Câu chuyện về những tờ tiền lẻ lót đáy tã của trẻ sơ sinh
Phía dưới chiếc tã thường là số tiền 20 – 30 – 50 ngàn đồng mà các sản phụ hoặc người nhà “bồi dưỡng” các điều dưỡng, y tá mỗi khi họ tắm cho con mình. Liệu rằng có bao giờ các điều dưỡng viên, y tá “vô tình nhặt được tiền” mà trả lại cho người nhà các bé như lời một GĐ bệnh viện đã từng nói?
Tiền lẻ dưới tã trẻ sơ sinh: Luật bất thành văn
Câu chuyện chiếc tã và những đồng tiền dường như đã trở thành “luật bất thành văn” với mỗi sản phụ khi đi sinh tại nhiều bệnh viện. Chiếc tã không có tội và tất nhiên những đồng tiền kia cũng chẳng hề có lỗi. Đơn giản vì người nhà sản phụ, cha mẹ các bé một phần muốn cảm ơn các điều dưỡng, y tá chăm sóc những sinh linh bé bỏng của mình, mặt khác cũng là để bớt nỗi lo con cháu mình sẽ bị đau, bị sợ hãi...
Đây là chuyện quá bình thường đối với mỗi người khi sinh đẻ bởi những đồng tiền bên dưới chiếc tã kia không mang mệnh giá quá lớn để họ phải bận tâm.
Cho tiền vào tã là chuyện quá đỗi bình thường đối với mỗi người khi sinh nở - (Ảnhh minh họa).
Thế nhưng, sau vụ điều dưỡng làm rơi 5 cháu bé tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nhiều người lại cho rằng, những đồng tiền lẻ trên giá trị hơn chúng ta vẫn nghĩ...
Sự việc đã qua, và rất may mắn 5 cháu bé đã tạm thời ổn định nhưng nhiều người, đặc biệt là những sản phụ sắp vượt cạn càng tin vào sự đúng đắn của thông tin mà bấy lâu họ vẫn rỉ tai nhau: Phải chuẩn bị tiền lẻ khi đi sinh bởi không ai nói ra nhưng tất cả đều hiểu rằng, đó là luật lệ.
Trao đổi với chúng tôi, một người nhà trong 5 gia đình các bé bị ngã tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: “Lần nào chuẩn bị cho các bé tắm, gia đình tôi cùng nhiều gia đình khác đều nhét 20 – 30 – 50 ngàn đồng vào tã cho các nhân viên của bệnh viện”.
Thế nhưng, GĐ bệnh viện lại trả lời rằng: “Điều dưỡng Vân Anh không bao giờ nhận tiền, nếu thấy sẽ trả lại cho người nhà”.
Nhưng khi hỏi cả 5 gia đình trên có bao giờ các y tá, điều dưỡng trả lại tiền hay không thì câu trả lời lại là KHÔNG!
Điều mà gia đình các sản phụ mong muốn nhất là các y tá, điều dưỡng chăm sóc con mình một cách chu đáo - (Ảnh minh họa).
Nhớ lại ngày sinh bé Kẹo cách đây gần 1 năm, chị Đoàn Mai (Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội) khi đi vượt cạn tại bệnh viện X lại cho biết: “Vì sinh đứa đầu tiên nên chẳng biết luật lệ gì cả, đến khi người nhà nói nhét tiền vào trong tã tôi mới biết. Thậm chí khi nhét vào trong sợ y tá, điều dưỡng tắm cho bé không thấy tiền thì các mẹ khác nói: chỉ cần nhìn tã họ đã biết trong đó có tiền hay không”.
Chị Đoàn Mai và bé Kẹo.
Chị Đoàn Mai và bé Kẹo.
Còn mẹ của bé Chuối (Hoa Bằng, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Thực ra chuyện này là bình thường, cả 2 lần tôi sinh, khi các y tá, điều dưỡng tắm cho bé, gia đình tôi đều chuẩn bị chu đáo bỏ tiền vào trong tã với mong muốn họ tắm cẩn thận cho con mình hơn”.
Không chỉ ở Hà Nội mà tại các tỉnh lẻ, việc chuẩn bị tiền lẻ gần như là điều bắt buộc, chị Mai Phương (TP. Thanh Hóa) cho biết: “Vài chục ngàn đồng có to tát gì đâu, chuyện đó là bình thường mà.”.
Và những đồng tiền... phá lệ
Thực tế, những đồng tiền lót dưới tã này vẫn được các y tá, điều dưỡng trả lại nhưng liệu rằng đó có phải chỉ là những trường hợp cá biệt?
Chị H.Quỳnh (KĐT Linh Đàm) cho hay: “Hồi mình sinh bé tại bệnh viện 103, khi y tá đến đón bé đi tắm, mình đã để sẵn tờ 50 nghìn đồng vào túi ủ của con, nhưng y tá phát hiện ra và nhất quyết trả lại. Phải chăng đây là viện của Quân đội nên không nguyên tắc và giữ kỷ cương tốt”?!
Còn chị Vũ Thùy Dương (Thanh Xuân, Hà Nội) kể rằng: “Ngày mình sinh, gia đình muốn các y bác sĩ phục vụ chu đáo hơn nên đã chọn hình thức dịch vụ. Nói chung, khi mình chọn sinh nở dịch vụ thì tất cả đều làm mình hài lòng, kể cả trước khi đưa cháu đi tắm, mình có nhét tiền vào tã thì y tá cũng trả lại. Hơn nữa, mỗi lần tắm cho cháu, người nhà phải đưa sữa tắm do gia đình mua mới thấy yên tâm”.
Dù gì thì người nhà sản phụ vẫn bảo nhau rằng: Nên chuẩn bị tiền lẻ khi di sinh nở! - (Ảnh minh họa)
Trường hợp của chị Trần Hà (Công ty Điện Lực Thái Nguyên) cho biết: “Ngày sinh bé Bảo Ngọc, khi y tá đưa cháu bé đi tắm thì bà đi theo nhưng bà lại chẳng hề đưa tiền hay nhét tiền vào tã gì cả. Nói chung ở đây (BV phụ sản Thái Nguyên – PV) họ không quan trọng tiền nong lắm”.
Chị Trần Hà chia sẻ câu chuyện khi chị vượt cạn tại bệnh viện tỉnh.
Chị Trần Hà chia sẻ câu chuyện khi chị vượt cạn tại bệnh viện tỉnh.
Với chị Lan Chinh (TP. Thanh Hóa) lại có người nhà quen với GĐ bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa nên chuyện sinh đẻ được các y bác sĩ chăm sóc một cách nhiệt tình, chị nói: “Khả năng do mình là người nhà nên được phục vụ khá chu đáo, kể cả khi tiêm hoặc tắm cho cháu, gia đình cũng không phải nhét tiền vào túi hoặc vào tã”. Thế nhưng chị Lan Chinh cũng công nhận, "những gia đình khác đi sinh vẫn phải nhét tiền lẻ vào tã các cháu như thường”.