Doanh nghiệp kêu lỗ hơn... 1.000đ mỗi lít xăng
Các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu đều than lỗ, mức lỗ bình quân tới khoảng 1.000đ/lít xăng dầu các loại.
Giá xăng dầu thế giới tăng mạnh gây tác động mạnh đến giá tính toán cơ sở trong nước. Các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu đều than lỗ, mức lỗ bình quân tới khoảng 1.000đ/lít xăng dầu các loại.
Trong khi đó, để đảm bảo chỉ số lạm phát không tăng đột biến trong tháng 2, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn yêu cầu DN tiếp tục theo dõi biến động giá thêm một thời gian nữa.
Lỗ nặng!
Theo bảng điện tử của Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) ngày 28.2, giá sản phẩm xăng dầu trên thị trường Singapore vẫn đứng ở mức cao. Cụ thể, dầu hỏa 136,63USD/thùng; DO 0,05S 137,45USD/thùng; DO 0,25S 136,87USD/thùng; dầu madút (FO) 741,71USD/tấn; xăng A92 132,78USD/thùng. Như vậy, tính trong vòng 30 ngày trở lại đây, mức giá xăng dầu thế giới vẫn theo xu hướng tăng mạnh, vượt ngưỡng 100USD/thùng trong thời gian dài. Đến thời điểm này, hầu hết các mặt hàng xăng dầu đều đã vượt mức giá cơ sở theo biểu tính toán của NĐ 84.
GĐ một DN xăng dầu đầu mối cho biết: Giá cơ sở bình quân các loại xăng dầu đã tăng hơn so với giá bán hiện hành gần 1.000đ/lít. Cụ thể, lấy giá của ngày 25.2, xăng A92 là 132,9USD/thùng, cộng chi phí vận chuyển về đến VN đã xấp xỉ 136USD/thùng; cộng các khoản thuế TTĐB 10%, thuế VAT 10%, chi phí bán hàng 600đ/lít, mức trích quỹ bình ổn giá 300đ/lít, phí xăng dầu 1.000đ/lít, lợi nhuận định mức 300đ/lít thì giá cơ sở đã là 23.700đ/lít. Chênh lệch với giá bán hiện hành (xăng A92: 20.800đ/lít), 2.900đ/lít, trừ đi mức xả quỹ bình ổn 1.400đ/lít với mặt hàng xăng, thì DN đầu mối còn lỗ 1.500đ/lít. Nếu không tính lợi nhuận định mức mà DN được hưởng để duy trì sản xuất thì mức lỗ khoảng 1.200đ/lít xăng.
Tương tự, với mặt hàng dầu DO 0,25S giá NK là 137,28USD/thùng, cộng các khoản chi phí, phí xăng dầu, thuế NK, trích quỹ bình ổn giá... thì giá cơ sở là 22.400đ/lít, chênh lệch với mức giá hiện hành (20.350đ/lít), mức lỗ gần 800đ/lít. Dầu madút giá NK 750,45USD/tấn, giá cơ sở là 19.690đ/lít, lỗ 1.200đ/lít...
GĐ Cty dầu khí TPHCM (Saigon Petro) - ông Đặng Vinh Sang - cũng không ngần ngại chia sẻ về mức lỗ bình quân lên tới gần 2.000đ/lít xăng; 1.600đ/lít dầu của đơn vị mình. Ông khẳng định, nếu còn phải cầm cự thêm một thời gian nữa, không chỉ các DN đầu mối khó khăn, càng bán càng lỗ mà nhiều đại lý xăng dầu cũng bỏ cuộc vì DN đầu mối không thể có lợi nhuận để trả hoa hồng cho họ.
Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang kêu lỗ nặng với giá bán
hiện tại do giá xăng dầu thế giới tăng cao. (Ảnh minh hoạ)
Tiếp tục theo dõi thị trường
Trong lúc này, các cơ quan quản lý nhà nước đều tỏ ra lúng túng trong việc điều hành giá xăng dầu. Nếu chiểu theo Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu thì theo dõi biến động của giá xăng dầu thế giới bình quân trong 30 ngày, nếu các yếu tố cấu thành biến động làm tăng giá cơ sở trong phạm vi 7-12% DN được quyền điều chỉnh tăng giá, sau khi gửi quyết định và phương án giá đến liên bộ Tài chính - Công Thương.
Các DN cho biết, động thái gần nhất để “cứu” thị trường xăng dầu khỏi tác động tăng giá là Bộ Tài chính vừa có quyết định giảm thuế về 0% với mặt hàng xăng và giảm thuế NK đối với mặt hàng dầu; đồng thời tăng mức trích quỹ bình ổn giá. Tuy nhiên, ngay cả với các động thái này thì như tính toán, các mặt hàng vẫn đang lỗ lớn. Trong khi đó, nhiều nhận định giá xăng dầu thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nguồn cung vẫn căng thẳng tới hết quý I/2012 . Do vậy, khả năng tăng giá là việc cần được các cơ quan quản lý cân nhắc, tính toán để giảm bớt gánh nặng cho DN đầu mối.
Theo Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ trong cuộc họp tiết giảm chi phí của một tập đoàn kinh tế mới đây thừa nhận, không gian điều hành chính sách và dư địa phấn đấu của DN để đưa mức lạm phát về 1 con số khá khó khăn. Với mặt hàng xăng dầu, bộ cho biết, về lâu dài sẽ vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cần có bước đi thích hợp, vừa giảm bớt khó khăn cho DN, vừa không tạo áp lực lên lạm phát.