Độc lạ “xổ số” nghĩa vụ quân sự Thái Lan: Phụ nữ chuyển giới tích cực góp mặt, mong thành người nổi tiếng
Hoạt động tuyển quân theo kiểu “quay xổ số” của Thái Lan là chủ đề nóng trên các mặt báo thời gian gần đây vì trở thành sân khấu cho những phụ nữ chuyển giới muốn thu hút sự chú ý.
Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 15/4 đưa tin, luật nghĩa vụ quân sự của Thái Lan yêu cầu tất cả công dân nam phải phục vụ trong lực lượng quốc phòng. Khi bước sang tuổi 21, họ phải tham gia “xổ số” nghĩa vụ quân sự.
Mỗi người tham gia sẽ được rút thăm để nhận một phong bì có chứa thẻ màu đỏ hoặc đen. Thẻ đỏ có nghĩa là họ sẽ phải nhập ngũ, thường là trong thời gian 2 năm; còn nếu nhận được thẻ đen có nghĩa là họ được miễn nghĩa vụ quân sự. Và khoảnh khắc quan trọng này thường pha trộn giữa niềm vui và nỗi lo.
Hoạt động tuyển quân theo kiểu “quay xổ số” năm nay của Thái Lan bắt đầu vào ngày 1/4, thậm chí còn chứng kiến một cá nhân ngậm bùa hộ mệnh trong miệng khi rút thăm, với hy vọng tránh được lệnh gọi nhập ngũ.

Một nam thanh niên Thái Lan cầu nguyện khi tham gia “xổ số” nghĩa vụ quân sự. Ảnh: Weixin
Tuy nhiên, theo SCMP, sự kiện này cũng đã trở thành sân khấu cho những phụ nữ chuyển giới - những người phải nộp các giấy tờ pháp lý để được miễn nghĩa vụ quân sự - và do đó, họ coi đây là cơ hội để thu hút sự chú ý của công chúng đối với bản thân.
Vào ngày đầu tiên của mùa tuyển quân năm 2025 được tổ chức tại trụ sở quận Nong Kha Yang ở tỉnh Uthai Thani, phía bắc Thái Lan, Arit Kannika, 23 tuổi, sinh viên năm cuối ngành nghệ thuật truyền thông đến từ tỉnh Nakhon Sawan, đã tham gia hoạt động tuyển quân lần thứ ba.
Do có đủ các giấy tờ theo quy định, cô có khả năng được miễn nghĩa vụ quân sự.
“Hai năm trước, tôi đã trì hoãn vì không có thời gian để khám sức khỏe. Nhưng năm nay, tôi đã đến Bệnh viện Phramongkutklao, hoàn thành cuộc kiểm tra và nhận được giấy chứng nhận giới tính của mình”, Arit nói với hãng tin The Thaiger (Thái Lan).
Ở Thái Lan, tất cả những công dân được xác định là nam giới khi sinh ra đều phải tham gia nghĩa vụ quân sự khi đủ 21 tuổi.
Tuy nhiên, phụ nữ chuyển giới có thể được miễn nghĩa vụ quân sự, thường được phân loại là "không đủ điều kiện sức khỏe để phục vụ" nếu họ cung cấp giấy tờ y tế chứng minh rằng giới tính hiện tại của họ không khớp với giới tính được xác định khi sinh ra.
Điều này đã trở thành cơ hội để một số phụ nữ chuyển giới thu hút người theo dõi trực tuyến và sự chú ý của giới truyền thông, vì chỉ cần xuất hiện tại nơi tuyển quân cũng có thể khiến những phụ nữ chuyển giới này trở nên nổi tiếng.

Những phụ nữ chuyển giới nổi tiếng của Thái Lan như Kantong Passarapon - thường được gọi là "Pei Pay Angels" (trái) và Parida Kerayuphan (phải) - đã trở thành tâm điểm chú ý khi họ xuất hiện tại địa điểm tuyển quân vào năm ngoái. Ảnh: Instagram
Kantong Passarapon, một phụ nữ chuyển giới 22 tuổi, đã trở nên nổi tiếng nhờ tham gia hoạt động tuyển quân năm ngoái. Cô được cho là đã tham gia khoảng 100 cuộc thi sắc đẹp, giành được một số danh hiệu và được mệnh danh là "Thiên thần Vịnh Thái Lan".
Còn Parida Kerayuphan, 22 tuổi, sinh viên và đại sứ trường tại Đại học Sripatum ở Bangkok, đã thấy lượng người theo dõi trên mạng xã hội tăng vọt sau khi cô xuất hiện trong hoạt động tuyển quân năm ngoái. Cô hiện có 150.000 người theo dõi.
Theo SMCP, trong khi nhiều cư dân mạng Thái Lan tin rằng hoạt động tuyển quân của nước này đang trở thành một cuộc thi sắc đẹp, thì sự thay đổi này cũng đã làm dấy lên một cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc.
Một cư dân mạng Trung Quốc cho biết: "Ngày tuyển quân của Thái Lan thực sự đã trở thành một cuộc thi sắc đẹp. Đất nước này không bao giờ ngừng làm chúng tôi ngạc nhiên."
"Vậy nếu một phụ nữ chuyển giới rút phải thẻ màu đỏ, họ sẽ ở trong ký túc xá nam hay nữ?" một người khác đặt câu hỏi.