Đối phó với khủng hoảng trộm cắp tràn lan, cửa hàng bán lẻ Mỹ khóa mọi sản phẩm
Trước vấn nạn trộm cắp không thể kiểm soát tại cửa hàng bán lẻ, chủ cửa hàng phải tìm đủ mọi cách để chống trộm, bao gồm việc khóa hàng hóa lại và chỉ lấy ra khi khách yêu cầu.
Cuộc khủng hoảng trộm cắp trên khắp nước Mỹ đã trở nên tồi tệ đến mức những người mua hàng bình thường cũng phải vật lộn để mua sắm đồ dùng thiết yếu - những thứ giờ đây bị cất giấu đằng sau chiếc ổ khóa nặng nề.
Những hộp thịt ăn liền Spam bình dân trị giá 3,99 USD (khoảng 94.000 VNĐ) đã được bảo vệ trong các hộp nhựa chống trộm từ năm ngoái, và giờ đây, ngay cả hộp cá ngừ có giá chỉ bằng một nửa cũng được "đối xử" tương tự tại chuỗi các cửa hàng tạp hóa.
Theo New York Post, tại một số cửa hàng ở New York (Mỹ), một loạt các mặt hàng giá rẻ như nước rửa chén Dawn (2,19 USD tương đương 51.000 VNĐ), son dưỡng môi Vaseline (2,79 USD tương đương 65.000 VNĐ), bàn chải đánh răng trẻ em (3,99 USD tương đương 93.000 VNĐ)... đều được khóa kỹ càng trong tủ và nhân viên chỉ đến lấy ra khi khách hàng bấm chuông yêu cầu.
"Tôi sẽ phải đến bấm chuông để lấy thứ tôi cần. Nó hoàn toàn khiến tôi khó chịu", Karen Brown (62 tuổi), cảm thấy bực tức khi phải cố gắng gọi và đợi nhân viên đến giúp đỡ lấy hàng.
Cùng quan điểm với Brown, Kay O'Neil (37 tuổi, đến từ Brooklyn) nhấn mạnh rằng việc mua sắm tại một số cửa hàng giờ đây chẳng khác gì một mớ rắc rối, với ngày càng nhiều sản phẩm được đặt bên trong các chiếc hộp chống trộm.
O'Neil cho biết: "Đó là cả một cuộc chiến, nó khiến cho ngày của bạn trở nên dài hơn. Nếu bạn chọn cái này để xem nhưng lại muốn lấy một cái khác, bạn phải gọi họ hai lần". Cửa hàng tiện lợi dường như nên đổi tên thành cửa hàng bất tiện.
Theo một cuộc khảo sát trên 5.000 người mua sắm trên toàn quốc của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia, khoảng 75% người tiêu dùng nói rằng họ không muốn mua sắm tại các cửa hàng nơi sản phẩm được cất kỹ trong hộp chống trộm.
Một cửa hàng Walgreens ở thành phố Chicago đầy rẫy tội phạm đã triển khai cách bố trí mới trong tuần này. Cụ thể, họ đã khóa tất cả các cửa chỉ trừ hai lối đi dành cho người mua sắm để trấn áp nạn trộm cắp tràn lan.
Việc này diễn ra khi các nhà bán lẻ trên toàn quốc đang tiếp tục chiến đấu với hàng loạt vụ trộm cắp, cướp giật, khiến các chuỗi cửa hàng ở thành phố lớn phải đóng cửa. Tại New York, số lượng các vụ trộm đã tăng 77% trong vòng 5 năm qua.
Từ đầu năm đến nay, số lượng các vụ trộm chỉ giảm nhẹ mặc dù ngày càng có nhiều cảnh sát hơn tham gia vào chiến dịch chống trộm cắp tại cửa hàng bán lẻ. Dữ liệu cho thấy có tổng 13.738 vụ trộm tại cửa hàng bán lẻ được báo cáo cho đến cuối tháng 3 năm nay, giảm nhẹ so với con số 14.790 cùng kỳ năm trước.
Theo cuộc khảo sát của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia, một nửa số người được hỏi cho rằng cảnh sát và tòa án đang quá khoan dung với những kẻ trộm cắp. "Vấn nạn trộm cắp sẽ không dừng lại vì nền kinh tế đang đi xuống. Hậu quả của việc ăn cắp không nghiêm trọng, khi bị bắt, chính quyền chỉ phạt họ bằng giấy phạt và cho về nhà", Brown cho biết.
Emily Milbouer, một nhân viên trường học đã nghỉ hưu, cho rằng việc số vụ trộm cắp bị bắt giữ giảm trong quý đầu tiên của năm nay là nguyên nhân khiến ngày càng nhiều hàng hoá bị khoá lại. Thay vì tìm cách "cất giấu" các món đồ, Milbouer cho rằng chính quyền nên bắt giữ hết kẻ trộm cắp.
New York không phải thành phố lớn duy nhất vật lộn với nạn trộm cắp tràn lan. San Francisco đã trở thành thánh địa của tội phạm có tổ chức trong những năm gần đây, sau khi tiểu bang này quy định việc đánh cắp những món đồ trị giá dưới 950 USD là tội nhẹ.
Các nhân viên tại một cửa hàng Target ở trung tâm thành phố San Francisco tiết lộ vào tháng trước rằng cửa hàng của họ đã bị tấn công bởi ít nhất 10 vụ trộm cắp mỗi ngày. "Gã khổng lồ bán lẻ" này dự kiến sẽ chịu khoản thiệt hại lên đến 1,3 tỷ USD vì nạn "trộm cắp và tội phạm có tổ chức".