ ra cả một gia tài để mong có con.

Nhớ lại những ngày điều trị hiếm muộn, chị Quyên vẫn hãi hùng: "Lần đó chị phải uống hơn 30 thang thuốc bắc (mỗi thang 250 ngàn đồng) mới có bầu, thế mà sau đó vẫn bị sẩy. Theo lời khuyên của một bác sĩ Đông y tốt bụng, chị và chồng chị đã lặn lội sang tận Trung Quốc để được điều trị. Cuối cùng vợ chồng chị cũng có tin vui và em bé ra đời khỏe mạnh. Tính ra tổng chi phí điều trị hiếm muộn vợ chồng chị bỏ ra cũng gần 200 triệu đồng”.
 
Với những trường hợp như chị Quyên, dù vất vả nhưng cũng còn có điều kiện kinh tế dư dả để chữa trị. Ngược lại, một số chị em hoàn cảnh kinh tế đã eo hẹp lại phải phải cố gắng "giật đông giật tây" để điều trị hiếm muộn. Có khi cạn túi mà vẫn chưa có tin vui.
 
Khi được hỏi về chi phí những lần khám hiếm muộn tại các phòng khám và bệnh viện mà chị Nguyễn Thị Bắc (Thanh Xuân, Hà Nội) đã theo gần 1 năm qua, bỗng nhiên mặt chị nặng và buồn như đeo đá. Lý do là bởi vợ chồng chị đều làm công nhân nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em, lương lậu kiếm được cũng chả là bao. Trong khi đó, vợ chồng chị còn phải trang trải tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt, giờ lại cả tiền chữa hiếm muộn nữa. Chồng chị bị tinh trùng yếu nên chị phải bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI). Mỗi lần bơm là mỗi lần vợ chồng chị lo lắng, hồi hộp vì nếu không thành công là mất toi khoản tiền 3-4 triệu đồng. Trong khi một số cặp vợ chồng khác chỉ bơm một lần là được thì vợ chồng chị không hiểu sao đã bơm đến lần thứ 3 rồi vẫn chưa thụ thai. Hiện các bác sĩ đang khuyên vợ chồng chị nên chuyển sang biện pháp thụ tinh ống nghiệm. "Vợ chồng em chưa rõ lắm về phương pháp thụ tinh ống nghiệm, chỉ nghe nói chi phí mỗi lần thụ tinh rất cao, ngót nghét vài chục triệu đồng. Hiện tại kinh tế chúng em eo hẹp quá nên đành ngậm ngùi về thử chữa hiếm muộn bằng thuốc nam xem sao vậy".
 
Cùng hoàn cảnh với những phụ nữ chữa hiếm muộn, chị Giang ở Hà Cầu, Hà Đông cho rằng chi phí của phương pháp IUI còn rẻ chán. Như trường hợp của chị, bị rối loạn phóng noãn nên chị phải chọn biện pháp tiêm kích thích buồng trứng để lấy trứng. Mỗi lần tiêm thuốc kích thích buồng trứng để lấy trứng, chị vẫn phát hoảng vì chi phí trung bình khoảng 15-20 triệu đồng. Và tổng chi phí cho một lần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) của chị thường giao động từ 45 đến 50 triệu đồng. "Biết 2 vợ chồng khó khăn về đường con cái, nên họ hàng hai bên nội ngoại cũng giúp đỡ cho vay tiền để vợ chồng chị đi chữa hiếm muộn rồi. Đây là lần thứ tư thụ tinh ống nghiệm. Số tiền bỏ ra cũng hơn 150 triệu đồng rồi mà kết quả vẫn chưa mấy khả quan. Nhiều khi chị nản muốn bỏ cuộc quá, nhưng rồi lại cố".


Nhiều cặp vợ chồng đã phải bỏ cuộc vì cạn tiền
 hoặc tìm đến cách chữa hiếm muộn bằng thuốc nam, thuốc bắc.

Những y tá ở phòng khám vô sinh và hiếm muộn Hương (Vạn Bảo, HN) vẫn thường nhắc tới trường hợp chị Phạm Thị Vân ở Hà Nội. Sau khi chạy ngược chạy xuôi chữa thuốc bắc, thuốc nam, thuốc tây, vợ chồng chị tới phòng khám để thụ tinh ống nghiệm. Nhưng đến lần thứ 5 mà vẫn chưa thành công, niềm vui làm mẹ vẫn không đến với chị.
 
Bao nhiêu tiền của gia đình chị cứ lần lượt đội nón ra đi theo mỗi lần thụ tinh trong ống nghiệm. Kinh tế gia đình chị bắt đầu lâm vào túng quẫn. Vừa cố gắng làm thêm, người phụ nữ 28 tuổi vừa dành dụm tiền cho lần thụ tinh ống nghiệm thứ 6. Và lần thứ 6 này, ông trời đã không phụ lòng người. Anh chị đón nhận tin vui trong niềm sung sướng tột cùng. Đây quả là một sự may mắn đối với vợ chồng chị Vân, bởi không phải người phụ nữ nào cũng có được kết quả khả quan như chị trong hành trình chữa hiếm muộn
Chia sẻ